multi-media / Megastory

Phá thế gọng kìm

TH true MILK

Giải mã thành công bài toán hiệu quả kinh tế của việc chăn nuôi bò sữa, TH true MILK nhảy vọt lên vị trí số một về thị phần sữa tươi Việt Nam, phá thế gọng kìm thiết lập nhiều năm của hai tên tuổi đứng đầu.

Năm 2009, khi bà Thái Hương, chủ tịch Ngân hàng Bắc Á, thông qua Công ty TH true MILK, công bố đầu tư dự án trang trại bò sữa 1,2 tỉ đô la Mỹ tại vùng đất nắng gió Phủ Quỳ, Nghệ An – nơi khí hậu hoàn toàn không thuận lợi với nghề chăn nuôi bò sữa, nhiều người hoài nghi. 11 năm sau, dự án của TH true MILK đã trở thành cụm trang trại tập trung có quy trình khép kín quy mô lớn nhất thế giới theo Tổ chức Kỷ lục châu Á, mà ông Đặng Kim Sơn, nguyên viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thốt lên trong một lần ghé thăm: “Đây là cuộc cách mạng trong ngành chăn nuôi và chế biến bò sữa Việt Nam.”

Dự án của TH true MILK kích hoạt quá trình chuyển đổi mô hình chăn nuôi bò sữa từ phân tán, nhỏ lẻ sang quy mô lớn và tập trung, đồng thời ứng dụng kỹ thuật số để xây dựng quy trình sản xuất khép kín. Nhờ giải được bài toán hiệu quả kinh tế của việc chăn nuôi quy mô lớn, TH true MILK đưa năng suất bò sữa lên mức cao nhất Việt Nam (35 lít/con/ngày) và ngang ngửa các nước tiên tiến trên thế giới, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Đồng thời, lợi thế nguyên liệu đã giúp công ty vươn mình lọt vào tốp ba nhà sản xuất sữa nước lớn nhất Việt Nam bên cạnh Vinamilk và Friesland Campina, trong đó ở mảng sữa tươi, TH true MILK thống lĩnh 45% thị phần, theo công ty.

Dây chuyền sản xuất tại nhà máy TH true MILK

Trước khi TH true MILK khởi động dự án trang trại chăn nuôi bò sữa quy mô lớn, cách đây 16 năm, chăn nuôi bò sữa tại Việt Nam được xem là chương trình xóa đói giảm nghèo, với việc nhập và phân phối bò sữa thường được ưu tiên cho các hộ nghèo và gia đình chính sách. Tuy nhiên, bức tranh về ngành này đã hoàn toàn thay đổi. Chăn nuôi bò sữa hiện là “sân chơi” của những cái tên nổi trội về tài chính và công nghệ như Vinamilk, Friesland Campina, TH true MILK, Nutifood…

Trong báo cáo ngành sữa năm 2010 của Công ty chứng khoán Viet Cap, thị trường sữa từng là một thị trường “tập trung” và “đã được định hình” với Vinamilk và Friesland Campina Việt Nam chiếm đến 64% thị phần. Bất chấp nỗ lực của nhiều doanh nghiệp thâm nhập vào các phân khúc sữa uống, không công ty nào có thị phần từ 5% trở lên, theo Viet Cap.

“Kẻ phá bĩnh” vẽ lại trật tự ngành sữa mang tên TH true MILK khi họ hiện thực hóa tham vọng “phát triển trí tuệ và chiều cao cho trẻ em Việt Nam” vào năm 2009. Theo lời của ông Ngô Minh Hải, chủ tịch hội đồng quản trị của TH true MILK, nhà sáng lập công ty là bà Thái Hương, vốn là một bà mẹ, hướng đến ngành sữa vì muốn thực hiện khát vọng “vì tầm vóc Việt”, phát triển trí tuệ và thể chất cho trẻ em Việt Nam. Tuy nhiên, nếu làm theo tập quán chăn nuôi cũ, nhỏ lẻ sẽ cho hiệu quả kinh tế thấp bởi bò sữa thường phù hợp ở vùng cao, khí hậu ôn đới, mát mẻ; trong khi Việt Nam là đất nước nhiệt đới, không thuận lợi cho chăn nuôi bò sữa.

