Doanh nhân

Ông chủ Tôn Hoa Sen tái xuất

20 giờ trước
Tác giả Minh Thiên

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Hoa Sen, tạm gác chuyện tu hành cá nhân để “xuống núi” cầm lái tập đoàn xuất khẩu tôn thép lớn nhất Đông Nam Á lách qua khe cửa hẹp, kịp thời né cơn bão thuế quan đang ập đến.

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen

Share
this:

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen
Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen. Ảnh: Đỗ Quang Hiếu

Vào tháng tư, khi cơn sốt thuế quan bắt đầu lan nhanh và phả hơi nóng hầm hập vào khắp các ngóc ngách kinh doanh, tạo sức ép lớn lên các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước, ông Lê Phước Vũ, chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoa Sen, vẫn giữ vẻ điềm tĩnh. Thái độ này càng gây chú ý khi Hoa Sen là doanh nghiệp xuất khẩu tôn mạ sang Mỹ nhiều nhất Việt Nam trong năm qua, theo báo cáo của Công ty Chứng khoán An Bình.

“Tôi đã có sẵn ba, bốn kịch bản rồi. Tình huống tới đâu thì hành động tới đó, ông Vũ nói với Forbes Việt Nam trong cuộc phỏng vấn vào giữa tháng năm, không lâu sau khi Bộ Thương mại Mỹ áp thuế chống bán phá giá lên sản phẩm tôn mạ từ Việt Nam.

Từng quy y cửa Phật cách đây năm năm, sự tĩnh tại của vị chủ tịch 62 tuổi một phần đến từ việc tập đoàn của ông đã ngưng xuất hàng sang Mỹ từ tháng 9.2024. Dẫu mất một thị trường xuất khẩu rất quan trọng, kết quả kinh doanh của Hoa Sen vẫn không ảnh hưởng.

Theo niên độ tài chính của công ty từ tháng 10.2024, doanh thu thuần trong tám tháng đầu niên độ 2024 – 2025 của công ty vẫn đạt 25.099 tỷ đồng, hoàn thành 66% kế hoạch đề ra, lợi nhuận sau thuế đạt 567 tỷ đồng, hoàn thành 113% kế hoạch. “Thị trường Mỹ hiện chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ,” ông Vũ nói bằng chất giọng sang sảng đặc trưng.

Doanh nghiệp thép Việt Nam không bị ảnh hưởng bởi mức thuế 46% mà Mỹ ban hành tháng 4.2025. Lý do là Phụ lục II của sắc lệnh này đã miễn trừ các mặt hàng từng bị áp thuế theo Mục 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại Hòa Kỳ.

Sự bù đắp của thị trường trong nước, cụ thể từ khoản doanh thu nội địa khoảng 12 ngàn tỷ đồng với đóng góp lớn đến từ Hoa Sen Home, chuỗi siêu thị vật liệu xây dựng lẫn nội thất Việt Nam đầu tiên (tương tự mô hình Home Depot ở Mỹ), mang về gần 65% doanh thu cho tập đoàn trong sáu tháng đầu năm. Đây là một trong những lý do chính giúp Hoa Sen giữ đà tăng trưởng ổn định giữa bão thuế quan.

Trên thực tế, việc quay lại thị trường nội địa đã được ông Vũ khởi động từ cách đây năm năm và giờ mới sinh trái ngọt. Trong bốn năm tới, Hoa Sen đặt mục tiêu doanh thu 1,3 tỷ USD từ chuỗi Hoa Sen Home và kỳ vọng chuỗi này là động lực tăng trưởng chính, thay thế phần nào vai trò của mảng xuất khẩu, vốn làm nên tên tuổi tập đoàn.

“Hoa Sen đang ‘lột xác’ để bỏ dần lớp vỏ cũ. Sắp tới, sản xuất và xuất khẩu chỉ còn là phần nhỏ so với chuỗi bán lẻ Hoa Sen Home,” ông Vũ khẳng định. Nếu tầm nhìn này thành công, cú “bẻ lái” sẽ không chỉ giúp Hoa Sen lột xác mà còn phá vỡ thế trận “tam mã” của ba ông lớn ngành thép là Hòa Phát, Hoa Sen và Nam Kim, vốn dẫn dắt, định hình và thống trị ngành thép xuất khẩu Việt Nam nhiều năm qua.

