multi-media / Megastory

Danh sách: Nữ doanh nhân quyền lực châu Á năm 2022

20 phụ nữ trong danh sách Nữ doanh nhân quyền lực ở châu Á năm 2022 đưa ra nhiều chiến lược giúp công ty tăng trưởng vượt bậc, bất chấp tình hình bất ổn sau đại dịch.

Năm nay, phần lớn khu vực châu Á — Thái Bình Dương đều đã bước vào thời kỳ hậu đại dịch và chính quyền các nước, người dân cùng doanh nghiệp đang học cách sống chung với COVID-19.

Đi cùng với quá trình chuyển đổi là vấn đề cần chú ý hiện nay: Làm thế nào để phục hồi sau gần ba năm gián đoạn gần như ảnh hưởng đến mọi ngành?

20 phụ nữ trong danh sách Nữ doanh nhân quyền lực ở châu Á năm 2022 đưa ra nhiều chiến lược khác nhau giúp công ty tăng trưởng vượt bậc bất chấp tình hình bất ổn trong trạng thái bình thường mới. Một số nữ doanh nhân hoạt động trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề như vận chuyển, bất động sản và xây dựng, trong khi một số người khác tiếp tục đổi mới sáng tạo trong những lĩnh vực như công nghệ, dược phẩm cùng hàng hóa.

So với năm 2019, danh sách năm nay có nhiều gương mặt mới, giúp mở rộng thêm mạng lưới những phụ nữ tiên phong trong khu vực. Họ được chọn vào danh sách nhờ những thành tích đạt được trong vai trò điều hành công ty hiện tại với doanh thu tương đối lớn và năng lực lãnh đạo mạnh mẽ trong suốt sự nghiệp.


Wallaya Chirathivat
Chủ tịch kiêm CEO, Central Pattana
Tuổi: 60 • Thái Lan


Wallaya có nhiều kế hoạch đầy tham vọng cho công ty phát triển bất động sản bán lẻ lớn nhất nước. Bà đầu tư 200 tỉ baht (5,24 tỉ đô la Mỹ) để mở rộng hoạt động khắp Thái Lan và trên toàn thế giới, tăng 1/3 số lượng trung tâm mua sắm lên 50 địa điểm trong năm năm tới và thêm 34 khách sạn vào chuỗi gồm ba khách sạn của công ty.

Bà nắm quyền điều hành Central Pattana vào đầu năm nay, trở thành nữ CEO đầu tiên dẫn dắt công ty niêm yết trực thuộc Central Group của gia đình Chirathivat. Bà đảm nhận vai trò điều hành trong mảng bán lẻ suốt một thời gian dài.

Sau khi giữ nhiều vị trí tại chuỗi cửa hàng bách hóa và siêu thị Central Retail thuộc tập đoàn, bà trở thành phó chủ tịch điều hành của Central Pattana vào năm 2005. Trong nửa đầu năm, doanh thu của công ty đạt 17,97 tỉ baht (515,7 triệu đô la Mỹ), tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Để thúc đẩy hoạt động bảo vệ môi trường bền vững, năm nay Central Pattana phát hành trái phiếu xanh – trái phiếu đầu tiên thuộc loại này trong ngành bất động sản và bán lẻ ở Thái Lan.

Công ty cho biết huy động được khoảng hai tỉ baht (57,4 triệu đô la Mỹ) cho đến nay và sẽ đầu tư vào quản lý nước thải, năng lượng tái tạo cùng với các sáng kiến xanh khác. Wallaya có bằng cử nhân kinh tế của đại học California, Los Angeles (UCLA) và bằng thạc sĩ của đại học Hartford.


Herjati
Chủ tịch, Sillo Maritime Perdana
Tuổi: 56 • Indonesia


Trong năm năm từ khi nắm quyền kiểm soát công ty vận tải biển tại Jakarta, Herjati giúp doanh thu của Sillo Maritime tăng hơn gấp đôi, đạt doanh số 101 triệu đô la Mỹ vào cuối năm 2021. Herjati đang dốc sức đạt mục tiêu tăng doanh thu ít nhất 10% nữa trong năm nay.

Công ty sở hữu đội tàu biển lớn nhất ngành dầu khí Indonesia đã chi 100 triệu đô la Mỹ vào cuộc đua tăng trưởng trong năm 2022, phần lớn nhằm đáp ứng nhu cầu dự trữ khí hóa lỏng tự nhiên (LNG) tăng cao trong nước.

Hồi tháng chín, Sillo Maritime mua một tàu chở LNG với sức chứa 145 ngàn m3 thông qua công ty con Golden Prima Maritim, nâng tổng số tàu lên 23, đồng thời bà Herjati cũng chia sẻ dự tính mua thêm nhiều tàu trong vài năm tới.

Như nhiều người Indonesia khác, tên của bà chỉ có một chữ (Herjati). Bà có bằng cử nhân kế toán tại đại học Trisakti ở Jakarta. Năm 2002, bà nhậm chức giám đốc tài chính của Sillo Maritime, đưa công ty trị giá 70 tỉ rupiah (gần 4,5 triệu đô la Mỹ) lên sàn giao dịch chứng khoán Indonesia năm 2016, rồi đảm nhiệm vị trí chủ tịch một năm sau đó.

Trước đó, bà từng phụ trách về tài chính trong nhiều ngành công nghiệp từ hóa dầu đến ngân hàng. Bà là phụ nữ duy nhất trong hội đồng quản trị gồm năm người của Sillo Maritime.




Namita Thapar
Giám đốc điều hành; Emcure Pharma
Tuổi: 45 • Ấn Độ


Namita Thapar là lãnh đạo doanh nghiệp, nhà huấn luyện khởi nghiệp, giám khảo chương trình thực tế và tác giả sách. Giữ vị trí giám đốc điều hành của Emcure Pharma, bà giám sát hoạt động kinh doanh tại Ấn Độ của công ty trị giá 61 tỉ rupee (hơn 737 triệu đô la Mỹ) có trụ sở tại Pune do cha bà, Satish Mehta, thành lập hơn bốn thập niên trước.

Thapar từng là giám đốc tài chính của công ty sản xuất thuốc kháng virus HIV, thuốc tim mạch cũng như các loại thuốc khác vào năm 2007, sau sáu năm làm việc tại bộ phận tài chính và tiếp thị thuộc công ty sản xuất thiết bị y tế Guidant ở Hoa Kỳ.