 “Để có kết quả khác biệt, bạn phải làm những điều khác biệt”, câu nói nổi tiếng của Tony Robbins có vẻ ứng với trường hợp của TH true MILK. “Chúng tôi đưa ra chiến lược ngay từ đầu là ứng dụng công nghệ cao cho toàn chuỗi sản xuất,” ông Hải kể lại mục đích họ dùng công nghệ như một giải pháp để khắc chế sự thiệt thòi đến từ thiên nhiên. Ngoài ra, công ty chọn lựa công nghệ chăn nuôi bò sữa của Israel, cũng là quốc gia không thuận lợi cho nuôi bò sữa, tương tự như Việt Nam. Điều đặc biệt, những ngày đầu, TH true MILK không chỉ mời chuyên gia Israel sang vận hành công nghệ mà còn thuê cả nông dân của nước này sang làm việc, rồi từ từ chuyển giao lại cho người Việt.

“Điều đó đã được đánh giá là một cuộc cách mạng trong chăn nuôi bò sữa,” ông Hải nhớ lại. Hơn 15 năm trước, khi khái niệm chuyển đổi số hay ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp còn khá mới ở Việt Nam, thì tại TH true MILK, chỉ bằng các con chip gắn vào chân hoặc cổ các cá thể bò, cùng với hệ thống phần mềm, TH true MILK có thể quản lý gần như toàn bộ hoạt động của gần 70 ngàn con bò với rất ít nhân sự.

Hệ thống cụm trang trại của TH true MILK tại Nghệ An

Dưới các mái che tản nhiệt rộng lớn kèm hệ  thống thông gió, hình ảnh thường thấy ở trang trại Phủ Quỳ là các “em bò” thong dong đi đứng hoặc nghỉ ngơi. Các cụm chuồng trại cao ráo này tạo cảm giác như chúng đang ở giữa thiên nhiên đồng thời giúp chúng tránh được những ngày thời tiết miền Trung khắc nghiệt.

Một ngày ba ca, các “em bò” sẽ lần lượt được tắm mát, quạt khô bằng hệ thống tự động rồi đủng đỉnh đi đến nơi để được vắt sữa. Nhờ chip đeo chân hoặc cổ, các “em bò” được nhận diện cùng với sản lượng sữa được vắt, sau đó, toàn bộ dữ liệu được chuyển về trung tâm phân tích. Tại đây, các nhân viên công ty nhìn vào các biểu đồ đầy màu sắc dữ liệu hóa từ các hoạt động di chuyển, nằm, nghỉ cho đến lượng sữa của các “em bò” để theo dõi và phát hiện những điều bất thường cần can thiệp sớm.

Đơn cử, thông qua thuật toán, hệ thống cho ra biểu đồ động dục của con bò. Ví dụ, nếu một “em bò” nào đó bước đi nhiều so với thông thường, nghĩa là “em bò” này đang trong quá trình động dục. Thời gian chu kỳ động dục của bò từ 20–21 ngày, trong đó “thời gian vàng” để phối giống từ 4–8 tiếng. Như vậy, các nhân viên của TH true MILK có thể dựa vào “thời gian vàng” để phối giống bò đạt hiệu quả thành công cao.

Ngược lại, nếu “em bò” có số lượng bước đi ít hơn thông thường, nghĩa là nó có thể ốm và sẽ được các bác sĩ thú y thăm khám, kiểm tra tình trạng sức khỏe. Trước đây, công việc vất vả trên thường do các công nhân theo dõi và phát hiện, dễ sai sót. Còn hiện nay, việc này được thực hiện bởi các “con mắt thần” gắn trên các trang trại và khu vắt sữa.