Bước ngoặt lớn của Hoa Sen cũng đến giữa bối cảnh nhu cầu thép toàn cầu suy giảm năm thứ ba liên tiếp. Sang năm 2025, nhu cầu thép thế giới được dự báo chỉ hồi phục nhẹ ở 1,2%, theo World Steel. “Tôi nói thẳng: ngành tôn thép giỏi lắm là đi ngang. Xu thế chung là đi xuống,” ông Vũ tuyên bố trong đại hội cổ đông hồi tháng ba. Câu nói này là tiêu đề nhiều bài báo trong nước xuất bản ngay hôm sau.

Ông Vũ có thể đúng, cũng có thể sai. Tuy nhiên thực tế cho thấy một thực trạng: ngành thép Việt Nam đang bị bao vây bởi hàng rào thuế quan dày đặc, nhất là từ các biện pháp chống bán phá giá, phòng vệ thương mại của nhiều nước (nhằm bảo vệ lợi ích ngành thép của riêng họ).

Từ năm 2016 đến nay, gần như năm nào Việt Nam cũng phải đối mặt với các vụ kiện liên quan đến thép xuất khẩu – mà đáng chú ý nhất là những “đòn đánh” từ Mỹ (do lo ngại thép Trung Quốc đội lốt hàng Việt để né thuế), theo thống kê của Forbes Việt Nam. Không chỉ Mỹ hay châu Âu, mà ngay cả các nước láng giềng trong khối ASEAN cũng ngày càng mạnh tay siết chặt các biện pháp phòng vệ thương mại.

Thật ra, đến thời điểm hiện tại, doanh nghiệp thép Việt Nam không bị ảnh hưởng bởi mức thuế bổ sung 46% mà Mỹ vừa ban hành. Lý do là Phụ lục II của sắc lệnh này đã miễn trừ các mặt hàng từng bị áp thuế theo Mục 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại Hoa Kỳ. Trước đó, trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump (2017), Việt Nam đã chịu mức thuế cao theo Mục 232 – riêng Hoa Sen bị áp tới 25%.

Tuy nhiên, thách thức cho ngành thép Việt Nam không chỉ là thuế quan, mà áp lực còn đến từ những rào cản kỹ thuật ngày càng khắc nghiệt. Từ quý I.2026, EU sẽ áp thêm thuế carbon dựa trên Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM), buộc giới doanh nghiệp Việt Nam phải đầu tư thêm cho sản xuất “xanh” vốn tốn kém không ít.

Tất cả những thách thức như vậy, theo nhận định của VCBS, đã đẩy ngành thép trong nước vào giai đoạn “sinh tồn”, khiến nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự, bán bớt tài sản hoặc chuyển nhượng cổ phần nhằm tồn tại. “Xuất khẩu (thép) gặp khó do xu hướng bảo hộ thương mại làm đảo lộn thị trường toàn cầu, trong khi nhu cầu mãi chưa phục hồi từ sau đại dịch tới nay,” ông Vũ bình luận đồng thời đưa ra cảnh báo về nguy cơ thừa cung, vốn đã và đang diễn ra.

Như vậy, sau hai thập niên thuận lợi với mức tăng trưởng kép mỗi năm hai con số đáng mơ ước, ngành thép Việt Nam đang bước vào giai đoạn “căng mình” với áp lực thị trường ngày một gia tăng. Một điều dễ nhìn thấy hơn cả: tất cả động lực tăng trưởng cũ đang mất dần tác dụng, từ cánh cửa xuất khẩu ngày càng khó mở tại các thị trường lớn đến nguồn cung thép cán nóng giá rẻ từ Trung Quốc (một nguyên liệu đầu vào quan trọng của ngành thép) đang thu hẹp dần.

Hoa Sen đang ‘lột xác’ để bỏ dần lớp vỏ cũ.

