multi-media / Megastory

Nigeria chạy đua mở rộng quy mô sản xuất thuốc

Nigeria chạy đua mở rộng quy mô sản xuất thuốc để không còn phải lệ thuộc vào nguồn nhập khẩu cũng như loại bỏ được thuốc kém chất lượng.

Khi tổ chức phi chính phủ LiveWell Initiative (LWI) bắt đầu hoạt động vào năm 2006, tuổi thọ bình quân của người dân ở Nigeria thấp một cách đáng kinh ngạc, dưới 50 tuổi. Hiện quốc gia này vẫn là một trong những nước có tuổi thọ thấp nhất thế giới, khoảng 53 tuổi.

Nhưng Bisi Bright, dược sĩ năng động lãnh đạo LWI, có một mục tiêu đầy tham vọng: “Chúng tôi đặt ra mục tiêu tăng tuổi thọ lên 70 vào năm 2030.”

LWI thực hiện một trong những hoạt động cung cấp miễn phí các loại thuốc đã được kiểm định, cho người sống trong nhà tạm bằng ván gỗ với mái lợp kim loại ở khu Isale Ajoke.

Đảm bảo cung cấp các loại thuốc hiệu quả, chất lượng cao mang đến sự khác biệt lớn đối với những bệnh nhân của cơ sở y tế LWI như Evangelist Paul Asonde Adeyemi, một thợ giặt thường xuyên nhận những gói amlodipine nhỏ từ cơ sở y tế này để điều trị bệnh cao huyết áp.

Paul Asonde Adeyemi giơ cao loại thuốc huyết áp ông nhận được từ trạm y tế của tổ chức LiveWell Initiative. Ảnh: Christine RO/Forbes

Tất nhiên, còn nhiều hạn chế để một tổ chức đơn lẻ có thể thực hiện giúp nâng cao sức khỏe cho một quốc gia với khoảng 220 triệu dân. Ngoài ra, tuổi thọ liên quan đến một loạt các yếu tố phức tạp, bao gồm tỉ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, cúm, viêm phổi và những bệnh về đường hô hấp trầm trọng hơn do ô nhiễm không khí. Nghèo đói cũng như hạn chế tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng là nguyên nhân gây tử vong.

Nhưng một trong những nguyên nhân khiến cho tuổi thọ thấp là do thuốc kém chất lượng. Theo ước tính vào năm 2019, thuốc antimalarials kém chất lượng gây ra 12.300 ca tử vong/năm ở Nigeria.

Những ca tử vong này có thể phòng ngừa được ở quốc gia với nhiều ca tử vong nhất do sốt rét cho đến nay. Nhưng trước đây con số đó thậm chí còn cao hơn.

Mặc dù Nigeria từng có ngành dược phẩm phát triển mạnh mẽ nhưng thị trường này đã sụp đổ vào những năm 1980 một phần do các tổ chức quốc tế làm thay đổi nền kinh tế, cũng như quản lý kém. Thuốc kém chất lượng, khó truy xuất nguồn gốc càng làm cho thị trường đi xuống.

Đến những năm 1990, tình trạng này trở nên khủng khiếp hơn. Vào những năm 2000, các quốc gia khác ở Tây Phi cấm nhập khẩu thuốc từ Nigeria do nước này nổi tiếng về thuốc kém chất lượng.

Trong thập niên này, một dược sĩ đầy tham vọng, Dora Akunyili, đã trở thành tổng giám đốc cơ quan quản lý và kiểm soát thực phẩm và dược phẩm của Nigeria, NAFDAC, đồng thời là người đi đầu trong cuộc chiến chống lại thuốc dởm ở Nigeria.

Lãnh đạo của một cơ quan quản lý thường không phải là cái tên quen thuộc, nhưng Akunyili vẫn được yêu mến, với nhiều quyển sách viết về tiểu sử của bà bán trong các hiệu sách cùng với hình ảnh treo trên tường.

Hình Dora Akunyili nằm ở góc dưới bên trái bức tường treo nhiều ảnh của những phụ nữ nổi tiếng tại Bảo tàng Quốc gia Nigeria. Ảnh: Christine RO/Forbes

Dưới sự lãnh đạo của bà, và bất chấp các âm mưu ám sát lẫn đốt phá, NAFDAC đã tiến hành nhiều cải cách sâu rộng để nâng cao nhận thức cộng đồng, ứng dụng công nghệ cũng như xử phạt những ai bán thuốc dởm.

