Doanh nghiệp

Nhiệm vụ kép

Nhờ giá vàng tăng cao kỷ lục, Perpetua Resources chuẩn bị khôi phục hoạt động cho một mỏ khai thác vàng ở Idaho, nơi sẽ cung cấp nguồn kim loại antimon quan trọng cho mục đích quốc phòng, đồng thời khôi phục môi trường sống cho loài cá hồi.

Mỏ Stibnite gần Yellow Pine, Idaho từng góp phần giúp Mỹ giành chiến thắng trong Thế chiến II. Stibnite sẽ hoạt động trở lại và khôi phục môi trường sống cho cá hồi.

Share
this:

Hãy tưởng tượng bạn là một con cá hồi Chinook và muốn di cư về cội nguồn để sinh sản. Hành trình của bạn bắt đầu từ Thái Bình Dương, ngược dòng qua các sông Columbia, Snake và Salmon trước khi đến một nhánh sông có tên East Fork of the South Fork, nơi cách đại dương hàng trăm km ở miền Trung Idaho. Nhưng rồi, hành trình về đến thượng nguồn của bạn gặp phải rào cản là hàng triệu chất thải từ một mỏ khai thác vàng lộ thiên bị bỏ hoang, hằng năm đều gây ô nhiễm nguồn nước bằng lượng lớn kim loại asen (thạch tín). Đó hẳn là cảm giác vô cùng nản lòng, thất vọng.

Đây là hệ quả từ hoạt động khai thác trong quá khứ. Trong Thế chiến II, Stibnite, mỏ khai thác vàng gần thị trấn Yellow Pine, Idaho đã sản xuất 50% tungsten (vonfram) và 90% antimon, nguyên liệu quan trọng để chế tạo vũ khí phục vụ chiến tranh như thuốc nổ và đạn dược. Ngày nay, những nguyên liệu này tiếp tục được dùng cho những thứ như vật liệu bán dẫn, tấm quang điện và thiết bị hỗ trợ nhìn trong bóng tối. Tuy nhiên, trước đây các chủ mỏ thường không mấy bận tâm đến quá trình di cư của loài cá hồi và thậm chí cả lượng quặng vàng mà họ khai thác, phần lớn vẫn bị bỏ lại trong những đống bã thải.

Sau khi đóng cửa vào năm 1997, mỏ Stibnite đã trở thành địa điểm thu hút các nhà địa chất tới nghiên cứu và nhiều doanh nhân nhận ra giá trị mà quặng vàng mang lại. “Mặc dù không phải chủ thể gây ra thiệt hại này, nhưng chúng tôi sẵn lòng tìm giải pháp khắc phục. Chúng tôi hào hứng về cơ hội khai thác vàng và antimon theo hướng có trách nhiệm, bền vững đồng thời khôi phục cảnh quan ở nơi đây,” Laurel Sayer, CEO Perpetua Resources Idaho – công ty đại chúng có vốn hóa thị trường 600 triệu đô la Mỹ và cũng là nhà hoạt động môi trường, cho biết. Sayer biết đến Stibnite từ một thập niên trước khi điều hành Idaho Land Trust (tên gọi “Stibnite” bắt nguồn từ loại khoáng chất cùng tên của antimon, thường được tìm thấy trong quặng vàng).

Vậy điều gì khiến Stibnite trở nên hấp dẫn dù  ở một vị trí hẻo lánh nằm sâu trong Vườn quốc gia Payette? Câu trả lời chính là antimon, khoáng sản quý hiếm ở Bắc Mỹ, đóng vai trò chiến lược đối với nền an ninh quốc gia. Nguyên nhân xuất phát từ sự thống trị của Trung Quốc khi nước này cùng Tajikistan kiểm soát tới 90% nguồn cung antimon toàn cầu.

