Mặc dù năm 2021 được xem là năm khó khăn trên toàn thế giới nhưng Forbes vẫn ghi nhận có hơn 400 tỉ phú mới trong năm, với tổng giá trị tài sản ròng ước tính hơn 1.000 tỉ USD.
Thị trường chứng khoán toàn cầu vẫn tiếp tục mạnh lên trong năm 2021. Chỉ số S&P 500 và chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones đều tăng trưởng đến hai con số nhờ vào làn sóng phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và những vụ sáp nhập ngược đã làm xuất hiện các tỉ phú mới.
Tiền mã hóa cũng đang trên đà phát triển, đưa thêm một số ít người mới vào câu lạc bộ tỉ phú, trong khi hoạt động đầu tư tư nhân và mạo hiểm đạt kỷ lục, làm gia tăng thêm khối tài sản trị giá 10 số trong những chủ sở hữu và nhà đầu tư vào các công ty tư nhân.
Forbes ghi nhận có hơn 400 tỉ phú mới trong năm 2021, với tổng giá trị tài sản ròng ước tính hơn 1.000 tỉ USD. Tổng cộng toàn cầu có hơn 2.600 tỉ phú với tổng giá trị tài sản gần 14.000 tỉ USD tính đến ngày 17.12.
Tỉ phú mới giàu nhất trong năm 2021 là Miriam Adelson, góa phụ của ông trùm sòng bạc quá cố Sheldon Adelson, được thừa kế cổ phần tại Las Vegas Sands, chiếm phần lớn tài sản ước tính trị giá 27,1 tỉ USD. Bà là một trong số ít nhất 60 phụ nữ trở thành tỉ phú trong năm nay, bên cạnh Melinda French Gates, người phụ nữ mới ly hôn Bill Gates tháng 8.2021 và hiện có tài sản ròng ước tính 6,1 tỉ USD. Trong số những tỉ phú mới, có một số nữ tỉ phú tự thân, bao gồm:
• Nữ hoàng nổi tiếng trong làng thời trang và âm nhạc Rihanna, nữ nhạc sĩ giàu nhất thế giới, có tài sản ròng ước tính 1,7 tỉ USD nhờ vào 50% cổ phần trong thương hiệu mỹ phẩm Fenty Beauty. Cô cũng là tỉ phú đầu tiên ở Barbados, nơi gần đây đã vinh danh cô là “anh hùng dân tộc”.
• Kim Kardashian West, ly hôn với tỉ phú nhạc sĩ và ông trùm giày dép Kanye West hồi tháng 2, cũng đã gia nhập vào câu lạc bộ tỉ phú với khối tài sản ước tính 1,2 tỉ USD có được từ phần lớn cổ phần trong thương hiệu mỹ phẩm KKW Beauty và hãng thời trang định hình Skims. (Cựu ngôi sao truyền hình thực tế đã đệ đơn xin bỏ từ “West” khỏi họ của mình hồi tháng 12.)
• Cựu giám đốc ngân hàng đầu tư ở Ấn Độ Falguni Nayar thành lập thương hiệu bán lẻ mỹ phẩm và thời trang Nykaa, là nữ tỉ phú tự thân giàu nhất thế giới nổi lên trong năm nay với giá trị tài sản ròng ước tính 6,8 tỉ USD sau khi công ty mẹ của Nykaa niêm yết trên sàn Chứng khoán Quốc gia ở Mumbai, Ấn Độ.
• Xếp ngay sau bà là Melanie Perkins, nhà đồng sáng lập người Úc của công ty phần mềm thiết kế Canva, với khối tài sản ước tính 6,5 tỉ USD nhờ vào sở hữu 18% cổ phần trong công ty. Chồng cô, Cliff Obrecht, và người đồng sáng lập thứ ba của Canva, Cameron Adams cũng là tỉ phú – giá trị tài sản ước tính lần lượt là 6,5 tỉ USD và 3,2 tỉ USD – sau hai vòng gọi vốn trong tháng 4 và tháng 9 đã định giá công ty 40 tỉ USD. Perkins và Obrecht đã ký Cam kết cho đi (Giving Pledge) trong năm nay, hứa sẽ tài trợ cho các hoạt động từ thiện ít nhất một nửa số tài sản.
