Mua nhà máy gạch men Bạch Mã và trang bị thêm dây chuyền mới, Viglacera đã chi 1.250 tỉ đồng và chính thức gia nhập top 20 doanh nghiệp ốp lát lớn nhất thế giới.
Sau hơn một năm thông báo mua lại nhà máy gạch Bạch Mã từ tập đoàn White Horse (Malaysia), tổng công ty Viglacera (HoSE: VGC) đã chính thức nhận bàn giao nhà máy này hôm 6.12 và đổi tên thành Mỹ Đức 2, phân biệt với nhà máy Mỹ Đức đã mua từ 2015. Tổng đầu tư của Viglacera với nhà máy này hiện đã là 1.250 tỉ đồng, bao gồm cho phần mua lại và đầu tư dây chuyền mới
Trước đó, nhà máy Bạch Mã là cơ sở sản xuất duy nhất của tập đoàn White Horse tại Việt Nam, được đầu tư từ năm 1996, có diện tích trên 280.000 m2 với tổng công suất 10 triệu m2 sản phẩm/năm. Nhà máy đã được trao chứng chỉ môi trường SIRIM của SIRIM QAS quốc tế, được công nhận về các tiêu chuẩn bảo vệ môi trường.
Với việc chính thức tiếp quản và vận hành nhà máy Bạch Mã, hiện Viglacera có 8 nhà máy và đạt công suất xấp xỉ 43 triệu m2 mỗi năm và trở thành doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng lớn nhất tại Việt Nam và nằm trong top 20 doanh nghiệp gạch ốp lát lớn nhất thế giới.
Tổng công ty thuộc bộ Xây dựng này là nhà sản xuất vật liệu và nội thất đã niêm yết trên sàn chứng khoán từ giữa năm 2019 và giá trị vốn hóa hiện đạt 1,1 tỉ USD. Hiện Viglacera là thành viên trực thuộc công ty cổ phần tập đoàn GELEX, doanh nghiệp nhiều năm liền nằm trong danh sách 50 công ty niêm yết tốt nhất của Forbes Việt Nam.
Xuất phát là một nhà sản xuất thiết bị điện, sau khi thực hiện nhiều thương vụ M&A, GELEX hiện kinh doanh đa ngành, từ thiết bị điện và vật liệu xây dựng đến hạ tầng điện, nước, đầu tư phát triển bất động sản, khu công nghiệp…
Trao đổi với Forbes Việt Nam, ông Quách Hữu Thuận, phó tổng giám đốc Viglacera cho biết, việc bàn giao nhà máy diễn ra chậm so với tiến độ do dịch bệnh diễn biến phức tạp, các lãnh đạo phía White Horse không thể sang Việt Nam. Trong thời gian qua, Viglacera đã làm việc và thực hiện đầu tư thêm dây chuyền sản xuất tấm porcelain khổ lớn cao cấp bằng công nghệ Continua+ của Sacmi (Ý).
Theo kế hoạch, tháng 3 và 4.2022, máy móc sẽ về tới để lắp đặt và tháng 8 sẽ có sản phẩm thương mại. Đây là dòng sản phẩm dùng trong trang trí nội ngoại thất, chuyên cung cấp cho thị trường miền Nam, khu vực được đánh giá luôn dẫn đầu về xu hướng thiết kế và kiến trúc.
Theo báo cáo kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh 11 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Viglacera ước đạt 124% kế hoạch năm, lãi tăng 533,7 tỉ đồng so với cùng kỳ.
1 tuần trước
Thị trường M&A Nhật Bản tăng mạnh năm 20241 năm trước
Bain&Co chính thức gia nhập thị trường Việt Nam