Từ năm 2020, ông Vũ cho biết đã cảm nhận sâu sắc xu thế bảo hộ bắt đầu lấn át chủ nghĩa toàn cầu hóa trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Donald Trump. “Chính sách Nước Mỹ trên hết và chủ trương mang sản xuất quay lại Mỹ của ông Trump làm đảo ngược xu thế toàn cầu hóa. Mỗi quốc gia đều nghiêng về bảo hộ, vai trò của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mờ dần,” ông Vũ nhận xét.

Nhờ cảm nhận sớm rủi ro nếu tiếp tục phụ thuộc vào xuất khẩu, Hoa Sen từ đó bắt đầu tìm kiếm động lực tăng trưởng mới. Tuy nhiên, dù đã nỗ lực mở thêm nhiều cánh cửa xuất khẩu khác để bù đắp cho thị trường Mỹ, kết quả kinh doanh vẫn chưa khả quan. Phải đến năm 2020, bước ngoặt lớn mới đến khi công ty thành lập chuỗi Hoa Sen Home, chuyển hướng quay về thị trường trong nước. Lý giải cho quyết định này, ông Vũ cho rằng Hoa Sen hoàn toàn đủ nền tảng để lấn sân sang địa hạt bán lẻ. Lợi thế đầu tiên là tiềm lực tài chính. Thứ hai là thương hiệu đã được gây dựng qua hơn 20 năm chinh chiến trong ngành. Bên cạnh đó là hệ thống cửa hàng đắc địa phủ rộng toàn quốc và tệp khách hàng sẵn có.

“Những lợi thế đặc biệt này, doanh nghiệp khác khó mà tạo ra được,” ông Vũ tự tin cho biết. Công ty của ông khởi đầu bằng việc phân phối các sản phẩm truyền thống do chính họ sản xuất như tôn, ống thép, ống nhựa, trước khi mở rộng sang các mặt hàng vật liệu xây dựng và nội thất khác.

Vào thời điểm con tàu Hoa Sen chuyển hướng, năm 2020, ông Vũ vẫn đang tu tập trong quần thể Khu du lịch tâm linh Đại Tùng Lâm Hoa Sen trên núi B’Lu Mu (Lâm Đồng). Theo thông tin từ trang web, nơi này có diện tích hơn 576 héc ta với vốn đầu tư hơn 584 tỷ đồng. “Tôi lên núi tu hai, ba năm. Một, hai tháng sẽ xuống núi một lần. Xuống vài tiếng rồi tôi lại lên,” ông Vũ kể. Công việc điều hành được ông chuyển giao cho các lãnh đạo tập đoàn trong tuyên bố trước cổ đông.

Khi thị trường xuất khẩu có dấu hiệu khó khăn, năm 2020, Hoa Sen thành lập chuỗi Hoa Sen Home, chuyển hướng quay về thị trường trong nước.

Cuối năm 2022, chuỗi Hoa Sen Home cán mốc hơn 100 cửa hàng. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh, theo ông Vũ là “tháng nào cũng phải bù lỗ.” Theo tiết lộ chi tiết hơn từ ông Trần Thành Nam, phó tổng giám đốc Hoa Sen, mức lỗ bình quân của chuỗi “20 tỷ đồng mỗi tháng, sau đó giảm dần.” Kết quả là Hoa Sen Home buộc phải dừng mở rộng trong hai năm tiếp theo để tìm kiếm nguyên nhân và cách xử lý.

Đó cũng là lúc ông Vũ quyết định trở lại thương trường. “Khi thấy chuỗi Hoa Sen Home không ổn, tôi phải xuống núi. Tôi phải tham gia ‘chiến đấu’ cùng,” ông nói, gằn mạnh từng từ như một cách thể hiện lòng quyết tâm. Theo ông, nguyên nhân khiến chuỗi bán lẻ này liên tục thua lỗ là do chưa xác định được sản phẩm chủ lực.