Hầu hết những tỉ phú mới trong bảng xếp hạng năm nay đều ở Trung Quốc, quốc gia này có thêm khoảng 160 tỉ phú mới, tiếp theo là Mỹ, với gần 100 người mới. Ấn Độ và Đức mỗi nước có thêm hơn 20 người. Trong số những người còn lại, có đến 12 tỉ phú mới ở Thụy Điển, tất cả đều là tỉ phú tự thân. Ngoài Barbados, có thêm ba quốc gia lần đầu tiên có tỉ phú trong năm 2021:
• Bulgaria, quê hương của hai anh em tỉ phú Kiril và Georgi Domuschiev đã xây dựng một đế chế trị giá 4,2 tỉ USD trong lĩnh vực thú y, vận tải, bất động sản và bóng đá thông qua quá trình tư nhân hóa các công ty nhà nước.
• Estonia, quê hương của Kristo Käärmann và Taavet Hinrikus, những người sáng lập dịch vụ chuyển tiền Wise, đã được niêm yết trên Sàn chứng khoán London hồi tháng Bảy.
• Uruguay có ba tỉ phú sau đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trong tháng 6 của startup thanh toán xuyên biên giới dLocal. Kể từ thời điểm đó một người đã ra khỏi bảng xếp hạng, nhưng những người đồng sáng lập dLocal, Andrés Bzurovski và Sergio Fogel, mỗi người có khối tài sản giá trị khoảng 2 tỉ USD.
Hơn một nửa số tỉ phú mới trong năm nay có khối tài sản kiếm được từ những hoạt động trong ba ngành – sản xuất, công nghệ và tài chính & đầu tư. Sản xuất là ngành có nhiều tỉ phú nhất, với phần lớn trong số họ ở Trung Quốc, bao gồm:
• Deng Weiming, chủ tịch của công ty sản xuất linh kiện pin lithium CNGR Advanced Material, là tỉ phú sản xuất mới giàu nhất vào năm 2021, với tài sản ròng ước tính là 9,4 tỉ USD.
• Cũng có mặt trong bảng xếp hạng năm 2021 là Scott Watterson, đồng sáng lập của Logan, nhà sản xuất thiết bị tập thể dục ở Utah và đối thủ của Peloton là iFIT, công ty sản xuất máy chạy bộ, xe đạp thể dục tại chỗ và các máy tập thể dục khác. Công ty đã hoãn IPO trong tháng 10, với lý do “điều kiện thị trường bất lợi.”
Tiền mã hóa và cổ phiếu meme đã trở nên nổi tiếng trong năm nay. Nhờ đó, các tỉ phú mới xuất hiện bắt đầu từ tháng 1, khi công ty bán lẻ trò chơi điện tử GameStop đã đẩy Ryan Cohen – một nhà đầu tư cũng là nhà sáng lập kiêm cựu CEO của công ty thương mại điện tử khổng lồ Chewy – vào câu lạc bộ tỉ phú. Tiền mã hóa tiếp tục tăng trong suốt năm 2021, tạo ra nhiều tỉ phú mới bao gồm:
• Sam Bankman-Fried, người sáng lập sàn giao dịch tiền mã hóa FTX, đã nằm trong danh sách 400 người Mỹ giàu nhất của Forbes trong năm nay. Anh là người mới và tự thân giàu nhất trong danh sách từ trước đến giờ. Giá trị tài sản của anh ước tính 26,5 tỉ USD.
• Doanh nhân và anh em tiền mã hóa Cameron và Tyler Winklevoss, giá trị tài sản của mỗi người ước tính 5 tỉ USD nhờ các khoản đầu tư tiền mã hóa và sở hữu cổ phần trong sàn giao dịch tiền mã hóa Gemini. Forbes đã giới thiệu cặp song sinh trong một câu chuyện trang bìa hồi tháng Tư.
• Vitalik Buterin, nhà sáng lập người Nga gốc Canada của nền tảng blockchain Ethereum và tiền mã hóa Ether, đồng tiền mã hóa lớn thứ hai tính theo vốn hóa thị trường, có giá trị ròng ước tính là 1,3 tỉ USD. (Buterin đã tụt hạng và lọt ra khỏi bảng xếp hạng cùng do giá dao động của đồng Ethereum.)
