Một cách nhìn đúng về các động lực tăng trưởng sẽ giúp chính sách điều hành kinh tế của Việt Nam “điểm đúng huyệt”, giúp nền kinh tế tăng tốc trong khi vẫn đảm bảo ổn định vĩ mô, thành tố quan trọng hàng đầu để tăng trưởng bền vững.
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (World Bank), giá trị xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam năm 2023 tương đương 94% GDP, đứng thứ 14 toàn cầu. Về giá trị, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tương đương 82% GDP. Để mường tượng độ lớn có thể so sánh hai thành tố quan trọng khác của tăng trưởng kinh tế Việt Nam là bán lẻ và đầu tư chỉ chiếm lần lượt 61% và 33% GDP.
Vì vậy xuất khẩu là động lực trực tiếp có tác động lớn nhất tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Mặt gián tiếp, xuất khẩu tạo ra công ăn việc làm và tạo ra thu nhập, tăng sức mua trong ngành bán lẻ. Năm 2023 khi xuất khẩu chậm lại, việc làm và thu nhập của người lao động giảm sút, chỉ số bán lẻ đã giảm xuống 7,1%.
Dù lãi suất năm qua được kéo xuống rất thấp và thuế VAT được giảm 2%, sức cầu tiêu dùng nội địa vẫn không cải thiện. Giai đoạn 2017–2019 trước đại dịch, chỉ số bán lẻ tăng trên 9%/năm cho dù lãi suất và mức thuế VAT cao hơn.
Xuất khẩu của Việt Nam đang phụ thuộc vào nhu cầu của các nền kinh tế lớn, đặc biệt Mỹ, EU, Hàn Quốc và Nhật Bản, bốn quốc gia chiếm tới 53% giá trị xuất khẩu hàng hóa. Sự sụt giảm xuất khẩu sang các thị trường này đã khiến tổng xuất khẩu giảm và làm chậm nhịp tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Năm 2023 xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Mỹ giảm 11,3%, EU giảm 6,7%, Hàn Quốc giảm 2,9% và Nhật Bản giảm 3,9%.
Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ước tính thương mại hàng hóa toàn cầu năm 2024 và 2025 sẽ tăng lần lượt 2,6% và 3,3% sau khi đã giảm 3% trong năm 2023. Bước sang năm 2024, các đầu tàu kinh tế thế giới đang lấy lại đà tăng trưởng tích cực. Sức mua cải thiện ở các nước phát triển đã tác động tích cực đến kinh tế Việt Nam.
Năm tháng đầu năm nay xuất khẩu hàng hóa tăng 15,2% trong khi cùng kỳ 2023 giảm 11,7%. Xuất khẩu sang Mỹ, EU, Hàn Quốc và Nhật bản đều quay lại quỹ đạo tăng trưởng, lần lượt tăng 34,7%, 16,3%, 8,2% và 7,5%. Tăng trưởng GDP quý 1.2024 của Việt Nam đã nhích lên mức 5,66% so với con số 3,32% của quý 1.2023. Dựa vào xu hướng này, chúng ta có thể tự tin kinh tế Việt Nam sẽ có tăng trưởng khả quan hơn giai đoạn 2024–2025.
Có thể tăng trưởng không còn là mối lo quá lớn nhưng một điểm yếu cố hữu trong cơ cấu kinh tế Việt Nam đang bộc lộ ngày một rõ nét. Đó là sự lệch pha giữa doanh nghiệp nội địa và khối doanh nghiệp FDI. Về xuất khẩu, khối FDI đang dẫn dắt chiếm tỉ trọng 72% tổng giá trị xuất khẩu, tương đương 59% GDP.
Đa phần nhóm doanh nghiệp FDI xuất khẩu những mặt hàng có giá trị cao như điện tử, điện thoại, máy móc thiết bị… Ngược lại, khối nội địa chiếm tỉ trọng nhỏ, xuất khẩu chủ yếu các mặt hàng nông, thủy sản, đồ gỗ và may mặc. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đang phụ thuộc lớn vào “sức khỏe” của khối FDI.
Trong khi đó mức độ lan tỏa từ khối FDI sang khối doanh nghiệp nội địa không cao. Tỉ trọng giá trị nhập khẩu trên xuất khẩu của khối FDI liên tục duy trì ở mức trên 81% qua nhiều năm. Điều này có nghĩa khối doanh nghiệp FDI mới chỉ dừng lại sử dụng những tư liệu sản xuất đơn giản như lao động giá rẻ, đất đai và nguyên vật liệu cơ bản (điện, nước, nhiên liệu, dịch vụ logistics).
