Theo ước tính 15 du thuyền, 11 máy bay tư nhân và trực thăng, và 124 ngôi nhà đã đóng băng hoặc niêm phong có giá trị tối thiểu 9 tỉ USD.
Kể từ khi căng thẳng tại Ukraine nổ ra, các nước phương Tây đã phong tỏa hoặc đóng băng tài sản của những vị tỉ phú Nga, gồm bất động sản cao cấp, siêu du thuyền và máy bay tư nhân với tổng giá trị tối thiểu 9 tỉ USD. Điều này không tạo ra nhiều biến động lên tài sản của họ.
Một buổi sáng âm u những ngày đầu tháng 4.2022, các đặc vụ của Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) và Lực lượng Cảnh vệ Dân sự Tây Ban Nha có mặt trên Tango, siêu du thuyền dài 77m neo đậu ở thị trấn Palma nằm trên hòn đảo Mallorca, phía tây Địa Trung Hải. Du thuyền này, thuộc quyền sở hữu của “bá tước nhôm” Viktor Vekselberg, cập bến từ Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng cuối tháng 1.2023 và đã neo đậu tại đây hai tháng.
Trong thông báo chính thức trên sóng truyền hình, vài giờ sau khi các đặc vụ Mỹ và cảnh sát Tây Ban Nha lên Tango, bộ trưởng Tư pháp Mỹ (DOJ) Merrick Garland cho biết đã ra quyết định niêm phong siêu du thuyền trị giá 90 triệu USD này, theo yêu cầu của DOJ. “Chúng tôi sẽ niêm phong con tàu theo luật chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có,” ông Garland cho biết.
Theo thông báo niêm phong tài sản, trích dẫn từ bài viết của Forbes về những siêu du thuyền của các tỉ phú Nga, Vekselberg đã sử dụng công ty vỏ bọc để giấu quyền sở hữu Tango và thanh toán tiền bảo dưỡng du thuyền bằng thông qua những ngân hàng Mỹ, vi phạm các lệnh trừng phạt dành cho ông từ năm 2018.
Đó là khoảnh khắc mang tính bước ngoặt, đánh dấu lần đầu tiên các quan chức phương Tây niêm phong toàn bộ tài sản của những nhà tài phiệt Nga. “Đó là thời khắc mang tính lịch sử. Ông Viktor Vekselberg đã nhận lệnh trừng phạt từ năm 2018, trở thành một trong những số ít người có đủ thời gian để làm điều gì đó, như lẩn tránh lệnh trừng phạt, và các cơ quan chức năng tiến hành điều tra,” Viktor Winkler, luật sư về lệnh trừng phạt và cựu giám đốc tiêu chuẩn trừng phạt toàn cầu của ngân hàng Đức Commerzbank, cho biết.
Vào ngày 24.2.2022, chỉ vài ngày sau khi binh sĩ Nga tiến vào Ukraine, các nước phương Tây đã ban hành các lệnh trừng phạt nhằm vào giới tài phiệt và tỉ phú nước này. Từ Fiji đến Pháp, các cơ quan chức năng đã thu giữ du thuyền và máy bay, cũng như yêu cầu đóng băng bất động sản nhà ở. Việc này nhằm ngăn các nhà tài phiệt Nga tới ở, giao dịch để duy trì giá trị tài sản. Tính đến tháng 4.2023, Forbes ước tính các nước phương Tây đã đóng băng hoặc niêm phong ít nhất 15 du thuyền, 11 máy bay tư nhân và trực thăng, và 124 ngôi nhà với tổng giá trị 9 tỉ USD. Nhưng đó chỉ là biến động nhỏ so với tổng giá trị tài sản 310 tỉ USD của 46 tỉ phú người Nga hoặc gốc Nga trong danh sách tỉ phú toàn cầu năm 2023 của Forbes.
Giá trị tài sản 9 tỉ USD bao gồm cả tài sản đã bị đóng băng, đồng nghĩa những tài sản này vẫn thuộc quyền sở hữu của các tỉ phú, nhưng họ không thể sử dụng hoặc giao dịch. Số ít tài sản khác đã bị các cơ quan chức năng niêm phong, cho phép chính phủ các nước tước đi quyền sở hữu và đưa ra đấu giá. Mỹ đã niêm phong du thuyền Tango của Viktor Vekselberg và du thuyền Amadea của Suleiman Kerimov, bên cạnh chín bất động sản nhà ở thuộc về Vekselberg và Oleg Deripaska tại New York, Florida và Washington D.C. The ước tính, nhóm tài sản bị niêm phong có giá trị cộng gộp 635 triệu USD, chỉ chiếm một phần nhỏ trong khối tài sản hàng tỉ đô la Mỹ của nhiều tỉ phú.