Mặc dù hầu hết mọi người đều biết có vài người trở thành nạn nhân của thuốc kém chất lượng, đôi khi gây tử vong, nhưng giờ đây họ có thể kể lại điều này như một vấn đề từng xảy ra trong quá khứ.  

Tuy nhiên, vấn đề vẫn tồn tại – một phần do nhiều loại thuốc giá rẻ có thể được sản xuất trong điều kiện lỏng lẻo. Nelly Okpako, dược sĩ của chuỗi nhà thuốc cao cấp HealthPlus, rất buồn khi thấy những người không có giấy phép bán thuốc lẻ trên đường phố. Bà tin rằng hội đồng Dược phẩm Nigeria cùng với các cơ quan chức năng khác nên dẹp những người bán hàng rong như vậy.

Đồng thời, theo Okpako, “Mọi người thực sự cần nhận thức rõ hơn. Rất nhiều người không biết tác hại của việc uống thuốc bán ở lề đường đối với sức khỏe.”

Thuốc kém chất lượng thường đến Nigeria dưới dạng nhập khẩu từ Ấn Độ cũng như nhiều nước châu Á khác. Margaret Ilomuanya, dược sĩ của University of Lagos, nói rất dễ để phát hiện các lô hàng thuốc kém chất lượng ở nước nhập qua. Theo bà, các cơ quan quản lý nên phạt nặng những công ty vi phạm.

Tuy nhiên, thay đổi các quy định liên quan đến dược phẩm của Ấn Độ còn hạn chế. Đó là do vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề: quy định không chặt chẽ, tham nhũng, khoan hồng, thiếu tính nghiêm ngặt về mặt khoa học, sự không rõ ràng và các thuyết âm mưu cho rằng Ấn Độ sẽ đe dọa các quốc gia khác khi trở thành nhà sản xuất thuốc generic cho cả thế giới.

Ngoài ra, chính quyền Ấn Độ cũng đang quan tâm đẩy mạnh nền kinh tế thông qua ngành sản xuất dược phẩm. Vì vậy, họ có thể bỏ qua hoạt động giám sát nghiêm ngặt cũng như thực hiện những bước phát triển nhanh chóng.

Như Dinesh S. Thakur và T. Prashant Reddy viết trong cuốn sách The Truth Pill: The Myth of Drug Regulation in India, “Không có quốc gia nào khác trên thế giới kinh doanh dược phẩm có rủi ro thấp như vậy.” Do đó, các công ty ở Nigeria hoặc những nơi khác sẽ khó cạnh tranh nếu họ tuân theo các quy định sản xuất nghiêm ngặt.

Nhìn chung, thuốc giả lấn át thuốc đạt chuẩn, và việc cắt giảm thuốc kém chất lượng tạo ra các sản phẩm rẻ hơn so với thuốc được sản xuất theo quy trình thực hành tốt sản xuất thuốc.

Kết quả là phụ thuộc vào hàng nhập khẩu từ Ấn Độ, một đối tác thương mại quan trọng mà Nigeria không muốn thay đổi. Nigeria là một thị trường dược phẩm khổng lồ, nhưng hoạt động kinh doanh bị mất cân bằng. Theo ấn phẩm Nigeria Health Watch, quốc gia này ghi nhận giá trị nhập nhẩu 99 USD trên mỗi một USD xuất khẩu dược phẩm.

Tuy nhiên, quốc gia này vẫn có khả năng mở rộng quy mô sản xuất. “Các nhà sản xuất trong nước chưa sử dụng tới 40% công suất. Có rất nhiều hàng nhập khẩu mang lại lợi nhuận cao,” Cyril Usifoh, giáo sư hóa dược của University of Benin kiêm chủ tịch hiệp hội Dược phẩm Nigeria, lưu ý.

Ilomuanya tin rằng việc mở rộng sản xuất trong nước sẽ là cơ hội để nghiên cứu sâu hơn về các thành phần hoạt chất của thuốc thảo dược, vốn ít được biết đến bên ngoài Tây Phi.