“Việc kiểm soát được nguồn cung cho phép Trung Quốc áp đặt mức giá theo ý muốn,” Laurel Sayer, 67 tuổi, nhận định. Trong tám năm mà Sayer hỗ trợ Perpetua Resources (tiền thân là Midas Gold) vượt qua các thủ tục cấp phép của chính phủ Mỹ, giá antimon đã tăng gấp đôi, chạm mốc kỷ lục 22 ngàn đô la Mỹ/tấn. Đợt tăng giá này diễn ra sau khi Trung Quốc áp đặt hạn chế xuất khẩu antimon vào tháng 8.2024. Đó là tín hiệu rõ ràng cho thấy Mỹ cần phải mở rộng hơn nữa nguồn cung và đảm bảo ưu tiên khai thác 75 ngàn tấn trữ lượng antimon tại mỏ Stibnite. 

Dù nhận được sự hậu thuẫn lớn từ Bộ Quốc phòng Mỹ với khoản tài trợ lên tới 70 triệu đô la Mỹ, nhưng ngay cả Lầu Năm Góc cũng không thể giúp Perpetua Resources đẩy nhanh quá trình tái khởi động mỏ Stibnite. Suốt tám năm qua, công ty đã nỗ lực tuân thủ các quy định môi trường theo Đạo luật Chính sách Môi trường Quốc gia (NEPA), đồng thời chứng minh rằng hoạt động khai thác mới sẽ giúp khắc phục tình trạng ô nhiễm do các dự án trước đây để lại.

Laurel Sayer tận dụng kinh nghiệm của một nhà hoạt động môi trường để giúp Perpetua Resources hoàn thành quy trình phê duyệt về môi trường kéo dài tám năm.

Vận dụng kinh nghiệm tích lũy khi còn làm việc tại Đồi Capitol, Laurel Sayer tập trung xây dựng lòng tin với cộng đồng địa phương và cơ quan quản lý, chủ yếu bằng cách thúc đẩy quan hệ tích cực với các bên liên quan. “Khi lập kế hoạch, chúng tôi làm ngược lại với cách thông thường: trước tiên hình dung kết quả, sau đó mới xác định các bước để đạt được mục tiêu đó,” bà chia sẻ. Tầm nhìn của Perpetua Resources bao gồm khôi phục 182 héc ta đất ngập nước, trồng 65 ngàn cây mới và hồi sinh một dòng sông dài 32km để phục vụ quá trình “hồi hương” của cá hồi.

Năm 2020, Cơ quan Lâm nghiệp Mỹ (USFS) đã ban hành dự thảo tuyên bố về môi trường cho dự án, thu hút hơn tám ngàn ý kiến đóng góp. Sau khi nhận được phản hồi, Perpetua Resources đã điều chỉnh kế hoạch để hạ mức asen và đảm bảo nhiệt độ nước mát hơn, phù hợp hơn cho cá hồi. Kết quả, một tuyên bố bổ sung về môi trường được đưa ra vào năm 2022, kéo theo một vài năm nữa để tiếp nhận ý kiến cũng như đánh giá lại. Cuối cùng, vào tháng 9.2024, Perpetua Resources đã đón nhận tin vui khi nhận được tuyên bố cuối cùng về môi trường, chính thức khép lại quá trình phê duyệt.

Trước đó một năm, Perpetua Resources đã đạt thỏa thuận trị giá năm triệu đô la Mỹ với bộ tộc người Mỹ bản địa Nez Perce để dàn xếp kiện tụng liên quan đến tác động môi trường, theo Đạo luật Nước sạch (CWA). Ngay trước khi nhận được phê duyệt chính thức cho dự án (cuối năm 2024), công ty đã đầu tư 17 triệu đô la Mỹ cho công tác bảo tồn môi trường, bao gồm nỗ lực đưa 325 ngàn tấn chất thải từ hoạt động khai thác trước đây ra khỏi dòng sông. 

“Khi lập kế hoạch, chúng tôi làm ngược lại với cách thông thường: trước tiên hình dung kết quả, sau đó mới xác định các bước để đạt được mục tiêu đó.”

