Tiêu điểm

Ô nhiễm không khí do nhiên liệu hóa thạch gia tăng ung thư phổi ở người không hút thuốc

Ô nhiễm không khí do khói xe và đốt nhiên liệu hóa thạch có thể làm tăng nguy cơ ung thư phổi ở những người không hút thuốc, theo một nghiên cứu mới được công bố hôm 10.9 của hiệp hội Ung thư y tế châu Âu.

Share
this:

Các nhà nghiên cứu tại Francis Crick Institute và University College London phát hiện mật độ hạt bụi mịn có đường kính 2,5 micrometer (PM2.5) trong không khí tăng tạo ra “những thay đổi nhanh chóng” trong các tế bào đường thở, gây nên đột biến gen EGFR và KRAS dẫn đến ung thư phổi.

Những đột biến này có trong 18% -33% các mẫu mô phổi bình thường, tuy nhiên ung thư xảy ra “nhanh hơn” khi những lá phổi đó tiếp xúc với ô nhiễm không khí, theo nghiên cứu, phân tích dữ liệu của hơn 460.000 người ở Anh, Hàn Quốc và Đài Loan.

Theo một nghiên cứu mới, ô nhiễm không khí có thể làm gia tăng ung thư phổi.Ảnh:Sean Gallup/Getty Images/Forbes

Nghiên cứu được thực hiện sau nhiều báo cáo liên quan đến mức tác động của khí thải do đốt nhiên liệu hóa thạch tại các nhà máy, từ phương tiện giao thông cũng như các động cơ đốt khác không chỉ làm tăng nhiệt độ mà còn suy giảm sức khỏe, gây tử vong, bệnh mãn tính, bệnh hô hấp, cũng như sức khỏe tâm thần.

Charles Swanton, giám đốc lâm sàng tại Cancer Research U.K., dẫn đầu nghiên cứu, cho biết nghiên cứu tiết lộ cách “những hạt bụi trong không khí” làm cho biến đổi khí hậu ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn cũng là nguyên nhân tạo ra “cơ chế gây ung thư phổi vốn trước đây không để ý đến.”

Nghiên cứu được thực hiện sau gần một năm tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo phải giảm ô nhiễm không khí, bao gồm ozone, nitơ dioxit, lưu huỳnh dioxit và carbon monoxit, để “cứu hàng triệu người.”

Theo một báo cáo trên tạp chí British Medical Journal, ung thư phổi giết chết khoảng 1,2 triệu người mỗi năm trên toàn thế giới. Hút thuốc lá luôn được cho là nguyên nhân gây nên hầu hết những ca tử vong đó mà không nghĩ đến ô nhiễm không khí cũng góp phần, nhưng với một tỉ lệ thấp.

Nghiên cứu do hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ công bố hồi năm 2002 cho thấy mật độ hạt bụi và chất gây ô nhiễm liên quan đến oxit lưu huỳnh tăng lên 10 microgram/m3 thì nguy cơ ung thư phổi tăng khoảng 8%.

Tại Hoa Kỳ, khoảng 100 triệu người sống trong những khu vực ô nhiễm không khí vượt quá tiêu chuẩn chất lượng không khí, theo báo cáo năm 2018 của National Climate Assessment, cũng cho thấy những khu vực đó có khả năng ô nhiễm nặng hơn khi hành tinh tiếp tục nóng lên, tác động tiêu cực đến hệ hô hấp lẫn tim mạch.

Tổ chức Y tế Thế giới dự đoán từ năm 2030 đến năm 2050, suy dinh dưỡng, sốt rét, tiêu chảy cũng như sốc nhiệt do biến đổi khí hậu sẽ cướp đi mạng sống của khoảng 250.000 người mỗi năm.

Liệu nghiên cứu có đưa ra các biện pháp phòng ngừa các tổn thương tiền ung thư phổi cho những người sống ở những nơi có chất lượng không khí kém hay không.

Những nhà nghiên cứu cũng đã phân tích hiệu quả của một loại thuốc, một chất ức chế miễn dịch interleukin, phát hiện ra chất này có khả năng ngăn chặn sự khởi phát của ung thư phổi.

Biên dịch: Gia Nhi

Xem thêm:

Mối đe dọa toàn cầu: ô nhiễm gây ra hơn 9 triệu ca tử vong mỗi năm
Mảng xanh có thể giúp làm chậm quá trình suy giảm nhận thức