Từ lâu nay, khối FDI gần như không có động thái chuyển giao công nghệ hay tìm cách tăng tỉ lệ nội địa hóa dù Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế khuyến khích và ưu đãi.
Ngược với khối FDI, sức cạnh tranh của doanh nghiệp nội địa còn khá yếu. Chẳng hạn nhiều công ty Thái Lan đã thâm nhập sâu và chiếm lĩnh thị trường bán lẻ tiềm năng của Việt Nam. Nhiều “đại gia” Thái Lan khác trở thành cổ đông lớn, sở hữu chi phối tại các công ty hàng đầu của Việt Nam như Sabeco, Vinamilk, Nhựa Bình Minh hay chuỗi siêu thị Big C và MM Mega Market Việt Nam (Metro Cash & Carry trước đây).
Ở chiều ngược lại, chưa có công ty Việt Nam đạt được vị thế tương tự tại các thị trường khu vực. Thậm chí tại những lĩnh vực đòi hỏi vốn và công nghệ như thương mại điện tử, các doanh nghiệp Việt Nam khó khăn tìm chỗ đứng ở ngay sân nhà.
Khối doanh nghiệp nhà nước, nhóm đang nắm giữ những nguồn tài nguyên quan trọng nhất thời gian qua không thể hiện được vai trò dẫn dắt nền kinh tế. Khối doanh nghiệp tư nhân xoay xở trong nhiều lĩnh vực cạnh tranh cao nên tốc độ tích lũy vốn và công nghệ chậm, làm giảm khả năng cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Đây là một lý do quan trọng khiến các doanh nghiệp Việt Nam thua trên chính sân nhà, chưa nói đến việc vươn tầm bước ra thế giới.
Doanh nghiệp là gốc rễ phát triển của nền kinh tế. Khi năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp ở mức thấp, tăng trưởng không thể cao. Thiếu những trụ cột từ doanh nghiệp nội địa thì chỉ cần một sự “đỏng đảnh” nào đó từ phía doanh nghiệp FDI, kinh tế sẽ bị ảnh hưởng.
Trong khi đó, các chính sách thúc đẩy tăng trưởng Việt Nam thời gian qua lại đang nói quá nhiều ở phía kích cầu, không phải kích cung, tức hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân.
Thực tế cả chính sách tài khóa và tiền tệ hiện nay đều đã bị kéo căng hết mức. Về phía tài khóa, Chính phủ đã giảm 2% thuế VAT và đẩy mạnh đầu tư công. Ngân sách cho đầu tư cơ bản năm 2024 đã dừng lại ở xấp xỉ 700 ngàn tỉ đồng, không thể tăng thêm. Về chính sách tiền tệ, lãi suất đã giảm xuống mức “thấp nhất 20 năm”, khó có thể giảm thêm.
Tuy nhiên, dù đã kéo căng như vậy, tăng trưởng kinh tế năm 2023 cũng chưa thể khả quan hơn. Một lý do đơn giản là thương mại toàn cầu, xuất khẩu hay hoạt động kinh doanh của khối FDI rất ít liên quan đến lãi suất tiền đồng. Doanh nghiệp FDI hoàn toàn có thể vay bằng đô la Mỹ với lãi suất thấp dựa vào mối gắn kết với ngân hàng nước ngoài.
Trong khi đó, giảm sâu lãi suất tiền đồng đang gây sức ép lên nhiều chỉ số vĩ mô quan trọng, rõ rệt nhất là tỉ giá. Kể từ đầu năm, đồng Việt Nam đã mất giá 5% so với đô la Mỹ. Trước năm 2022, tỉ giá rất ổn định, thậm chí tiền đồng còn lên giá. Kể từ năm 2022, tỉ giá liên tục chịu sức ép do lãi suất đồng Việt Nam giảm trong khi đô la Mỹ mạnh lên.
Vào đầu năm 2022, châu Âu xảy ra nhiều biến động địa chính trị, kéo theo giá hàng hóa tăng mạnh. Điều này đã khiến Fed cũng như hầu hết các ngân hàng trung ương trên thế giới phải tăng lãi suất nhằm đối phó lạm phát. Lãi suất đô la Mỹ đã tăng liên tục từ 0,25% lên 5,5%.
Tại khu vực ASEAN, Thái Lan và Indonesia cùng tăng lãi suất tám lần liên tiếp. Trong khi đó Việt Nam giảm lãi suất từ 4,5% xuống 3%. Để bình ổn tỉ giá, Ngân hàng Nhà nước đã phải can thiệp bằng việc hút thanh khoản, tăng lãi suất trên nghiệp vụ thị trường mở và bán dự trữ ngoại hối.