Tuy không ảnh hưởng quá nhiều đến khả năng tài chính của những nhà tài phiệt này, song các lệnh trừng phạt lại ngăn họ tiếp cận các tài sản ở phương Tây. Forbes đã trừ đi giá trị của những ngôi nhà, du thuyền hoặc máy bay bị đóng băng, hay niêm phong khi thống kê giá trị tài sản ròng của những vị tỉ phú Nga.
“Khả năng để phương Tây gỡ bỏ những lệnh trừng phạt hiện nay rất thấp. Việc những vị tỉ phú vẫn duy trì quyền sở hữu là không hợp lý, vì một không một ai được phép tiếp cận bất kỳ tài sản nào thuộc diện niêm phong, bất kể đó chỉ là tài sản có giá trị thấp,” Winkler cho biết.
Loại tài sản có giá trị cao nhất của những nhà tài phiệt Nga trong lệnh trừng phạt là siêu du thuyền. Tuy vậy, số tiền bỏ ra để đảm bảo những con tàu này ở trạng thái tốt rất tốn kém. Rất nhiều du thuyền trong số đó neo đậu tại các cảng tàu ở khu vực Địa Trung Hải và Caribbean chỉ vài tuần trước khi căng thẳng tại Ukraine diễn ra, và hư hỏng dần theo thời gian. Chính phủ các nước phương Tây cần phải bỏ ra hàng chục triệu USD để bảo dưỡng cho những con tàu này.
“Không một con tàu nào bị ảnh hưởng thực sự có giá trị tài chính đối với chủ sở hữu. Những du thuyền này không thể được dùng làm hình thức vận chuyển hoặc điểm vui chơi, giải trí cũng như chủ sở hữu không thể bán chúng. Các tài sản này đang mất đi giá trị,” Benjamin Maltby, giám đốc của công ty luật Keystone Law có trụ sở tại London, Anh tập trung vào siêu du thuyền, cho biết.
Tài khoản ngân hàng và số cổ phần trong doanh nghiệp đã bị đóng băng của các tỉ phú Nga có giá trị cao hơn rất nhiều. Nhiều tháng trong thời điểm căng thẳng diễn ra tại Ukraine, Forbes ước tính lệnh trừng phạt đã lấy đi hơn 23 tỉ USD trong khối tài sản chung, bao gồm nhà ở, du thuyền và máy bay, của các tỉ phú Nga. Trong thông cáo báo chí chung vào tháng 2.2023, đội đặc nhiệm đa phương REPO, bao gồm các quan chức tài chính và tư pháp hàng đầu của Mỹ, Úc, Pháp, Canada, Nhật Bản và Liên minh châu Âu, cho biết đã thu giữ hoặc đóng băng số tài sản của công dân Nga có giá trị hơn 58 tỉ USD.
Mặc cho những lệnh trừng phạt, Forbes ghi nhận các tỉ phú Nga vẫn giàu thêm. Tính từ ngày 23.2.2023, 46 tỉ phú chỉ mất 48 tỉ USD, chiếm 14% trong khối tài sản ròng.
Các tỉ phú Nga đã thuê một đội ngũ luật sư để chống lại những lệnh trừng phạt. Đã có ít nhất 20 tỉ phú nhận lệnh trừng phạt đệ đơn kiện lên tòa án chung của EU để yêu cầu gỡ bỏ lệnh trừng phạt. Tháng 6.2022, Oleg Deripaska đệ đơn kiện Bộ Tài chính Mỹ lên tòa án Tối cao Mỹ cho lệnh trừng phạt của ông từ năm 2018. Cũng trong tháng đó, tỉ phú ngành thép Alexander Abramov kiện Úc về lệnh trừng phạt nhằm vào ông.
Song Viktor Winker nhận định, kể cả những vị tỉ phú này khi thắng kiện tại Châu Âu, rất khó để các lệnh trừng phạt được gỡ bỏ. “Trước đây, EU chỉ cần ban hành lại lệnh trừng phạt với lý do khác. Các luật sư về lệnh trừng phạt gọi đó là ‘tự sự’. Về mặt luật pháp, EU có thể làm như vậy,” ông cho biết.
1. Bất động sản
Số lượng tài sản: 124
Tổng giá trị: 5 tỉ USD
2. Du thuyền
Số lượng: 15
Tổng giá trị: 2,9 tỉ USD
3. Máy bay
Số lượng: 11
Tổng giá trị 1,1 tỉ USD
Biên dịch: Minh Tuấn
1 năm trước
Danh sách: Doanh nhân từ thiện hàng đầu châu Á