ForbesWomen

Khi phụ nữ thúc đẩy tiến bộ và bình đẳng giới

2 tuần trước
Tác giả Trâm Bi

Women’s Summit 2024 quy tụ nhiều thế hệ nữ lãnh đạo, trong đó không thể thiếu các gương mặt thuộc danh sách 10 CEO nữ thế hệ kế tiếp do Forbes Việt Nam công bố Tháng 9.2024.

Share
this:

Kéo dài từ chiều đến tối ngày 7.11, Hội nghị Phụ nữ 2024 do Forbes Việt Nam tổ chức đã hội tụ các nhà lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp, trong đó có nhiều lãnh đạo là nữ giới.

Hội nghị Phụ nữ 2024 do Forbes Việt Nam tổ chức là nơi hội tụ các nhà lãnh đạo cấp cao của các doanh nghiệp, trong đó có nhiều lãnh đạo là nữ giới.

Tham gia buổi thảo luận Phụ nữ thúc đẩy tiến bộ trong khuôn khổ hội nghị, các khách mời đã nêu bật cách thức mà họ đang thực hiện để mang đến sự thay đổi, thiết lập tiêu chuẩn mới trong các ngành nghề, cũng như những chiến lược đã được thực thi để góp phần tạo nên một môi trường làm việc chuyên nghiệp, những nỗ lực thúc đẩy sự công bằng về giới.

Các diễn giả cùng thảo luận trong phiên này gồm ông Benjamin Rachow, tổng giám đốc của L’Oréal Vietnam; bà Đinh Thị Thúy, thành viên HĐQT, nguyên tổng giám đốc công ty cổ phần Công nghệ MISA; bà Lưu Nga, tổng giám đốc Elise và bà Vưu Lệ Quyên, tổng giám đốc Biti’s.

Xuất hiện trong danh sách 10 CEO nữ thế hệ kế tiếp, bà Đinh Thị Thúy, thành viên HĐQT, nguyên tổng giám đốc công ty CP Công nghệ MISA cho biết, trong suốt 26 năm đồng hành cùng MISA và điều hành gần ba ngàn nhân sự, bà đã xây dựng đội ngũ với tỉ lệ nữ giới lên đến 60%.

“Trong khi ở Việt Nam, tỉ lệ nữ ở các vai trò lãnh đạo, quản lý là 30%, thì ở MISA tỉ lệ này là 47% trong hơn 400 nhân sự cấp bậc quản lý,” bà Thúy cho biết.

Theo bà Lưu Nga, tổng giám đốc Elise, do sở hữu các đức tính nhẫn nại, kiên cường giúp vượt qua khó khăn nên phụ nữ có thể chạm tới các nấc thang sự nghiệp cao. “Tôi chịu sự ảnh hưởng lớn từ gia đình khi bố tôi là người rất nghiêm khắc trong dạy dỗ con cái. Điều đó mang đến cho tôi nghị lực, bản lĩnh mạnh mẽ để sau này đương đầu với các áp lực trong công tác điều hành doanh nghiệp”. Với đặc thù 98% lao động là nữ, Elise cũng đã vượt qua nhiều khó khăn trong hành trình đưa doanh nghiệp từ khởi đầu 20 người phát triển lên 2.000 nhân sự.

Ông Benjamin Rachow, tổng giám đốc của L’Oréal Vietnam chia sẻ, L’Oréal là công ty với thế mạnh kinh doanh các sản phẩm làm đẹp, do đó dễ hiểu khi chúng tôi có nhiều nỗ lực trong việc thúc đẩy bình đẳng giới. Ông nói: “Không chỉ đa dạng hóa nhân sự, công ty còn chủ động trao quyền khi có tỉ lệ nữ lao động, quản lý ở mức cao. Chúng tôi tin rằng phụ nữ có thế mạnh ở khả năng sáng tạo, sự mạnh mẽ và công ty có thể tận dụng những thế mạnh đó nếu tạo điều kiện tối đa cho lao động nữ trong quá trình làm việc.”