Từ khi phụ trách hoạt động của Emcure tại Ấn Độ cách đây năm năm, bà giúp doanh thu trong nước của công ty tăng gấp đôi lên 25 tỉ rupee (hơn 302 triệu đô la Mỹ) vào năm 2021 (theo số liệu mới nhất).

“Tôi tập trung xây dựng thương hiệu cũng như sử dụng phân tích dữ liệu để tăng năng suất của công nhân tại nhà máy. Tôi cũng chiêu mộ những lãnh đạo trẻ tuổi hơn, những người có thể làm việc bên cạnh những chuyên gia và nhân viên kỳ cựu trong ngành,” bà cho biết.

Thapar tổ chức chương trình trò chuyện trên YouTube có tên “Uncondition Yourself with Namita Thapar” (Giải phóng bản thân cùng Namita Thapar). Trong chương trình, các chuyên gia và người nổi tiếng ở Ấn Độ cùng nhau thảo luận về nhiều chủ đề liên quan đến sức khỏe phụ nữ như nuôi con bằng sữa mẹ và miệt thị ngoại hình.

Bà cũng thành lập Thapar Entrepreneurs Academy dành cho học sinh từ 11 đến 18 tuổi. Năm vừa rồi, Thapar đã hướng dẫn nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp non trẻ trong vai trò giám khảo chương trình truyền hình Shark Tank, phiên bản Ấn Độ.

Hồi tháng tám, NXB Penguin Random House India xuất bản cuốn The Dolphin and the Shark: Stories on Entrepreneurship (Cá heo và cá mập: Những câu chuyện khởi nghiệp) của bà, tường thuật chi tiết hành trình và chủ trương cân bằng giữa tính hung hăng (cá mập) và sự đồng cảm (cá heo) trong giới lãnh đạo doanh nghiệp. Thapar  có thạc sĩ kinh doanh của Fuqua School of Business thuộc đại học Duke.


Anna Nakajima & Mizuki Nakajima
Đồng sáng lập, Coly
Tuổi: 33 • Nhật Bản


Hai chị em sinh đôi Anna và Mizuki Nakajima nhận thấy có khoảng trống đáng kể trong thị trường trò chơi ở Nhật Bản – thiếu trò chơi thu hút phụ nữ – và chiếm lĩnh thị trường ngách đó. Họ ra mắt ứng dụng điện thoại thông minh Coly năm 2014, và niêm yết công ty trên sàn Tokyo vào năm ngoái.

Phụ nữ chiếm hơn một nửa trong 42 triệu người chơi trò chơi trên điện thoại thông minh ở Nhật Bản, và thị trường trò chơi trên điện thoại thông minh ở nước này đạt tổng cộng khoảng 1,3 ngàn tỉ yen (8,7 tỉ đô la Mỹ) hằng năm, theo Kadokawa ASCII Research Laboratories. Năm 2020, Coly ước tính thị trường mục tiêu của họ được định giá khoảng 80 tỉ yen (hơn 586 triệu đô la Mỹ) hằng năm.

Những sản phẩm nổi tiếng của công ty bao gồm các trò chơi như Drug Prince and Narcotic Girl (chuyện tình lãng mạn của cảnh sát chống ma túy và cảnh sát hành chính) và Stand My Heroes (người chơi xây dựng lực lượng phòng chống ma túy), thu được tổng cộng 3,5 triệu lượt tải xuống trong sáu năm tính đến tháng 4.2022. Các trò chơi đều miễn phí, nhưng người chơi phải trả tiền để chuyển sang chương kế tiếp cũng như mua nhiều vật phẩm khác.

Trong năm tài chính tính đến tháng 1.2022, công ty đạt doanh thu 6,5 tỉ yen (hơn 47,6 triệu đô la Mỹ) và lợi nhuận hoạt động đạt 1,5 tỉ yen (gần 11 triệu đô la Mỹ), với biên lợi nhuận hoạt động 23%.

Trước khi thành lập Coly, Mizuki từng làm việc tại Morgan Stanley MUFG Securities tại Tokyo và Anna công tác tại báo Sankei Shimbun. Mỗi người có 7,3% cổ phần trong công ty và tổng cộng 50,5% cổ phần thông qua công ty quản lý tài sản chung.



Choi Soo-yeon
CEO, Naver
Tuổi: 41 • Hàn Quốc

Hồi tháng 3.2022, Choi được bổ nhiệm vào vị trí hàng đầu tại Naver, công ty Internet lớn nhất Hàn Quốc (theo giá trị vốn hóa thị trường) và là tập đoàn lớn thứ năm ở nước này, theo sau các tập đoàn tài phiệt lớn Samsung, SK, Hyundai và LG. Bà thay thế Han Seong-sook, 55 tuổi, nữ lãnh đạo đầu tiên của Naver.

Trước đây, Choi điều hành bộ phận hỗ trợ kinh doanh toàn cầu của Naver, hiện được giao nhiệm vụ dẫn đầu hoạt động mở rộng ra ngoài châu Á. Naver vận hành công cụ tìm kiếm số một tại Hàn Quốc (hơn 30 triệu người sử dụng hằng ngày, tương đương gần 60% dân số của nước này) và Line, một trong những ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất châu Á, hợp tác với SoftBank.

Ở cương vị CEO, Choi đưa ra quyết định đầu tiên vào tháng 10.2022: Naver sẽ mua Poshmark, sàn giao dịch quần áo đã qua sử dụng ở California, với hơn 80 triệu tài khoản đăng ký, trong thỏa thuận trị giá khoảng 1,2 tỉ đô la Mỹ.

Khi hoàn thành, đây sẽ là thương vụ mua lại lớn nhất của Naver cho đến nay, kết hợp dịch vụ mua sắm sử dụng công nghệ thương mại điện tử của Naver.

Vị CEO thế hệ Millennial có kế hoạch đầy tham vọng cho Naver. Vào tháng 4.2022, chỉ sau một tháng bắt đầu vị trí mới, bà đặt mục tiêu tăng gấp đôi doanh thu hằng năm lên 15 ngàn tỉ won (khoảng 12 tỉ đô la Mỹ) trong vòng năm năm.

“Danh mục kinh doanh của Naver, vị thế dẫn đầu về công nghệ và quan hệ đối tác mạnh mẽ ở Hàn Quốc cũng như các nước khác sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp giúp chúng tôi tăng trưởng gấp nhiều lần,” Choi cho biết trong thông báo công bố mục tiêu.

