Cuộc khủng hoảng nợ gây sôi sục thị trường bất động sản Trung Quốc đã lan sang một trong những tập đoàn lớn nhất nước này. Fosun, tập đoàn sở hữu đội bóng đá thuộc giải Ngoại hạng Anh, ngân hàng lớn nhất Bồ Đào Nha và thương hiệu nghỉ dưỡng Club Med, không còn khả năng huy động vốn nên phải bán bớt tài sản trước nguy cơ vỡ nợ ngắn hạn.
Guo Guangchang, tỉ phú đồng sáng lập tập đoàn Fosun (Trung Quốc) có trụ sở tại Thượng Hải, tự ví mình như Warren Buffett vì sự tương đồng trong chiến lược đầu tư khi sử dụng dòng tiền ổn định từ các công ty bảo hiểm để thâu tóm những doanh nghiệp khác.
Nhờ đó, ông đã xây dựng Fosun thành đế chế đa ngành, sở hữu nhiều thương hiệu bao gồm câu lạc bộ bóng đá Wolverhampton Wanderers thuộc giải Ngoại hạng Anh (Premier League), ngân hàng lớn nhất Bồ Đào Nha Millennium BCP, hãng thời trang Pháp Lanvin và thương hiệu nghỉ dưỡng Club Med.
Tuy nhiên, hiện nay Guo đang vật lộn với khó khăn mà Warren Buffett chưa từng gặp phải, khi các nhà đầu tư lo ngại rằng Fosun không đủ khả năng chi trả những khoản nợ ngắn hạn sau khi đã vay rất nhiều tiền để đầu tư vào các thương vụ mua lại.
Guo, từng huy động vốn từ thị trường trái phiếu và quy định tín dụng “lỏng lẻo” của các ngân hàng, chứng kiến chi nhánh đầu tư chủ lực Fosun International của mình liên tục bị các tổ chức xếp hạng tín dụng hạ định mức tín nhiệm.
Fosun International cần phải trả tổng nợ 650 tỉ nhân dân tệ (90 tỉ đô la Mỹ), tăng 8% so với năm ngoái. Và theo báo cáo ngắn hạn công bố vào cuối tháng 8.2022, 40% trong số đó là nợ phải trả lãi, bao gồm 17,2 tỉ đô la Mỹ tiền gốc đáo hạn vào tháng 6.2023 – vượt xa con số 16 tỉ đô la Mỹ tiền mặt và các khoản tương đương mà Fosun đang nắm giữ.
Trong thời gian gần đây, trái phiếu của Fosun International, giảm mạnh chưa từng thấy. Hiện nay, trái phiếu này, đáo hạn vào năm 2027 với lãi suất 5,05%/năm, chỉ giao dịch ở mức 32,7 xu/1 đô la Mỹ. Trung Nguyen, nhà phân tích tín dụng cấp cao sinh sống và làm việc tại Singapore của công ty phân tích Lucror Analytics, nhận định đây là dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư đang dự báo công ty này sắp vỡ nợ.
Việc China Evergrande Group, Kaisa, Sunac và các công ty bất động sản khác rơi vào cảnh vỡ nợ dẫn đến khó khăn về vốn vay cho những doanh nghiệp đi vay như Fosun. Các nhà đầu tư đang tỏ ra lo ngại và có xu hướng tránh xa các công ty có mức nợ cao, trong khi chờ đợi kết quả từ kế hoạch tái cơ cấu nợ của China Evergrande cũng như đánh giá tình hình chính trị.
Giới chức Trung Quốc đang nỗ lực kìm hãm đòn bẩy tài chính trong khu vực tư nhân để giảm rủi ro tài chính, đồng thời tập trung vốn vào các ngành công nghiệp thuộc nhóm ưu tiên của chính phủ nước này (ví dụ như năng lượng xanh và công nghệ cao, được nhấn mạnh trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 20 của đảng Cộng sản Trung Quốc).
Do đó, các ngân hàng Trung Quốc tỏ ra cảnh giác khi cho các công ty đang nợ nần chồng chất vay vốn, đặc biệt là những cái tên không phải doanh nghiệp nhà nước. Theo các nhà phân tích, điều này buộc Guo phải tiếp tục bán bớt tài sản với giá thấp để lấy tiền mặt, giải pháp có thể khiến đế chế đa ngành của ông quay trở về khoảng thời gian mới thành lập.
