2020-2021 là giai đoạn rất đặc biệt, khi sau rất nhiều năm hoạt động, tôi cảm nhận được rõ rệt những dấu hiệu trưởng thành của thị trường.
Từ năm 2020 đến nay, các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng tổng cộng hơn 1,7 tỉ đô la Mỹ. Tuy nhiên, điều này không những không gây tác động tiêu cực tới thị trường, mà trái lại, thanh khoản lại bùng nổ nhờ dòng tiền nội địa tham gia mạnh mẽ, khiến VN-Index tăng điểm liên tục từ đầu tháng 4 năm ngoái tới nay. Điều gì có thể giải thích được xu hướng đặc biệt này?
Theo tôi, có hai nguyên nhân sâu xa. Thứ nhất, sự phát triển cả về chất và lượng của thị trường chứng khoán. Thứ hai, sự phát triển của công nghệ giúp nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận với thị trường.
Thị trường đã khác 10 năm trước. Xét về lượng, quy mô của thị trường chứng khoán Việt Nam tăng sáu lần trong vòng 10 năm qua, từ 40 tỉ đô la Mỹ lên 275 tỉ đô la Mỹ. Từ thị trường chỉ có tám doanh nghiệp có quy mô vốn hóa trên một tỉ đô la Mỹ vào năm 2010, đến năm 2020, có 45 doanh nghiệp vốn hóa trên một tỉ đô la Mỹ, trong đó có ba đơn vị có giá trị vốn hóa trên 10 tỉ đô la Mỹ.
Thanh khoản thị trường cũng cải thiện rõ rệt. Mấy năm trước chúng ta giao dịch 100-150 triệu đô la Mỹ/ngày. Thanh khoản năm tháng đầu năm 2021 bình quân đạt 750 triệu đô la Mỹ/ngày, xấp xỉ Singapore (755 triệu đô la Mỹ), hơn hẳn Malaysia (285 triệu đô la Mỹ) và Philippines (80 triệu đô la Mỹ).
Bên cạnh đó, các sản phẩm trên thị trường tài chính ngày càng đa dạng. Năm 2010, chúng ta chỉ có hai quỹ ETF ngoại, nhưng hiện tại thị trường có thêm tám sản phẩm ETF, thị trường tương lai chỉ số cổ phiếu, thị trường tương lai trái phiếu chính phủ, thị trường chứng quyền và quỹ hưu trí .
Với việc hệ thống giao dịch mới của Hàn Quốc dự kiến được triển khai vào đầu năm sau, mở đường cho giao dịch T+0, chúng ta có thể nghĩ đến việc thanh khoản giao dịch mỗi ngày trên một tỉ đô la Mỹ. Theo tôi, định kiến về Việt Nam là thị trường “nhiều” tiềm năng nhưng “ít” cổ phiếu để đầu tư không còn đúng nữa.
Xét về chất, các nhà đầu tư ở Việt Nam ngày càng kinh nghiệm hơn. Trải qua nhiều chu kỳ, có lên, có xuống, có khủng hoảng, có thăng hoa trên thị trường chứng khoán, những nhà đầu tư được rèn giũa và tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu. Mức độ hiểu biết của họ và đặc biệt là khả năng quản trị rủi ro đã tăng lên rất nhiều.
Chúng ta cũng thấy độ tuổi nhà đầu tư tham gia thị trường ngày càng trẻ hơn. Hơn 70% trong số gần 400 ngàn tài khoản mở mới trong bốn tháng đầu năm đến từ những nhà đầu tư dưới 35 tuổi.
Tương tự, ở tại Dragon Capital Việt Nam, trong 10 người mở tài khoản đầu tư vào quỹ, có tám người dưới 35 tuổi, trong khi cách đây ba năm chỉ là sáu. Đây là nhóm người có tỉ lệ sử dụng và ứng dụng công nghệ mới rất cao, có nhiều kênh để tiếp cận thông tin về đầu tư và có nền tảng giáo dục khá tốt.
Các khái niệm như P/E, P/B, cách định giá doanh nghiệp… không còn quá xa lạ đối với nhóm nhà đầu tư trẻ tuổi. Tôi tin thế hệ mới này chính là động lực thúc đẩy và là tương lai của thị trường trong dài hạn.
Thời điểm chuyển mình và nhảy vọt? Theo tôi, Việt Nam có được hai điều kiện cần và đủ. Đầu tiên là sự gia tăng về thu nhập của người dân. Kế tiếp là sự bùng nổ của công nghệ số.
Tính đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người theo tổng cục Thống kê là 3.750 đô la Mỹ/năm, theo tính toán của chúng tôi thì GDP của Việt Nam có thể đã vượt trên 5.000 đô la Mỹ/năm. Đây là điểm thu nhập bùng phát, khi người dân không còn quá lo lắng về “cơm áo gạo tiền” nữa thì sẽ phát sinh những nhu cầu mới, đặc biệt là nhu cầu đầu tư và gia tăng tài sản.
Đó là quá trình phát triển tự nhiên mà hầu hết các thị trường trong khu vực đều đã trải qua, như Hàn Quốc năm 1988, Đài Loan năm 1990 và Trung Quốc năm 2006. Đi kèm với giai đoạn sau đó các nhà đầu tư cá nhân tham gia mạnh mẽ vào thị trường chứng khoán. Rất có thể nhiều người ngạc nhiên với những con số ấn tượng ở trên, nhưng đối với tôi điều này hết sức bình thường khi đặt trong bối cảnh của nền kinh tế Việt Nam 10 năm qua.
