Sau 32 năm có mặt tại Việt Nam, công ty Nippon Paint Việt Nam thuộc công ty Nippon Paint (Nhật Bản) mà gia đình tỉ phú Singapore Goh Cheng Liang nắm cổ phần đa số, chuẩn bị xây nhà máy thứ tư tại miền Trung.
Xung quanh văn phòng của Nippon Paint Việt Nam tại TP.HCM trong khuôn viên Thảo cầm viên ở quận 1 (TP.HCM) có rất nhiều cây xanh tán lá xòe rộng. Sơn Nippon (Nippon Paint), thương hiệu sơn 140 năm tuổi từ Nhật Bản, cũng đang hưởng sự mát lành từ thị trường tăng trưởng của Việt Nam, bắt nguồn từ tầm nhìn xa của tỉ phú Singapore, Goh Cheng Liang, 94 tuổi, khi ông đến đây từ năm 1989.
Trong đại dịch năm ngoái, con trai của tỉ phú Goh Cheng Liang, ông Goh Hup Jin, hiện là chủ tịch Nipsea Holdings International Ltd sở hữu Nippon Paint, đã mua lại 58% cổ phần Nippon Paint Holdings trong thương vụ 12 tỉ đô la Mỹ.
Mối quan hệ hợp tác từ năm 1965 giữa Goh Cheng Liang và Nippon Paint Holdings đã đem lại cho doanh nhân kỳ cựu này khối tài sản khoảng 20 tỉ đô la Mỹ, chủ yếu từ cổ phần đa số trong hãng sản xuất sơn lớn thứ tư thế giới này, đưa ông trở thành người giàu thứ ba tại quốc đảo và thứ 80 trong danh sách tỉ phú Forbes năm 2021.
“Sơn Nippon vẫn là thương hiệu Nhật Bản, tầm nhìn, DNA, công nghệ vẫn được duy trì như từ trước tới nay,” ông Ee Soon Hean, tổng giám đốc Nippon Paint Việt Nam nói với Forbes Việt Nam khi được hỏi Sơn Nippon thay đổi thế nào sau thương vụ này. Phía sau lưng ông là logo Nippon, với chữ n thường màu đỏ uốn cong trên nền xanh.
Với khoảng 1.000 nhân viên, số vốn đầu tư vào Việt Nam của Nippon đến nay khoảng 30 triệu đô la Mỹ cho ba nhà máy có năng lực sản xuất 30 ngàn tấn sơn/năm, với 95% sản lượng phục vụ nhu cầu trong nước và 5% bán ở thị trường Campuchia.
Với nhà máy thứ tư dự kiến ở miền Trung, Nippon kỳ vọng tích cực vào tương lai trung hạn tại Việt Nam. Tăng trưởng của doanh nghiệp đạt hai con số trong quý 1.2021, và dự báo duy trì tốc độ này trong cả năm.
32 năm trước, Goh Cheng Liang đến Việt Nam để tìm hiểu nhu cầu thị trường, nhập khẩu những sản phẩm sơn và chất phủ đầu tiên từ Singapore. Năm năm sau, Nippon mở nhà máy đầu tiên có tên Nippon Paint Vietnam (NPV) tại khu công nghiệp Biên Hòa II (Đồng Nai) chuyên sản xuất sơn gia dụng và sơn dành cho công nghiệp nặng.
Năm 2006, cơ sở thứ hai ra đời tại khu công nghiệp Quang Minh (Hà Nội) với tên gọi Nippon Paint Vietnam Hà Nội (NPVH) chuyên sản xuất sơn cho ô tô, xe máy và sơn phủ bề mặt. Nhà máy thứ ba vận hành từ năm 2014 ở Vĩnh Phúc, trên diện tích 60 ngàn m2, sản xuất các loại sơn công nghiệp cho ô tô và xe máy, sơn cho ngành công nghiệp nặng, sơn gia dụng, sơn phủ tàu biển và sơn nhựa. Hiện nay, ngoài mảng bán lẻ sơn trang trí, Nippon là doanh nghiệp hàng đầu trong ngành sơn ô tô xe máy tại Việt Nam.
Trong thời gian đầu khi tỉ phú Goh mới khởi nghiệp ở Singapore, quy định các công trình phải được sơn lại sau mỗi năm năm do chính phủ đưa ra là bệ phóng quan trọng giúp cho việc kinh doanh của ông cất cánh.
Đến nay sơn Nippon đã sơn vô số các ngôi nhà và công trình ở 29 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy không có chính sách tương tự ở Việt Nam, Nippon Paint Việt Nam có cơ hội khai thác thị trường rất năng động, nhiều tiềm năng vì nhu cầu bất động sản còn rất lớn. Ông Ee, người Malaysia, đã làm việc tại thị trường Việt Nam 13 năm nói: “Thị trường nơi đây rất ổn định, dù có những thách thức, khó khăn.
Nhưng thử nói cho tôi xem thị trường nào tương đương với Việt Nam lại không có những khó khăn, thách thức?” Ông thấy những khu dân cư được quản trị chuyên nghiệp ở Việt Nam bắt đầu được sơn lại theo chu kỳ 7-8 năm.
Thị trường sơn và chất phủ ở Việt Nam rất phân tán. Chi phí sơn chiếm dưới 2% tổng chi phí xây dựng công trình. Ở thị trường năng động, dù là có thương hiệu, có dịch vụ tốt, thì “ vẫn cần phải chinh phục trái tim của những đối tác liên quan,” theo chia sẻ của ông Ee. Khác với những ngành nghề khác là khách hàng sẽ nhận được sản phẩm chất lượng như ở nhà máy sản xuất, ngành sơn có sự tham gia của nhiều bên, trong đó thiết kế, nhà thầu, thợ sơn đều có thể tác động tới trải nghiệm sản phẩm cuối cùng. “Nó rất thách thức, và đó là lý do ngành này phân tán, có nhiều doanh nghiệp tham gia.”
