CEO Nguyễn My Lan neo giữ vị thế cho
thị trường Việt Nam và điều hành toàn bộ hoạt động khu vực APAC của hãng sơn hơn 230 năm tuổi AkzoNobel.
Từ cuối năm 2023, những ngày làm việc của bà Nguyễn My Lan, giám đốc khối kinh doanh Sơn trang trí AkzoNobel khu vực Đông Nam Á được ví von “ở trên bầu trời nhiều hơn dưới mặt đất”.
Nữ doanh nhân 52 tuổi được tập đoàn trao trọng trách điều hành thị trường khu vực Đông Nam Á và Úc – New Zealand, cùng một số thị trường xuất khẩu khác. “Mọi việc đã ổn sau gần một năm với hành trình quá bận rộn,” bà nói với Forbes Việt Nam trong cuộc phỏng vấn trực tuyến giữa thời gian chuyến bay sang Hoa Kỳ.
Khái niệm “ổn” được bà Lan đề cập là việc hoạch định lại sự phát triển trên toàn khu vực, khẳng định vị thế cho hãng sơn tên tuổi AkzoNobel có lịch sử 232 năm.
Văn phòng điều hành kinh doanh cùng các lãnh đạo khu vực của công ty có trụ sở tại Hà Lan đã chuyển từ Singapore về TP.HCM. Cùng với các nhân sự đầu não của từng thị trường, bà Lan đề bạt một số quản lý tại Việt Nam, vừa tiếp tục đảm nhiệm vai trò trong nước, cùng lúc kiêm nhiệm những vị trí mới trong khu vực.
Đông Nam Á là khu vực đang tăng trưởng trọng điểm của AkzoNobel trên toàn cầu, trong đó hai thị trường quan trọng nhất gồm Việt Nam và Indonesia. Riêng Việt Nam có tầm quan trọng “vượt khỏi khu vực”, là trọng điểm cả trong sản xuất và kinh doanh của tập đoàn.
AkzoNobel là công ty sản xuất sơn và chất phủ được thành lập từ năm 1792, tại Amsterdam (Hà Lan), hiện hoạt động ở hơn 150 quốc gia và hơn 32.000 nhân viên trên toàn thế giới. Số liệu tài chính năm 2023 cho thấy doanh thu từ khu vực châu Á – Thái Bình Dương chiếm 12% doanh thu toàn cầu, trong đó riêng doanh thu mảng sơn trang trí tại châu Á đạt hơn 1,1 tỉ euro.
Tại Việt Nam, AkzoNobel có hai thương hiệu Dulux và Maxilite từ Dulux dẫn đầu ở phân khúc sơn trang trí cao cấp.
Vào cuối năm 2021, nữ doanh nhân Nguyễn My Lan từ Hà Nội chuyển vào TP.HCM nhận trọng trách tổng giám đốc công ty Sơn trang trí AkzoNobel Việt Nam, thời điểm các hoạt động kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn sau đại dịch. Dù đã có kinh nghiệm tại các tập đoàn đa quốc gia nhưng công việc điều hành doanh nghiệp ngành sơn hoàn toàn mới mẻ đối với người phụ nữ vừa tuổi 50.
Bà Lan nói việc dẫn dắt một đội ngũ nhân lực mạnh, có bề dày chuyên môn, kinh nghiệm thương trường và mạng lưới khách hàng hàng đầu thị trường là một thử thách.
Nhưng đó cũng là những động lực để bà “học làm sếp tại AkzoNobel”, bắt đầu từ những thứ cơ bản: sản phẩm, công nghệ, văn hóa… “Thương hiệu hơn hai thế kỷ với nền tảng vững mạnh trên toàn cầu và dẫn đầu thị trường trong nước giúp tôi tự tin mình sẽ làm tốt,” bà nói.
Sự khởi đầu này gặp thách thức lớn đầu tiên là hậu dịch COVID-19, cả khách hàng và nội bộ công ty đều hứng chịu nhiều tổn thương, doanh thu sụt giảm.
“Mỗi ngày tôi tự đặt câu hỏi làm gì để xốc lại tinh thần và khôi phục một đội ngũ mạnh mẽ? Làm gì để khách hàng tin tưởng AkzoNobel trở lại?” Nữ lãnh đạo điều hành một tập đoàn mới, ngành nghề kinh doanh mới, tại thời điểm ngay sau đại dịch tự nhủ: “Nếu bản thân không tự tin vào cái mình đang có, đang làm và sẽ làm, sẽ đưa ra thị trường thì chắc chắn không ai khác có thể tin mình được.”