Không chỉ đối mặt với thách thức thị trường, Hoa Sen Home còn vấp phải sự phản kháng từ chính chuỗi cung ứng bán hàng cho họ. Dù tiên phong trong lĩnh vực bán lẻ vật liệu xây dựng và nội thất, hệ thống lại bày bán các mặt hàng quá phổ thông – vốn đã được kiểm soát chặt chẽ trong mạng lưới phân phối theo chiều dọc của các nhà sản xuất và nhà cung ứng lớn.

Sự xuất hiện của một “ông lớn” như Hoa Sen khiến nhiều đối tác e ngại phá vỡ thế cân bằng cũ, lo sợ bị phụ thuộc và mất quyền định giá. Hệ quả, thay vì hợp tác, họ tìm cách gây khó dễ, tạo ra rào cản ngay từ bước tiếp cận nguồn hàng với chuỗi bán lẻ non trẻ này.

Để giải quyết bài toán khó này, ông Vũ (người gầy dựng cơ nghiệp chỉ với vỏn vẹn 1,2 triệu đồng năm 1994) cho biết tính linh hoạt, khả năng tư duy và kỹ năng “dẫn dắt câu chuyện” rất quan trọng. “Các nhà cung ứng cũng là những người làm chủ, cần cách bắt chuyện và lèo lái khác nhau,” ông Vũ chia sẻ.

Cụ thể hơn, ông Vũ kể: sau nhiều lần thuyết phục không thành công một đối tác Ấn Độ, ông bèn mời họ tham dự sự kiện Dalat Best Dance Crew, cuộc thi nhảy thu hút hàng chục ngàn khán giả và các vũ công quốc tế, theo tự bạch. Chương trình được Hoa Sen tài trợ suốt ba năm liên tiếp nhằm quảng bá cho thương hiệu Hoa Sen Home. Sau khi chứng kiến quy mô sự kiện, đối tác này đã chấp nhận ngay các điều khoản đàm phán. “Tôi có bài của tôi, giống như võ sĩ vậy. Võ sĩ thì có chiêu, còn võ sư không cần chiêu vì đã đạt cảnh giới vô chiêu rồi,” ông Vũ nói một cách ẩn ý.

Hoa Sen đang đẩy nhanh tốc độ cho quá trình chuyển đổi chiến lược của Hoa Sen Home.

Ngoài làm việc với các đối tác, ông Vũ còn tự tuyển dụng và đào tạo nhân sự bán lẻ cho Hoa Sen Home. Bên cạnh đó, điều chỉnh lại chiến lược sản phẩm. Theo ông Nam, phong cách quản trị và ra quyết định quyết liệt của ông Vũ đã giúp đẩy nhanh tốc độ cho quá trình chuyển đổi chiến lược của Hoa Sen Home. “Ngay cả khi tỷ lệ thành công chỉ từ 20 đến 30%, anh (Vũ) vẫn quyết làm tới cùng,” ông Nam nói.

Cuối cùng, sau hai năm tạm dừng mở mới để tái cấu trúc, chuỗi quay lại mở rộng vào năm 2023 từ 100 lên 122 cửa hàng mô hình Hoa Sen Home vào quý I.2025. Tính luôn những cửa hàng truyền thống khác trong chuỗi, con số vào khoảng 400 điểm bán lẻ. Quan trọng hơn cả, toàn chuỗi đã hết lỗ và bắt đầu ghi nhận lợi nhuận trong vài tháng gần đây, ông Nam cho biết.

Theo tự bạch, chuỗi Hoa Sen Home đã mang về khoảng 7.500 tỷ đồng doanh thu trong 6 tháng đầu niên độ tài chính 2024-2025, chiếm gần 62,5% doanh thu nội địa (khoảng 12 ngàn tỷ đồng). Tuy nhiên, do chưa chia tách thành pháp nhân độc lập (kế hoạch này sẽ được triển khai vào đầu năm sau), doanh thu từ mảng bán lẻ hiện vẫn được hợp nhất cùng mảng sản xuất trong báo cáo tài chính toàn tập đoàn (tổng doanh thu: khoảng 40.000 tỷ đồng).