Những thách thức của thị trường, như ông Nguyễn Trung Thành, phó tổng giám đốc Mekong One, nhà phân phối sơn Nippon lớn nhất cho mảng bán lẻ khu vực phía nam, nhận định là sự cạnh tranh khiến các hãng sản xuất và nhà phân phối đẩy giá thành sản xuất càng gần so với giá bán. Cùng với đó, nguyên vật liệu đầu vào tăng giá, đẩy chi phí sản xuất tăng cao, trong khi người tiêu dùng có nhiều vật liệu thay thế sơn như giấy dán tường, đá, tấm xi măng hoàn thiện.
Theo khảo sát của Nippon Paint Việt Nam, Việt Nam có khoảng 800 thương hiệu sơn, trong đó có khoảng 10 thương hiệu nước ngoài và cao cấp. Nippon Paint cho biết họ có 13-15% thị phần trong phân khúc sản phẩm cao cấp của mình, với mức biên lợi nhuận trung bình của ngành này trên thế giới là từ 15–20%.
“Khách hàng Việt Nam ngày càng có yêu cầu cao hơn, sơn không chỉ làm chức năng bao phủ mà đòi hỏi chất lượng, thẩm mỹ, dịch vụ và sự an toàn,” ông Ee nói. COVID-19 thúc đẩy cải tiến để đáp ứng nhu cầu về sản phẩm bảo vệ sức khỏe khách hàng.
•••
Sản phẩm mới nhất Nippon Paint VirusGuard được cho là có thể tiêu diệt đến 99% virus corona ở người, virus H1N1, virus gây bệnh tay chân miệng, vi khuẩn Ecoli, với mức giá bán gấp ba lần giá của sản phẩm cao cấp nhất trước đó của hãng. Dòng sản phẩm nội thất cao cấp Nippon Paint Odour-less, có khả năng chùi rửa, chống bám bẩn, chống nấm mốc, bền màu, và dòng sản phẩm ngoại thất cao cấp là Nippon Paint WeatherGard bảo vệ ngôi nhà trong thời tiết Việt Nam là những sản phẩm gây chú ý của hãng.
Là sản phẩm được phân phối chủ yếu qua kênh bán lẻ (70%), còn lại là các công trình lớn, Nippon trở thành công ty sơn đầu tiên ở Việt Nam phát triển ứng dụng chăm sóc khách hàng và đối tác qua ứng dụng Sơn Nippon (ra mắt năm 2020, cho chủ nhà), DiDiDi (2016, cho nhà thầu, thợ sơn) và My NipponPaint (2019, cho đại lý).
“Chúng tôi nhận thấy sự dịch chuyển sang môi trường kinh doanh số nên phải tham gia vào xu hướng này. Việt Nam là thị trường trẻ, năng động, muốn vượt trội chúng tôi phải dịch chuyển,” ông nói.
Tỉ phú Goh Cheng Liang, chủ của công ty sơn Wuthelam Holdings, là chủ của siêu du thuyền ba thân lớn nhất thế giới, White Rabbit Echo. Ông xuất thân trong gia đình có cha mẹ là lao động bình dân.
Khi thế chiến II diễn ra, ông được gửi đến Muar (Malaysia) giúp anh rể bán lưới đánh cá. Trở về Singapore năm 1943, ông làm việc ở cửa hàng vật liệu. Năm 1949, ông mua được ít thùng sơn cũ là hàng dư trong phiên đấu giá vật liệu chiến tranh của quân đội Anh. Với kiến thức ở cửa hàng vật liệu và cuốn từ điển hóa chất tiếng Trung, ông làm thí nghiệm, cho ra đời thương hiệu sơn Pigeon Brand.
Chiến tranh Triều Tiên diễn ra năm 1950 đã ảnh hưởng lớn tới việc nhập khẩu, nhưng giúp cho việc kinh doanh của ông gặp thời. Ông theo học về công nghệ sản xuất sơn ở Đan Mạch, rồi Nippon Paint Nhật Bản tìm đến hợp tác, lập nhà máy đầu tiên của Singapore. Ngày nay, Wuthelam Holdings và Yenom Industries (cung cấp giải pháp kết dính) của gia đình ông kinh doanh trong nhiều lĩnh vực, từ bán lẻ, phân phối, tới sân golf, logistics, khai thác mỏ, bến du thuyền, khách sạn, phát triển nhà ở khắp thế giới.
Người tiêu dùng Việt Nam vẫn còn nhớ đến quảng cáo từ năm 2000 của Nippon với khẩu hiệu “Sơn Nippon sơn đâu cũng đẹp” là hình ảnh những em bé dễ thương quay lưng lại, ngoay ngoáy những cái mông có những vết sơn nhiều màu sắc ngộ nghĩnh, đáng yêu. Quảng cáo đó đã góp phần đưa hình ảnh Nippon trở nên thân thiện hơn tại thị trường Việt Nam.
Nhà điều hành Nippon Việt Nam nhận xét, cách kiểm soát các đại dịch từ SARS tới COVID-19 của Việt Nam đang tạo niềm tin cao hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Nippon Việt Nam đang hướng tới mua lại các công ty kinh doanh các lĩnh vực liên quan, đặc biệt là chất phủ (hiện chiếm 30% tổng doanh số của Sơn Nippon Việt Nam).
*Bài viết đăng trên Forbes Việt Nam số 93, tháng 5.2021.
3 năm trước
Đường đến ngôi sao của Heineken Việt Nam