Trong quý hai năm nay, doanh thu của Naver đạt hai ngàn tỉ won, tăng 23% so với cùng kỳ, dẫn đầu là mức tăng trưởng hơn 136% trong hoạt động kinh doanh phim hoạt hình trên web. Doanh số năm ngoái tăng khoảng 29% lên 6,8 ngàn tỉ won (hơn 5,16 tỉ đô la Mỹ).

Để thúc đẩy nền tảng webtoon (trang web/ứng dụng đọc truyện tranh), hồi tháng 4.2022, Naver cho biết sẽ tiếp tục vụ mua lại liên quan đến nội dung, như mua Wattpad, nền tảng đọc tiểu thuyết trên Internet ở Toron, với giá 600 triệu đô la Mỹ hồi năm 2021. Công ty cũng định hoạch phát triển nền tảng metaverse (vũ trụ ảo) Zepeto, đầu tư vào nhiều hoạt động kinh doanh liên quan, như trò chơi trực tuyến và thực tế ảo.

Choi tốt nghiệp Harvard Law School và Yonsei University Law School ở Seoul, từng là luật sư tại Yulchon, một trong những công ty luật lớn nhất Hàn Quốc, trước khi gia nhập Naver vào năm 2019. Mặc dù việc một luật sư trở thành CEO của công ty công nghệ lớn không phổ biến nhưng Choi là luật sư thứ hai lãnh đạo Naver sau Kim Sang-hun, cựu thẩm phán.

Trước đó, Choi từng làm trong bộ phận truyền thông và tiếp thị tại NHN, sau này đã tách thành hai công ty – Naver và nhà sản xuất trò chơi trực tuyến NHN Entertainment – vào năm 2013.  


Robyn Denholm
Chủ tịch, Tesla
Tuổi: 59 • Úc


Công việc đầu tiên Denholm làm là nhân viên bán xăng tại trạm dịch vụ của cha mẹ bà ở Sydney. Bà trở thành chủ tịch hội đồng quản trị của Tesla năm 2018. Vị chủ tịch người Úc này từng là thành viên hội đồng quản trị độc lập tại Tesla – công ty ô tô giá trị nhất thế giới với vốn hóa thị trường gần 714 tỉ đô la Mỹ – từ năm 2014 và thay thế người sáng lập Elon Musk làm chủ tịch bốn năm trước.

Dưới sự điều hành của bà, nhà sản xuất ô tô điện lớn nhất thế giới, với thị phần toàn cầu gần 14%, liên tiếp ghi nhận mức tăng trưởng tích cực trong hai năm. Lợi nhuận ròng trong năm 2021 tăng 665% lên 5,5 tỉ đô la Mỹ, nhờ doanh thu tăng 71% lên 53,8 tỉ đô la Mỹ.

Trước khi gia nhập Tesla, bà từng giữ vị trí giám đốc tài chính tại Telstra, công ty viễn thông lớn nhất ở Úc, và cũng đảm nhận nhiều vai trò trong lĩnh vực tài chính lẫn vận hành tại Juniper Networks, Sun Microsystems và Toyota. Denholm tốt nghiệp cử nhân kinh tế của đại học Sydney và thạc sĩ thương mại của đại học New South Wales. Hiện bà là đối tác điều hành công ty đầu tư mạo hiểm Blackbird Ventures cũng như chủ tịch của hội đồng Công nghệ Úc.

Vào tháng 3.2022, bà trở thành một trong số ít những nhà đầu tư nữ đầu tư vào các đội thể thao nữ ở Úc sau khi công ty quản lý tài sản gia đình của bà, Wollemi Capital Group, mua 30% cổ phần của chủ sở hữu đội bóng rổ nam Sydney Kings và đội bóng rổ nữ Sydney Flames. 



Doris Hsu
Chủ tịch kiêm CEO, GlobalWafers
Tuổi: 61 • Đài Loan (Trung Quốc)


Hoa Kỳ đang thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn trong nước với đạo luật CHIPS và Khoa học (Chips and Science Act) trị giá 52 tỉ đô la Mỹ trong năm nay để thu hút đầu tư. Hsu tận dụng cơ hội này, lãnh đạo GlobalWafers, một trong những nhà cung cấp wafer silicon lớn nhất thế giới được sử dụng để sản xuất chip.

Tháng 6.2022, GlobalWafers công bố đầu tư năm tỉ đô la Mỹ vào nhà máy tấm wafer mới ở Sherman, Texas, sẽ tạo ra tới 1.500 cơ hội việc làm.

Công ty ở Hsinchu ra đời sau khi tách khỏi Sino-American Silicon Products (SAS) ở Đài Loan vào năm 2011; Hsu trở thành chủ tịch kiêm CEO của công ty vào năm đó. Hiện tại, SAS sở hữu 51% cổ phần trong GlobalWafers và, đến cuối tháng 10, công ty niêm yết trên sàn Đài Loan với giá trị vốn hóa thị trường khoảng 154,1 tỉ đài tệ (năm tỉ đô la Mỹ).

Năm 2020, Hsu cũng trở thành chủ tịch kiêm CEO của SAS. Công ty nỗ lực duy trì hoạt động vượt qua thời điểm bùng nổ và khó khăn của lĩnh vực kinh doanh chip, cạnh tranh với những công ty như Shin-Etsu, Sumco và Siltronic, với các khách hàng bao gồm United Microelectronics.

Chủ tịch gốc Đài Loan có bằng thạc sĩ khoa học máy tính của ĐH Illinois tại Champaign-Urbana. GlobalWafers có nhà máy ở Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản, Đan Mạch và Ý.



Wang Ying
Chủ tịch, Chengdu Easton Biopharmaceuticals
Tuổi: 57 • Trung Quốc


Wang thành lập Chengdu Easton Biopharmaceuticals vào năm 2009. Công ty phát triển, sản xuất và bán nhiều loại thuốc generic bao gồm thuốc giảm đau và thuốc điều trị bệnh tim, bắt đầu giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán công nghệ (STAR Market) tại Thượng Hải vào tháng 9.2020, đồng thời tiếp tục tăng trưởng dưới sự lãnh đạo của Wang.

