COO Tessa Wijaya của Xendit ở Indonesia đã chuyển hướng thành công từ ngân hàng đầu tư sang lĩnh vực thanh toán điện tử.
Năm 2016, Tessa Wijaya quyết định thay đổi công việc, từ ngân hàng đầu tư chuyển sang công ty khởi nghiệp cung cấp dịch vụ thanh toán kỹ thuật số của Indonesia. Với cô, đó không phải vì đãi ngộ tốt hơn bởi thu nhập của cô khi đó giảm 80%.
Nữ doanh nhân đến từ thị trấn nhỏ ở Tây Java cho biết cô thấy ổn với việc thu nhập giảm nhiều. “Tôi quyết định thay đổi, nghĩ mình cần phải học hỏi về lĩnh vực kinh doanh mới,” Wijaya nói.
Đó là bước nhảy vọt thành công cho Tessa Wijaya và Xendit, công ty cung cấp dịch vụ thanh toán kỹ thuật số đang mở rộng quy mô, nơi cô là đồng sáng lập và giám đốc vận hành (COO). Không chỉ là nhân tố thúc đẩy quá trình tăng trưởng của Xendit, Wijaya, 40 tuổi, cũng ủng hộ việc có nhiều phụ nữ tham gia lĩnh vực công nghệ hơn nữa.
Do đó, cô triển khai chương trình tư vấn Women in Tech Indonesia (Phụ nữ trong lĩnh vực công nghệ tại Indonesia), với những buổi hội thảo và diễn đàn số để các doanh nhân và chuyên gia công nghệ chia sẻ kinh nghiệm.
Tuy không công bố lợi nhuận, Xendit (chưa niêm yết) đã tạo dựng niềm tin với nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm. Trong vòng gọi vốn series C vào tháng 9.2021, Xendit huy động thành công 150 triệu đô la Mỹ và trở thành kỳ lân khi nâng định giá lên một tỉ đô la Mỹ.
Tám tháng sau, công ty huy động thêm 300 triệu đô la Mỹ trong vòng gọi vốn series D do Coatue và Insight Partners dẫn dắt, nâng tổng số vốn huy động lên 538 triệu đô la Mỹ. Đây là số tiền lớn nhất của một công ty ở Đông Nam Á trong lĩnh vực thanh toán kỹ thuật số.
Xendit giúp các doanh nghiệp thương mại điện tử sử dụng các kênh thanh toán như thẻ tín dụng, ví điện tử, mã QR và những công cụ khác. Trên trang web chính thức, Xendit cho biết có thể tạo tài khoản để doanh nghiệp bắt đầu tiếp nhận các hình thức thanh toán trong chưa đầy năm phút. Tại thị trường Indonesia, Xendit đang cạnh tranh với Doku và Midtrans của Goto.
Từ chưa đến 10 nhân viên lúc mới thành lập, công ty hiện có hơn 900 người. Xendit ban đầu tập trung vào Indonesia, sau đó mở rộng sang Philippines và đang hướng đến các thị trường khác tại Đông Nam Á. Khác với các công ty công nghệ đang cắt giảm nhân sự trong khoảng thời gian khó khăn của thị trường, Xendit cho biết họ không sa thải nhân viên nào.
Moses Lo, có quốc tịch Úc và là thành viên trong danh sách Under 30 châu Á năm 2016 của Forbes, thành lập Xendit khi đang theo học chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh tại đại học California–Berkeley, với ước mơ ban đầu trở thành phiên bản Đông Nam Á của ứng dụng thanh toán Venmo (Mỹ).
Lo, mang hai dòng máu Indonesia (mẹ) và Malaysia (cha), tập trung vào thị trường Indonesia – nơi bắt đầu hình thành môi trường khởi nghiệp năng động – để vận hành dịch vụ thanh toán kỹ thuật số.
Tuy có kiến thức về khởi nghiệp nhưng Moses Lo lại không biết nhiều về Indonesia. Ngay khi bắt đầu kinh doanh tại quốc gia này, anh được một người bạn chung giới thiệu tới Wijaya, người có hứng thú với lĩnh vực công nghệ tài chính (fintech) như cơ hội kinh doanh.
