Trung Quốc muốn có đồng nội tệ mạnh, để đóng vai trò ngày càng lớn trong hệ thống thương mại toàn cầu. Tuy nhiên sự trở lại của ông Trump, có thể làm khó mong muốn đó.
Theo Bloomberg, đồng nhân dân tệ được dự báo chịu áp lực giảm giá trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ tiếp theo. Khả năng chiến tranh thương mại tăng nhiệt, cũng ảnh hưởng xấu tới đồng tiền này. Giới phân tích cảnh báo, đồng nhân dân tệ sẽ tiếp tục xuống thấp vào năm 2025, có thể thấp hơn 10% hiện nay.
Đồng nhân dân tệ ở thời điểm này, được dự đoán dễ bị tổn thương hơn so với nhiệm kỳ đầu của ông Trump. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Trung Quốc hiện thấp hơn nhiều so với lợi suất trái phiếu Chính phủ Hoa Kỳ. Không ít công ty nước ngoài đang rút vốn đầu tư khỏi nền kinh tế số một châu Á. Tăng trưởng kinh tế không đồng đều và nỗi lo giảm phát, có thể kéo lãi suất xuống thấp hơn nữa.
Ông Adam Wolfe, nhà kinh tế học tại Absolute Strategy Research nói rằng, áp lực giảm giá đồng nhân dân tệ có khả năng gia tăng. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ đồng tiền này do lo ngại sự ổn định của thị trường tài chính. Nếu chiến tranh thương mại nghiêm trọng hơn, họ sẽ phá giá nhiều hơn để bảo vệ hàng xuất khẩu và cải thiện vị thế đàm phán.
Logic trên đang khuyến khích các nhà giao dịch giảm phụ thuộc vào nhân dân tệ. Ngày 14.11, 1 đô la Mỹ đổi 7,248 nhân dân tệ. Đây là mức thấp nhất trong 3 tháng. Tỉ giá bên ngoài Trung Quốc là 1 đô la Mỹ đổi 7,237 nhân dân tệ. Các nhà giao dịch dự đoán, đồng tiền này sẽ còn giảm nữa.
Theo hãng BNP Paribas, 1 đô la Mỹ sẽ đổi 7,5 nhân dân tệ, nếu ông Trump áp thuế 60% với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Tập đoàn UBS AG thì dự đoán con số còn tệ hơn, sẽ là 7,6 tới 7,7 thậm chí là 8.
Lần cuối cùng nhân dân tệ xuống thấp như vậy là năm 2006, khi ông George W.Bush làm Tổng thống, Twitter mới ra đời và nền kinh tế Trung Quốc vẫn nhỏ hơn Đức.
Một số nhà phân tích cho rằng, đồng nhân dân tệ suy yếu có lợi cho hàng Trung Quốc xuất khẩu, nhất là khi Hoa Kỳ tăng thuế. Quan trọng ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho đồng tiền này mất giá bao nhiêu và diễn ra như thế nào?
Trung Quốc từng phá giá vào năm 2015, khi ngân hàng Trung ương giảm một lần 1,9% giá trị nhân dân tệ. Điều này khiến dòng vốn chảy ra ồ ạt, dẫn tới dự trữ ngoại tệ giảm.
Bà Charu Chanana, chiến lược gia về đầu tư tại Saxo Markets cho biết, phá giá đồng nhân dân tệ sẽ gây thêm áp lực cho nền kinh tế và nợ nần, cũng như nguy cơ bị gắn mác thao túng tiền tệ. Động thái này tạo thêm căng thẳng cho mối quan hệ vốn đã khó chịu giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Do đó, nhiều khả năng Trung Quốc sẽ phá giá chậm và đều, để chống trả động thái tăng thuế.
Vài năm qua, ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã điều chỉnh chính sách, khi những đợt tăng lãi suất của FED tác động đến tiền tệ toàn cầu. Một số vấn đề ngoại hối hiện tại của Trung Quốc, là thiết lập tỉ giá cố định hàng ngày, hạn chế vi phạm giao địch bằng đồng nội tệ, điều chỉnh số tiền các ngân hàng ngoại hối cần dự trữ so với tiền gửi, và khuyến khích ngân hàng nhà nước quản lý thanh khoản ở thị trường nước ngoài.
Hoán đổi ngoại tệ cũng nổi lên như phương pháp được các ngân hàng nhà nước Trung Quốc sử dụng, nhằm hỗ trợ nhân dân tệ. Đây là vấn đề được bộ Tài chính Hoa Kỳ thảo luận trong báo cáo ngoại hối nửa năm, công bố ngày 14.11.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc thiết lập tỉ giá tham chiếu đồng nhân dân tệ ở mức cao hơn dự kiến từ ngày 13 đến 15.11, thể hiện sự không thoải mái với việc sụt giảm giá trị gần đây. Nhà giao dịch hiện theo dõi chặt chẽ thị trường nhân dân tệ ở nước ngoài, nơi kỳ vọng đang gia tăng rằng, nguồn cung nhân dân tệ sẽ bị thắt chặt để giảm nhẹ vấn đề mất giá.
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã tung một loạt biện pháp kích thích trong nước vào cuối tháng 9. Nếu thành công, được dự đoán sẽ giảm bớt ảnh hưởng tiêu cực từ chính sách thuế quan của Hoa Kỳ. Trùng hợp, mục tiêu của Trung Quốc ngăn chặn sự trượt giá của đồng nhân dân tệ, cũng có thể nhận được sự ủng hộ từ chính quyền ông Trump. Vị cựu Tổng thống ủng hộ đồng đô la Mỹ yếu hơn, giúp hàng hóa Hoa Kỳ rẻ hơn, mặc dù phố Walls cho rằng, mục tiêu trên khó thành hiện thực.
Nhiều năm qua, Trung Quốc ra sức quốc tế hóa đồng nội tệ, với mong muốn trở thành cường quốc tài chính toàn cầu. Họ đã đạt được một số thành công, nhất là sau khi phương Tây cấm vận kinh tế Nga và ngắt các ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế. Điều này buộc Moscow chuyển qua dùng nhân dân tệ thường xuyên hơn. Giờ đây, Trung Quốc xem sự ổn định của nhân dân tệ, không có biến động tiêu cực theo bất kỳ hướng nào, là chìa khóa cho sự thành công hơn nữa.
Ông Lynn Song, nhà kinh tế Trung Quốc tại ING Bank nói: “Kịch bản tệ nhất là các nhà hoạch định chính sách từ bỏ mục tiêu ổn định, và để nhân dân tệ mất giá. Nó phải xuất phát từ lãnh đạo cao cấp nhất, có thể thay đổi mục tiêu quốc tế hóa đồng nhân dân tệ dài hạn nhằm tập trung vào vấn đề ngắn hạn. Nếu họ thực sự làm, sẽ khá thiển cận và không hiệu quả. Nên khả năng cao sẽ không.”
Biên dịch: Văn Phong