Giá cổ phiếu của hãng xe điện XPeng giảm xuống đã lấy đi gần 80% giá trị tài sản của nhà đồng sáng lập He Xiaopeng, hiện còn 1,4 tỉ USD.
Tỉ phú He Xiaopeng, đồng sáng lập hãng xe điện Trung Quốc XPeng, đã ghi nhận giá trị tài sản giảm gần 80% từ mức cao nhất trong năm 2021. Theo thống kê của Forbes, doanh nhân 46 tuổi hiện sở hữu khối tài sản ròng 1,4 tỉ USD.
Giá cổ phiếu của XPeng, niêm yết chứng khoán ở hai thị trường, đã giảm hơn 60% trong một năm qua, trở thành cổ phiếu có kết quả tồi tệ nhất lĩnh vực xe điện tại Trung Quốc. Đây là tín hiệu cho thấy khó khăn phía trước.
Những mẫu xe điện với thiết kế bóng bẩy của XPeng, hướng tới nhóm khách hàng trẻ am hiểu công nghệ, đối mặt với việc các đối thủ cạnh tranh, bao gồm cả Tesla, đang có động thái cắt giảm mạnh giá bán trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc phục hồi chậm ảnh hưởng đến tâm lý của người tiêu dùng.
“Môi trường cạnh tranh trở nên gay gắt hơn sau khi Tesla giảm khoảng 30.000 nhân dân tệ (4.300 USD) trong giá bán của một vài mẫu xe điện tại Trung Quốc. Điều này ảnh hưởng đến các thương hiệu nội địa có cùng vị thế trên thị trường,” Yale Zhang, giám đốc quản lý làm việc tại Thượng Hải của công ty tư vấn Automotive Foresight, cho biết.
Vào tháng 10.2022, Tesla đã nổ phát súng đầu tiên cho cuộc đua giảm giá xe điện tại Trung Quốc, khi hãng xe Mỹ muốn kích cầu tiêu dùng và mở rộng thị phần từ việc hạ giá thành của những mẫu xe bán chạy nhất là Model Y và Model 3. Hai mẫu xe này hiện có giá bán chỉ bằng 1/3 so với mức giá ở Mỹ.
Việc giảm giá bán của Tesla buộc các thương hiệu nội địa như XPeng và BYD của tỉ phú Vương Truyền Phúc phải giảm giá. Hồi tháng 1.2023, XPeng giảm 12,5% giá bán mẫu xe điện P7 xuống 31.000 USD, bằng với chiếc Model 3 của Tesla tại Trung Quốc.
Tuy vậy, Wang Hanyang, nhà phân tích làm việc tại Thượng Hải của 85 Research, nhận định XPeng đã không thành công trong việc dùng chiến lược trên làm “đòn bẩy” cho doanh số bán hàng, khi nhiều người mua ưu tiên BYD hoặc Tesla do đây là hai thương hiệu phổ biến hơn. Mặc dù Trung Quốc đã gỡ bỏ hầu hết các lệnh hạn chế phòng dịch COVID-19, số lượng xe bàn giao của XPeng trong quý 1.2023 giảm 18% xuống còn 18.320 chiếc so với quý trước đó.
XPeng đạt doanh thu 590 triệu USD, thấp hơn kỳ vọng và ghi nhận khoản lỗ tăng 38% lên 340 triệu USD so với năm 2021. Theo ước tính của hiệp hội vận tải ô tô Trung Quốc (CPCA), thị trường xe điện nước này được dự báo đạt doanh số 8,5 triệu xe điện trong năm 2023, giảm 30% so với năm 2022 khi chính phủ Trung Quốc cắt giảm các khoản trợ cấp.
Theo Wang Hanyang, XPeng cũng gặp vấn đề về chuỗi cung ứng, khi không đảm bảo đủ nguồn cung pin điện tử cho số lượng đơn hàng mẫu P7i, phiên bản cải tiến của P7 ra mắt vào tháng 3.2023.