Đại dịch COVID-19 gây thiệt hại nặng nề về người và nền kinh tế. Tuy nhiên, nó là chất xúc tác thúc đẩy quá trình số hóa diễn ra mạnh hơn trong mọi lĩnh vực, bao gồm cả lĩnh vực tài chính chứng khoán. Việt Nam hiện có 154,4 triệu thiết bị kết nối Internet, hơn 70% dân số sử dụng Internet, là một trong 20 quốc gia có tỉ lệ sử dụng Internet cao trên thế giới. Người Việt Nam ngày càng chuộng sử dụng điện thoại di động và các ứng dụng điện thoại cho nhiều mục đích, trong đó có mua sắm trực tuyến, ví điện tử và đầu tư tài chính.
Trên thị trường tài chính, xuất hiện sản phẩm được thiết kế để nhà đầu tư cá nhân dễ dàng tiếp cận hơn – đề cao tính tiện dụng và hướng đến số đông, không cần quá nhiều tiền để tham gia đầu tư. Ngay tại Dragon Capital Việt Nam, chúng tôi cũng phải thay đổi để bắt kịp xu hướng này như xây dựng các sản phẩm quỹ đầu tư chỉ cần mức đầu tư tối thiểu 100 ngàn đồng, nhà đầu tư có thể đầu tư hay rút vốn hằng ngày, hay tối ưu hóa ứng dụng trên điện thoại để nhà đầu tư dễ dàng mở tài khoản và đầu tư ngay chỉ sau ba lần chạm.
Một điểm khác biệt nữa là về mặt tiếp cận thông tin. Cách đây 10 năm, nguồn thông tin duy nhất mà chúng tôi có thể tiếp cận được là từ báo chí và thông tin từ doanh nghiệp, hoặc các trang thông tin trực tuyến. Ngày nay những nền tảng mạng xã hội như Facebook, Twitter, công cụ chat như Zalo, Viber… trở thành cầu nối tiện lợi cho hàng triệu người, cung cấp thông tin đa chiều và tức thời từ nhiều nguồn.
Một ví dụ đơn giản, trước đây mỗi lần Dragon Capital Việt Nam tổ chức thảo luận chuyên sâu với các nhà đầu tư, chúng tôi chỉ có thể đón tối đa 100 – 200 nhà đầu tư một lúc do sức chứa của hội trường có hạn. Hiện tại, với các ứng dụng họp trực tuyến, chúng tôi có thể tổ chức tọa đàm trực tuyến cho vài ngàn nhà đầu tư ở khắp trên thế giới cùng tham dự.
Sự gia tăng về mặt ứng dụng công nghệ trong ngành chứng khoán còn thu hẹp khoảng cách giữa những người muốn đầu tư và thị trường. Trước đây, phần lớn người tham gia thị trường chứng khoán đến từ Hà Nội và TP.HCM, nơi dễ dàng tìm thấy chi nhánh của một công ty chứng khoán, và rất nhiều người phải di chuyển từ tỉnh lẻ lên thành phố để mở tài khoản giao dịch.
Hiện nay, với sự ra đời của phương pháp định danh trực tuyến (eKYC), người ở khu vực miền núi, nông thôn, từ Hà Giang đến Cà Mau, chỉ cần điện thoại di động có kết nối Internet là có thể mở tài khoản ngân hàng và tài khoản chứng khoán trong vòng chưa đến năm phút. Điều này góp phần vào sự bùng nổ của số lượng tài khoản mở mới kể từ tháng 10.2020. Có thể nói eKYC chính là bước đột phá giúp thị trường chứng khoán “chạm” tới những tệp nhà đầu tư có nhu cầu đầu tư rất lớn nhưng bị cản trở bởi khoảng cách địa lý.
Tuy đi sau, nhưng công nghệ giúp Việt Nam đi nhanh hơn.
Ở thị trường chứng khoán Trung Quốc, sau khi thu nhập bình quân đầu người vượt ngưỡng 5.000 đô la Mỹ/năm, mất tám năm để tổng số lượng người tham gia thị trường chứng khoán tăng gấp đôi. Còn Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng hiện tại, có thể chỉ cần 3 – 4 năm để tăng gấp đôi số lượng tài khoản chứng khoán.
Giáo dục và phổ cập kiến thức tài chính vẫn là then chốt. Thị trường phát triển mạnh mẽ cũng đi kèm những góc khuất. Gần đây có nhiều nhà đầu tư bị mất tiền do tham gia các nền tảng đầu tư lừa đảo và trái pháp luật hoặc tham gia các bong bóng đầu cơ. Câu chuyện lợi nhuận cao và hấp dẫn trong ngắn hạn tuy xưa cũ nhưng vẫn luôn là thứ mồi câu hấp dẫn dù ở bất kỳ thời đại nào.
Để thị trường phát triển sâu, rộng và bền vững, nhà đầu tư phải được trang bị đầy đủ kiến thức và từ đó tự trang bị cho mình những nền tảng, công cụ phù hợp để lựa chọn kênh đầu tư đúng, tránh bị mất tiền không đáng.
Tôi có giấc mơ là tất cả người dân Việt Nam được phổ cập kiến thức tài chính cơ bản, điều mà ngay cả nước Mỹ cũng chưa làm được. Nếu thành hiện thực, tôi tin rằng người dân sẽ thay đổi hoàn toàn quan niệm về tính may rủi trên thị trường chứng khoán, mà ngược lại xem đó là kênh tích lũy đầu tư dài hạn hiệu quả ngoài những kênh truyền thống như gửi tiết kiệm, mua ngoại tệ, mua vàng và bất động sản.
Tác giả: Dominic Scriven – chủ tịch công ty cổ phần quản lý quỹ Dragon Capital Việt Nam.
Bài viết đăng trên Forbes Việt Nam số 94, tháng 6.2021
2 năm trước
Cổ phiếu ngân hàng Việt Nam: Vượt cơn gió ngược1 năm trước
S.F. Holding niêm yết cổ phiếu lần thứ hai