Các tổ chức như Save The South Fork Salmon (Tạm dịch: Giải cứu cá hồi South Fork) vẫn phản đối bất kỳ dự án nào liên quan đến hoạt động khai thác lộ thiên và lọc quặng vàng bằng xyanua. Nhưng điều này sẽ khó có thể làm chệch hướng đi của dự án khi Perpetua Resources có sự ủng hộ từ Lầu Năm Góc. “Là mẹ của một cựu binh ở Iraq, tôi hiểu rõ việc cung cấp đủ nguồn lực cho các binh sĩ quan trọng đến mức nào,” Sayer cho biết.

Một động lực khác thúc đẩy Perpetua Resources là đà tăng mạnh của giá vàng kể từ sau đại dịch COVID-19. Nhu cầu đối với kim loại này vẫn vô cùng lớn, kể cả vào thời điểm giá vàng chạm mức cao kỷ lục. Chuỗi bán lẻ Costco báo cáo doanh thu mỗi tháng 100 triệu đô la Mỹ từ việc bán thỏi vàng một ounce (oz) cho các khách hàng trên trang web. “Antimon là chất xúc tác, còn vàng là động lực kinh tế,” Laurel Sayer nhận định.

Trong 15 năm đầu vận hành, Perpetua Resources dự kiến sẽ đạt công suất trung bình 300 ngàn oz vàng/năm và chi phí sản xuất một oz là 650 đô la Mỹ, mang lại hàng trăm triệu đô la Mỹ lợi nhuận hằng năm. Đối với các nhà đầu tư, Perpetua Resources là khoản đầu tư dài hạn với tiềm năng tăng giá cao hơn so với việc rót tiền vào cổ phiếu của các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) vàng truyền thống, hoặc những doanh nghiệp khai khoáng lớn như Barrick Gold và Franco-Nevada.

Tuy nhiên, đầu tư vào Perpetua Resources cũng tiềm ẩn rủi ro. Từ tháng 2.2024, cổ phiếu công ty đã tăng gấp ba lần, vượt mốc chín đô la Mỹ, nhưng trước đó từng trải qua những biến động lớn. Sau khi đạt đỉnh 15 đô la Mỹ vào tháng 8.2020, giá cổ phiếu lao dốc xuống dưới hai đô la Mỹ vào cuối tháng 10.2022. Trong một thập niên qua, công ty lỗ tổng cộng 600 triệu đô la Mỹ, với 400 triệu đô la Mỹ dành cho quá trình cấp phép NEPA kéo dài tám năm và chi phí vận hành khoảng 20 triệu đô la Mỹ mỗi năm. Dù vậy, Perpetua Resources vẫn duy trì khoản nợ dài hạn ở mức 10 triệu đô la Mỹ.

Để huy động vốn xây dựng mỏ, công ty tìm kiếm tài trợ từ RBC Capital Markets và Endeavor Financial, đồng thời cân nhắc khoản vay tiềm năng 1,8 tỉ đô la Mỹ từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ (EXIM). Ngoài ra, khoản tín dụng thuế từ Đạo luật Giảm lạm phát năm 2022 có thể giúp bù đắp thêm 10% chi phí sản xuất antimon.

Mặc dù dự án tiến triển tốt, nhưng quá trình thực hiện vẫn tiềm ẩn rủi ro. Với việc cấp phép gần như hoàn tất, Laurel Sayer đã chuyển giao quyền điều hành cho CEO mới Jon Cherry, người từng dẫn dắt Công ty PolyMet Mining sau nhiều năm làm việc tại Rio Tinto. Cherry sẽ giám sát giai đoạn xây dựng, với 650 công nhân làm việc luân phiên theo ca, mô phỏng mô hình vận hành trên các giàn khoan dầu ở Vịnh Mexico.

Đối với Laurel Sayer, việc đo lường thành công rất đơn giản. “Tất cả những gì bạn cần làm là khôi phục môi trường sống cho cá hồi có thể quay về và sinh sản,” bà nói.


Biên dịch: Quỳnh Anh