ChatGPT đã chính thức công bố phiên bản mới nhất GPT-4, với người dùng đã đăng ký gói thuê bao ChatGPT Plus được trải nghiệm đầu tiên.
Vào ngày 14.3, OpenAI đã công bố GPT-4, phiên bản mới nhất cho mô hình ngôn ngữ ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) của công ty này, bước nhảy vọt về mặt công nghệ trong công cụ chatbot nổi tiếng ChatGPT.
Theo tiết lộ tại sự kiện ra mắt, người dùng đã đăng ký gói thuê bao ChatGPT Plus với mức phí 20 USD/tháng có thể nâng cấp lên phiên bản GPT-4 trước. Trong khi đó, người dùng miễn phí sẽ tiếp tục sử dụng phiên bản hiện nay GPT-3.5. OpenAI cho biết GPT-4 là phiên bản “sáng tạo hơn, đáng tin cậy hơn và đưa ra nhiều hướng giải quyết vấn đề hơn” GPT-3.5.
Điểm cải tiến của GPT-4 còn nằm ở khả năng phân tích hình ảnh. OpenAI lấy ví dụ một hình ảnh của các nguyên liệu nấu ăn xuất hiện trong ChatGPT với câu hỏi có thể nấu món gì từ những nguyên liệu này, hệ thống sẽ phản hồi bằng những công thức nấu ăn khác nhau.
GPT-4 tân tiến hơn phiên bản trước về ngữ cảnh cũng như tổng hợp nội dung chính của văn bản, và có thể chỉ ra lỗi sai trong bài tóm tắt của người dùng.
GPT-4 thực hiện các bài kiểm tra chuẩn hóa tốt hơn, khi đạt 93 điểm percentile (điểm bất phân vị) hai môn đọc, viết trong kỳ thi đánh giá năng lực SAT và 99 điểm percentile trong kỳ thi Luật Thống nhất (UBE), trong khi GPT-3.5 chỉ đạt lần lượt 87 và 10 điểm percentile cho các kỳ thi tương tự.
Tuy chưa hoàn thiện, GPT-4 vẫn có khả năng lập luận tốt hơn trong việc phân tích câu hỏi khó và đưa ra câu trả lời chính xác hơn.
Tuy vậy, người dùng sẽ không thể sử dụng tính năng chủ đạo trên GPT-4 là khả năng phân tích và phản hồi kết quả từ hình ảnh đầu vào do những lo ngại về việc tính năng này có thể bị lạm dụng. Theo Washington Post, OpenAI tạm hoãn tính năng này để hiểu rõ hơn về những rủi ro có thể xảy ra. Công ty cho biết đang phát triển “lớp bảo vệ” nhằm đảm bảo rằng tính năng trong GPT-4 không thể sử dụng để nhận diện khuôn mặt và theo dõi người khác.
GPT-4 cũng không tránh khỏi vấn đề mà mọi mô hình ngôn ngữ đều gặp phải là tình trạnh “ảo giác”. Đó là khi một mô hình ngôn ngữ đưa ra thông tin sai nhưng không cảnh báo người dùng, đôi khi tự ý chỉnh sửa văn bản có nội dung chính xác. OpenAI ghi nhận điều này và lưu ý phiên bản GPT-4 vẫn chưa “hoàn toàn đáng tin cậy,” khuyến cáo người dùng cần phải kiểm tra cẩn thận, kỹ càng khi sử dụng mô hình ngôn ngữ.
Bên cạnh ChatGPT Plus, GPT-4 cũng được tích hợp vào một số sản phẩm khác như ứng dụng học ngôn ngữ Duolingo, nền tảng giáo dục Khan Academy và nền tảng xử lý thanh toán Stripe. Trong đó, công cụ tìm kiếm Bing của Microsoft là cái tên nổi bật nhất, khi tích hợp GPT-4 “đã được tùy chỉnh cho việc tìm kiếm” từ một vài tuần trước đó. Duolingo cũng đã ra mắt gói dịch vụ Duolingo Max, với chatbot tích hợp GPT-4 hỗ trợ người dùng học tiếng Tây Ban Nha hoặc tiếng Pháp.
Chatbot ứng dụng AI ngày càng phổ biến kể từ khi OpenAI ra mắt ChatGPT vào tháng 11.2022. Vào tháng 2.2023, công nghệ này trở thành điểm nhấn khi Microsoft thông báo hợp tác với OpenAI tích hợp ChatGPT vào công cụ tìm kiếm Bing. Việc Bing sử dụng công nghệ tìm kiếm dữ liệu theo thời gian thực từ OpenAI thu hút sự chú ý từ thị trường, với những nhận định rằng công cụ tìm kiếm tích hợp AI của Microsoft có thể trở thành mối đe dọa thực sự đối với vị thế thống trị của Google trên thị trường tìm kiếm trong nhiều năm qua.
Do đó, Google đã vội vàng công bố công cụ tương tự Bard để cạnh tranh với OpenAI và Microsoft, song chưa ấn định thời điểm ra mắt chính thức tới công chúng. Nền tảng tìm kiếm Baidu (Trung Quốc) dự kiến ra mắt chatbot do công ty tự phát triển với tên gọi Ernie Bot trong ngày 16.3, nhưng nhận về những sự hoài nghi rằng sẽ không ấn tượng như GPT-4 của OpenAI.
Mặc cho sự hào hứng từ thị trường dành cho mô hình ngôn ngữ AI và chatbot, một số chuyên gia đưa ra cảnh báo rằng hai công nghệ này vẫn còn khuyết điểm và có thể dễ dàng cung cấp thông tin sai lệch, cũng như có hành vi “không đúng mực.”
Xem thêm: Giá cổ phiếu Baidu tăng cao sau thông báo ra mắt công cụ A.I
Google chuẩn bị ra mắt công cụ A.I cạnh tranh với ChatGPT
6 tháng trước
BMW sử dụng robot hình người tại nhà máy lắp ráp xe5 tháng trước
Kỳ lân AI Baichuan huy động thành công 693 triệu USD1 năm trước
Spotify dùng AI để phiên dịch giọng nói