Nhân vật

Nhà thiết kế thời trang đối mặt với vấn nạn mạo danh thời AI

5 tháng trước
Tác giả Cyrus Farivar

Ngoài hàng nhái, nhà thiết kế thời trang hiện phải giải quyết các vấn đề liên quan đến lừa đảo mạo danh trong thời kỳ AI.

Share
this:

Nhà thiết kế kiêm CEO của nhãn hiệu thời trang nhỏ Popflex quen với việc những kẻ lừa đảo nhái thiết kế của cô. Nhưng trong thời gian gần đây, cô còn đối mặt với một mối đe dọa mới. Có người sử dụng AI để hoán đổi khuôn mặt cô với người khác trong video tiếp thị sản phẩm.

Cassey Ho sở hữu nhãn hiệu thời trang năng động Popflex. Trong những năm qua, Cassey đối mặt với tình trạng nhái thiết kế, vấn nạn phổ biến của ngành thời trang.

Trong video đăng trên TikTok vào đầu tháng 5, Cassey Ho cho biết Bego hoán đổi khuôn mặt của mình trong một video cô đang làm mẫu cho chiếc váy giả quần. Ảnh: Cassey Ho/ Forbes 

Nhưng đầu tháng này, Cassey còn gặp phải vấn đề mới: một thương hiệu vô danh trên Amazon không chỉ nhái chiếc quần giả váy cô thiết kế mà còn sử dụng video của cô đang làm mẫu cho sản phẩm này, nhưng trong video, khuôn mặt của cô bị hoán đổi cho một người nào đó.

Cô nói với Forbes: “Tôi cảm thấy bị xâm phạm. Tôi xem qua video này và đó là cơ thể của tôi, nhưng khuôn mặt không phải. Bạn có cảm giác như mình bị cướp và lợi dụng.”

Hàng giả gần như là một vấn nạn lâu đời trong ngành thời trang, nhưng một số người cho rằng những tiến bộ mới trong AI khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn. Mọi thứ từ nhãn hiệu cao cấp đến áo thi đấu thể thao của người nổi tiếng đều bị nhái trong nhiều thập niên qua. Tình trạng này gần đây trở nên trầm trọng hơn trong thời đại thương mại điện tử và AI.

Nhiều công ty thời trang ở Trung Quốc bị cáo buộc về tội trộm cắp tài sản trí tuệ. Điển hình như hãng thời trang nhanh Shein bị kiện vì sử dụng trí tuệ nhân tạo lẫn thuật toán để biết rõ xu hướng thời trang và từ đó ra mắt hàng ngàn sản phẩm mới mỗi ngày. Trước đây, Shein đã nói với Forbes rằng công ty “xem xét nghiêm túc mọi khiếu nại về vi phạm bản quyền.”

Và giờ đây, hàng nhái được bán thông qua những video sao chép hình dáng của nhà thiết kế do AI tạo ra.

Mike Ryan, chuyên gia phân tích của Smarter Ecommerce, đã nhắn tin cho Forbes: “Hàng giả trở thành một vấn nạn kinh khủng trong nhiều năm qua.”

Tuy nhiên, ông nói thêm: “Có một sự khác biệt rất lớn giữa việc sao chép hình dáng của một vật và sao chép hình dáng người. Đó không chỉ là bảo vệ danh tiếng thương hiệu mà còn là bảo đảm an toàn cho cá nhân. Các nền tảng như Amazon phải nghiêm chỉnh thực hiện biện pháp ngăn chặn.”

Chiếc váy pirouette nguyên bản của Popflex. Ảnh: Popflex/ Forbes 

Sau khi Forbes thông báo cho Amazon về vụ việc này, công ty đã xóa các sản phẩm nhái chiếc váy Popflex của ba công ty trên những giao dịch mua bán trực tuyến.

Tim Gillman, phát ngôn viên của Amazon, cho biết công ty “nghiêm cấm bán hàng nhái và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trên cửa hàng của chúng tôi,” đồng thời nói thêm rằng công ty chủ động thực hiện “các biện pháp” để nhận dạng hàng giả.

Tuy nhiên, nhãn hiệu sản xuất váy giả, Begoing, vẫn bán các sản phẩm khác trên cả trang web của Amazon và Walmart. Begoing không trả lời yêu cầu bình luận của Forbes.

Cassey cũng nhiều lần kiện các hãng thời trang nhái thiết kế của cô. Năm 2023, cô cáo buộc Shein sao chép chiếc váy pirouette. Sau khi Taylor Swift mặc chiếc váy này trong lúc chơi ném bóng và buổi biểu diễn, chiếc váy đã được nhiều người yêu thích. Hiện Popflex đã bán hết sạch sản phẩm này.

Tuy nhiên gần đây, cô còn phải giải quyết vấn nạn các nhãn hiệu thời trang khác trộm cắp mẫu lẫn ảnh của khách hàng Popflex và đăng lên Amazon để rao bán những sản phẩm “nhái.”

Cassey Ho là nhà thiết kế kiêm CEO của Popflex. Ảnh: Cassey Ho/ Forbes

Cassey nói: “Chúng tôi chưa đồng ý, không ai trong chúng tôi được trả tiền.”

Cece Xie, cố vấn pháp lý của Popflex, nói với Forbes rằng nhiều quy định pháp luật được ban hành để góp phần giải quyết các vấn đề sở hữu trí tuệ trong ngành thời trang.

Các nhãn hiệu giám sát những sản phẩm có khả năng vi phạm và gửi thư yêu cầu người đó ngừng bán. Nhưng tốn nhiều công sức và chi phí để thực hiện. Về hành vi cắt ghép hình ảnh, người thực hiện đã xâm phạm đến uy tín của Cassey.

Juozas Kaziukėnas, CEO của công ty phân tích thương mại điện tử Marketplace Pulse, nói với Forbes rằng nhiều người sẽ gặp phải tình trạng như Cassey trong thời gian tới khi lừa đảo mạo danh gia tăng cùng với sự trỗi dậy của AI.

“Những kẻ lừa đảo sẽ sửa đổi các video đang lan truyền trên TikTok để tận dụng sự yêu thích của người xem,” Kaziukėnas nói. “Bạn bè sắp nhìn thấy ‘chính chúng ta’ đang quảng cáo những mặt hàng mà chúng ta không hề biết.”

Về phía Cassey, nhà thiết kế 37 tuổi này đang thực hiện thủ tục đăng ký sáng chế thiết kế để ngăn chặn người khác sao chép sản phẩm. Thậm chí cô còn tìm cách hợp tác với các công ty như Outtake AI và IPShark để phát hiện sản phẩm nhái thiết kế của cô, nhưng chi phí rất cao để thực hiện.

Cassey nói với Forbes: “Tôi không muốn dồn hết tiền vào cuộc chiến này khi bạn có thể đổi mới các mẫu thiết kế.”

Biên dịch: Gia Nhi