Trong chín tháng đầu năm nay, doanh thu tăng 16% lên 897,6 triệu nhân dân tệ (123 triệu đô la Mỹ), trong khi lợi nhuận ròng tăng 5% lên 195,5 triệu nhân dân tệ (hơn 28 triệu đô la Mỹ). Hồi tháng bảy, công ty có trụ sở tại Thành Đô này đã trúng thầu trong dự án cung cấp thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia cho bốn sản phẩm của mình, bao gồm thuốc điều trị bệnh Alzheimer và viêm gan B.

Easton đang triển khai thêm nhiều sản phẩm khác. Công ty phát triển hơn mười loại thuốc, ba trong số đó đang thử nghiệm lâm sàng, bao gồm cả thuốc trị bệnh đái tháo đường.

Hồi tháng năm, công ty đã nộp đơn lên cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ để bán phiên bản thuốc generic của nalmefene hydrochloride ở Hoa Kỳ. Thuốc tiêm được sử dụng để hỗ trợ điều trị quá liều opioid.

Wang từng làm việc cho một số công ty trong ngành – bao gồm Kanghong Pharmaceutical ở Thành Đô, China National Pharmaceutical Investment (còn được gọi là Sinopharm) ở Bắc Kinh và công ty tư vấn y tế Beijing Geleg – trước khi thành lập công ty riêng.

Bà có bằng cử nhân hóa học của Sichuan Normal University và bằng EMBA của Peking University.



Kwee Wei Lin
Giám đốc mảng khách sạn, Pontiac Land Group
Tuổi: 46 • Singapore

Khi COVID-19 làm đảo lộn ngành du lịch vào tháng 3.2020, Kwee vừa mới nhậm chức chủ tịch hiệp hội Khách sạn Singapore. 160 thành viên của hiệp hội đại diện cho khoảng 80% số phòng khách sạn ở đảo quốc sư tử phục vụ hàng triệu du khách hằng năm trước khi đại dịch đóng cửa biên giới.

Do số lượng du khách mới giảm xuống gần như bằng không chỉ sau một đêm, Kwee ưu tiên chuyển hướng vào tiếp thị và dịch vụ để phục vụ thị trường nội địa cùng với dịch vụ lưu trú. “Thách thức lớn nhất đối với chúng tôi là làm sao duy trì việc làm cho tất cả nhân viên,” Kwee cho biết qua email.

Là giám đốc phụ trách kinh doanh khách sạn thuộc Pontiac Land của gia đình bà từ năm 2017, Kwee giám sát sáu khách sạn (bốn trong nước và hai ở Maldives) với 3.000 nhân viên.

rong thời gian cao điểm phong tỏa, Capella Singapore trên đảo Sentosa đã cung cấp cho khách thực phẩm cũng như dịch vụ mua sắm và hỗ trợ trực tiếp.

Tại Regent Singapore gần trung tâm mua sắm Orchard Road, các nhà hàng ra mắt dịch vụ bán mang về.

“Chúng tôi không thụ động ngừng hoạt động trong suốt thời gian đại dịch bùng phát,” Kwee cho biết. “Thay vào đó, chúng tôi đã tận dụng tối đa thời gian đóng cửa để tăng cường các chương trình đào tạo, nâng cao kỹ năng cho đồng nghiệp và tân trang khách sạn.”

Singapore mở cửa trở lại hoàn toàn vào tháng 4.2022 và số lượng du khách tăng lên đến 1,5 triệu trong sáu tháng đầu năm. Với tốc độ hiện tại, tổng cục Du lịch Singapore dự đoán số lượng du khách có thể đạt tới sáu triệu lượt vào cuối năm nay.

Theo Kwee, với nhiều sự kiện quốc tế như Singapore Grand Prix, tỉ lệ lấp đầy tại các khách sạn của Pontiac Land ở Singapore tăng trở lại, đạt hơn 80% so với mức trước đại dịch, đồng thời bà hi vọng số lượng nhân viên sẽ tăng thêm 300 người trong vòng vài năm tới. 


Ghazal Alagh
Đồng sáng lập kiêm giám đốc đổi mới, Honasa Consumer
Tuổi: 34 • Ấn Độ


Công ty của Alagh – sở hữu nhiều thương hiệu chăm sóc cá nhân Mamaearth, The Derma Co., Aqualogica và Ayuga – trở thành kỳ lân hồi đầu tháng 1.2022 khi kết thúc vòng gọi vốn trị giá 52 triệu đô la Mỹ do công ty đầu tư mạo hiểm Sequoia Capital India dẫn đầu, định giá ở mức 1,2 tỉ đô la Mỹ. Cô đồng sáng lập công ty có trụ sở tại Gurgaon cùng với chồng mình, Varun, giữ vị trí CEO, vào năm 2016.

Mọi chuyện bắt đầu khi Alagh tìm kiếm các sản phẩm thay thế không chứa hóa chất cho con trai sơ sinh bị bệnh về da. “Chúng tôi không thể dễ dàng tìm thấy nhiều sản phẩm thay thế ở Ấn Độ,” cô chia sẻ qua email.

Nhận thấy khoảng trống, “chúng tôi quyết định thành lập Mamaearth và mạo hiểm sản xuất các sản phẩm chăm sóc trẻ em “không chứa hóa chất gây dị ứng da.”

Công ty ra mắt bảy sản phẩm bao gồm sữa tắm cùng với dầu gội dành cho trẻ em, sau đó mở rộng sang mỹ phẩm cũng như sản phẩm chăm sóc da.

Trong 12 tháng qua, công ty đã mua cổ phần của nền tảng nội dung dành cho phụ nữ Moms-presso, công ty kinh doanh thẩm mỹ viện BBLUNT và thương hiệu mỹ phẩm Dr. Sheth.

Doanh thu của Honasa Consumer tăng gần gấp đôi trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31.3.2022, đạt gần 10 tỉ rupee (121 triệu đô la Mỹ), nhờ bán hàng trực tuyến cũng như tại cửa hàng.

Honasa, nghĩa là sự kết hợp giữa “trung thực,” “tự nhiên” và “an toàn,” thu về khoản lợi nhuận đầu tiên, 250 triệu rupee, trong năm tài chính 2021. Công ty dự kiến sẽ tiếp tục có lãi trong năm nay.


