Doanh nghiệp

OCB đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2025 tăng 33%

3 tuần trước
Tác giả Minh Tâm

Chủ tịch Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), ông Trịnh Văn Tuấn tin tưởng kết quả kinh doanh từ 2025 sẽ khả quan, dù chịu tác động từ chính sách thuế quan.

chủ tịch OCB

Share
this:

Trả lời cổ đông tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 diễn ra hôm 22.4 tại TP.HCM, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị OCB chia sẻ, năm 2024, giá cổ phiếu OCB giảm, hiện được định giá ở mức 0,82% giá trị sổ sách, thấp hơn khá nhiều so với mức 1,2 – 1,3% của nhiều ngân hàng khác.

Bên cạnh đó, năm 2024, kết quả kinh doanh của OCB tiếp tục không đạt mục tiêu như năm 2022, 2023 trước đó do tác động của tình hình kinh thế giới đảo chiều FED “dâng” lãi suất lên cao vì lạm phát cao ở Mỹ…

Tuy nhiên, ông Tuấn cam kết, về dài hạn OCB sẽ khả quan. “Tôi tự tin vào điều này. Minh chứng, tôi đang là nhà đầu tư lớn nhất ở ngân hàng,” ông nói.

Chủ tịch OCB, ông Trịnh Văn Tuấn trả lời các câu hỏi của cổ đông.

Cơ sở của niềm tin này, theo ông Tuấn, là OCB hoạt động công khai minh bạch, quản trị rõ ràng, có đại diện cổ đông chiến lược tham gia vào tất cả hội đồng, ủy ban… Đặc biệt, ngân hàng không tiềm ẩn những rủi ro quá lớn, đến mức không sửa được gây gãy đổ hệ thống.

Thứ hai là nhìn vào thực tế mà OCB đã trải qua. 2010 – 2021 là thời kỳ ngân hàng phát triển tốt, từ một ngân hàng nhỏ trở thành một nhà băng tầm trung với tốc độ tăng trưởng nhanh, lợi nhuận tăng 60 – 70%, có năm gấp đôi. Từ năm 2022 đến 2024, kết quả kinh doanh đều không đạt mục tiêu. Nhưng ngân hàng đã nhìn nhận được những vấn đề yếu kém, đánh giá lại và quyết liệt thay đổi từ năm 2024: hoạch định lại đường hướng chiến lược, tái cấu trúc, nhân sự, trong đó lớn nhất là bổ nhiệm tổng giám đốc mới từ giữa năm.

“Kỳ vọng năm nay, với sự khởi sắc của nền kinh tế, đặc biệt là thị trường bất động sản, kết quả sẽ tốt. Không năm nay thì sẽ là sang năm. Trung và dài hạn thì tôi tự tin,” ông Tuấn nói.

Với những diễn biến mới của tình hình thế giới, đó là thương chiến Mỹ – Trung, ông Tuấn cho biết, Hội đồng quản trị của OCB đã có thảo luận, đánh giá các vấn đề và định hướng cho ngân hàng hoạt động cho hiệu quả, an toàn.

Thuế quan của Mỹ áp vào các nước đã và đang tạo nên nhiều vấn đề nhưng quan trọng nhất là mọi thứ đang rất bất định, không dự đoán. “Trong bối cảnh này thì rõ ràng phải thận trọng. Tuy nhiên, OCB sẽ không bi quan, vẫn đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 33%,” ông Tuấn nói.

Lần đầu tiên sau nhiều năm lên sàn, OCB chia cổ tức bằng tiền mặt.

Cơ sở của sự tích cực này, theo OCB, thị trường đang bước vào chu kỳ “lên” sau 3 năm “xuống đáy”.

“Hơn 30 năm làm trong ngành tài chính, tôi đã trải qua mấy lần chu kỳ như vậy. 2022 – 2024 là đáy rồi thì 2025 sẽ phải quay lại thôi. Nhưng vẫn phải tính, không thể ngồi chờ chu kỳ,” ông Tuấn nhấn mạnh Việt Nam đang có nhiều động lực để phát triển, cộng đồng doanh nghiệp có niềm tin.

