BRICS hướng tới mục tiêu củng cố sức mạnh và thúc đẩy trật tự thế giới mới từ việc kết nạp thêm thành viên.
Vào ngày 24.8, nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS đã chính thức mời thêm sáu quốc gia, bao gồm Saudi Arabia và Iran gia nhập khối. Quyết định này nhằm củng cố sức mạnh của BRICS để trở thành đối trọng với phương Tây vốn có sức ảnh hưởng đến các vấn đề toàn cầu trong nhiều thế kỷ qua.
Trong thông báo đưa ra hôm 24.8, tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho biết BRICS đã quyết định mời các quốc gia gồm Argentina, Ai Cập, Ethiopia, Iran, Saudi Arabia và U.A.E gia nhập khối này. Phát biểu tại phiên bế mạc hội nghị thượng đỉnh lần thứ 15 của BRICS diễn ra ở Johannesburg, Nam Phi, ông Ramaphosa cho biết tư cách thành viên của những quốc gia này sẽ có hiệu lực từ ngày 1.1.2024.
Quyết định kết nạp thêm thành viên đánh dấu lần mở rộng đầu tiên của BRICS kể từ năm 2010, khi Nam Phi tham gia và nâng số thành viên lên năm nước từ bốn quốc gia sáng lập gồm Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc.
Quá trình mở rộng của BRICS chiếm 40% dân số và hơn 1/4 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu đã có thêm “sức sống” mới trong những năm gần đây khi nỗ lực để cân bằng lại các hệ thống tài chính và chính trị truyền thống trên thế giới.
Theo ông Ramaphosa, các thành viên trong khối đã đạt sự đồng thuận chung về “nguyên tắc, tiêu chuẩn, tiêu chí và thủ tục hướng dẫn cho quá trình mở rộng.” Ông cho biết vấn đề này đã được đưa ra thỏa thuận trong thời gian dài. Tuy các quốc gia thành viên có những quan điểm khác nhau, song ông Ramaphosa cho rằng tất cả đều có tầm nhìn chung về một thế giới tốt đẹp hơn.
Nhóm nhà lãnh đạo BRICS và lãnh đạo các nước được mời gia nhập đều hoan nghênh quyết định gia tăng thành viên của nhóm này. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhận định: “Mở rộng thành viên là động thái mang tính lịch sử và khởi đầu mới cho quan hệ hợp tác của BRICS.” Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và tổng thống Nga Vladimir Putin chào mừng việc BRICS có các thành viên mới, cho biết quá trình mở rộng sẽ nâng tầm vị thế toàn cầu của nhóm này.
Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed đánh giá quyết định trên là khoảnh khắc tuyệt vời đối với quốc gia này. Ông Ahmed cho biết Ethiopia sẵn sàng hợp tác với tất cả các thành viên vì một trật tự toàn cầu thịnh vượng và phát triển toàn diện. Tổng thư ký Liên hợp quốc, Antonio Guterres cũng ủng hộ quyết định này và cho biết “đơn giản là không có lựa chọn nào khác ngoài việc hợp tác trong bối cảnh thế giới ngày càng phân cực và xuất hiện nhiều khủng hoảng.”
Cyril Ramaphosa cho biết việc kết nạp thành viên mới là động thái đầu tiên thúc đẩy quá trình mở rộng hơn nữa của BRICS. Ông cho biết giai đoạn mở rộng tiếp theo sẽ diễn ra, với các bộ trưởng ngoại giao có nhiệm vụ phát triển hơn nữa cơ chế hợp tác của BRICS và trình bày danh sách các đối tác tiềm năng tại hội nghị thượng đỉnh kế tiếp của nhóm.
Hồi tháng 7.2023, các quan chức Nam Phi cho biết hơn 40 quốc gia đã bày tỏ mong muốn gia nhập BRICS, 22 trong số này chính thức yêu cầu được kết nạp. Tất cả sáu quốc gia được mời trước đó đều bày tỏ mong muốn tham gia.
Vẫn chưa có thông tin về việc BRICS có đổi tên khi kết nạp thành viên mới hay không. BRICS là tên viết tắt của các quốc gia thành viên hiện tại gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Mục tiêu cốt lõi của BRICS là trở thành đối trọng và định hình lại trật tự toàn cầu, thể hiện thực tế rằng thế giới hiện nay ngày càng phân cực. Tuy vậy, mặc cho số lượng người tham gia và tiềm lực kinh tế chung, BRICS đã gặp trở ngại trong việc thách thức trật tự thế giới do phương Tây lãnh đạo. Bên cạnh đó, nhóm vẫn chưa đưa ra giải pháp thay thế các hệ thống tài chính và chính trị hiện có.
BRICS đã thành lập ngân hàng phát triển riêng, nhưng nguồn vốn vẫn ít hơn so với các tổ chức do phương Tây dẫn đầu như Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
BRICS cũng đã thỏa thuận về tiềm năng của một đồng tiền chung để thách thức vị thế thống trị của đồng đô la Mỹ. Quá trình tăng thêm thành viên diễn ra vào thời điểm căng thẳng giữa các nước phương Tây, Trung Quốc và Nga leo thang, cũng như việc kết nạp các quốc gia như Iran có thể khiến BRICS càng trở thành một khối cạnh tranh với phương Tây.
Việc nhóm sẽ có một vài nhà sản xuất dầu hàng đầu thế giới, với Saudi Arabia là quốc gia xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, cũng sẽ gây lo ngại, đặc biệt khi nước này quyết định cắt giảm sản lượng dầu gần đây.
Biên dịch: Minh Tuấn