Ở thời điểm thị trường không ổn định, những quyết sách kinh doanh đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng. Nhiều kế hoạch được thiết kế, nhiều cuộc họp lãnh đạo được tổ chức để truyền tải từng thông điệp cụ thể đến đội ngũ.
Những nỗ lực đó đã mang lại kết quả qua con số doanh thu của năm 2022 tăng trưởng 30%. Động lực một phần đến từ thị trường bất động sản khá sôi động cùng nhu cầu xây dựng bất động sản dân dụng phục hồi sau đại dịch. Tuy nhiên khi thị trường bất động sản bắt đầu chững lại do các khó khăn trên thị trường trái phiếu, các đại án trong lĩnh vực địa ốc và lãi suất tăng năm 2022.
Những yếu tố này cộng thêm chiến tranh, bất ổn chính trị xảy ra ở một số khu vực, khó khăn ở các nền kinh tế lớn khiến hoạt động xuất nhập khẩu của AkzoNobel bị ảnh hưởng. “Hiện tại công ty chưa đạt được doanh số của năm 2022 vì quy mô thị trường đã bị thu hẹp,” bà Lan thừa nhận.
“Phải hành động trong lúc chờ thị trường hồi phục,” bà Lan đặt ra mục tiêu mới cho đội ngũ. Không đạt được doanh số kỳ vọng, họ thực hiện kế hoạch “đánh chiếm” thị phần nhanh nhất, tạo khoảng cách trước các đối thủ. Sự thay đổi mục tiêu này với bà My Lan là cách xốc tinh thần đội ngũ ngay trong thời điểm khó khăn. Bà Lan cho biết mặc dù nhu cầu thị trường giảm khoảng 20% nhưng họ vẫn tăng thị phần.
Thị trường chưa có nhiều khởi sắc rõ rệt nhưng công ty đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2024. “Chúng tôi tin rằng năm 2025 sẽ làm điểm bật cho mức tăng trưởng cao hơn,” bà My Lan nói.
Năm 1992, AkzoNobel bắt đầu hoạt động tại Việt Nam. Năm 2007, công ty đầu tư 8 triệu euro xây nhà máy sơn trang trí đầu tiên trên diện tích 6 hecta tại KCN Mỹ Phước 2 (Bình Dương). Năm 2016, công suất nhà máy được mở rộng lên gấp ba lần.
Tiến trình mở rộng không ngừng với các nhà máy chuyên sản xuất sơn phủ đặc biệt (specialty coatings) đưa vào hoạt động tại Bắc Ninh năm 2010. Năm 2011, AkzoNobel tiếp tục xây nhà máy thứ ba tại KCN Amata, Đồng Nai – một trong những nhà máy sản xuất sơn gỗ công nghiệp chiến lược của tập đoàn, cung cấp sơn cho toàn khu vực Đông Nam Á.
Đến 2021, AkzoNobel mở rộng khu vực nhà máy xanh tại KCN Amata chuyên sản xuất các sản phẩm sơn hàng hải, sơn bảo vệ và keo dán gỗ, được xây dựng với trang thiết bị theo các tiêu chuẩn về phát triển bền vững tiên tiến. Đồng thời, ứng dụng quy trình và hệ thống quản lý khối nguyên liệu thô hạn chế tối đa thải phế liệu bao bì.
Năm 2024, AkzoNobel khánh thành nhà máy mới tại Bắc Ninh để tăng công suất đáp ứng nhu cầu của các đối tác kinh doanh toàn cầu. Họ vận hành năm dây chuyền sản xuất mới tại đây cho các dòng sơn bột tĩnh điện (powder coatings) và một dây chuyền sản xuất sơn phủ gốc nước cho ngành hàng điện tử tiêu dùng.
Thị trường hậu đại dịch là thách thức lớn với bản lĩnh nữ CEO AkzoNobel Việt Nam. Hiện tại bà bận rộn trong cả hai vai trò: lãnh đạo thị trường Việt Nam để giữ vững vai trò dẫn đầu thị trường và đảm bảo điều hành kinh doanh trong khu vực tiến lên.
Bà Lan đã hoàn tất bước quan trọng đầu tiên là khảo sát, xây dựng kế hoạch kinh doanh giai đoạn ba năm một cách chi tiết cho từng thị trường. Hiện từ thị trường triển khai, dựa vào dữ liệu kinh doanh cập nhật hàng tháng để điều chỉnh tức thì “đảm bảo khi thị trường biến động đội ngũ ở từng nơi có thể xoay xở nhanh chóng”.
Bà Lan nói thị trường sơn tại khu vực Đông Nam Á khá lớn với quy mô hơn 3 tỉ đô la Mỹ, với nhiều loại phân khúc sơn do bà quản lý, vì vậy việc tiên quyết là nhận định mong muốn như thế nào trong chiến lược ba năm tới và mỗi nước đóng vai trò như thế nào trong chiến lược cụ thể đó.