Đồng thời, Chính phủ cũng đang nỗ lực đàm phán với Mỹ, hy vọng sẽ có mức thuế phù hợp, tức đồng hạng với những đối thủ cạnh tranh ở những mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ và bản thân doanh nghiệp cũng nỗ lực mở rộng sang các thị trường mới.

Năm nay, lần đầu tiên sau nhiều năm lên sàn chứng khoán, OCB chia cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 7% bên cạnh cổ phiếu thưởng tỷ lệ 8%.

Năm 2025, OCB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 5.338 tỷ đồng, tăng 33% so với năm 2024; tổng tài sản dự kiến tăng 13%, đạt 316.779 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%. Đồng thời, OCB tiếp tục tăng vốn điều lệ bằng phương án phát hành cổ phiếu từ 24.657 tỷ đồng lên 26.630 tỷ đồng.

Năm ngoái, lợi nhuận trước thuế của OCB đạt 4.006 tỷ đồng, giảm 3% so với năm 2023. Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc OCB cho biết, kết quả năm 2024 chưa đạt kỳ vọng nhưng bóc tách số liệu thì phần lõi của ngân hàng, NIM (biên lãi ròng) đạt 3,51%, tăng so với mức 3,3% của năm 2023 dù ngân hàng có giảm lãi suất để hỗ trợ khách hàng.

Ngoài ra, chỉ số CASA (tiền gửi không kỳ hạn) đạt gần 15% vào cuối năm và lãi từ cho vay và tiền gửi tăng 27%.

“Năm 2024, kết quả chưa tốt chủ yếu là nợ xấu ở mảng khách hàng cá nhân. Điểm sáng là danh mục dư nợ khách hàng cá nhân chiếm tỷ trọng dưới 5%, các khoản nợ đều có tài sản đảm bảo,” ông Hải phân tích và kỳ vọng tình hình năm 2025 sẽ có khởi sắc khi GDP tăng trưởng tốt, thị trường bất động sản ấm lên, tất nhiên có tính đến các tác động của hàng rào thuế quan mới từ Mỹ.

Cập nhật kết quả quý 1.2025 với cổ đông, ông Hải cho biết quy mô tín dụng tăng 2,2%, tuy có chậm hơn thị trường nhưng OCB vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% cho cả năm và tập trung vào chất lượng tín dụng. Lợi nhuận sau thuế đạt 900 tỷ đồng, đạt 17% kế hoạch cả năm trên nền doanh thủ 2.300 tỷ đồng, tương đương năm ngoái.

Điểm sáng là trích lập dự phòng sau khi đạt đỉnh vào quý 3 năm ngoái thì đang tiếp tục giảm, đi vào những vấn đề tồn tại của dư nợ khách hàng cá nhân nên quý tới, bức tranh nợ xấu sẽ được giải quyết.

Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc OCB, người vừa được bổ nhiệm từ giữa năm 2024.

Chiến lược cho giai đoạn 2026 – 2030, OCB sẽ khai thác tối đa thế mạnh trước giờ của ngân hàng là có tệp khách hàng là doanh nghiệp lớn, nhiều trong số này đã trở thành trụ cột của nền kinh tế và có hệ sinh thái rộng. Dựa trên mối quan hệ này, OCB sẽ đẩy mạnh mảng khách hàng cá nhân, là những cán bộ nhân viên, khách hàng của doanh nghiệp lớn.

Bên cạnh đó sẽ hướng tới nhóm khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), một mảng khó mà nhiều ngân hàng đã làm nhưng không thành công và các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) quy mô nhỏ hoặc doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng của doanh nghiệp FDI.

Xem thêm

img

2 năm trước

BrandConnect | Brand Contributor
Liobank – ngân hàng số cho khách sành công nghệ
img