Số lượng đơn hàng mới với nhà sản xuất tại Việt Nam trong tháng 9 vẫn tăng nhưng tốc độ tăng chậm nhất trong 10 tháng, dấu hiệu cho thấy sự yếu đi của nhiều thị trường nhập khẩu.
Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam tháng 9 vừa được S&P Global công bố sáng 3.10, đạt 52,5 điểm – giảm nhẹ so với mức 52,7 điểm của tháng 8.
Chỉ số này, theo S&P Global, cho thấy các điều kiện hoạt động trong ngành sản xuất đã cải thiện hơn và số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng mạnh. Điều này thúc đẩy các doanh nghiệp tăng tốc sản xuất, tăng số lượng việc làm và nhân viên cho các dây chuyền mới cũng như tích cực mua hàng.
Tuy nhiên, nếu so với tháng 8, tốc độ tăng số đơn hàng mới của tháng 9 đã chậm lại và chậm nhất trong mười tháng.
“Một số người trả lời khảo sát nhắc tới các dấu hiệu nhu cầu yếu đi ở các thị trường xuất khẩu, doanh số bán hàng không đạt như kỳ vọng,” báo cáo viết. Điều này lý giải cho việc lượng tồn kho thành phẩm tăng lần đầu tiên kể từ tháng 2.2022 và là mức tăng cao nhất trong gần 18 tháng.
Báo cáo PMI tháng này cũng cho thấy, áp lực chi phí với doanh nghiệp đã giảm nhẹ khi giá dầu đi xuống dù giá các nguyên vật liệu vẫn tăng. Một số công ty thậm chí đã giảm giá cho khách hàng nhờ tốc độ tăng chi phí chậm lại.
Báo cáo phân tích rằng ngành sản xuất Việt Nam tiếp tục vận hành tốt vào cuối quý 3 với chỉ số PMI đến nay đã phản ánh tình trạng tăng tổng thể trong suốt năm qua. Tình trạng giá cả và nguồn cung ổn định hơn nhiều đang hỗ trợ cho ngành sản xuất, trong khi nhu cầu cũng tiếp tục cải thiện trong tháng 9.
Tuy nhiên, một số dấu hiệu tạm thời cho thấy số lượng đơn đặt hàng mới đang tăng chậm lại, đặc biệt là đơn đặt hàng nhập khẩu. Đây là nhân tố khiến tồn kho thành phẩm tiếp tục tăng khi một số công ty bán được lượng hàng ít hơn dự kiến.
“Điều này có thể khiến các nhà sản xuất hạn chế tăng sản lượng trong tháng 10, nhưng niềm tin kinh doanh vẫn mạnh mẽ và do đó viễn cảnh cho ba tháng cuối năm nhìn chung là tích cực,” Andrew Harker, giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, nói trong báo cáo.
Những dấu hiệu yếu đi của thị trường nhập khẩu thể hiện khá rõ ở ngành dệt may, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Báo cáo của SSI Research cho biết, trong nửa đầu tháng 9.2022, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may đạt 1,2 tỉ USD, giảm 48% so với nửa đầu tháng 8, cho thấy sự chậm lại đáng kể về đơn đặt hàng. Ghi nhận từ các công ty cũng cho thấy số lượng đơn đặt hàng trong quý 4 năm nay thấp hơn 25-50% so với quý 2 (tương đương với mức giảm doanh thu 15-20% so với cùng kỳ, theo ước tính của SSI Research).
Khó khăn đơn hàng dự báo sẽ kéo dài đến nửa đầu năm 2023 vì lo ngại lạm phát và lượng hàng tồn kho ở mức cao của khách hàng. Trong đó, các thị trường Mỹ và EU sẽ sụt giảm nhiều hơn Nhật Bản và Hàn Quốc. Các nhà sản xuất Việt Nam cũng đang phải giảm giá bán sau những đàm phán của khách hàng.
Trong khi báo cáo của tổng cục Thống kê ghi nhận, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 9 tiếp tục tăng và ước tăng 13% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 9 tháng, chỉ số IIP tăng 9,6% khi nhiều ngành công nghiệp trọng điểm tăng trưởng cao như: sản xuất đồ uống tăng 31,9%; sản xuất trang phục tăng 22,5%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 20,4%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 18,3%…
———————————
Xem thêm:
GDP quý 3 tăng 13,67% kéo GDP chín tháng lên mức cao nhất 12 năm
Canada dỡ bỏ tất cả hạn chế đi lại liên quan đến COVID-19 từ 1.10
Thị trường nhà ở biến động báo hiệu nguy cơ suy thoái
KMS vận hành trung tâm phát triển phần mềm KMS Healthcare
1 năm trước
Nigeria chạy đua mở rộng quy mô sản xuất thuốc1 năm trước
Forbes Việt Nam số 121: Chuyển dịch sản xuất2 năm trước
Apple muốn mở rộng sản xuất bên ngoài Trung Quốc