Sau khi nhận hai bằng tốt nghiệp tại đại học Syracuse và đại học Sydney, Wijaya có sáu năm làm việc cho các ngân hàng đầu tư, gồm Mizuho Asia Partners và Principia Management Group do cựu bộ trưởng Thương mại Indonesia Thomas Lembong thành lập.
Moses Lo và Tessa Wijaya gặp nhau tại quán Starbucks ở Jakarta và tìm thấy điểm chung. Một tuần sau lần gặp mặt đó, Wijaya đồng ý tham gia. “Ngay từ đầu, Tessa đã là nhân tố không thể thay thế với sự am hiểu sâu rộng về hệ sinh thái nội địa, nhiệt huyết tìm ra cách giải quyết những vấn đề tại Đông Nam Á và háo hức muốn có thêm nhân tài cũng như công nghệ mang tầm thế giới tại khu vực này,” Lo cho biết trong email.
Đối với Wijaya, chuyển sang công ty khởi nghiệp là sự điều chỉnh. “Văn phòng của Xendit khi ấy là ngôi nhà nhỏ với căn phòng thuê chung cùng công ty khởi nghiệp khác để tiết kiệm chi phí. Tôi hiểu rằng không dễ để bắt đầu kinh doanh tại Indonesia. Nhưng tôi nhìn thấy sự nhiệt thành từ Lo và đội ngũ nhân sự của Xendit, khi họ thậm chí còn dọn đến ở tại văn phòng,” cô nhớ lại.
Wijaya tham gia vào đúng thời điểm. Không chỉ mang đến kinh nghiệm với các mô hình tài chính và khả năng thuyết trình, Wijaya còn giúp Xendit mở rộng hợp tác từ mạng lưới quan hệ của cô. Càng về sau, cô đảm nhận nhiều trọng trách hơn về hoạt động và tài chính. Năm 2018, Wijaya được Lo bổ nhiệm vào vị trí COO.
Theo báo cáo thị trường thương mại điện tử khu vực Đông Nam Á năm 2021 của Google, Temasek và Bain & Company, dù thanh toán kỹ thuật số tại khu vực Đông Nam Á tăng trưởng mạnh, nhưng tiền mặt đến nay vẫn được ưa chuộng. Tuy vậy, tiền mặt khó có thể duy trì vị thế độc tôn.
Báo cáo eConomy SEA 2021 đưa ra dự đoán giao dịch bằng tiền mặt sẽ mất vị thế thống trị, với thị phần trong tổng giá trị giao dịch (GTV) giảm từ 60% năm 2019 xuống 47% vào năm 2025. Qua đó, cơ hội sẽ rộng mở hơn cho các công ty cung cấp dịch vụ thanh toán kỹ thuật số như Xendit.
Reet Chaudhuri, giám đốc hợp danh của công ty tư vấn McKinsey & Company tập trung vào lĩnh vực thanh toán tại châu Á – Thái Bình Dương, nhận định chi tiêu trực tuyến ở khu vực này sẽ tiếp tục tăng trưởng kể cả khi nền kinh tế rơi vào suy thoái. Tuy vậy, ông lưu ý môi trường cạnh tranh đã trở nên chật chội và biên lợi nhuận thấp cho các sản phẩm cốt lõi.
Vì thế, một số công ty đang chuyển hướng sang các sản phẩm giá trị gia tăng. “Các công ty cung cấp dịch vụ thanh toán kỹ thuật số nhận ra mình đang có nguồn dữ liệu khổng lồ, vì họ biết món hàng nào được mua, có giá bao nhiêu và từ doanh nghiệp nào,” Chaudhuri cho biết.
Xendit thích ứng với sự thay đổi từ môi trường kinh doanh. Các công ty công nghệ du lịch như Traveloka, đối tác từng đem lại nhiều doanh thu nhất cho Xendit, chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19. Xendit chuyển sang tìm những khách hàng khác như các công ty thương mại điện tử, cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) nhìn nhận chuyển đổi số như cách duy trì việc kinh doanh. Wijaya cho biết hàng ngàn doanh nghiệp nhỏ đã đăng ký sử dụng dịch vụ của Xendit trong hơn hai năm qua.