Trong khi đó, những sai lầm trong cách tiếp thị của XPeng ảnh hưởng đến mẫu xe điện cao cấp SUV G9, ra mắt hồi tháng 9.2022 với giá bán lên đến 66.000 USD. Cả số lượng và doanh số bán hàng của mẫu G9 đều giảm xuống do tính phức tạp trong cách định giá, khiến nhiều người muốn mua xe cảm thấy bối rối về lựa chọn.
He Xiaopeng, đồng sáng lập XPeng vào năm 2014, cùng thời điểm khi ông bán lại công ty đầu tiên UCWeb cho tập đoàn thương mại điện tử Alibaba, tin rằng mình có thể giúp tình hình kinh doanh của công ty khởi sắc trở lại.
Vào tuần trước, khi công bố báo cáo kết quả cho quý kinh doanh đầu tiên, Xiaopeng cho biết ông “hoàn toàn tự tin sẽ giúp XPeng tăng trưởng trở lại” sau khi có sự thay đổi về chiến lược hoạt động, cơ cấu tổ chức và đội ngũ lãnh đạo.
Vào tháng 1.2023, Xiaopeng đã chiêu mộ Wang Fengpying – cựu giám đốc của Great Wall Motor vào vị trí chủ tịch để giám sát doanh số bán hàng và quá trình phát triển sản phẩm. Tháng 6 tới sẽ là giai đoạn thách thức đối với XPeng và công ty dự kiến trình làng mẫu xe điện G6.
XPeng sẽ áp dụng quy trình sản xuất mới, với tên gọi Sepa 2.0, và thiết kế mới cho mẫu SUV G6, cùng với hệ thống tự lái và vận hành do chính công ty này tự phát triển. Trong báo cáo thu nhập quý 1.2023, He Xiaopeng cho biết G6 sẽ là “một trong những mẫu xe sử dụng năng lượng mới (NEV) bán chạy nhất Trung Quốc, với giá bán từ 200.000-300.000 nhân dân tệ (28.000-42.000 USD).”
Các nhà phân tích vẫn có quan điểm đối lập. Trong một báo cáo công bố trên nền tảng Smartkarma, giám đốc quản lý làm việc tại Thâm Quyến của Blue Lotus Research Institute Shawn Yang nhận định, mẫu xe G6 có cơ hội rõ ràng hơn để giành lấy thị phần từ mẫu Model Y của Tesla khi có khả năng sạc nhanh hơn và phạm vị hoạt động dài hơn. Tuy vậy, nhóm nhà phân tích của CMB International, dẫn đầu là Shi Ji cho rằng G6 có thể đối mặt với sức cạnh tranh khốc liệt hơn dự báo của XPeng, khi giá bán mà mẫu xe hướng tới có mức độ cạnh tranh rất cao, theo báo cáo nghiên cứu cũng công bố trên Smartkarma.
“Mặc dù đây là mẫu xe mới, song chúng tôi dự báo mẫu G6 chỉ giúp lợi nhuận của XPeng tăng lên đôi chút trong năm 2023. Chúng tôi cũng cho rằng XPeng đã tạm ngưng việc tiến lên phân khúc cao cấp sau thất bại của mẫu G9, vì ban lãnh đạo công ty chia sẻ phần lớn trong 10 mẫu xe mở bán vào năm 2025 sẽ có giá bán từ 200.000-300.000 nhân dân tệ,” các nhà phân tích cho biết.
Theo Wang Hanyang, kết quả kinh doanh của G6 sẽ phụ thuộc vào giá bán, XPeng cần phải hy sinh một phần lợi nhuận để có giá thành thấp hơn mẫu Model Y, đồng thời mang đến các tính năng tân tiến hơn nhằm thu hút người tiêu dùng. Wang không loại trừ khả năng Tesla có thể đợt giảm nữa vào nửa cuối năm 2023, tạo ra thêm sức ép lên XPeng và các đối thủ cạnh tranh.
“Nếu phải chọn từ một trong hai cái tên, các nhà đầu tư sẽ thiên về công ty nào có nhiều số lượng xe bán ra hơn. XPeng không thể so bì với BYD và Tesla về thương hiệu, và sẽ không thể cạnh tranh lại nếu đưa ra những tính năng tương tự với cùng một mức giá,” Wang cho biết.