Bác sĩ Phạm Thị Mỹ Liên – chủ tịch công ty TNHH Dược phẩm GSK Việt Nam, nữ lãnh đạo nhiều tâm huyết và sự dấn thân để góp sức phòng ngừa và điều trị bệnh tật cho mọi người trong suốt 25 năm qua.
Tại Hội nghị Phụ nữ 2022 với chủ đề “Phụ nữ thay đổi thế giới” do Forbes Việt Nam tổ chức, bác sĩ Phạm Thị Mỹ Liên tham dự với vai trò là diễn giả ở phiên tham luận chính “Phụ nữ dẫn dắt”. Bà gây ấn tượng với câu nói “Thương trường là một sân chơi sòng phẳng. Cân bằng giới đồng nghĩa chúng ta cống hiến chất lượng như nhau. Phụ nữ sẽ có thế mạnh của sự chỉn chu, quan tâm để dẫn dắt đội ngũ của mình một cách mềm mại và kiên cường”
Chia sẻ của người đứng đầu GSK Việt Nam để hiểu hơn về cách mà bà đã cùng với tổ chức của mình đồng hành cùng ngành y tế của Việt Nam chiến thắng bệnh tật như thế nào.
– Điều đáng mừng đầu tiên là chúng ta đã dần kiểm soát được dịch bệnh và cuộc sống quay trở lại điều kiện bình thường. Đáng khích lệ hơn là nó giúp chúng ta hình thành thói quen chăm sóc sức khỏe mới, biết chú trọng hơn đến việc phòng ngừa từ sớm, trong đó nhận thức về tầm quan trọng của chủng ngừa tăng lên đáng kể.
Kinh tế Việt Nam có một số dấu hiệu hồi phục tích cực, theo World Bank, GDP Việt Nam kỳ vọng sẽ trở lại đà tăng trưởng ở mức 7.2% vào năm nay và tiếp tục là 6,7% vào năm sau. Điều này có một phần đến từ sự phục hồi tích cực của ngành sản xuất và đặc biệt là ngành dịch vụ, mọi người đi du lịch nhiều hơn bù lại cho thời gian giãn cách, các nhà hàng khách sạn cũng đã tấp nập nhộn nhịp hơn. Tuy vậy chúng ta cần chú ý đánh giá tiếp theo về chi tiêu của người dân bị ảnh hưởng do lạm phát cũng như những tác động do tỉ giá lãi suất tăng lên.
– Đại dịch COVID-19 tạo ra sự dịch chuyển đáng kể về cấu trúc và sự năng động của thị trường. Ngành dược phẩm đạt 5,9 tỉ USD tính đến hết quý 3 năm nay và tăng trưởng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Đầu tư nước ngoài sẽ tiếp tục được khuyến khích bởi các hiệp định tự do thương mại cũng như cam kết của chính phủ giải quyết một số vướng mắc trong quy trình và nỗ lực tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Dân số Việt Nam dự kiến đạt mốc 101 triệu người năm 2025 cùng với nhóm thu nhập khá, có trình độ học vấn cao ngày càng tăng, dẫn đến nhu cầu chăm sóc sức khỏe tăng cao. Bên cạnh đó các bệnh truyền nhiễm, ung thư hay hô hấp gây tác động lớn lên sức khỏe của người dân Việt Nam.
Chúng ta thấy những nước phát triển hiện nay họ đã sử dụng nhiều thuốc và vắc xin với khoa học và công nghệ mới cho việc phòng và điều trị các bệnh lý này. Việt Nam cần bắt kịp với những phát minh mới này và chúng ta đã đang từng bước tạo môi trường thuận lợi để thẩm định và cấp phép nhanh chóng giúp người dân tiếp cận được sớm hơn với thuốc và vắc xin mới.
Tôi hạnh phúc vì được trở về nhà, cảm thấy ấm áp khi được các bạn đồng nghiệp ủng hộ và chào đón mình. Đây là lần thứ hai tôi vinh dự được giao trọng trách dẫn dắt GSK Việt Nam.
Năm 2010, khi nhận nhiệm vụ trưởng đại diện của GSK Pte, tôi đã đóng cửa phòng lặng lẽ khóc một mình, nhưng khi bước ra ngoài tôi bắt đầu chặng đường dấn thân vì tôi biết rất rõ mình muốn gì. Tôi nhớ mãi hình ảnh bà mẹ bế con mình đứng chờ mua toa thuốc trong bệnh viện và chỉ có thể mua được liều điều trị cho hai ngày do không đủ tiền. Điều này khiến tôi dũng cảm và quyết tâm hơn để theo đuổi mục tiêu của mình, đó là làm sao mọi người được tiếp cận đến thuốc và vắc xin có giá trị, bất kể khi nào họ cần đến.