Điều duy nhất cơ quan này chưa làm trong năm 2024 là tăng lãi suất điều hành. Dẫu vậy trước sức ép lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh, các ngân hàng thương mại cổ phần đã bắt đầu chuyển hướng tăng lãi suất huy động.
Cần lưu ý rằng lãi suất cho vay, yếu tố quyết định đến việc hỗ trợ tăng trưởng không nhất thiết phải tăng theo lãi suất huy động. Nhìn lại giai đoạn đại dịch, các nhà băng đã giảm lãi suất cho vay chậm hơn lãi suất huy động, nhờ vậy lợi nhuận của ngành ngân hàng đã tăng mạnh. Giai đoạn hiện nay cũng là lúc các nhà băng cần chia sẻ thực chất hơn với doanh nghiệp bằng cách tăng lãi suất cho vay chậm hơn.
Trong tháng năm, Chính phủ ban hành chỉ thị tiếp tục giảm lãi suất cho vay thêm 1–2% trong năm 2024. Như vậy chính sách tiền tệ và định hướng lãi suất trong năm 2024 cần linh hoạt theo hướng tăng dần lãi suất huy động tiền đồng để hỗ trợ ổn định tỉ giá, trong khi giữ hoặc giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ tăng trưởng.
Như đề cập, kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng rất lớn bởi xuất khẩu và khối FDI. Nới lỏng tiền tệ và hạ lãi suất về lý thuyết có thể mang lại tăng trưởng, tuy nhiên xét trong bối cảnh Việt Nam, tác động tới tăng trưởng từ giảm lãi suất thực sự đang có khoảng cách.
Một ví dụ là đầu tư của khối tư nhân. Sau Nghị quyết 10/2017 về phát triển kinh tế tư nhân, đầu tư của khối này đã tăng tốc mạnh mẽ. Giai đoạn 2017–2019, trung bình tăng trưởng đầu tư của khối tư nhân là 18,4%, gấp đôi khối FDI (8,2%) và vốn đầu tư công (10,6%). Khối tư nhân đã thực sự là động lực chính kéo tổng đầu tư cũng như cả nền kinh tế trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, giai đoạn hậu COVID-19, trong môi trường lãi suất thấp, đầu tư của khối tư nhân chỉ tăng 5,2%, thấp hơn khối FDI (7,7%) và càng thấp hơn vốn đầu tư công (20%). Thị trường đầu ra bấp bênh, thủ tục pháp lý kéo dài, rủi ro kinh doanh gia tăng khiến các doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn cho dù lãi suất đã xuống đáy.
Do đó, quan điểm lâu nay về kích cầu, trong đó trọng trách được đặt lên chính sách tiền tệ, cần được xem xét lại.Chính sách kích cung, tức hỗ trợ doanh nghiệp cần phải được ưu tiên. Để hỗ trợ doanh nghiệp, các chính sách điều hành cần hướng đến cải thiện môi trường kinh doanh, bảo hộ có chọn lọc và chia sẻ nguồn tài nguyên từ phía doanh nghiệp nhà nước sang khối tư nhân. Có như vậy, khối tư nhân năng động mới có thể đẩy nhanh tốc độ tích lũy vốn và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Về phía doanh nghiêp nhà nước, cần phải có các chỉ tiêu “KPI” và trách nhiệm của lãnh đạo doanh nghiệp gắn với “KPI” Đây sẽ là bài học quan trọng để tiếp tục nâng cao hiệu quả của khối doanh nghiệp nhà nước, nơi sẽ vẫn tiếp tục nắm những nguồn lực quan trọng nhất của quốc gia.
Tóm lại, một cách nhìn đúng về các động lực tăng trưởng sẽ giúp chính sách điều hành kinh tế của Việt Nam “điểm đúng huyệt”, giúp nền kinh tế tăng tốc trong khi vẫn đảm bảo ổn định vĩ mô, thành tố quan trọng hàng đầu để tăng trưởng bền vững.
Theo Forbes Việt Nam số 130, tháng 6.2024
1 năm trước
Dò đường đến kỷ nguyên mới1 tháng trước
FED sẽ không giảm lãi suất trong năm 2025?1 tháng trước
Ông Trump đang khiến FED thay đổi quan điểm về lãi suất?1 tháng trước
Lo bất ổn toàn cầu, Indonesia chưa hạ lãi suất