Sineenuch Kokanutaporn
Giám đốc điều hành, Thai Eastern Group Holdings
Tuổi: 48 • Thái Lan


Sineenuch, người phụ nữ đầu tiên đứng đầu mảng kinh doanh nông nghiệp của gia đình, đã niêm yết cổ phiếu Thai Eastern Group Holdings (TEGH) hồi tháng 9.2022, huy động được 1,3 tỉ baht (33,9 triệu đô la Mỹ). Bà dự kiến đưa tập đoàn vào tốp năm nhà sản xuất cao su khối hàng đầu ở Thái Lan vào năm tới bằng cách tăng công suất sản xuất lên hơn 45%.

Công ty hưởng lợi nhờ quá trình phục hồi của ngành lốp xe sau đại dịch và nhu cầu cao su gia tăng trên toàn cầu, với lợi nhuận ròng tăng hơn 42% lên 367 triệu baht (hơn 10,5 triệu đô la Mỹ) trong nửa đầu năm nay.

Nhưng tính bền vững luôn là điều người đứng đầu công ty quan tâm. Bà đang thúc đẩy nhiều sáng kiến để tăng cường hoạt động kinh doanh năng lượng tái tạo của TEGH. Bà khởi động chương trình biến chất thải thành năng lượng bảy năm trước.

Theo đó, chất thải từ quá trình sản xuất cao su của TEGH được biến thành khí sinh học thay thế nhiên liệu sử dụng cho quá trình sản xuất cao su. Tiếp theo là tăng gấp ba sản lượng khí sinh học lên 67 triệu m3 vào năm 2025.

“Điều khách hàng thích là chúng tôi sử dụng năng lượng thay thế trong quy trình sản xuất… Chúng tôi có lợi thế hơn so với các công ty cùng ngành,” Sineenuch cho biết trong cuộc phỏng vấn đầu năm nay với Forbes Thái Lan.

Sineenuch có bằng thạc sĩ tài chính và thương mại quốc tế của đại học San Francisco, điều hành TEGH cùng với ba anh trai – anh cả Chalerm giữ vị trí CEO trong khi hai em trai Kongkit và Kerkkun ngồi trong hội đồng quản trị. Bà trở thành giám đốc điều hành vào năm 2017 sau khi đảm nhận nhiều vị trí trong mảng tài chính và tiếp thị tại công ty.


Kristy Carr
Sáng lập kiêm CEO, Bubs Australia
Tuổi: 49 • Úc

Carr thành lập hãng sản xuất sữa bột cho trẻ em Bubs Australia vào năm 2006 sau khi vật lộn với những tháng đầu làm mẹ và chứng dị ứng thực phẩm của con gái. Cựu giám đốc tiếp thị của Cathay Pacific tại Hong Kong phát triển sữa công thức làm từ sữa dê để thay thế sữa mẹ cho con gái mình.

Bubs hiện là sản phẩm bán chạy nhất tại các nhà bán lẻ ở Úc như Coles và Woolworths, cũng đang gây chú ý ở Trung Quốc và Hoa Kỳ. “Tôi khá thích kinh doanh,” Carr cho biết. “Khi còn bé, tôi mở quầy bán nước chanh.”

Bubs (nghĩa là trẻ sơ sinh theo tiếng lóng của Úc) đã trải qua chặng đường dài từ khi Carr bắt đầu bán thực phẩm hữu cơ dành cho trẻ em phía sau xe chở hàng tại phiên chợ cuối tuần ở vùng ngoại ô phía bắc Newport của Sydney, nơi bà sống cùng chồng và ba cô con gái.

Công ty có trụ sở tại Sydney, bắt đầu giao dịch trên sàn Giao dịch chứng khoán Úc vào năm 2017, đạt doanh thu tăng gấp đôi lên mức kỷ lục 89 triệu đô la Úc (57 triệu đô la Mỹ) trong năm tài chính gần nhất kết thúc vào ngày 30.6.2022, một phần nhờ vào kênh bán hàng xách tay béo bở – đại lý ở Úc mua giúp khách hàng ở Trung Quốc và gửi sản phẩm đến họ bằng đường hàng không.

Bubs đang chuẩn bị cho sự tăng trưởng nhanh hơn nữa sau khi Hoa Kỳ triển khai chiến dịch Operation Fly Formula, hợp tác với nhà sản xuất nước ngoài, để giải quyết tình trạng thiếu hụt sữa nghiêm trọng trên toàn quốc vào đầu năm nay.

Hồi tháng 5.2022, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã đăng trên Twitter “Tôi có thêm tin tốt lành: 27,5 triệu hộp sữa bột an toàn cho trẻ sơ sinh do Bubs Australia sản xuất sẽ đến Hoa Kỳ.” Chính quyền của ông đã thuê máy bay để vận chuyển sản phẩm của Bubs qua Thái Bình Dương theo thỏa thuận dự kiến sẽ tạo ra doanh thu hơn 55 triệu đô la Úc ((gần 37 triệu đô la Mỹ) trong sáu tháng.

Với hợp đồng đầu tiên ở Hoa Kỳ, Bubs dự báo doanh thu sẽ tăng hơn 80% lên 162 triệu đô la Úc (gần 109 triệu đô la Mỹ) trong năm tài chính kết thúc vào tháng 6.2023 và đạt 217 triệu đô la Úc (gần 146 triệu đô la Mỹ) năm tiếp theo, công ty môi giới PAC Partners ở Úc cho biết trong báo cáo nghiên cứu.

Xem thị trường Hoa Kỳ là trụ cột tăng trưởng mới, đầu tháng 10.2022, Bubs chính thức xin phê duyệt từ cơ quan Quản lý thực phẩm & dược phẩm Hoa Kỳ để bán sản phẩm lâu dài tại nền kinh tế lớn nhất thế giới. Công ty đang làm việc với nhiều nhà bán lẻ để cung cấp sản phẩm tại 6.500 cửa hàng trên 42 bang ở Hoa Kỳ.

Vào tháng 7.2022, Bubs huy động được 63 triệu đô la Úc (42 triệu đô la Mỹ) sau khi bán cổ phiếu cho các nhà đầu tư tổ chức và bán lẻ để có vốn lưu động cũng như tăng gấp ba công suất.

“Tôi từng mơ ước trở thành doanh nghiệp trị giá một triệu đô la Mỹ,” Carr cho biết. “Hiện giờ tôi đang nghĩ, tiếp theo là gì? Chúng tôi sẽ tiến đến mốc một tỉ đô la Mỹ, rồi điều gì sẽ diễn ra tiếp theo. Và tôi nghĩ đó là ước mơ trong tầm với.”



