Công nghệ

Nhật Bản lần cuối sử dụng tên lửa đẩy huyền thoại phóng vệ tinh lên quỹ đạo

17 giờ trước
Nguồn: Nikkei Asia

Nhật Bản vừa phóng 1 vệ tinh theo dõi thời tiết lên quỹ đạo, sử dụng tên lửa đẩy H-IIA. Đây là lần phóng cuối cùng loại hỏa tiễn huyền thoại này, trước khi thay bằng phiên bản mới có tính cạnh tranh hơn.

Tên lửa đẩy H-IIA chính thức nghỉ hưu sau 50 lần phóng chính thức. Ảnh: Nikkei Asia

Share
this:

Tên lửa đẩy H-IIA ngày 29.6 phóng lên từ trung tâm Tanegashima, mang theo vệ tinh quan sát trái đất GOSAT-GW. Vệ tinh được đưa lên quỹ đạo sau 16 phút.

Tên lửa đẩy H-IIA chính thức nghỉ hưu sau 50 lần phóng chính thức. Ảnh: Nikkei Asia

Mitsubishi Heavy Industries và Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) điều hành vụ phóng. Đây là chuyến bay thứ 50 của H-IIA, loại chuyên đưa tàu thăm dò và vệ tinh lên không gian. Tên lửa này lần đầu được phóng vào năm 2001, đã thực hiện gần như hoàn hảo mọi sứ mệnh.

Từ nay, tên lửa đẩy H3 sẽ thay thế H-IIA, với chi phí rẻ hơn và cạnh tranh tốt hơn trên thị trường vệ tinh thương mại toàn cầu.

H3 được kỳ vọng là tên lửa đẩy chủ lực của Nhật Bản trong tương lai, không chỉ phóng cho các tổ chức trong nước, mà sẵn sàng phục vụ khách nước ngoài với giá phải chăng.

Vệ tinh quan sát trái đất GOSAT-GW sẽ theo dõi các hiện tượng liên quan đến khí thải nhà kính.

H-IIA được Mitsubishi Heavy Industries phát triển. Trong suốt sự nghiệp chỉ thất bại đúng 1 lần vào năm 2003. Thành công đáng nhớ của H-IIA là đưa tàu đổ bộ mặt trăng SLIM của Nhật Bản vào không gian năm 2024, đưa tàu vũ trụ không người lái Hayabusa2 tiếp cận 1 tiểu hành tinh xa xôi năm 2014, cũng như đóng góp chung giúp chương trình không gian xứ hoa anh đào có bước tiến nhảy vọt.

Tên lửa H3 lớn hơn H-IIA, được phát triển bởi sự kết hợp giữa Mitsubishi Heavy Industries và Ishikawajima-Harima Heavy Industries (IHI). H3 mang tải trọng lớn hơn nhưng chi phí phóng chỉ bằng 1 nửa H-IIA. Dẫu vậy, giới chức Nhật muốn chi phí phóng giảm xuống nữa, để tiệm cận mặt bằng chung toàn cầu.

Sau lần thử nghiệm đầu tiên không thành công năm 2023, H3 đã có 4 lần liên tiếp thành công trong nỗ lực đưa vệ tinh lên không gian.

(Biên dịch: NVP)