Theo cuộc khảo sát mới đây của Nikkei Asia, hơn 40% doanh nghiệp Nhật sẽ xem xét lại chiến lược tại thị trường Trung Quốc.
Nguyên nhân để ứng phó với chính sách thuế quan tiềm tàng ông Trump muốn áp đặt lên hàng nhập khẩu, nhất là từ Trung Quốc.
Ông Trump sẽ nhậm chức ngày 20.1.2025. Cuối tháng 11, ông nói sẽ cộng thêm 10% thuế với mọi hàng hóa từ Trung Quốc. Trong chiến dịch tranh cử, ông đe dọa áp thuế 60% với hàng hóa từ siêu cường châu Á.
Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản hiện sản xuất hàng hóa tại Trung Quốc để bán ra thế giới. Căng thẳng thương mại Mỹ – Trung gia tăng, thuế quan trả đũa lẫn nhau qua lại, sẽ tác động lớn đến xuất khẩu thành phẩm, hàng hóa trung gian lẫn nguyên liệu thô.
Hầu hết công ty đang chờ đợi và thận trọng xem xét, do nguồn lực để tái cấu trúc chuỗi cung ứng không đơn giản.
Tập đoàn Ricoh chuyên sản xuất máy in và thiết bị văn phòng từ Trung Quốc và Thái Lan, để xuất sang Hoa Kỳ, đã có một số lo ngại. Một quan chức Ricoh chia sẻ với báo chí: “Tùy thuộc mức thuế và tác động tới hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, chúng tôi sẽ tham khảo ý kiến khách hàng, về khả năng thay đổi hệ thống sản xuất, chuỗi cung ứng và giá cả.”
Ngoài Trung Quốc, tháng 11 vừa qua ông Trump dọa áp thuế 25% với hàng từ Mexico và Canada, dù 3 nước có hiệp định thương mại tự do.
Ông Mitsuo Ohya, chủ tịch nhà sản xuất vật liệu Toray Industries nói: “Chúng ta cần đa dạng hóa chuỗi cung ứng, hoạt động theo cách luôn chuẩn bị có rủi ro, đồng thời cân nhắc các yếu tố chính trị phức tạp.”
Châu Âu và Hoa Kỳ đang tăng thuế với xe điện Trung Quốc. Bắc Kinh muốn giảm bớt tác động bằng nhiều cách, như xích lại gần thị trường Nga.
Cũng theo cuộc khảo sát của Nikkei Asia, 38,9% số người được hỏi cho rằng, chính sách của ông Trump sẽ ảnh hưởng tiêu cực hoặc có phần tiêu cực tới hoạt động của doanh nghiệp họ. Con số này nhiều hơn so với cuộc khảo sát trước thực hiện vào tháng 3.2017, ngay sau khi ông Trump nhậm chức, với tỷ lệ 36,4%.
Chỉ khoảng 17,6% cho rằng chính sách của ông Trump sẽ tác động tích cực hoặc có phần tích cực tới các hoạt động kinh doanh.
Trong vấn đề môi trường, ông Trump muốn rút Hoa Kỳ khỏi thỏa thuận khí hậu Paris, cũng như thu hẹp chương trình giảm khí thải carbon của Tổng thống Joe Biden. Ví dụ giới hạn hoặc hủy bỏ đạo luật Giảm lạm phát, giảm trợ cấp cho xe điện và giảm trợ cấp cho năng lượng tái tạo. Dẫu vậy trong cuộc thăm dò, 95% doanh nghiệp Nhật cho biết, họ sẽ không xem xét lại kế hoạch giảm khí thải nhà kính.
Ông Shigeru Kobayashi, chủ tịch công ty gốm sứ NGK Insulators chia sẻ: “Ngay cả có nhiều trở ngại trong sứ mệnh trung hòa carbon, chúng tôi vẫn kỳ vọng cao rằng, Chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục đẩy mạnh năng lượng tái tạo và sẽ khởi động lại các nhà máy điện hạt nhân.”
Tuy nhiên một số tiếng nói cho rằng, vẫn chưa hiểu chính sách của ông Trump sẽ thực sự được áp dụng ở mức nào.
Ông Takeshi Niinami, CEO công ty sản xuất đồ uống Suntory Holdings bộc bạch: “Điều cần thiết phải chuẩn bị kế hoạch B và C. Liên quan an ninh kinh tế, chúng ta cần tăng cường hợp tác với những nước cùng chí hướng như Hàn Quốc và Ấn Độ, theo đuổi chính sách friend-shoring (chiến lược dịch chuyển chuỗi cung ứng và sản xuất sang các quốc gia có quan hệ thân thiện, ổn định) để không chỉ dựa vào Hoa Kỳ.”
Cuộc khảo sát của Nikkei được tiến hành từ ngày 2 tới 18.12.2024 với 145 lãnh đạo doanh nghiệp. Phần lớn có làm ăn hoặc cơ sở sản xuất ở Trung Quốc.
(Biên dịch: NVP)
5 tháng trước
Làn sóng người di cư đến Anh và xứ Wales tiếp tục tăng1 năm trước
Nhóm BRICS mở rộng thêm thành viên2 năm trước
Pan Sutong cố gắng thoát khỏi nguy cơ phá sản