Theo bình luận từ PwC Việt Nam, việc chia tách này sẽ giúp nâng định giá cổ phiếu Hoa Sen Home bởi hệ số P/E của ngành bán lẻ thường cao hơn đáng kể so với ngành sản xuất.

Sinh năm 1963, ông Lê Phước Vũ có quê gốc Quảng Nam, sinh ra một gia đình nghèo khó tại Bình Đình. Sau khi tốt nghiệp trung cấp lái xe, ông rong ruổi khắp nơi, từ Buôn Ma Thuột xuống Cần Thơ trước khi quay lại TP.HCM vào đầu thập niên 1990. Năm 1994, khi còn đang ở thuê, ông đã khởi nghiệp bằng nghề bán lẻ tôn thép.

Cửa hàng đầu tiên, theo lời ông kể, chỉ rộng 40m2, còn số vốn ban đầu chỉ khoảng 80 USD, tương đương 1,2 triệu đồng vào thời điểm đó. Nhờ được nhà cung cấp cho trả chậm, ông nhập hàng gấp 40 lần tiền vốn.

“Ngày khai trương, tôi lời được 650 ngàn đồng, mừng vô cùng,” ông Vũ đã chia sẻ trong cuộc phỏng vấn cùng Forbes Việt Nam cách đây 10 năm, thời điểm ông tuyên bố rút dần khỏi thương trường để “lên núi”.

Ban đầu, việc kinh doanh diễn ra suôn sẻ trong bối cảnh đất nước vừa mở cửa, dòng vốn đầu tư nước ngoài bắt đầu đổ vào, tạo ra nhiều cơ hội việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Điều này giúp kéo theo nhu cầu xây dựng nhà ở, khu công nghiệp, khiến các mặt hàng tấm lợp tiêu thụ nhanh chóng. “Từ một cửa hàng, tôi mở thêm nhiều cửa hàng. Sau đó, tôi làm một xưởng cán tôn. Rồi từ một xưởng cán tôn, tôi mở nhiều xưởng cán tôn,” ông Vũ hồi tưởng.

Năm 2001, ông Vũ xây nhà máy tôn đầu tiên của mình tại Khu Công nghiệp Sóng Thần 2 ở Dĩ An (Bình Dương) trên khu đất thuê có diện tích hơn 2 héc ta. Do chi phí ban đầu không đủ, ông chỉ dựng một phần nhà xưởng, phía sau chưa kịp lợp mái. “Không làm không được. Nếu không làm sẽ bị bỏ lại bởi sự thay đổi quá nhanh của thị trường,” ông giải thích.

Hoa Sen có kế hoạch xây thêm các đại siêu thị cấp tỉnh diện tích từ 10.000 đến 30.000m2.

Sự táo bạo ban đầu này bắt đầu giúp ông đưa ra nhiều quyết định mang tính bước ngoặt: ông thế chấp tài sản để vay vốn ngân hàng, đầu tư 384 ngàn USD mua dây chuyền mạ màu từ một công ty Nhật Bản. Tuy nhiên, công ty này phá sản, không giao được máy về Việt Nam.

Không bỏ cuộc, ông vẫn mang bản thiết kế máy về nước để chế tạo, và cuối cùng cũng vận hành được dây chuyền (mạ màu) đầu tiên. Tiếp đến, ông tiếp tục xây nhà máy cán thép nguội bằng vốn vay ODA (tổng 13 triệu USD) từ Chính phủ Ấn Độ. Cùng thời điểm này, thị trường bất động sản Việt Nam bùng nổ, các khu công nghiệp mọc lên khắp nơi, dẫn đến nhu cầu sản phẩm tấm lợp và vật liệu xây dựng tăng vọt.

Thời đã đến, ông tiếp tục mở rộng quy mô nhà máy.

Đến năm 2008, khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra, ông Vũ vẫn quyết định xây dựng đại dự án Nhà máy Tôn Hoa Sen Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) trên diện tích 17,7 héc ta, tổng đầu tư khoảng 260 triệu USD. Với dự án này, ông trực tiếp làm hầu hết mọi công đoạn từ thiết kế ban đầu, mua trang thiết bị từ Trung Quốc cho đến cải tiến dây chuyền, lắp đặt và giám sát thi công. Nhà máy đi vào hoạt động đúng thời điểm nhu cầu thép tăng mạnh trong và ngoài nước.