Sau khi vắt sữa xong, các “em bò” thong thả về chuồng trong âm nhạc để được cho ăn. Mỗi ngày, trung tâm thức ăn của TH true MILK chuẩn bị hàng ngàn tấn thức ăn cho “đội quân” hùng hậu này. Đồng thời, thức ăn phải kiểm soát được chất lượng nhằm loại trừ các mầm bệnh, mang đến dinh dưỡng tốt nhất. “Chúng tôi áp dụng rất chặt chẽ các khẩu phần dinh dưỡng cho từng nhóm đàn bò, đảm bảo đủ dinh dưỡng cho mỗi lứa tuổi,” ông Hải kể.

Để có sữa bò tốt, một yếu tố tiên quyết là phải có đủ loại cỏ tốt. Năm 2009, TH true MILK khởi nguồn cho việc nhập và thâm canh cỏ mombasa – một loại cỏ có hàm lượng dinh dưỡng cao có nguồn gốc từ Nam Mỹ. Hàng ngàn héc ta cỏ mombasa phủ xanh vùng đất nắng gió Phủ Quỳ, biến nơi đây giờ thành những cánh đồng xanh bát ngát mà các bạn trẻ thường đến check–in. Loại cỏ này cùng với ngô, hướng dương, bột ngô, bột mì và các khô dầu tạo nên thức ăn ủ chua cho bò.

TH true MILK khởi nguồn cho việc nhập và thâm canh cỏ mombasa – một loại cỏ có hàm lượng dinh dưỡng cao có nguồn gốc từ Nam Mỹ

Trung tâm thức ăn của TH true MILK, hoạt động 24/24, hầu như không nhìn thấy con người mà chỉ nhìn thấy những chiếc xe rải thức ăn chậm rãi di chuyển. TH true MILK trang bị phần mềm phục vụ lập khẩu phần, phối trộn, chế biến thức ăn cho bò sữa. Kể cả khâu cuối cùng là rải thức ăn cũng được lập trình. Đơn cử, nếu như có một sự nhầm lẫn nào đó khiến cho xe rải thức ăn của đàn bò thuộc nhóm 1 đi nhầm vào chuồng dành cho nhóm 2, con chip sẽ phát hiện có sai và không mở cửa xả thức ăn, giúp người lái xe nhận biết họ đang đi nhầm để quay lại đúng vị trí.

Trả lời phỏng vấn của Forbes Việt Nam, phó giáo sư, tiến sĩ Hoàng Kim Giao, chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Gia súc lớn Việt Nam nói rằng TH true MILK đã góp phần thay đổi bức tranh chăn nuôi bò sữa Việt Nam thông qua việc áp dụng đồng bộ kỹ thuật công nghệ từ giống, thức ăn, thú y, vắt sữa, thu gom, chế biến, đóng gói, phân phối, lưu thông. “TH true MILK không bỏ giai đoạn. Xong bước này, mới sang bước khác. Họ đi từ từ và chắc chắn. Trong từng bước, họ đi tắt đón đầu các công nghệ,” ông Giao cho biết.

Ông cho hay, ban đầu, TH true MILK nhập bò New Zealand năng suất thấp (5.500–6.500 kg/chu kỳ vắt sữa 305 ngày) nuôi quảng canh (thả ở mức độ thấp). Sau một thời gian, khi đã hiểu rõ thực tế về tập tính bò sữa, cách thức chăm sóc nuôi dưỡng, các loại bệnh của bò… thì công ty mới nhập bò Mỹ có năng suất cao gấp đôi 9–12 tấn/chu kỳ 305 ngày vắt sữa. “Bò năng suất cao dễ bị tác động của điều kiện bên ngoài,” ông Giao nói thêm.