“Fosun đang trong tình thế ‘dầu sôi lửa bỏng’ và không quan tâm có thể thu lợi nhuận hay thua lỗ từ việc thoái vốn. Công ty sẽ tìm cách bán bất kỳ tài sản nào có tính thanh khoản cao,” Trung Nguyen cho biết.
Hồi tháng 10, Fosun International thông báo dự định bán lại toàn bộ 60% cổ phiếu nắm giữ trong công ty Nanjing Nangang Iron & Steel niêm yết tại Thượng Hải cho Jiangsu Shagang Group, với giá dưới 2,2 tỉ đô la Mỹ.
Trước đó, theo dữ liệu từ Dealogic, Fosun International và công ty mẹ Fosun Holdings đã thu về ít nhất 3,2 tỉ đô la Mỹ từ việc thoái vốn, tăng 350% so với năm 2021.
Áp lực đảo nợ của Fosun International gia tăng và thanh khoản thấp là những yếu tố khiến Moody’s Investors Service và S&P Global Ratings lần lượt hạ mức xếp hạng tín dụng của công ty trong hai tháng 8 và 9.2022.
Vào ngày 30.9, Moody’s đưa Fosun International vào diện xem xét để hạ định mức tín nhiệm thấp hơn nữa do nguy cơ đảo nợ của công ty gia tăng khi giá trị vốn hóa thị trường từ các tài sản niêm yết “giảm nhanh chóng và đáng kể.”
Cùng lúc đó, trong thông báo gửi tới tổ chức xếp hạng tín dụng vào tháng 10.2022, Fosun cho biết sẽ ngừng cung cấp thông tin liên quan trong tương lai.
Công ty không phản hồi email và cuộc gọi yêu cầu bình luận. Trong một năm qua, cổ phiếu của Fosun International đã mất gần một nửa giá trị và chạm mức thấp nhất trong 10 năm qua kể từ khi niêm yết vào năm 2007. Guo hiện có giá trị tài sản ròng 2,8 tỉ đô la Mỹ – phần lớn đến từ lượng cổ phần ông nắm giữ trong Fosun – giảm 2/3 so với con số 6,9 tỉ đô la Mỹ của năm 2021.
Trong khi đó, lợi nhuận của Fosun International giảm 33% xuống còn 375 triệu đô la Mỹ trong nửa đầu năm, mặc dù doanh thu tăng 18% lên 11,5 tỉ đô la Mỹ.
Fosun phân mảng kinh doanh theo ba nhóm hạnh phúc, sức khỏe và tài sản, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các hộ gia đình Trung Quốc đối với những sản phẩm chất lượng cao trong các lĩnh vực khách sạn, điều trị y khoa và quản lý tài sản. Mặc dù vậy, doanh số của cả ba mảng này trong thời gian gần đây đều không khả quan.
Fosun đã bán 2% cổ phần nắm giữ trong Fosun Tourism, đơn vị lữ hành niêm yết cổ phiếu trên sàn Hong Kong và sở hữu thương hiệu Club Med, với mức giá giảm 15% so với giá thị trường. Công ty cũng bán số cổ phần trong Fosun Pharmaceutical niêm yết tại Thượng Hải, đơn vị phân phối độc quyền vaccine COVID-19 của hãng dược BioNTech tại Trung Quốc.
Ngay cả lĩnh vực kinh doanh chủ chốt của Fosun là bảo hiểm cũng chịu ảnh hưởng. Vào tháng 4.2022, Fosun bán lại tập đoàn bảo hiểm Mỹ AmeriTrust cho AF Group với giá 740 triệu đô la Mỹ. Đầu tháng 9.2022, bốn công ty trực thuộc Fosun giảm tổng số cổ phần nắm giữ trong Yong’an Insurance có trụ sở tại Thiểm Tây, Trung Quốc từ 40,7% xuống còn 14,7% cổ phần.
Cũng trong tháng 9.2022, Fosun bán 0,89% cổ phần trong China Life Insurance niêm yết tại Hong Kong thông qua giao dịch khối lượng lớn. Tuy không tiết lộ giá trị giao dịch, giá cổ phiếu của China Life Insurance đã giảm 33% kể từ lần đầu tiên Fosun mua lại ở mức 22 đô la Hong Kong/cổ phiếu (2,8 đô la Mỹ) vào năm 2016.
