Những điều nên và không nên làm sau đây sẽ giúp bạn biến sự thất vọng khi không có được công việc như mong muốn thành cơ hội nghề nghiệp mới.
Quá trình phỏng vấn cho công việc mới có thể mang đến mệt mỏi. Trong một vài trường hợp, đó có thể là những buổi phỏng vấn kéo dài, tiến hành đánh giá, nghiên cứu điển hình và hơn thế nữa.
Một người rút lui khi được nói tham gia 10 vòng phỏng vấn. Sau đó, anh chia sẻ sự thất vọng của mình trong một bài đăng trên LinkedIn và trở nên nổi tiếng với hơn 2 triệu lượt xem, 40.000 phản ứng và 3.800 bình luận công khai, đồng tình với những gì anh trải qua là chân thực.
Nếu từng tham gia nhiều vòng phỏng vấn với vài tuần hay vài tháng trôi qua, bạn sẽ hiểu cảm giác lo âu là như thế nào. Rồi bạn nhận được cuộc gọi và nghĩ rằng “Mình đã được nhận vào làm.”
Tuy vậy, đó lại là lời từ chối thẳng thừng. Hoặc tệ hơn là bạn không nhận được phản hồi nào từ công ty. Thông thường, việc không được tuyển dụng sau bao nhiêu nỗ lực bỏ ra có thể khiến bạn thất vọng và cảm thấy nản lòng. Đặc biệt khi bạn cảm thấy đó là vị trí hoàn hảo cho mình.
Vậy bạn nên làm gì? Nếu không có được công việc như mong muốn, những điều nên và không nên làm sau đây sẽ giúp bạn biến thất vọng thành cơ hội.
Đừng tự thương hại bản thân
Khó khăn là không thể tránh, nhưng tự thương hại bản thân là lựa chọn. Trong khi điều quan trọng là thừa nhận cảm xúc của bạn, đắm chìm trong những suy nghĩ tiêu cực sẽ chỉ kéo lùi bạn. Việc này còn gây ra các vấn đề về tinh thần và thể chất như trầm cảm và bệnh tim. Nhận thức tạo ra hiện thực của chúng ta. Vì vậy, bạn có thể thay đổi trải nghiệm từ việc thay đổi góc nhìn.
Không ngừng nỗ lực
Một buổi hẹn hò không ưng ý không đồng nghĩa bạn từ bỏ việc tìm kiếm “nửa kia” của mình. Việc phỏng vấn cũng như vậy. Tuy có cảm giác thụt lùi, điều này chỉ có nghĩa là điều gì đó tốt hơn đang chờ đợi bạn.
Đừng suy nghĩ quá nhiều
Nhìn nhận lại quá trình phỏng vấn là một điều tốt, nhưng suy nghĩ quá nhiều có thể phản tác dụng. Thay vào đó, hãy tập trung vào bức cảnh toàn cảnh từ việc viết thư cảm ơn và lên kế hoạch cho bước đi tiếp theo. Hãy xem đó như bài học kinh nghiệm để bạn có thể cải thiện cho lần phỏng vấn tiếp theo
Đừng giới hạn bản thân
Bạn chỉ tìm một công việc, trong khi đó có 11 triệu vị trí việc làm mở ra tại Mỹ. Đừng giới hạn bản thân với suy nghĩ rằng phải làm đúng ngành nghề hay chức năng. Bạn có thể rẽ hướng sự nghiệp ở bất kỳ độ tuổi nào.
Thay vì chú trọng vào phẩm chất còn thiếu, hãy tập trung vào những kỹ năng bạn có thể áp dụng vào nghề nghiệp mới. Một vài ví dụ bao gồm kỹ năng giao tiếp, khả năng thích ứng, quản lý dự án và tư duy phản biện.
Thừa nhận cảm xúc của bạn
Che giấu cảm xúc của bạn chưa bao giờ là ý tưởng hay. Thay vào đó, hãy thừa nhận bản thân cảm thấy thất vọng, buồn bã và thậm chí là tức giận. Sau đó là giải bày tâm sự với gia đình và bạn bè. Rồi hình thành sức bật về tư duy và bước tiếp.
Yêu cầu nhà tuyển dụng phản hồi
Yêu cầu nhà tuyển dụng gửi phản hồi sau khi phỏng vấn. Lưu ý về nguồn phản hồi. Đầu tiên là những nhà tuyển dụng có thể tiếp nhận hàng trăm hồ sơ ứng tuyển, nên rất khó để phản hồi cho từng người một. Thêm vào đó, tương tự như các phòng ban khác, bộ phận nhân sự có thể không đủ nguồn lực để phản hồi.
Còn phổ biến nhất là các công ty lo lắng về việc nói ra bất kỳ điều gì với ứng viên, mà họ có thể hiểu sai thành phân biệt giới tính, tuổi tác, sắc tộc hay bất kỳ hình thức phân biệt đối xử nào. Cuối cùng, không phản hồi là cách làm an toàn hơn cho công ty theo góc nhìn hợp lý.
Nhìn nhận lại quá trình phỏng vấn
Nhìn nhận lại quá trình phỏng vấn để xác định mặt nào bạn có thể cải thiện. Ví dụ, bạn đã nghiên cứu kỹ trước khi phỏng vấn chưa? Bạn đã chuẩn bị trước các câu hỏi thông minh chưa? Luyện tập phỏng vấn có nằm trong bước chuẩn bị của bạn? Nhờ người quen giúp đỡ cũng là ý tưởng hay.
Hãy chia sẻ trải nghiệm phỏng vấn cho những người bạn tin tưởng và tiếp nhận suy nghĩ của họ. Có lẽ họ có quan điểm khác biệt và có thể cho bạn phản hồi chân thành.
Thay đổi quan điểm
Thông thường, bạn sẽ bị từ chối nhiều lần trước khi được nhận. Vì lẽ đó, kiên nhẫn là yếu tố quan trọng. Không chỉ tập trung vào những gì bạn muốn cải thiện, mà còn là những gì bạn làm tốt trong quá trình phỏng vấn.
Ghi chú những điều này lại. Kể cả khi chỉ tham gia phỏng vấn cũng là thành công đáng tự hào. Biết đâu, bạn có thể mở ra cơ hội phỏng vấn tại cùng một công ty cho vị trí tốt hơn trong tương lai.
Lời từ chối từ nhà tuyển dụng tiềm năng có thể đem lại sự thất vọng, nhưng điều đó không định hình nên con người bạn. Mọi chuyện xảy ra đều có nguyên do của nó. Hãy xem việc này như cơ hội cho điều gì đó tốt hơn và vị trí phù hợp với bạn sẽ sớm xuất hiện.
Biên dịch: Minh Tuấn
1 năm trước
Năm phương pháp quản lý thời gian hiệu quả