Là một gương mặt nổi bật trong danh sách 10 CEO nữ thế hệ kế tiếp, bà Vưu Lệ Quyên, tổng giám đốc Biti’s chia sẻ niềm vui khi có mặt tại Forbes Việt Nam Women’s Summit 2024.

“Hôm nay tôi thấy rất vui khi tham dự diễn đàn Women’s Summit, nơi vinh danh những lãnh đạo nữ đang nỗ lực thúc đẩy sự tiến bộ, bình đẳng giới trong hoạt động kinh doanh, trong doanh nghiệp. Câu chuyện kinh doanh của Biti’s thì mọi người cũng đã biết với 42 năm sản xuất giày dép với slogan ‘Nâng niu bàn chân Việt’ đã trở thành thương hiệu.”

Theo bà Quyên, trong 6 năm kể từ khi đảm nhận việc điều hành công ty, sự chuyển dịch từ CEO nam sang nữ đã khiến Biti’s trải qua thay đổi lớn, nhất là về văn hóa. “Không còn sự điều hành đặt nặng tính kỷ luật, tôi quyết định làm điều gì đó khác hơn cho Biti’s khi theo đuổi văn hoá doanh nghiệp theo hướng hài hòa, với mong muốn mọi nhân sự đều cảm thấy mình được là một phần của công ty, được học tập và phát huy hết tiềm năng”.

Forbes Việt Nam đã trao kỷ niệm chương cho 10 CEO thế hệ nữ kế tiếp

Cũng từ sự thay đổi về nền tảng văn hóa, theo bà Quyên, hiện Biti’s tập trung nhiều vào hoạt động kinh doanh bền vững với tầm nhìn dài hạn. Việc có thêm nhiều nữ giới trong vai trò lãnh đạo cũng giúp tạo ra văn hóa làm việc mới, khiến nhân sự của công ty cảm thấy được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân, từ đó giúp họ hạnh phúc hơn trong công việc và đạt được hiệu quả làm việc cao hơn.

Đồng tình với quan điểm này, bà Đinh Thị Thúy của Misa cho biết niềm tự hào khi trong đội ngũ lập trình viên của MISA cũng có nhiều nữ giới. “Điều này cho thấy nữ giới có thể làm và thành công trong mọi lĩnh vực, kể cả những lĩnh vực được coi là khó như công nghệ thông tin.”

Điều hành một trong những hãng thời trang lớn với hơn 149 cửa hàng, bà Lưu Nga chia sẻ, bà không gặp quá nhiều khó khăn khi cân bằng giữa trách nhiệm, công việc và nghĩa vụ, thiên chức của người phụ nữ.

Thậm chí, bà Nga còn cho biết phụ nữ lại có ưu thế hơn trong việc này. “Tôi thấy phụ nữ điều hành doanh nghiệp sẽ có ưu thế hơn so với nam giới. Vì phụ nữ có thiên chức làm mẹ, chăm sóc con cái và gia đình… nên tôi không cần tốn nhiều thời gian để học hỏi mà tự bản thân có thể làm tốt ngay từ đầu. Con cái cũng là niềm vui, sự may mắn, khi tôi thấy căng thẳng trong công việc nhưng nghĩ tới con là tất cả mệt mỏi đều tan biến hết.”

Do vậy, CEO Elise cho rằng việc cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân, gia đình là thế mạnh của người phụ nữ chứ không phải là trở ngại.

Kết thúc buổi thảo luận, bà Vưu Lệ Quyên nhấn mạnh, trong môi trường kinh doanh mà nhiều nơi đặt kỷ luật, hiệu quả công việc là ưu tiên, những CEO nữ sẽ có lợi thế khi mang đến sự mềm mại trong quản lý.

“Đây không phải là sự yếu đuối mà là ưu điểm từ tạo hóa mang lại cho người phụ nữ. Các CEO nữ cần được tôn vinh nhiều hơn và cần hỗ trợ, giúp đỡ nhau nhiều hơn trong nỗ lực thúc đẩy sự tiến bộ và bình đẳng giới.”