Akiko Amano
Giám đốc, Souke Hanabi Kagiya
Tuổi: 52 • Nhật Bản

Amano không chỉ là người phụ nữ đầu tiên đứng đầu công ty pháo hoa Souke Hanabi Kagiya của gia đình, nơi kỹ thuật lẫn kỹ năng chế tạo và bắn pháo hoa được truyền lại gần 360 năm, mà bà còn là người phụ nữ đầu tiên điều hành công ty sản xuất pháo hoa ở Nhật Bản.

Souke Hanabi Kagiya thuộc danh sách 38 công ty lâu đời nhất hoạt động ở một trong những ngành nghề truyền thống nhất ở Nhật Bản. Công ty được thành lập từ năm 1659 và phụ trách màn trình diễn bắn pháo hoa hằng năm trên sông Sumida ở Tokyo, một trong những màn trình diễn pháo hoa có ý nghĩa văn hóa nhất của Nhật Bản, từ năm 1733.

Amano là thế hệ thứ 15 trong gia đình trở thành giám đốc khi tiếp nối vị trí giám đốc của cha tại công ty ở Tokyo vào năm 2000. Có thông tin rằng, để chuẩn bị cho vai trò mà bà đảm nhận ở tuổi 29, bà đã nhất quyết học nghề tại các công ty sản xuất pháo hoa khác và vì vậy không nhận được sự ưu ái khi làm việc tại công ty của gia đình.

Để trau dồi năng lực chuyên môn, bà học tiến sĩ nghệ thuật vào năm 2009 tại Nihon University, nơi bà nghiên cứu về mức tác động của màn bắn pháo hoa lên cảm xúc của con người. Bà chia sẻ trong cuộc nói chuyện trực tuyến rằng đó là sự kết hợp giữa nhiều khía cạnh hình ảnh với âm thanh và các chuyên gia về pháo hoa có thể thay đổi ấn tượng của khán giả bằng cách điều chỉnh hai khía cạnh đó.

Bà cũng là cựu thành viên của đội tuyển judo quốc gia Nhật Bản, đồng thời là người phụ nữ Nhật Bản đầu tiên làm trọng tài môn judo tại Thế vận hội Bắc Kinh 2008. Amano một lần nữa làm trọng tài tại các trận đấu trong năm 2020 nhưng bị hoãn đến năm 2021 do đại dịch ở Tokyo.

Năm 2019, bà đạt được đai đen đệ thất đẳng, một trong những cấp độ cao nhất của judo. Ngoài ra, gia đình cũng điều hành trường dạy judo do bà và cha cùng làm giám đốc.

Amano kỳ vọng con gái mình, hiện đang học đại học, sẽ đảm nhận vị trí người đứng đầu thế hệ thứ 16 của doanh nghiệp – mặc dù Amano cho biết quyết định nối nghiệp tùy thuộc vào con gái mình. Vị giám đốc đứng đầu công ty nhấn mạnh với nhân viên trong công ty nên nhớ rằng pháo hoa không chỉ là trò giải trí.

“Pháo hoa là biểu tượng của hòa bình,” bà cho biết. “Dù 20 hay 30 năm sau, tôi mong muốn mọi người không quên điều đó.”


Febriany Eddy
Chủ tịch kiêm CEO, Vale Indonesia
Tuổi: 45 • Indonesia


Eddy là một trong số ít phụ nữ trên toàn thế giới điều hành công ty khai khoáng lớn. Năm ngoái, bà được bổ nhiệm làm chủ tịch kiêm CEO của công ty khai thác niken Vale Indonesia, do Vale ở Brazil sở hữu phần lớn.

Con đường trở thành nữ CEO đầu tiên của công ty khai khoáng Indonesia bắt nguồn từ chuyên ngành kế toán và kinh doanh, chứ không phải địa chất. Eddy có bằng cử nhân của Universitas Indonesia và thạc sỹ kinh doanh của chương trình liên kết giữa UCLA Anderson School of Management với National University of Singapore.

Bà từng phụ trách khách hàng trong lĩnh vực khai khoáng và năng lượng khi làm tại PricewaterhouseCoopers. “Tôi không chọn ngành ngay từ đầu, nhưng tôi chọn ở lại,” Eddy cho biết. “Tôi gắn bó với ngành tuyệt vời này được 15 năm.”

Tại Vale, bà công tác hai năm rưỡi tại Brisbane, Úc, nơi bà giám sát hoạt động ở châu Phi, Nhật Bản, Indonesia, Đài Loan và Trung Quốc đại lục. Trước khi đảm nhiệm vai trò hiện tại, bà từng là giám đốc tài chính của Vale Indonesia và phó tổng giám đốc điều hành.

Năm ngoái, công ty ghi nhận doanh thu 953 triệu đô la Mỹ, tăng 24% so với năm trước, trong khi lợi nhuận ròng tăng gấp đôi lên 165 triệu đô la Mỹ.

Eddy là người tích cực vận động để có thêm nhiều phụ nữ hoạt động trong ngành khai khoáng, một ngành theo bà giữ vai trò “rất quan trọng trong cuộc sống con người.” Bà mong muốn những người khác đón nhận thử thách và có thêm nhiều nam giới “hăng hái hỗ trợ phụ nữ làm việc trong lĩnh vực khai khoáng hơn.” 


Park Jeong-rim|
Đồng CEO, KB Securities
Tuổi: 58 • Hàn Quốc


Tiên phong trong ngành môi giới mà nam giới chiếm đa số ở Hàn Quốc, vào năm 2019, Park trở thành phụ nữ đầu tiên lãnh đạo KB Securities, công ty thuộc KB Financial Group (công ty dịch vụ tài chính lớn nhất Hàn Quốc tính theo giá trị vốn hóa thị trường).

Bà dẫn dắt công ty đạt lợi nhuận kỷ lục cùng với đồng CEO Kim Sung-hyun. KB Securities công bố lợi nhuận ròng 519 triệu đô la Mỹ vào năm 2021, tăng 130% so với năm 2019.

Dưới sự lãnh đạo của các đồng CEO, KB Securities dẫn đầu 42 đợt IPO vào năm ngoái, và hoạt động như một trong những nhà bảo lãnh chính cho đợt phát hành cổ phiếu trị giá 10,7 tỉ đô la Mỹ của LG Energy Solution – thương vụ IPO lớn nhất ở Hàn Quốc từ trước đến nay và lớn thứ hai trên thế giới vào năm 2021 sau Rivian Automotive.