“Ai lại bán cổ phiếu với mức giá thấp như vậy, nếu không phải vì gặp khó khăn trong việc huy động vốn? Nhiều tài sản của Fosun rất khó bán và khả năng các công ty bảo hiểm có tính thanh khoản cao sẽ là mục tiêu tiếp theo bị đem bán,” Shen Chen, giám đốc của Shanghai Maoliang Investment Management, cho biết.
Hiển nhiên, đây không phải lần đầu Guo đối mặt với khủng hoảng tài chính, nhưng Shen Meng, giám đốc quản lý của ngân hàng đầu tư có trụ sở tại Bắc Kinh Chanson & Co., cho rằng khó khăn hiện nay của Fosun còn lớn hơn cả những lần trước đó.
Được Guo thành lập vào năm 1992, Fosun từng là một trong những công ty Trung Quốc giao dịch mạnh mẽ nhất ở thị trường quốc tế, bên cạnh Anbang Insurance và HNA Group. Tuy vậy, nhiều khoản đầu tư đáng chú ý của các công ty này đã phải tạm dừng, khi chính phủ Trung Quốc ban hành các chính sách thắt chặt quản lý những thương vụ thâu tóm ở nước ngoài.
Vào năm 2018, cựu chủ tịch Wu Xiaohui của Anbang bị kết án 18 năm tù giam cho hành vi lừa đảo tài chính. Một năm sau đó, chính phủ tiếp quản công ty này và đổi tên thành Dajia Insurance. Năm 2021, chủ tịch HNA Chen Feng và giám đốc điều hành Adam Tan bị bắt giữ với nghi ngờ có dấu hiệu vi phạm. HNA cho biết đã hoàn tất quá trình tái cơ cấu khoản nợ hàng tỉ đô la Mỹ vào tháng 4.2022.
Năm 2015, Guo bất ngờ biến mất và xuất hiện trở lại vài ngày sau đó để thông báo ông đang hỗ trợ quá trình điều tra không được tiết lộ cụ thể. Tuy vậy, sau đó Guo đã cố gắng phục hồi tương đối tốt.
Những năm tiếp theo, tốc độ đầu tư của Fosun diễn ra chậm lại và nhiều thương vụ mua lại của tập đoàn – ví dụ như thâu tóm các công ty hoạt động trong ngành dược phẩm – trở nên phù hợp với các mục tiêu quốc gia của Trung Quốc.
Guo Guangchang, xuất thân trong gia đình nghèo khó ở tỉnh Chiết Giang, theo học hai ngành triết học và quản trị kinh doanh tại đại học Phúc Đán danh giá của Thượng Hải, cũng thường xuyên công khai việc bản thân mình rất sùng bái Warren Buffett. Năm 2007, ông mua công ty bảo hiểm Yong’an Insurance có trụ sở tại Thiểm Tây, bắt đầu bằng khoản chi 66 triệu đô la Mỹ cho 14,6% cổ phần.
Sau đó, Fosun tiếp tục tăng cường đầu tư vào mảng bảo hiểm, bao gồm mua lại cổ phần của công ty bảo hiểm Bồ Đào Nha Fidelidade, Peak Reinsurance Company có trụ sở tại Hong Kong (Fosun đang cân nhắc bán số cổ phần này), cũng như công ty bảo hiểm nhân thọ Pramerica Fosun tại Thượng Hải.
Guo, hiện sống tại Hong Kong, đã mua lại Club Med năm 2015 và câu lạc bộ Wolverhampton Wanderers vào năm 2016. Ông cũng cho biết mình áp dụng tư duy Phật giáo, Nho giáo và Đạo giáo vào cách đầu tư, đồng thời tập Thái cực quyền nhằm rèn luyện tính kiên nhẫn trong việc chờ đợi thời điểm thích hợp nhất để đạt thỏa thuận.