Những người sáng lập công ty Fintech cũng trở thành tỉ phú mới trên toàn cầu nhờ các đợt IPO và những vòng gọi vốn mới trong năm nay. Những công ty đó bao gồm:
• David Vélez ở Colombia và Cristina Junqueira ở Brazil, đồng sáng lập ngân hàng kỹ thuật số Nubank, hiện sở hữu khối tài sản có giá trị ước tính lần lượt là 9,7 tỉ USD và 1,2 tỉ USD, sau đợt niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán New York trong tháng 12.
• Guillaume Pousaz, người sáng lập Thụy Sĩ của công ty thanh toán Checkout.com ở London, đã trở thành tỉ phú sau vòng gọi vốn 450 triệu USD của công ty hồi tháng 1. Công ty được định giá 15 tỉ USD.
• Victor Jacobsson và Sebastian Siemiatkowski, đồng sáng lập công ty Klarna cung cấp dịch vụ mua trước trả sau ở Thụy Điển, đã trở thành tỉ phú trong tháng 3 khi công ty huy động được 1 tỉ USD với mức định giá 31 tỉ USD, tăng giá trị của khối tài sản họ sở hữu ước tính lần lượt 2,7 tỉ USD và 2,2 tỉ USD.
Các công ty niêm yết mới có giá cổ phiếu đạt mức cao kỷ lục vào năm 2021 nhờ vào IPO và cả sáp nhập với SPAC– một công ty mua lại với mục đích đặc biệt. Theo dữ liệu từ SPAC Analytics, thương vụ SPAC chiếm 64% trong số 953 công ty đại chúng ở Mỹ cho đến năm nay, tăng hơn 140% so với tổng số trong năm 2020. Trong khi đó, tổng số công ty niêm yết mới đã tăng hơn gấp đôi. Các tỉ phú mới từ SPAC và IPO vào năm 2021 bao gồm:
• Mat và Justin Ishbia của công ty cho vay thế chấp lớn thứ hai ở Mỹ, United Wholesale Mortgage, ở Michigan, đã phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng thông qua sáp nhập SPAC trong tháng Giêng. Cổ phiếu của Mat ước tính trị giá 7,3 tỉ USD, trong khi cổ phiếu của Justin ước tính trị giá 2,2 tỉ USD.
• Sytse ‘Sid’ Sijbrandij, nhà sáng lập người Hà Lan của nền tảng phát triển phần mềm Gitlab, đã niêm yết trên sàn Nasdaq trong đợt IPO bom tấn trong tháng 10 đã giúp anh trở thành tỉ phú. Hiện giá trị tài sản ròng của anh ước tính là 2 tỉ USD.
Các công ty tư nhân cũng đã nhận được mức đầu tư kỷ lục từ các công ty cổ phần tư nhân và các nhà đầu tư mạo hiểm, giúp nhiều nhà sáng lập được đưa vào bảng xếp hạng tỉ phú mà không cần phải sử dụng đến thị trường đại chúng. Những người khác cũng trở thành tỉ phú nhờ các thương vụ mua lại và sáp nhập vào các công ty lớn hơn trong bối cảnh hoạt động M&A tăng kỷ lục. Trong số những tỉ phú mới có:
• Alex Shevchenko và Max Lytvyn, những người sáng lập công cụ kiểm tra ngữ pháp Grammarly sinh ra tại Ukraine, mỗi người sở hữu khối tài sản giá trị ước tính khoảng 4 tỉ USD sau khi Grammarly nhận được 200 triệu USD trong tháng 11 từ các nhà đầu tư bao gồm Baillie Gifford và BlackRock với mức định giá 13 tỉ USD.
• Đạo diễn bộ phim Chúa tể những chiếc nhẫn, Peter Jackson, đã bán phần lớn công ty hiệu ứng hình ảnh kỹ thuật số Weta Digital ở New Zealand cho công ty phần mềm trò chơi điện tử Unity Software với giá 1,6 tỉ USD trong tháng 11, một thương vụ giúp ông trở thành tỉ phú với tài sản ước tính 1,5 tỉ USD.
Biên dịch: Gia Nhi
Xem thêm
Nhà sáng lập thương hiệu bán lẻ mỹ phẩm Nykaa thành nữ tỉ phú tự thân giàu nhất Ấn Độ
Dạy cả thế giới viết đúng ngữ pháp tiếng Anh, hai sáng lập Grammarly thành tỉ phú
Ether lập kỷ lục mới, đưa tài sản ròng của đồng sáng lập Vitalik Buterin lên 1,46 tỉ USD
Gemini huy động 400 triệu USD để xây metaverse cạnh tranh với Facebook