KB Securities cũng là một trong những nhà tổ chức chính cho đợt IPO trị giá 2,2 tỉ đô la Mỹ của KakaoBank, công ty cho vay trực tuyến đầu tiên của Hàn Quốc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng hồi năm ngoái.

Vào năm 2020, Park giành được giải thưởng chuyển đổi kỹ thuật số hằng năm International Data Corp. của Hàn Quốc nhờ vai trò trong việc phát triển mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng KB Securities, đồng thời mở rộng quan hệ đối tác với những công ty fintech.

Bà cũng hợp tác với công ty trò chơi NCSoft để cung cấp các dịch vụ đầu tư dựa vào AI. Trước khi đảm nhận vai trò lãnh đạo, Park là giám đốc đơn vị thị trường vốn của tập đoàn.

Trước đây bà từng làm việc tại KB Kookmin Bank cũng như Samsung Fire & Marine Insurance.Bà có bằng thạc sĩ kinh doanh và cử nhân kinh doanh tại Seoul National University.



Soma Mondal
Chủ tịch, Steel Authority of India Ltd.
Tuổi: 59 • Ấn Độ


Người phụ nữ đầu tiên làm chủ tịch công ty nhà nước Steel Authority of India Ltd. (SAIL), lãnh đạo nhà sản xuất thép đạt mức tăng trưởng lợi nhuận kỷ lục kể từ khi nắm quyền vào năm 2021.

Doanh thu hằng năm tăng 50% lên hơn 1,03 ngàn tỉ rupee (13,7 tỉ đô la Mỹ), trong khi đó lợi nhuận tăng gấp ba lên 120 tỉ rupee (1,5 tỉ đô la Mỹ), trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31.3.2022, nhờ sản lượng tăng cũng như nhu cầu sản phẩm thép như thanh, tấm và thỏi thép tăng cao.

Trong khoảng thời gian đó, công ty đã trả hết khoản nợ gần 220 tỉ rupee (2,7 tỉ đô la Mỹ).

Mondal, trở thành giám đốc công ty vào năm 2017, chi 80.000 triệu rupee (978 triệu đô la Mỹ) để tăng công suất sản xuất trong năm nay, đồng thời phát triển mạng lưới phân phối của nhà sản xuất thép này tại nhiều thị trấn và thành phố ở Ấn Độ.

Trong năm tài chính 2022, bà giám sát quá trình sản xuất 11 sản phẩm mới trong ngành đường sắt và xây dựng. SAIL là một trong số 11 công ty nhà nước được chọn gọi là “maharatnas,” được trao thêm quyền tự chủ so với các công ty nhà nước khác.

Mondal gắn bó trong ngành công nghiệp kim loại. Bà lớn lên ở thành phố Bhubaneshwar, miền đông Ấn Độ và có bằng cử nhân kỹ thuật điện của National Institute of Technology tại Rourkela.

Sau khi tốt nghiệp năm 1984, bà từng làm việc trong công ty nhà nước National Aluminium Co. và trở thành giám đốc ở đó trước khi gia nhập SAIL.



Julie Coates
CEO kiêm giám đốc điều hành, CSR
Tuổi: 59 • Úc


Coates nắm quyền lãnh đạo công ty sản xuất sản phẩm xây dựng CSR vào tháng 9.2019, ngay trước khi đại dịch COVID-19 tàn phá nền kinh tế toàn cầu.

Với kinh nghiệm xử lý trong logistics và chuyển đổi kinh doanh tại tập đoàn siêu thị khổng lồ Woolworths của Úc cũng như quản lý công ty sản xuất thực phẩm Goodman Fielder, bà lèo lái công ty ở Sydney vượt qua sự gián đoạn chuỗi cung ứng trong hai năm qua.

Công ty 167 năm tuổi chuyên cung cấp các dự án khu dân cư và thương mại trên khắp Úc lẫn New Zealand, hiện hưởng lợi từ nhu cầu về vật liệu xây dựng tăng cao cũng như tinh gọn hoạt động hơn sau khi Coates cơ cấu lại hoạt động kinh doanh, đồng thời tập trung hóa nền tảng logistics.

Lợi nhuận ròng của CSR không bao gồm các khoản ngoại lệ khác tăng 20% lên 193 triệu đô la Úc (126 triệu đô la Mỹ) trong năm tài chính kết thúc vào tháng 3.2022, cao hơn so với mức trước đại dịch, trong khi đó doanh thu tăng 9% lên 2,3 tỉ đô la Úc (1,5 tỉ đô la Mỹ).

Coates, người nổi bật trong ngành xây dựng do nam giới thống trị, bắt đầu sự nghiệp là giáo viên dạy toán ở trường trung học, cho biết CSR đưa ra nhiều chính sách để tăng thêm số nhân viên nữ trong công ty. Bà là một trong ba thành viên nữ nằm trong ban điều hành gồm chín người của CSR. 


Mutiara
Tổng giám đốc điều hành, Murni Sadar
Tuổi: 64 • Indonesia

Mất cả cha lẫn mẹ vào năm 2004 vì ung thư phổi là hồi chuông cảnh tỉnh thúc đẩy bác sĩ Mutiara bước vào con đường kinh doanh.

“Trước khi cha mẹ tôi qua đời, tôi đã kiệt sức vì đưa họ đi khắp thế giới trong hai năm để tìm kiếm những loại thuốc tốt nhất. Tôi thấy rằng người bệnh ở Indonesia cần bệnh viện ung thư để không cần phải ra nước ngoài điều trị,” Mutiara nhớ lại trong cuộc phỏng vấn đầu tiên vào tháng chín từ văn phòng của bà ở Murni Teguh Sudirman Jakarta Hospital.

Khởi đầu sự nghiệp, Mutiara là giám đốc trung tâm y tế cộng đồng của bang ở North Sumatra vào năm 1987 trước khi trở thành bác sĩ đa khoa tại Pematang Siantar Public Hospital vào năm 2000.

Sau một thập niên, bà đồng sáng lập Murni Sadar, hiện phát triển thành chuỗi sáu bệnh viện, với mục tiêu cung cấp phương pháp điều trị chuyên biệt cho bệnh ung thư và bệnh tim.