Nhiều loại siro ho sản xuất trong và ngoài nước được bán tại cửa hàng thuốc ở Lagos. Ảnh: Christine RO/Forbes

Ilomuanya nói, “Đại dịch là một trong những thời cơ tốt nhất cho ngành dược phẩm ở châu Phi cận Sahara.”

Đó là một tuyên bố táo bạo, nhưng Ilomuanya vẫn tin vào đó. Ngay cả khi có tiền nhưng không thể mua được thành phần hoạt chất cũng như thuốc mà các nước châu Phi đang rất cần trong đại dịch COVID-19. Ví dụ, thuốc huyết áp dì cô đang dùng không thể mua được trong gần ba tháng. Đó là do phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, vốn bị ngưng trệ vì các vấn đề về chuỗi cung ứng.

Điều này đã thúc đẩy Nigeria phải tăng cường sản xuất thuốc và thành phần hoạt chất, thay vì tiếp tục phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Đồng thời, thuốc giả được sản xuất ngày càng nhiều ở Ấn Độ trong suốt đại dịch.

Tất nhiên, tăng cường sản xuất thuốc trong nước sẽ không phải là giải pháp toàn diện. Thuốc kém chất lượng cũng được sản xuất ở châu Phi.

Nhưng loại thuốc này thường được bán thông qua các chuỗi cung ứng quốc tế dài, mờ ám vì có thể dễ dàng thoát khỏi tầm kiểm soát của cơ quan quản lý trong nước.

“Tôi không cảm thấy lo lắng khi sử dụng thuốc sản xuất ở Nigeria. Chẳng hạn như, cô chưa bao giờ nghe nói về paracetamol giả vì loại thuốc này được sản xuất ở Nigeria.”

Usifoh đồng ý rằng thuốc được sản xuất ở Nigeria sẽ dễ giám sát hơn. Tuy nhiên, một số người giàu lại thích thuốc nhập khẩu – hoặc thuốc đắt tiền – có chất lượng tốt hơn.

Chính phủ Nigeria thông qua một số luật để khuyến khích sản xuất dược phẩm trong nước. Chẳng hạn, sắc lệnh hành pháp năm 2017 yêu cầu ít nhất 40% dược phẩm do chính phủ mua phải được sản xuất ở Nigeria.

Và lệnh cấm nhập khẩu đối với một số sản phẩm giúp thúc đẩy sản xuất trong nước. Ibrahim Babashehu Ahmed của hội đồng Dược phẩm Nigeria, cho biết Paracetamol đứng số 1 trong danh sách.

“Mức thuế nhập khẩu những viên thuốc đó cao đến mức các nhà nhập khẩu không còn hứng thú nữa, đồng thời nhà sản xuất tận dụng cơ hội để tăng công suất và đóng góp vào GDP,” Ahmed tiếp tục.

Tuy nhiên, lệnh cấm nhập khẩu này cũng tạo ra mức ảnh hưởng tiêu cực dẫn đến thiếu một số mặt hàng thiết yếu như thuốc. “Bạn chỉ có thể cấm thuốc nhập khẩu nếu lĩnh vực sản xuất trong nước sôi động.”

Một lý do khiến hàng nhập khẩu tiếp tục chiếm ưu thế là những thách thức về điện của Nigeria có thể gây khó khăn cho nhà sản xuất ở đó, vốn về cơ bản phải tạo ra nguồn điện dự phòng của riêng họ, để cạnh tranh.

Usifoh nói rằng nhà sản xuất ở Nigeria cần nguồn năng lượng thay thế để họ ít phụ thuộc vào lưới điện hơn. Năng lượng mặt trời là một trong nguồn thay thế đang được mở rộng trên khắp đất nước, đặc biệt thông qua các lưới điện nhỏ.

Nhưng hiện tại, những thách thức về cơ sở hạ tầng khiến giá cao hơn. Ilomuanya đưa ra ví dụ về một loại kháng sinh đặc biệt do Nigeria sản xuất, có giá 600 NGN (khoảng 1,30 USD theo tỉ giá hối đoái chính thức). Thuốc nhập khẩu có thể thấp hơn 150 NGN (khoảng 0,33 USD).