Đặc biệt, khi Hoa Sen mua được nguồn thép cán nóng giá rẻ từ Trung Quốc và Mỹ áp thuế cao lên thép Trung Quốc, Hoa Sen nhanh chóng thế chỗ nhà cung cấp này trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Chớp cơ hội, ông Vũ tiếp tục đầu tư lớn vào các nhà máy tại Nghệ An (320 triệu USD), Nhơn Hội, Bình Định (130 triệu USD), mở rộng hiện diện trên cả nước.

“Từ năm 2001 đến năm 2020 là 20 năm ‘vàng’ cho những ai đủ nhạy bén để dự đoán được xu thế thị trường và tận dụng được cơ hội đến từ chính sách các nước,” ông Vũ phân tích.

Quả thật, Hoa Sen đã nắm bắt thời cơ này để vươn lên dẫn đầu thị phần tôn mạ xuất khẩu (hơn 35%) và tiêu thụ nội địa (hơn 22%), theo Chứng khoán An Bình. Từ xuất phát điểm ban đầu là một xưởng nhỏ, doanh thu trong năm tài chính 2024 đạt hơn 40.000 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 576 tỷ đồng.

Bài toán quản lý hàng tồn kho vẫn là thách thức lớn đối với bất kỳ mô hình bán lẻ nào, đặc biệt với ngành thép vốn có mức độ biến động giá mạnh.

Trong báo cáo “Tương lai nào cho ngành thép Việt Nam”, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du nhận định Hòa Phát và Hoa Sen là hai “niềm hy vọng của ngành thép Việt Nam” khi đại diện cho khối doanh nghiệp tư nhân có năng lực nắm bắt cơ hội và vươn lên dẫn đầu lĩnh vực hoạt động, hơn cả các doanh nghiệp nhà nước và nước ngoài cùng ngành như Công ty Gang thép Thái Nguyên, Công ty Thép Miền Nam, Posco.

Người đứng đầu Tập đoàn Hoa Sen còn là một trong số ít doanh nhân công khai theo Phật giáo, coi đây là “nguyện ước” đời mình và cho biết nhiều ý tưởng kinh doanh đến từ sự sáng suốt trong quá trình tu tập. “Giới – Định – Tuệ, Đức Phật dạy vậy mà,” ông Vũ chia sẻ. Với ông, khi sống thanh tịnh, giữ tâm thiện lành và có trách nhiệm, trí óc sẽ trở nên minh mẫn, từ đó gợi mở nhiều hướng kinh doanh mới.

Ông cho biết hiện nay ông thường niệm Phật trong tâm. “Đi, đứng, ngồi đều niệm, nhớ là niệm,” ông chia sẻ thêm về cách mình thực hành tôn giáo này. Tên gọi và logo của Tập đoàn Hoa Sen cũng thấm đẫm dấu ấn Phật giáo. Doanh nghiệp được thành lập vào ngày 8.8.2001, trùng ngày vía Đức Quan Thế Âm Bồ Tát (19.6 âm lịch).

Cú “bẻ lái” sang thị trường nội địa của ông Vũ diễn ra đúng thời điểm, không chỉ giúp Hoa Sen né được cơn bão thuế quan mà còn mở ra dư địa tăng trưởng mới ngay tại sân nhà. Trong khi xuất khẩu qua thị trường Mỹ gần như đóng băng, sản lượng xuất khẩu sang châu Âu cũng giảm mạnh một nửa chỉ còn khoảng 15.000 tấn/tháng, hệ thống bán lẻ trong nước của Hoa Sen lại tăng tốc, đều đặn bổ sung từ ba đến năm nhóm sản phẩm mới mỗi tháng. Quy mô mỗi cửa hàng cũng được nâng cấp từ khoảng 1.000–2.000m2 lên 3.000–5.000m2, song song kế hoạch xây thêm các đại siêu thị cấp tỉnh diện tích từ 10.000 đến 30.000m2.

