Umar Farouk Mubaraka và Dorcas Lukwesa là những doanh nhân nữ tiêu biểu đưa ra giải pháp kinh tế tuần hoàn giúp giải quyết tình trạng thiếu thốn của phụ nữ cũng như giảm nghèo ở châu Phi.
Một nhóm doanh nhân ở Ghana đang biến thân cây chuối cũng như quả chuối bỏ đi thành băng vệ sinh để giải quyết tình trạng thiếu thốn sản phẩm hỗ trợ phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt.
Theo Ngân hàng Thế giới, nửa tỉ phụ nữ và trẻ em gái trên toàn thế giới không thể tiếp cận với sản phẩm hỗ trợ và cơ sở vật chất vệ sinh phù hợp trong thời kỳ kinh nguyệt.
Umar Farouk Mubaraka, đồng sáng lập kiêm giám đốc tài chính của Kodu Technology, giải thích rằng công ty bắt tay vào nghiên cứu để khám phá các cách tận dụng thân chuối và chuối bỏ đi từ ngành nông nghiệp của Ghana.
“Lúc đầu chúng tôi dự định sử dụng những nguyên vật liệu đó làm giấy nhưng phát hiện ra rằng sợi chuối và chuối có khả năng hấp thụ rất cao nên chúng tôi thực hiện hoạt động kinh doanh này,” cô nói và cho biết thêm rằng sản xuất băng vệ sinh có tiềm năng lớn nhất.
“Bằng cách sử dụng sợi chuối, sản phẩm phụ của ngành nông nghiệp, chúng tôi phát triển nền kinh tế tuần hoàn, giảm thiểu chất thải đồng thời đem lại lợi ích cho nông dân địa phương,” Umar Farouk cho biết.
Dự án sẽ giúp thay đổi tích cực về môi trường cũng như kinh tế xã hội ngoài việc giúp giải quyết tình trạng thiếu thốn sản phẩm hỗ trợ phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt.
“Cải thiện quy trình chiết xuất sợi chuối là một trong những trở ngại lớn nhất trong dự án sản xuất băng vệ sinh,” cô nói. “Chiết xuất và tinh chế sợi chuối cho băng vệ sinh là một quy trình phức tạp bao gồm cả quy trình hóa học và cơ học.”
Umar Farouk giải thích rằng tái sử dụng phế thải nông nghiệp là một chiến lược dựa trên cơ sở khoa học nhằm hỗ trợ các nguyên tắc phát triển nông nghiệp bền vững. Nhưng thật khó để đảm bảo độ bền, thấm hút và tiêu chí vệ sinh của sợi, trong khi vẫn duy trì chi phí hiệu quả.
“Cần phải giải quyết những trở ngại kỹ thuật này để sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường được sử dụng trong thời kỳ kinh nguyệt, đáp ứng tiêu chuẩn của ngành và nhu cầu của người tiêu dùng,” cô chia sẻ.
Năm 2023, Kodu Technologies đã được trao hơn 8.000 USD sau khi giành chiến thắng trong cuộc thi Kinh tế Tuần hoàn do Liên minh châu Âu hỗ trợ.
Umar Farouk lớn lên ở Wa thuộc vùng Thượng Tây Ghana và là một chuyên gia dinh dưỡng. Cô cũng từng là thư ký hội sinh viên ở trường đại học.
“Trải nghiệm đó đã giúp tôi có kỹ năng giao tiếp và làm việc với những người dân nông thôn ở Ghana,” cô kể.
Umar Farouk giải thích rằng việc nghiên cứu để tìm ra giải pháp cho những khó khăn toàn cầu đòi hỏi các nhà khoa học từ khu vực nam bán cầu đóng góp quan điểm và ý tưởng.
“Những trải nghiệm khác biệt bắt nguồn từ nhiều nền tảng văn hóa, môi trường và kinh tế xã hội khác nhau giúp hiểu vấn đề phức tạp toàn diện hơn,” cô nói.
“Làm việc cùng nhau, các nhà khoa học với kiến thức chuyên môn khác nhau có thể giải quyết những vấn đề toàn cầu hiệu quả và toàn diện hơn. Điều này khuyến khích sự sáng tạo và kiên trì khi đối mặt với khó khan,” Umar Farouk nói.
Theo cô, những nhà nghiên cứu ở khu vực nam bán cầu có thể hiểu rõ hơn về nhu cầu của cộng đồng để đảm bảo đưa ra các giải pháp bền vững và phù hợp với bối cảnh địa phương họ sống.
Một nữ doanh nhân châu Phi khác đang nghiên cứu giải pháp kinh tế tuần hoàn là Dorcas Lukwesa ở Zambia. Cô đang xây dựng một doanh nghiệp xã hội xung quanh những khu vườn thông minh di động được làm bằng tre dành cho nông dân có không gian, đất đai hạn chế và ít nước hơn.
Lukwesa sáng lập Mobile Aquaponics và cũng là thành viên hiệp hội CAMFED đang theo học tại đại học EARTH. Đây là một trường đại học tập trung phát triển nông nghiệp bền vững ở Costa Rica. Cô cho biết dự án chính là phát triển mô hình trồng rau kết hợp nuôi cá di động.
“Những khu vườn này sử dụng hệ thống tuần hoàn tự nhiên,” cô nói, đồng thời cho biết thêm rằng mô hình trồng rau kết hợp nuôi cá trong hệ sinh thái tuần hoàn sử dụng chu kỳ sinh sôi vi khuẩn tự nhiên để chuyển đổi chất thải của cá thành chất dinh dưỡng cho cây trồng.
Mobile Aquaponics của Lukwesa là dự án xã hội nhằm cung cấp các biện pháp ứng phó biến đổi khí hậu, thúc đẩy an ninh lương thực trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu nhằm giảm nghèo ở Zambia.
“Thông qua trang trại mẫu, chúng tôi hi vọng sẽ hướng dẫn cách kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp cho hơn 2.000 nông dân trong 5 năm tới,” cô nói, đồng thời cho biết thêm rằng cô hi vọng sẽ tạo ra 20 cơ hội việc làm mới cho phụ nữ lẫn thanh niên để giúp các gia đình tạo thêm thu nhập cũng như khuyến khích cộng đồng tham gia dự án.
Biên dịch: Gia Nhi
————————-
Xem thêm:
Thực thi kinh tế tuần hoàn là đầu tư bền vững cho tương lai
Thách thức “con đường xanh” của Việt Nam
6 tháng trước
Nỗ lực bảo tồn các loại nấm quý hiếm ở Ghana