Mười năm sau, tôi cùng với đồng đội của mình đi qua hai năm lịch sử vừa qua bằng cách ra mắt pháp nhân mới công ty TNHH Dược phẩm GSK Việt Nam. Với tổng vốn đầu tư vận hành doanh nghiệp khoảng 200 triệu USD (hơn 4.600 tỉ đồng), chúng tôi kỳ vọng đưa GSK phát triển bền vững và Việt Nam tiếp tục là một trong 5 quốc gia được GSK ưu tiên hàng đầu trong tổng số hơn 119 quốc gia thuộc khu vực các thị trường mới nổi.
– Để định hướng chiến lược cho sự phát triển bền vững, tôi dành phần lớn thời gian tập trung vào hai lĩnh vực quan trọng: một là xây dựng danh mục thuốc và vắc xin tiềm năng để đưa vào thị trường đáp ứng mô hình bệnh tật của địa phương và hai là xây dựng một đội ngũ tài năng kế cận để tiếp tục sự nghiệp dấn thân vì sức khỏe mọi người.
– Trước đây, chúng tôi triển khai nhiều dự án để mở rộng tiếp cận về cả địa lý lẫn tháp thu nhập của người dân đối với ngành hàng hiện có của GSK, trải rộng trên các chuyên khoa như nhiễm khuẩn hô hấp, hen/ bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và vắc xin để phòng những bệnh nguy hiểm ở trẻ nhỏ.
Khi đặt tầm nhìn cho tương lai, chúng tôi tự hỏi, làm sao để người Việt được tiếp cận sớm đến những nghiên cứu và phát triển mới, tương đồng với các quốc gia phát triển là Mỹ, Anh, Singapore hoặc ngay cả các thị trường mới nổi như Brazil, Ấn độ. Bản thân tôi càng được thôi thúc hơn khi chứng kiến một người thân trong gia đình phải trải qua biến chứng nặng nề của bệnh viêm màng não, đối diện với nguy cơ bị liệt nửa người khi tuổi đời còn rất trẻ. Tôi đã ao ước giá như tất cả trẻ em Việt Nam đều được phòng ngừa căn bệnh này từ khi chào đời và được phát triển lành lặn.
– GSK có ba ngành hàng chính là vắc xin, thuốc đặc trị và thuốc đa khoa. Các danh mục nghiên cứu mới sẽ giới thiệu tại thị trường Việt Nam bao gồm các vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm ở trẻ nhỏ, các bệnh gây ra gánh nặng ở người trưởng thành, người có yếu tố nguy cơ.
Bên cạnh đó, GSK kế hoạch ra mắt giải pháp mới điều trị bệnh lý hô hấp, nhiễm khuẩn hay ung thư trong tương lai.
– Ở GSK, chúng tôi chỉ hướng tới một mục tiêu duy nhất đó là hợp nhất khoa học, công nghệ và tài năng để phòng ngừa và điều trị bệnh tật với vắc xin và thuốc phát minh phát triển. Tôi nghĩ không khó để thuyết phục những cộng sự của mình tin vào con đường dấn thân này, và khi có sự đồng lòng và đổi mới, chúng tôi thực hiện được những điều to lớn. Đó cũng là tâm huyết chúng tôi xây dựng đội nhóm, đào tạo đội ngũ tài năng kế cận, tạo ra môi trường đa dạng và hòa nhập để tất cả mọi người cùng phát triển với đúng thế mạnh và tiềm năng của mình.
– Tôi đã làm việc ở GSK hơn 25 năm, rất nhiều đồng niên của tôi hiện là lãnh đạo của các công ty đa quốc gia, đã được nuôi dưỡng và trưởng thành từ ngôi nhà GSK. Chúng tôi mong muốn các bạn trẻ khi lựa chọn làm việc tại GSK sẽ có cảm giác giống như tôi, đây là nơi mình thuộc về và luôn được truyền cảm hứng, để phát triển không chỉ trong công việc mà còn là bản thân.
Bên cạnh việc tạo điều kiện cho bình đẳng giới, đặt ra chỉ tiêu cụ thể 45% lãnh đạo cấp cao là phụ nữ, chúng tôi còn nỗ lực thúc đẩy chấp nhận sự khác biệt tại GSK. Tất cả tài năng ở các lĩnh vực dù với nền tảng khác nhau, điều kiện, tôn giáo, văn hóa, giới tính hay thể trạng khác nhau đều luôn được chào đón và được hỗ trợ để phát triển công bằng tại GSK.
Tất cả chúng tôi đều mong muốn góp sức với thế mạnh và bản sắc riêng biệt của mình trong một nền văn hóa chung nơi mà chúng tôi hòa nhập. Nó hiện hữu ngay ở những việc làm mỗi ngày như tham vọng vì bệnh nhân, chịu trách nhiệm để tạo ảnh hưởng và đảm bảo rằng chúng tôi luôn làm điều đúng đắn vì có rất nhiều người trông đợi ở chúng tôi.
11 tháng trước
11 tháng trước
11 tháng trước