Wijaya cũng cho biết một trong ba mục tiêu khi huy động vốn của Xendit là phát triển nhiều sản phẩm hơn nữa cho các doanh nghiệp SME, bên cạnh bổ sung sản phẩm giá trị gia tăng và đưa sản phẩm ra thị trường Đông Nam Á. Kể từ năm 2021, công ty cung cấp dịch vụ vay vốn lưu động cho các doanh nghiệp SME.
Vào tháng 4.2022, Xendit mua cổ phần thiểu số của Bank Sahabat Sampoerna, ngân hàng cho vay tập trung vào doanh nghiệp SME của hai tỉ phú Indonesia Putera Sampoerna và Djoko Susanto. Với dịch vụ vay vốn, Xendit hi vọng phát triển nền tảng ngân hàng dạng dịch vụ (BaaS), trong đó các doanh nghiệp thương mại điện tử và sàn giao dịch phi ngân hàng cung cấp những dịch vụ ngân hàng như tài khoản tiết kiệm và thẻ tín dụng thông qua việc liên kết với ngân hàng số.
Tessa Wijaya nhìn thấy cơ hội to lớn ở Indonesia, thị trường với ngày càng nhiều người dùng di động nhưng 66% dân số chưa có tài khoản hoặc chưa tiếp cận hết các dịch vụ ngân hàng. Cô nhận định dịch vụ ngân hàng là lĩnh vực tăng trưởng mạnh tiếp theo, và cho biết Xendit đang đánh giá tính khả thi và cách công ty hợp tác với các ngân hàng.
Trong quá trình mở rộng quy mô tại khu vực Đông Nam Á, tháng 12.2020, Xendit tham gia thị trường Philippines và đầu tư vào công ty dịch vụ thanh toán kỹ thuật số của nước này là Dragonpay, công ty xây dựng mối quan hệ vững chắc với các khách hàng nội địa trong một thập niên qua. Trong hai năm tới, Xendit đặt mục tiêu mở rộng sang Malaysia, Singapore và Việt Nam.
“Đông Nam Á nay đã trở thành nơi rất thú vị,” Wijaya cho biết. Cô lưu ý, có sự khác biệt giữa hai thị trường Indonesia và Philippines, và “sẽ thật sai lầm khi các doanh nghiệp quốc tế cho rằng khu vực Đông Nam Á giống nhau.” Wijaya nói thêm các quốc gia Đông Nam Á có những nền văn hóa, vấn đề khó khăn và giai đoạn ứng dụng công nghệ khác nhau.
“Vì vậy, tôi nghĩ rằng Xendit sẽ không tiến vào thị trường đó nếu chúng tôi không tìm ra đội ngũ nhân sự nội địa mạnh để phát triển sản phẩm theo hướng nội địa hóa. Chẳng hạn như chúng tôi đã dành ra một năm để tìm ra Yang Yang Zhang (giám đốc quản lý của Xendit tại Philippines). Chúng tôi có được thành công như ngày hôm nay là nhờ có cô ấy,” Wijaya cho biết.
Nỗ lực giúp nhiều phụ nữ tham gia lĩnh vực công nghệ hơn của Tessa Wijaya được thể hiện rõ trong Xendit. Với khoảng 40% nhân sự của Xendit tại Indonesia là nữ, Wijaya đưa ra các chính sách để khuyến khích họ giữ vai trò quản lý, như kế hoạch quay trở lại làm việc cho những người vừa mới sinh hoặc hình thức làm việc linh hoạt.
Wijaya cũng là nhà đầu tư thiên thần cho một vài công ty khởi nghiệp. “Đó không phải là vấn đề về tiền bạc vì tôi đầu tư rất ít, mà đó là những lời khuyên và kinh nghiệm tôi có thể chia sẻ để giúp họ phát triển,” cô cho biết.
Warning: Illegal string offset 'target' in /home/forbesv/public_html/wp-content/themes/forbes-vn/sections/single/megastory/related_posts.php on line 43