Nhiều ý kiến ở Washington và phố Wall cho rằng, Tổng thống đắc cử Donald Trump sắp được thừa hưởng một nền kinh tế vững mạnh và ổn định.
Hiện nay hầu hết các số liệu đều phản ánh nhận định trên. Ví dụ tỷ lệ thất nghiệp thấp, tăng trưởng GDP tốt và năng suất lao động cao. Tuy nhiên, cũng có một vài ý kiến khác.
Với ông Trump, kinh tế Mỹ hiện nay khá giống hồi sắp nhậm chức nhiệm kỳ 1 vào cuối 2016 và đầu 2017. Khi đó, có nhiều không gian phát triển và xuất hiện động lực theo chu kỳ. Lạm phát thấp và hoạt động sản xuất phục hồi đồng bộ.
Hiện tại kinh tế Hoa Kỳ khá vững, nhưng đà tăng trưởng có phần chậm lại. Thị trường lao động đang hạ nhiệt. Hơn một nửa ngành sản xuất trên thế giới suy thoái. Người tiêu dùng Mỹ có phần bắt đầu giảm chi tiêu. Điều này cộng với chính sách đã tuyên bố của ông Trump, nhiều khả năng làm tăng nợ liên bang, nên không còn nhiều dư địa tài chính để ứng phó với khủng hoảng tiềm tàng. Do vậy, chính quyền mới có thể khó khăn hơn, và không nên chỉ nhìn vẻ bề ngoài.
Cụ thể, kinh tế Mỹ nguy cơ bộ lộ 3 điểm yếu, sau khi ông Trump nhậm chức.
Đầu tiên là sự đi xuống của ngành sản xuất thế giới, do nhu cầu thấp. Điều này ảnh hưởng đến những xưởng chế tạo hàng hóa tại Mỹ. Nước Đức, từ lâu được xem như cường quốc công nghiệp, lượng hàng hóa sản xuất hiện thấp hơn năm 2018.
Ngành sản xuất của Trung Quốc vẫn tăng, nhưng chính sách bảo hộ và trợ giá nhằm chiếm lĩnh thị trường, chỉ khiến nhiều công ty ở quốc gia đối thủ dễ phá sản hơn.
Ở Hoa Kỳ, có sự tăng trưởng của lĩnh vực chip và chất bán dẫn, nhưng khó bù sự suy giảm lĩnh vực như sản xuất máy bay và thiết bị nhà ở.
Thị trường lao động cũng có thể gây ra sự lo ngại. Hiện tỷ lệ thất nghiệp chỉ khoảng 4,1% – con số khá tích cực. Tuy nhiên tỷ lệ tìm được việc làm mới sau khi thất nghiệp đã giảm, khiến thời gian thất nghiệp của mỗi người tăng lên. Bên cạnh đó, sự sẵn sàng ra ngoài và chi tiêu của người Mỹ, đang mất dần động lực, nên vấn đề trên có xu hướng cao dần.
Thứ 3 là bất động sản. Thị trường nhà ở khó hoạt động bình thường, nếu lãi suất thế chấp cao như hiện nay. Nhu cầu mua thế chấp đã đi ngang từ tháng 9.2023. Trong khi đó, tiêu chuẩn vay thế chấp mua nhà bị thắt chặt những năm gần đây. Nếu lãi suất thế chấp không giảm, dự kiến đầu tư và hoạt động kinh doanh về nhà ở, vẫn chậm trong các năm tới.
Dự kiến sau khi nhậm chức, nhóm của ông Trump sẽ bắt tay thực hiện ngay nghị sự thúc đẩy tăng trưởng. Theo truyền thống, chính quyền mới thường bắt tay liền vào điểm nhấn nào đó. Tổng thống George W.Bush thông qua đạo luật điều hòa tăng trưởng kinh tế và giảm thuế 2001. Tổng thống Barack Obama có đạo luật phục hồi và tái đầu tư Hoa Kỳ 2009. Tổng thống Trump có đạo luật giảm thuế và tăng việc làm. Tổng thống Joe Biden có đạo luật đầu tư cơ sở hạ tầng và việc làm, cùng với đạo luật CHIPS.
Các gói tài chính khổng lồ thông qua trong thời kỳ đại dịch, cộng với nhu cầu tăng lãi suất sau đó để đối phó lạm phát, nghĩa là chính quyền ông Trump nhiệm kỳ tiếp theo, sẽ bị hạn chế về phạm vi các gói hỗ trợ, nếu không muốn làm tăng nợ công quốc gia.
Nhóm của ông Trump có thể hướng đến hai lựa chọn.
Đầu tiên, ông Trump nhiều lần cảnh báo sẽ hủy bỏ các khoản chi tiêu và trợ cấp dưới thời Tổng thống Biden. Ví dụ khoản vay Bộ Năng lượng cung cấp cho những công ty muốn đầu tư vào Hoa Kỳ, hoặc khoản hỗ trợ cho ngành công nghiệp xe điện. Điều này có vẻ khó thành hiện thực do quy định của Quốc hội. Ngoài ra nó còn làm giảm phần nào sức mạnh của ngành sản xuất Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nó mang đến sự nhẹ nhõm cho thị trường trái phiếu, vì giảm nguy cơ tăng nợ công. Qua cuộc bầu cử vừa rồi, nhiều bang tại Mỹ, cử tri có vẻ muốn hạ lãi suất hơn là mở nhà máy mới.
Tiếp theo là sự lạc quan của thị trường, sau khi ông Trump chiến thắng. Ví dụ tiền ảo, trái phiếu, vàng và xăng dầu. Khả năng cao, ông Trump sẽ đưa ra những chính sách thúc đẩy sự tự tin này. Ví dụ nới lỏng quy định quản lý tiền điện tử và giảm thuế doanh nghiệp.
Hiện niềm tin của người dùng và doanh nghiệp vào thị trường, vẫn thấp hơn trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump. Điều này có thể mang đến một số lợi ích, tạo ra không gian ủng hộ trong các chính sách mới. Khi người Mỹ bỏ phiếu cho ông vào ngày 5.11 vừa qua, phần lớn vì muốn đất nước có sự thay đổi để phát triển.
Với các lý do trên, đội ngũ phụ trách kinh tế của ông Trump được cho là rất quan trọng. Họ phải đủ chiều sâu để hiểu vấn đề, cũng như đủ sự tỉnh táo để kìm chế cơn bộc lộ cảm xúc bất chợt từ ông chủ Nhà Trắng. Trước mắt, tỷ phú Scott Bessent được chọn làm Bộ trưởng Tài chính tiếp theo, nhận được sự đón mừng nồng nhiệt.
Theo giới phân tích, ông Trump không thừa kế một nền kinh tế Mỹ hoàn hảo hay bất ổn, mà mang tính đan xen, bức tranh vừa thuận lợi vừa thách thức. Các vấn đề sẽ bộc lộ rõ hơn, và năng lực giải quyết của chính quyền mới, sẽ được chứng minh trong khoảng 100 ngày cầm quyền đầu tiên.
(Biên dịch: NVP)
1 tháng trước
Goldman Sachs khuyên nên đầu tư vào vàng1 tháng trước
Lo bất ổn toàn cầu, Indonesia chưa hạ lãi suất