Cánh tay tưới tại trang trại của TH true MILK

Một trong những công nghệ đáng chú ý của TH true MILK, theo ông Giao, là công nghệ thụ tinh ống nghiệm (IVF) cho bò sữa giúp công ty tự chủ hoàn toàn về giống bò – yếu tố quan trọng  liên quan đến chất lượng bò sữa. IVF cho người, trước đây thường được nhắc đến nhằm giúp các cặp vợ chồng hiếm muộn có con. Tuy nhiên, IVF đã được triển khai cho bò sữa tại TH true MILK từ năm 2015. Theo đại diện của Hiệp hội Chăn nuôi Gia súc lớn Việt Nam, TH true MILK là cơ sở sản xuất đầu tiên có phòng thí nghiệm thụ tinh trong ống nghiệm, sản xuất phôi bò sữa.

Tương tự IVF cho người, TH true MILK chọn phôi của những con bò cái khỏe mạnh nhất, cho sữa tốt nhất vào trong ống nghiệm thụ tinh, sau đó đem cấy vào con bò khác. Bằng cách này, TH True MILK tái tạo thế hệ bò sữa có năng suất, chất lượng sữa vượt trội. “Công nghệ phôi, phân ly giới tính là những công nghệ cao đầu cuối của việc tạo ra giống bò sữa cao sản,” ông Giao cho biết, đồng thời nói thêm: “Đội ngũ kỹ thuật công nghệ phôi của TH true MILK là đội ngũ duy nhất tay nghề cao trong lĩnh vực này tại Việt Nam.”

Quy trình đồng bộ từ nuôi dưỡng, chăm sóc và chế độ dinh dưỡng tối ưu đã giúp năng suất bò sữa của trang trại TH true MILK đạt chất lượng cao nhất Việt Nam và Đông Nam Á, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại sự kiện Vietstock Awards 2023. Bình quân mùa cao điểm, bò có thể cho tới 35 lít sữa/ngày, tương đương gần 11.000 lít/con/chu kỳ 305 ngày, ngang ngửa các nước chăn nuôi bò sữa tiên tiến trên thế giới và gấp đôi năng suất trung bình của Việt Nam (theo Công ty chứng khoán FTS, năng suất trung bình của bò sữa Việt Nam là 16,7 lít/con/chu kỳ 305 ngày).

“Nhờ giải quyết các bài toán về công nghệ, hay nói khác là chuyển đổi số, Việt Nam có thể nuôi được bò sữa ôn đới đạt năng suất và chất lượng cao – điều mà trước đây không ai nghĩ Việt Nam làm được,” ông Hải chia sẻ. Sự thành công của TH true MILK đã tạo ra cú hích chuyển dịch trong ngành chăn nuôi bò sữa từ mô hình nhỏ lẻ sang mô hình chăn nuôi công nghiệp cho hiệu quả cao hơn. Theo ông Hải, tỉ lệ chăn nuôi công nghiệp trong bò sữa Việt Nam hiện khoảng trên 50%. Số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2023 cho thấy, cả nước hiện có hơn 1.700 trang trại bò sữa.

Ông Hải cho biết, xuất phát từ tư duy ứng dụng công nghệ từ những ngày đầu thành lập, theo một cách tự nhiên, các việc làm sau này của công ty còn kết hợp chuyển đổi xanh. “Khi lựa chọn bất kỳ công nghệ nào, chúng tôi hay hỏi: công nghệ này có mang lại hiệu quả về tiết kiệm chi phí, nhiên liệu, năng lượng và giải quyết bài toán về môi trường hay không,” ông nhấn mạnh: “Giờ, phát triển cái gì mới cũng đều đi theo con đường đó”.

Bên trong nhà máy của TH true MILK

Kết quả của nhiều năm chuyển đổi kép gồm chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, TH true MILK đang dần hoàn chỉnh mô hình kinh tế tuần hoàn. Đơn cử, nhà máy tách phân, xử lý chất thải trang trại của TH true MILK đã biến phế thải thành phân bón hữu cơ, không chỉ được dùng trong canh tác đồng ruộng mà còn được bán ra thị trường. Ngoài ra, các nhà máy xử lý nước thải công suất lớn, hiện đại giúp họ xử lý và thu hồi hàng triệu mét khối nước mỗi năm.