Tuy nhiên, khi các nhà chức trách Trung Quốc tiếp tục tập trung vào việc xử lý nợ xấu trong hệ thống tài chính, ưu tiên của Guo là củng cố sức khỏe tài chính cho Fosun. Nền kinh tế suy thoái và các đợt phong tỏa kéo dài đã tác động nặng nề đến hai mảng kinh doanh bán lẻ và du lịch của Fosun, đồng thời tình hình lãi suất thấp tại Trung Quốc cũng ảnh hưởng xấu đến lợi nhuận kinh doanh bảo hiểm của tập đoàn.
Đây là hệ quả từ việc các công ty bảo hiểm có xu hướng giảm lợi nhuận từ các khoản đầu tư mang lại nguồn thu cố định sau khi ngân hàng trung ương nâng lãi suất.
Shen Meng của Chanson & Co. nhận định: “Những khó khăn Fosun gặp phải ngày càng khó lường và lớn hơn. Hoạt động kinh doanh nền tảng của Fosun đã bị ảnh hưởng nặng nề.”
Vị tỉ phú này đã xuất hiện trước công chúng vào đầu tháng 10.2022, khi Fosun Pharmaceutical công bố hợp tác chiến lược với tập đoàn China Resources Pharmaceutical (thuộc sở hữu nhà nước và niêm yết tại Hong Kong) để cùng phát triển các loại thuốc và thiết bị y tế mới. Trong khi đó, Fosun khẳng định họ không mắc nợ nhiều như những gì thể hiện trên bảng cân đối kế toán.
Trong thông cáo báo chí vào ngày 18.9.2022, công ty cho biết tổng nợ phải trả 650 tỉ nhân dân tệ (90 tỉ đô la Mỹ) bao gồm nợ hợp nhất tại các công ty con mà công ty không có nghĩa vụ trả. Công ty khẳng định nợ thực tế của Fosun International chỉ là 100 tỉ nhân dân tệ (14 tỉ đô la Mỹ). Theo ước tính của S&P Global Ratings, khoản nợ phải trả của riêng Fosun International, không tính các công ty con, khoảng 16 tỉ đô la Mỹ.
Tuy nhiên, các nhà phân tích nhận định tình trạng nợ nần của Fosun vẫn rất nghiêm trọng. Không ai có thể chắc chắn rằng Fosun International đã không đứng ra bảo đảm nợ cho một mạng lưới công ty con, công ty liên kết phức tạp và rối rắm, mà nhiều trong số này đang chìm sâu trong nợ nần.
Ví dụ, theo báo cáo ngắn hạn, Shanghai Fosun High Technology có khoản nợ ngắn hạn 24 tỉ đô la Mỹ đáo hạn vào tháng 6.2023, nhưng số tiền mặt hiện có chỉ là năm tỉ đô la Mỹ. Chuỗi cửa hàng bách hóa Yuyuan niêm yết tại Thượng Hải có số tiền mặt 1,4 tỉ đô la Mỹ nhưng cần phải trả khoản nợ 8,3 tỉ đô la Mỹ đáo hạn trong vòng một năm tới.
Hồi tháng 9.2022, Fosun bán 5% cổ phần trong Yuyuan cho công ty gia công kim loại Qingzhan có trụ sở tại Chiết Giang với giá 176 triệu đô la Mỹ. Về phần mình, Yuyuan huy động 560 triệu đô la Mỹ vào tháng 11.2022 bằng cách bán 654 triệu cổ phiếu trong công ty khai thác mỏ Zhaojin Mining Industry niêm yết tại Hong Kong với giá 6,72 đô la Hong Kong/ cổ phiếu (0,86 đô la Mỹ) – giảm 1,75% so với giá đóng cửa thị trường trước đó.
Nếu các công ty con vỡ nợ hoặc bị phát mãi, Fosun sẽ đứng trước quyết định khó khăn có nên hỗ trợ tài chính hay không. “Fosun hiện không đủ tiềm lực tài chính để ‘giải cứu’ các công ty con. Trong trường hợp không làm gì, công ty sẽ mất tài sản,” Shen Chen, giám đốc của Shanghai Maoliang, cho biết.
“Tôi không nghĩ Fosun sẽ sụp đổ,” ông nhận định và nói thêm rằng nếu cuối cùng Guo không phải bán quyền kiểm soát Fosun, thì đó sẽ được xem là một kết quả thành công sau cuộc khủng hoảng hiện tại.
Biên dịch: Quỳnh Anh Bản in theo Forbes Việt Nam số 113, tháng 1.2023