Nhóm nhà nghiên cứu của Resource Renewal Institute thực hiện dự án thí điểm nuôi cá trong ruộng lúa nước để giảm khí thải methane.
Share this:
Gạo nuôi sống một nửa dân số thế giới. Tuy nhiên, sản xuất lúa gạo chịu trách nhiệm cho 10% tổng lượng khí methane trên toàn cầu, một loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh hơn CO2.
Vậy thế giới phải làm gì? Hóa ra, nuôi cá nhỏ trong ruộng lúa nước ở Arkansas, bang sản xuất lúa gạo lớn nhất Hoa Kỳ, vào vụ đông có thể làm giảm 2/3 lượng khí thải methane một cách tự nhiên.
Ngoài ra, cá nuôi trong ruộng lúa nước cũng trở thành sản phẩm, được nông dân bán để tăng thu nhập khi tháo cạn nước ruộng vào vụ xuân.
Dự án Fish in the Fields (Cá nuôi trong ruộng lúa) gần đây đoạt giải thưởng J.M.K. Innovation 2023 của J.M. Kaplan Fund.
Theo ban tổ chức, dự án giúp “giải quyết mối đe dọa từ biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và hệ thống thực phẩm công nghiệp.” Tổng cộng có 10 dự án đoạt giải thưởng lần này.
Deborah Moskowitz và Chance Cutrano là hai người đi đầu thực hiện Fish in the Fields, cả hai đều là lãnh đạo cấp cao tại Resource Renewal Institute, một startup ở California.
Moskowitz, giám đốc RRI, cho biết công ty bắt đầu hình thành ý tưởng này vào năm 2012, từ dự án Nigiri Project. Dự án tiên phong sử dụng đồng lúa trong vụ đông ở California để khôi phục quần thể cá hồi bản địa đang bị đe dọa tuyệt chủng.
“Nigiri Project khiến chúng tôi phải suy nghĩ,” Moskowitz giải thích. “Các quốc gia ở châu Á có truyền thống nuôi cá và trồng lúa trên cùng đồng ruộng trong 1.000 năm qua. Liệu những khu vực trồng lúa ở Hoa Kỳ có thể triển khai tập quán đó để đáp ứng nhu cầu thực phẩm không?”
“Chúng tôi khởi động Fish in the Fields để tìm hiểu xem liệu nuôi cá nhỏ trong ruộng lúa vào vụ đông có thể cung cấp giải pháp thay thế bền vững cho việc đánh bắt cá ở biển làm nguồn thức ăn, đồng thời sử dụng đất và nước hiệu quả hơn không,” bà cho biết thêm.
Fish in the Fields bắt đầu được triển khai vào năm 2022 và kéo dài 3 năm tại Isbell Farms ở Anh và Arkansas. Kết quả cho thấy nuôi cá trong ruộng lúa giúp giảm 2/3 lượng khí thải metan một cách tự nhiên thông qua hiện tượng hóa sinh.
“Chúng tôi nuôi cá vàng trong dự án,” Moskowitz giải thích.
“Chúng là loài cá có nguồn gốc từ Arkansas, được sử dụng rộng rãi làm cá mồi và nuôi trên khắp nước Mỹ. Cá vàng đặc biệt thích hợp sống trong môi trường ruộng lúa nước vì chúng chịu được sự dao động nhiệt độ, điều kiện oxy thấp và nước đục. Điều quan trọng là cá ăn động vật phù du lẫn các vi sinh vật khác trong ruộng lúa,” bà nói.
Với 175.000 USD từ giải thưởng J.M.K Innovation, các nhà nghiên cứu của Resource Renewal Institute sẽ dùng nó để thực hiện một chương trình thí điểm ở Arkansas.
Resource Renewal Institute thực hiện hoạt động nghiên cứu nhờ nguồn tiền từ thiện từ quỹ của gia đình các tỉ phú, cá nhân, cùng với nhiều hiện vật được quyên tặng từ nông dân và các trường đại học.