Để thực hiện chiến lược mở rộng này, ông Vũ cho biết Hoa Sen sẽ huy động 6.000 tỷ đồng, trong đó 60% dùng để mở mới cửa hàng, 30% đầu tư cho hệ thống tổng kho và công nghệ, và 10% (tương đương 600 tỷ đồng) dành cho hoạt động tiếp thị. Riêng trong năm nay, công ty đặt mục tiêu khai trương 20 cửa hàng Hoa Sen Home mới và trong giai đoạn tiếp theo, mỗi năm tăng thêm ít nhất 25 cửa hàng.

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen.

Tính đến tháng 5.2025, theo tự bạch, tỷ trọng xuất khẩu trong cơ cấu doanh thu của Hoa Sen đã giảm từ 60% xuống còn 40%, được bù đắp bằng doanh thu nội địa, một xu hướng được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng khi công ty cuối cùng đã tìm ra công thức sinh lời cho chuỗi Hoa Sen Home và quyết tâm mở rộng đầu tư. Theo ông Nam, với mục tiêu 1,3 tỷ USD từ bán lẻ trong bốn năm tới, Hoa Sen cần duy trì mức tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) khoảng 16,3%.

Trên thị trường, phần lớn các chuỗi bán lẻ hiện nay chỉ tập trung vào một số dòng sản phẩm. Hoa Sen Home tạo khác biệt nhờ hệ thống phân phối phủ rộng toàn quốc và danh mục sản phẩm đa dạng từ vật liệu thô đến nội thất.

Theo PwC và VNDIRECT, những đối thủ nội địa đang cạnh tranh trực tiếp với Hoa Sen Home bao gồm Hamaco (16 cửa hàng, chuyên vật liệu xây dựng), RitaVo (38 cửa hàng, chuyên nội thất), Viglacera (290 cửa hàng, mạnh về thiết bị vệ sinh), Prime (132 cửa hàng, gạch và vật liệu xây dựng).


Muốn thành công phải cảm nhận được xu thế thị trường, dám quyết đoán và nỗ lực tột bậc để đi nhanh, đi xa nhất có thể

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen

Theo anh Lê Hải Thành, chuyên viên nghiên cứu khách hàng cá nhân tại MBS, mô hình chuỗi bán lẻ vật liệu xây dựng tại Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ đối với người tiêu dùng. Phần lớn khách hàng hiện nay vẫn có thói quen mua sắm qua các đại lý truyền thống, thay vì tìm đến các siêu thị chuyên biệt.

Trước đây, một số doanh nghiệp nước ngoài từng kỳ vọng thay đổi thói quen này, nhưng sau vài nỗ lực thử nghiệm, họ buộc phải rút lui do không nắm được đặc thù của thị trường trong nước. Nếu Hoa Sen có thể làm thay đổi hành vi tiêu dùng, theo anh Thành, chuỗi bán lẻ Hoa Sen Home có thể trở thành động lực tăng trưởng mới cho toàn tập đoàn.

Tuy vậy, theo anh Nguyễn Dương Nguyên, chuyên gia phân tích cao cấp tại Chứng khoán KB, bài toán quản lý hàng tồn kho vẫn là thách thức lớn đối với bất kỳ mô hình bán lẻ nào, đặc biệt với ngành thép vốn có mức độ biến động giá mạnh. Bài học từ năm 2022 cho thấy, chỉ cần một cú sốc giá cũng có thể khiến doanh nghiệp thua lỗ nặng.

Liệu ông Lê Phước Vũ có thành công trong lần “xuống núi” này? Dẫu thành hay bại, theo chia sẻ của ông Vũ với Forbes Việt Nam, đây là sẽ lần “trở lại cuối cùng” trước khi ông toàn tâm buông bỏ để trọn tâm xuất gia. Như vậy, sau hơn ba thập niên kinh doanh, vị chủ tịch đang nắm gần 17% cổ phần Hoa Sen đúc kết: kinh doanh thép là trò chơi mang tính chu kỳ vô cùng khắc nghiệt!