Nhận nhiệm vụ trong lúc thị trường Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, đòi hỏi duy trì tốc độ tăng trưởng và giữ khoảng cách vượt xa so với các đối thủ, mặt khác lại phải phát triển ở hàng chục thị trường khác nhau. “Không một nền kinh tế nào liên tục phát triển, sẽ có giai đoạn trồi sụt, không đồng đều nên phải hỗ trợ nhau để tổng tăng trưởng của khu vực được đảm bảo,” bà nói.
Bà Nguyễn My Lan là nguồn cảm hứng về hành trình của người trẻ Việt Nam trưởng thành ở giai đoạn nền kinh tế mở cửa hội nhập và ghi dấu ấn sự nghiệp thành công tại các tập đoàn toàn cầu.
Năm 1993, cô sinh viên trẻ bước chân vào thị trường lao động “không có kế hoạch cụ thể nào”, làm việc cho vài công ty châu Á ở vị trí tiếp thị và bán hàng. Bà Lan nhớ lại vì chưa có cơ hội cọ xát nên “ai giao gì làm nấy”, chăm chỉ nhất để có thể học được nhiều nhất.
Sau khi Mỹ bãi bỏ lệnh cấm vận, bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam, bà có cơ hội về làm việc cho bộ phận xúc tiến thương mại thuộc Đại sứ quán Mỹ.
Tại một sự kiện, bà Lan may mắn được tiếp xúc với lãnh đạo General Electirc (GE) khu vực, được mời về làm trưởng nhóm một bộ phận của GE tại Việt Nam. “Giai đoạn trưởng thành của tôi chính ở nơi đây, vừa được làm việc ở một tập đoàn lớn đầu tư rất cao cho con người, vừa có cơ hội học hỏi những đồng nghiệp, những người sếp rất giỏi trên toàn cầu.”
Khi bà Lan gia nhập GE chỉ có một đội ngũ nhỏ vài người và xây dựng GE tại Việt Nam từ doanh thu chưa tới nửa triệu đô, khi rời đi đã lên tới nửa tỉ đô. Tập đoàn GE thời đó khá lớn nên đóng vai trò quan trọng trong quan hệ Việt – Mỹ.
Năm 2008, dự án đầu tiên của GE vào Việt Nam với nhà máy sản xuất pin máy phát điện gió tại Hải Phòng. Giai đoạn GE cân nhắc đầu tư đó bao gồm các thị trường như Malaysia, Indonesia. Đội ngũ của bà phải xây dựng chiến lược thật sự nổi bật, vượt trội hơn các nước trong khu vực để lãnh đạo GE thấy được sự lựa chọn thị trường Việt Nam là đúng đắn.
Trong lần trả lời phỏng vấn Forbes Việt Nam năm 2015, ông Andre Sauvageot, cựu trưởng đại diện GE tại Việt Nam (1993-2003) nói sự kiện Mỹ bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam năm 1994 đã mở ra hành trình mới cho GE và quan hệ kinh tế song phương Việt Nam – Hoa Kỳ.
Tập đoàn công nghiệp có lịch sử hơn 130 năm cũng bắt đầu cạnh tranh công bằng với các công ty từ các quốc gia khác để có vị thế tốt hơn tại Việt Nam. Trọng trách của ông khi rời GE Việt Nam năm 2003 đã được trao lại cho nữ tổng giám đốc người Việt Nguyễn My Lan, khi ấy mới vừa 30 tuổi mà theo ông Andre Sauvageot: “Là người trẻ năng động giỏi giang, am hiểu đất nước mình, đến lúc đảm nhận được sứ mệnh của GE tại Việt Nam.”
Bà My Lan nói xuyên suốt hành trình đã làm nên “công thức thành công riêng”: 70% nỗ lực, 20% tài năng và 10% may mắn. Nỗ lực cá nhân rất quan trọng, nếu thông minh mà không nỗ lực thì thành công không đến hoặc khi cơ hội đến không đủ tự tin nắm bắt. Thứ hai, dám chấp nhận rủi ro. Nếu không thử sức làm sao biết liệu có thành công?
“Chấp nhận rủi ro thì quyết tâm sẽ cao vì muốn chứng minh điều mình chọn là đúng đắn. Còn nếu thành công sẽ rất khác biệt,” bà Lan đúc kết về sự dám dấn thân của mình.
Warning: Illegal string offset 'target' in /home/forbesv/public_html/wp-content/themes/forbes-vn/sections/single/megastory/related_posts.php on line 43