Những người giàu nhất trong lĩnh vực tiền mã hóa mất gần 60 tỉ USD trong vài tuần gần đây do giá tiền mã hóa lao dốc mạnh.
Tài sản của nhà đầu tư có lúc sẽ tăng và có lúc sẽ giảm trong thế giới tiền mã hóa đầy biến động, nhưng trong vài tuần qua, tài sản của họ chỉ giảm.
Tổng giá trị của tất cả các token tiền mã hóa nổi bật hiện nay giảm hơn 26% và Bitcoin giảm 25% kể từ ngày 11.3, khi Forbes thống kê có 19 tỉ phú tiền mã hóa nhưng ước tính hiện nay chỉ còn 16 tỉ phú.
Những ông trùm có giá trị tài sản ròng được tăng theo giá token và các công ty tiền mã hóa niêm yết đang trong vài tuần khó khăn. Theo tính toán của Forbes, trong số những người giàu nhất trong ngành, có 11 người mất gần 60 tỉ USD khi giá các đồng tiền mã hóa lao dốc, bốc hơi gần 400 tỉ USD giá trị thị trường.
CEO Triệu Trường Bằng (Changpeng Zhao) của Binance nằm trong số họ. Hồi tháng 3, ông trở thành người giàu nhất trong ngành này khi sở hữu khối tài sản trị giá 65 tỉ USD. Hiện tại, Forbes ước tính giá trị tài sản của ông chỉ còn 17,4 tỉ USD, dựa vào giá cổ phiếu của đối thủ Coinbase sụt giảm mạnh. Tuy nhiên, Triệu Trường Bằng không lo lắng lắm.
Ngày 11.5, vị tỉ phú, trước đây không quan tâm đến hoạt động đầu cơ để giúp tăng giá trị tài sản ròng, đã đăng trên Twitter: “Chúng ta cần tôn trọng thị trường và cũng cần thận trọng hơn. Thị trường lên xuống theo chu kỳ. Đặc biệt là thực tế không phải lúc nào cũng phản ánh hết bản chất thật.”
Cả Brian Armstrong và Fred Ehrsam, những người đồng sáng lập sàn giao dịch tiền mã hóa được niêm yết Coinbase, đều mất hơn một nửa tài sản. Hiện giá trị tài sản của Armstrong, CEO Coinbase, giảm từ 6,6 tỉ USD vào ngày 11.3 xuống chỉ còn 2,8 tỉ USD. Trong khi đó Ehrsam, đã rời công ty hồi năm 2017, cũng không còn là tỉ phú. Theo Forbes ước tính, giá trị tài sản ròng của ông chỉ còn 986 triệu USD.
Chốt phiên giao dịch trong ngày 13.5, giá cổ phiếu Coinbase ở mức 67,87 USD, giảm 57% từ ngày 11.3 và 80% so với giá cao lịch sử 343 USD hồi tháng 11 năm ngoái.
Ngày 15.5, Ehrsam đăng bức ảnh về Michael Burry trong phim The Big Short (Đại suy thoái- do Christian Bale thủ vai) trên Twitter, nhà đầu tư quỹ phòng hộ huyền thoại, thực hiện nhiều thương vụ bán khống thành công trong thị trường nhà đất vào năm 2008. Ngày 10.5, Armstrong đã phủ nhận Coinbase đứng trước nguy cơ phá sản sau khi công ty công bố báo cáo tình hình hoạt động khiến các nhà đầu tư lo lắng.
Michael Saylor, nhà đầu tư Bitcoin và CEO của công ty phần mềm Microstrategy, không còn là tỉ phú. Sự rối loạn của thị trường tác động mạnh đến Saylor cùng một lúc, làm giảm cả khối tài sản 17.732 bitcoin lẫn cổ phiếu MicroStrategy 47% từ ngày 11.3.
Cổ phiếu của MicroStrategy có mối quan hệ chặt chẽ với giá của Bitcoin, vì công ty chi hơn 4,5 tỉ USD cho tiền mã hóa, với giá mua trung bình 30.700 USD/mỗi token.
Khoản đầu tư đó hiện chưa có lời, do giá Bitcoin giao dịch khoảng 30.030 USD tính đến 4:00 chiều theo múi giờ miền đông. Giống như các nhà đầu tư khác trong lĩnh vực này, Saylor dường như không có vẻ lo lắng. “Điều tốt nhất vẫn chưa đến,” ông nói trên Twitter trong ngày 13.5.
Jed McCaleb và Chris Larsen, hai nhà đồng sáng lập hệ thống thanh toán dựa trên blockchain Ripple, lần lượt mất 300 triệu USD và 1,1 tỉ USD. XRP (đồng coin của Ripple) giảm gần 50%. Nhà đầu tư mạo hiểm Tim Draper, mua khoảng 30.000 bitcoin hồi năm 2014 từ cuộc đấu giá của chính phủ Hoa Kỳ về số bitcoin bị tịch thu của người sáng lập web Silk Road, cũng không còn là thành viên của câu lạc bộ tỉ phú.
Giá trị của công ty do những ông trùm tiền mã hóa sở hữu tài sản có mối liên quan đến các công ty được quỹ mạo hiểm hậu thuẫn vẫn chưa giảm nhiều – ít nhất là bây giờ. Đó là lý do tại sao Sam Bankman-Fried, người sáng lập có mái tóc xù của nền tảng giao dịch tiền mã hóa FTX, vẫn sở hữu tài sản trị giá 21 tỉ USD, chỉ giảm 3 tỉ USD từ tháng 3.
FTX huy động được 400 triệu USD hồi tháng 1 với mức định giá 32 tỉ USD, khi các nhà đầu tư tổ chức như ban giám sát kế hoạch nghỉ hưu đảm bảo lợi ích cho giáo viên Ontario (Ontario Teachers’ Pension Plan Board) chiếm một tỉ lệ sở hữu trong công ty.
Ngày 12.5, Bankman-Fried tiết lộ ông đang tận dụng thời kỳ các đồng tiền mã hóa đang lao dốc để sở hữu 7,6% cổ phần trong Robinhood, ứng dụng giao dịch phổ biến với các nhà đầu tư tiền mã hóa cũng là nhà đầu tư cổ phiếu trong ngành bán lẻ.
Điều tương tự cũng xảy ra với Cameron và Tyler Winklevoss – đối thủ thời đại học của Mark Zuckerberg, trở thành tỉ phú Bitcoin. Số lượng nắm giữ Bitcoin của cặp song sinh giảm xuống, nhưng Gemini, sàn giao dịch tiền điện tử tư nhân do họ sáng lập và điều hành, vẫn được định giá 7,1 tỉ USD, dựa vào vòng gọi vốn hồi tháng 11.
Không có gì ngạc nhiên khi có rất ít thương cảm dành cho những người giàu nhất về tiền mã hóa.
“Các tỉ phú tiền mã hóa vẫn là tỉ phú tiền mã hóa,” Scott Welker, nhà đầu tư tài sản kỹ thuật số và podcaster, nói với Forbes. “Mối quan tâm lớn hơn là các nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia vào thị trường tiền mã hóa đều mất tất cả.”
Biên dịch: Gia Nhi
Xem thêm:
Nữ tỉ phú tự thân giàu nhất Ấn Độ Falguni Nayar là ai?
12 tỉ phú dưới 30 tuổi trong danh sách tỉ phú của Forbes năm 2022
20 tỉ phú công nghệ giàu nhất thế giới từ đầu năm 2022
20 tỉ phú công nghệ giàu nhất thế giới từ đầu năm 2022