Nông nghiệp là ngành đang có nhiều mô hình kinh doanh tạo tác động nhất tại Việt Nam và cũng có nhiều cơ hội để gia tăng giá trị, theo chuyên gia của Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP).
Chia sẻ tại Hội nghị Kinh doanh tạo tác động do Forbes Việt Nam tổ chức hôm nay, 22.9, bà Đỗ Lê Thu Ngọc, trưởng ban Tăng trưởng bao trùm UNDP tại Việt Nam cho biết, theo báo cáo 2022 của đơn vị này, 50% doanh nghiệp tạo tác động hoạt động (SIB) trong ngành nông nghiệp.
Đây cũng là ngành có nhiều cơ hội để tạo giá trị gia tăng. Ở báo cáo thực hiện năm 2018, UNDP cũng ghi nhận phần lớn trong 22.000 SIB (tương đương 4% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam) ở loại hình hợp tác xã và phần nhiều hoạt động ở lĩnh vực nông nghiệp.
Các doanh nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp bền vững, cũng như các SIB nói chung ở Việt Nam đa phần siêu nhỏ, nhỏ và gặp những vấn đề chung như thiếu vốn, tìm đầu ra cho sản phẩm cũng như tiếp cận các thông tin kêu gọi đầu tư.
Báo cáo của UNDP cũng ghi nhận, có gần 20% chủ SIB là người dân tộc thiểu số và 60% lãnh đạo ở các doanh nghiệp tạo tác động là nữ, tương tự thông tin rút ra từ báo cáo thực hiện năm 2018. “Phụ nữ quan tâm đến vấn đề xã hội và môi trường nhiều hơn,” bà Ngọc nhận định.
Hệ sinh thái cho doanh nghiệp tạo tác động phát triển ở Việt Nam, gồm các tổ chức trung gian, nhà nước và nhà đầu tư được đánh giá còn rất hạn chế. Trong đó, các tổ chức trung gian như vườn ươm, viện nghiên cứu, trường đại học… chưa phát huy được vai trò kết nối và con số thấp hơn rất nhiều so với các đơn vị hỗ trợ startup, tương ứng là 11 so với 82.
Trong khi đó, số lượng nhà đầu tư các mô hình kinh doanh tạo tác động hiện cũng chỉ gồm 10 cá nhân và 6 quỹ tài chính, thực hiện được 53 thương vụ trong giai đoạn từ 2007-2017 với tổng giá trị 1,4 tỉ USD.
Bà Ngoc cho biết, sắp tới UNDP sẽ công bố bản đồ đầu tư cho các nhà đầu tư phát triển bền vững hoặc các doanh nghiệp đang muốn điều chỉnh mô hình kinh doanh theo hướng bền vững. Bản đồ này cũng chỉ ra 6 ngành ưu tiên đầu tư ở Việt Nam gồm nông nghiệp, giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng, năng lượng tái tạo và tài chính.
“Ở thời điểm hiện tại, doanh nghiệp đang sử dụng sản phẩm của SIB trong chuỗi cung ứng hoặc trở thành nhà đầu tư,” bà Ngọc chia sẻ.
SIB được định nghĩa là doanh nghiệp có sự kết hợp giữa mô hình kinh doanh thương mại với các mục tiêu tạo tác động tích cực đối với môi trường và xã hội. Việc cân bằng giữa mục tiêu xã hội, môi trường với mô hình thương mại cho phép loại hình tổ chức này có thể giải quyết các thách thức xã hội và môi trường một cách bền vững.
11 tháng trước
11 tháng trước
1 năm trước
Forbes Việt Nam số 119: Nền kinh tế tuần hoàn1 năm trước