Những người đồng sáng lập khác bao gồm anh trai của bà Ganda, các em gái Bertha và Thio Ida, cùng với cháu gái Jacqueline Sitorus, theo bản cáo bạch IPO của công ty.

Jacqueline là con gái của em trai Mutiara, Martua Sitorus, tỉ phú người Indonesia, cùng với gia đình hưởng lợi từ sản xuất dầu cọ, bất động sản cũng như xi măng.

“Là bác sĩ, tôi hài lòng nếu điều trị một bệnh nhân mỗi ngày. Nhưng nếu tôi sở hữu bệnh viện, tôi có thể điều trị cho 500 hoặc 1.000 bệnh nhân mỗi ngày. Điều đó tốt hơn nhiều,” bà cho biết. Murni Sadar – được đặt theo tên cha và mẹ của Mutiara, Murni Teguh và Sadar – là công ty gia đình.

Chồng của Mutiara, Tjhin Ten Chun, là ủy viên chủ tịch hội đồng quản trị của Murni Sadar, trong khi các con trai Clement Zichri Ang và Felix Vincent Ang giữ chức giám đốc. Con gái Sharon Hanmy Angel là bác sĩ làm việc tại Murni Teguh Memorial Hospital, bệnh viện chính của công ty ở Medan, North Sumatra.

Khai trương năm 2012, bệnh viện đa khoa Medan cung cấp các trung tâm điều trị tim mạch và ung thư trong chuỗi mà tập đoàn muốn nhân rộng. Để tăng trưởng nhanh, đầu năm nay Murni Sadar đã niêm yết trên sở Giao dịch chứng khoán Indonesia, huy động được 325 tỉ rupiah (21 triệu đô la Mỹ).

Mutiara và gia đình bà giữ lại phần lớn cổ phần trong công ty với giá trị vốn hóa thị trường 3,7 ngàn tỉ rupiah (237 triệu đô la Mỹ) tính đến giữa tháng mười.

Hoạt động dưới nhiều thương hiệu Aminah, Murni Teguh và Rosiva, sáu bệnh viện Murni Sadar có 858 giường trên khắp Bali và các thành phố Jakarta, Medan cũng như Tangerang.

Hai bệnh viện nữa đang được xây dựng, một ở North Sumatra và bệnh viện còn lại ở Bandung của West Java, sẽ nâng tổng công suất lên 1.000 giường vào cuối năm nay. Bệnh viện thứ ba, một tòa nhà chung cư cũ ở Jakarta được mua lại vào tháng 8.2022 với giá 121,2 tỉ rupiah (7,7 triệu đô la Mỹ), dự kiến sẽ mở cửa vào năm tới.

Mặc dù số ca nhiễm COVID-19 đang giảm ở Indonesia, nhưng Mutiara cho biết bệnh nhân vẫn sợ bị lây nhiễm trong bệnh viện. Do đó, doanh thu của Murni Sadar trong chín tháng đầu năm 2022 đã giảm gần 24% xuống còn 600 tỉ rupiah (gần 38,4 triệu đô la Mỹ) so với cùng kỳ năm ngoái.

Khi mở thêm nhiều bệnh viện mới, Mutiara dự kiến doanh thu cả năm của Murni Sadar sẽ đạt 858 tỉ rupiah (gần 55 triệu đô la Mỹ), giảm 13% so với năm 2021, sau đó tăng gấp đôi vào năm 2023.

Mutiara tin chìa khóa thành công là khao khát tiếp tục trau dồi kiến thức. Bà tốt nghiệp cử nhân y khoa tại Christian University of Indonesia ở Indonesia, lấy bằng thạc sĩ về y học nhiệt đới và tiến sĩ khoa học y khoa của University of North Sumatra. 


Pearlyn Phau
CEO tập đoàn, Singlife with Aviva
Tuổi: 54 • Singapore


Đã hơn một năm từ khi cựu quản lý cấp cao ngành ngân hàng này nắm quyền điều hành Singlife with Aviva, được hình thành từ thương vụ sáp nhập khổng lồ trị giá 3,2 tỉ đô la Singapore (2,3 tỉ đô la Mỹ) giữa Aviva, chi nhánh công ty bảo hiểm khổng lồ của Anh ở Singapore với công ty bảo hiểm kỹ thuật số Singlife.

“Thật thú vị, không chỉ bởi vì đó là ngành công nghiệp mới đối với tôi, mà còn… để xây dựng một thứ gì đó từ đầu,” Phau nói trong cuộc phỏng vấn qua video từ văn phòng ở Singapore. “Tôi thấy ngành bảo hiểm có khá nhiều điểm tương đồng với ngành ngân hàng tiêu dùng cách đây khoảng tám năm.”

Giải quyết những vướng mắc phổ biến của khách hàng, chẳng hạn như vô số hình thức bảo hiểm và biệt ngữ, là ưu tiên hàng đầu của Phau cùng với 1.500 nhân viên.

Ngoài ra, công ty cũng tập trung mạnh vào dịch vụ kỹ thuật số – sự trở lại toàn diện cho Phau, người từng làm giám đốc bộ phận ngân hàng trực tuyến tại DBS Bank của Singapore trước khi chuyển sang quản lý tài sản và ngân hàng tiêu dùng.

Trong khi khu vực chính phủ của Singapore đóng góp một phần đáng kể trong 1,5 triệu khách hàng của Singlife tại Singapore, công ty có khả năng sẽ mở rộng hoạt động ra nước ngoài. Phau lưu ý rằng đơn vị dịch vụ tài chính mới được hai năm tuổi ở Philippines này phục vụ như một nền tảng cho công nghệ và cách thức kinh doanh mới.

“Thật ra chúng tôi tham vọng muốn chiếm lĩnh thị phần về bảo hiểm trong khu vực,” bà cho biết. “Chúng tôi kỳ vọng sẽ có mặt tại ít nhất một hoặc hai thị trường nữa ở Đông Nam Á trong vòng năm năm tới.”

Phau, chuyên gia phân tích tài chính, là thành viên ban cố vấn của TLee Kong Chian School of Business thuộc Singapore Management University. Bà có bằng cử nhân kinh tế và thống kê của ĐH Quốc gia Singapore.

Biên dịch: Quỳnh Anh
Bản in theo Forbes Việt Nam số 113, tháng 1.2023