Theo ông Hải, năm 2023, TH true MILK đã giảm được 85% lượng phát thải khí nhà kính so với năm 2021 và giảm khoảng 75% khí thải metan so với cách xử lý thông thường. Hiện nay, các tấm pin năng lượng mặt trời giúp công ty tự sản xuất khoảng 8 triệu kWh/năm. Để hình dung, việc này tương đương với việc tiêu thụ điện của hơn 55 ngàn hộ gia đình hay lái xe ô tô tiêu chuẩn trên hơn 271 ngàn km.

Công ty cũng chú ý đến những sáng kiến nhỏ khác nhằm giảm nhựa trong sản xuất như bỏ màng co nắp chai, giảm trọng lượng nhựa trên mỗi chai nước, giảm độ dày của nhãn mác bọc chai, thậm chí giảm cả lượng keo dán ống hút. “Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là một cơ hội. Chúng tôi không chỉ bảo vệ môi trường mà còn tối ưu hóa chi phí sản xuất, tạo ra các sản phẩm có giá trị cao hơn và tăng cường lòng tin của người tiêu dùng,” ông Hải nói.

Theo Statista, doanh thu thị trường sữa Việt Nam năm 2025 ước đạt khoảng 4,59 tỉ đô la Mỹ, với tốc độ tăng trưởng hàng năm hơn 8,2% trong giai đoạn 2025–2030. Khối lượng tiêu thụ sữa trung bình trên mỗi người Việt dự kiến đạt 21,5 kg vào năm 2025. Mặc dù quy mô đàn bò sữa đã tăng trưởng nhanh thời gian qua nhưng sản lượng sữa tươi sản xuất mới chỉ đáp ứng trên 42% nhu cầu tiêu thụ sữa của người tiêu dùng, theo Euromonitor. Số liệu của Tổng cục Thống kê, Việt Nam chi trên một tỉ đô la Mỹ hằng năm để nhập khẩu sữa và các sản phẩm từ sữa.

Báo cáo của IMARC Group nhận xét, thị trường sữa Việt Nam đang bước vào giai đoạn cạnh tranh khốc liệt của các “gã khổng lồ” trong ngành với thị phần chủ yếu nắm trong tay các doanh nghiệp trong nước (khoảng 75%), trong khi phần còn lại thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài (khoảng 25%). Rào cản gia nhập ngành khá cao do sản xuất đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Bên cạnh đó, ngành này còn bị giới hạn về đất đai, vùng nguyên liệu.

Giá nguyên liệu tăng cao trong các năm qua cũng ảnh hưởng tới lợi nhuận. Do đó, các công ty sữa liên tục cho ra nhiều sản phẩm đa dạng để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, như sữa trái cây, sữa hạt… Theo TH true MILK, công ty đã phát triển hơn 200 sản phẩm sữa tươi và đồ uống tự nhiên. Danh mục đa dạng này một phần giúp công ty tiếp tục đạt mức tăng trưởng hai chữ số trong năm 2024, theo tự bạch.

Để mở rộng thị trường, một số doanh nghiệp thực hiện chiến lược xuất khẩu và đầu tư ra nước ngoài. TH true MILK không nằm ngoài xu hướng này. Năm 2016, doanh nghiệp này đã công bố tổ hợp dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tại Nga 2,7 tỉ đô la Mỹ. Hiện nay các trang trại đã đi vào hoạt động và nhà máy sữa dự kiến khánh thành trong năm nay. Điểm đến tiếp theo của họ là xứ sở vạn đảo Indonesia với thị trường tiêu thụ rộng lớn gần 300 triệu dân. “Các nước thấy mô hình của TH true MILK phù hợp, nên họ kêu gọi đầu tư,” ông Hải tiết lộ.

Nội dung đã được đăng trên Tạp chí Forbes Việt Nam số 139 tháng 3.2025