Như để minh họa điểm này, khi Forbes nói chuyện với Ilomuanya, tòa nhà Khoa Dược của cô không có điện. Đèn duy nhất trong văn phòng của cô được một biến tần và máy phát điện cung cấp.

Margaret Ilomuanya ở khoa dược thuộc University of Lagos. Ảnh: Christine RO/Forbes

Đối với Ilomuanya, nguồn điện không ổn định chỉ ra đó là nguyên nhân chính hạn chế tiềm năng của Nigeria trở thành một cường quốc sản xuất dược phẩm mà còn ảnh hưởng đến an ninh. Cô tin rằng bạo lực cản trở đầu tư nước ngoài, đồng thời sản xuất điện không đủ có liên quan đến tình trạng thiếu kinh phí. “Một khi đất nước bạn đảm bảo an toàn để đầu tư, thì sẽ có đủ điện.”

Tất nhiên, sản xuất thuốc không chỉ đơn thuần sản xuất tại nhà máy. Hoạt động này cũng bao gồm giá cả, marketing và phân phối.

Olugbenga Mokuolu, điều hành công việc liên quan đến sốt rét ở Nigeria cho tổ chức phi lợi nhuận y tế toàn cầu Management Science for Health, tin rằng “quan hệ đối tác công-tư là lĩnh vực chưa được khai thác để tiếp cận bền vững các mặt hàng phục vụ cho sốt rét ở Nigeria.” Ông đưa ra một số ví dụ về hiệu quả của mối quan hệ mang lại để giảm bớt áp lực lên ngân sách nhà nước:

“Phát triển hoạt động kinh doanh cho các sản phẩm sốt rét, xác định năng lực sản xuất tại địa phương đối với một số mặt hàng chính cần thiết trong chuỗi giá trị phòng chống bệnh sốt rét, cung cấp thị trường được đảm bảo hoặc bảo hộ, đạt được cam kết của nhà sản xuất để giữ giá vừa phải, và khuyến khích khu vực tư nhân sử dụng cơ chế của họ để tạo ra các sản phẩm có sẵn trên thị trường được bảo hộ.

Ý tưởng này là tăng nguồn sản phẩm có sẵn trên thị trường đồng thời giảm giá cho người tiêu dùng cũng như hỗ trợ nguồn lực cho chính phủ để cung cấp miễn phí sản phẩm phòng chống sốt rét cho những người nghèo nhất.”

Thật khó để tưởng tượng khi nào Nigeria sẽ phát triển loại hình kinh doanh này – hoặc truy xuất nguồn gốc đầy đủ của tất cả các loại thuốc. Một người làm việc trong bộ phận đảm bảo chất lượng cho công ty dược phẩm có trụ sở tại Bang Ogun nói với Forbes rằng ông thậm chí còn chưa nghe nói về mục tiêu truy xuất nguồn gốc của NAFDAC. Ông tin rằng điều này sẽ dần được thực hiện, chứ không phải làm ngay. [NAFDAC không trả lời phỏng vấn.]

Trong khi chờ đợi, những người như Titilayo Oke sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa của riêng họ. Oke, cựu y tá, hiện đang làm việc cho Medical Impact Team tại Foursquare Gospel Church ở Lagos. Nhóm ông gồm bác sĩ, y tá và dược sĩ thực hiện các nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe trong nhà tù, khu ổ chuột và những nơi khác có khả năng tiếp cận chăm sóc sức khỏe hạn chế. Công việc của họ bao gồm cung cấp thuốc.

Oke cẩn thận kiểm tra ngày hết hạn cũng như chất lượng của thuốc, nhưng nói rằng không phải ai cũng làm như vậy. Bà nói rằng việc sản xuất hoặc đóng gói thuốc không đúng cách có thể làm hư thuốc. “Có rất nhiều sơ suất,” bà nói. Vì vậy, người dân “phải hết sức thận trọng,” đặc biệt khi nói đến thuốc nhập khẩu.

Biên dịch: Gia Nhi

——————–

Xem thêm:

Các hãng dược Ấn Độ sẵn sàng đưa thuốc kháng virus ra thị trường
Moderna hợp tác với IBM phát triển thuốc theo công nghệ mRNA
Loại kháng sinh từ 80 năm trước có thể điều trị nhiễm vi khuẩn kháng thuốc