Hiện tại, hệ thống 120 nhà sách của Fahasa đều là nhà sách thông minh.
5 năm trước, Fahasa khai trương nhà sách thông minh đầu tiên tại trung tâm thương mại Aeon Mall Hà Đông, Hà Nội. Gần một năm sau, Fahasa tiếp tục ra mắt nhà sách thông minh thứ hai tại quận 7, TP.HCM.
Tình cảnh khắc nghiệt phải hạn chế tiếp xúc trong đại dịch khiến chuỗi nhà sách có bề dày lịch sử 48 năm tìm kiếm hướng đi mới: nhà sách thông minh. Tuy nhiên, từ đó, chuỗi nhà sách tìm thấy cơ hội “làm mới” hệ thống và đẩy mạnh tăng trưởng hậu đại dịch. Năm 2023, doanh thu công ty gần chạm mốc 4 ngàn tỉ đồng trong ngành sách, đạt mức doanh thu lớn nhất Việt Nam, và là một trong 25 Thương hiệu dẫn đầu năm 2024 do tạp chí Forbes Việt Nam thực hiện với giá trị thương hiệu hơn 45,2 triệu đô la Mỹ.
“Hiện tại, không còn nhà sách nào trong hệ thống 120 nhà sách của Fahasa là không thông minh,” anh Phạm Nam Thắng, sinh năm 1986, CEO Fahasa chia sẻ với Forbes Việt Nam vào một ngày cuối tháng 11.2024. “Khó khăn tạo anh hùng,” vị CEO sở hữu tấm bằng thạc sĩ công nghệ thông tin của Đại học Wake Forest (Mỹ), người đảm nhận vị trí tổng giám đốc Fahasa vào tháng 9.2021, đúng vào giai đoạn nhiều thách thức nhất của công ty nhớ lại. Bài toán anh và toàn đội ngũ phải giải là làm sao áp dụng công nghệ mới để đáp ứng nhu cầu mua hàng hạn chế tiếp xúc. Sau một thời gian mày mò, Fahasa chính thức ra mắt nền tảng vận hành nhà sách thông minh.
Những nhà sách thông minh đầu tiên của Fahasa chủ yếu phục vụ hai mục đích chính: định vị hàng và tự thanh toán, hay nói cách khác là giúp “tự động hoá” hành trình mua hàng. Cụ thể, Fahasa định vị hàng hoá chính xác trên mỗi kệ tại nhà sách và trang bị sẵn thiết bị cần thiết. Khách hàng vào nhà sách Fahasa có thể đi đến quầy tra cứu để tự tìm kiếm, tự in ra một bản đồ hướng dẫn đến đúng nơi có cuốn sách hoặc món văn phòng phẩm mình cần. Sau khi chọn lựa, khách tự quẹt thẻ để thanh toán và tự đóng gói trước khi ra về.
Tiền thân của Fahasa là Quốc doanh Phát hành sách, được thành lập chỉ một năm sau khi đất nước thống nhất. Chuỗi nhà sách mang tên hiện tại và chuyển thành công ty cổ phần từ năm 2006. Từ khi cổ phần hoá, Fahasa trải qua nhiều cột mốc quan trọng: chứng kiến sự bùng nổ của Internet, thương mại điện tử và nhu cầu số hóa để quản lý kinh doanh và sự phát triển nhanh của hệ thống nhà sách.
Tuy nhiên, phải đến những năm 2020-2021, khi “thấm đòn” đại dịch COVID-19, Fahasa mới thực sự đối mặt một trong những thử thách lớn nhất: doanh thu gần như bằng 0, chi phí mặt bằng và tiền lương cho hơn 2.000 nhân viên, kênh bán hàng thương mại điện tử bị tắc ở khâu giao hàng do quy định giãn cách giữa các quận, huyện. Tình thế cấp bách đẩy ban lãnh đạo Fahasa tìm đến ứng dụng công nghệ vào vận hành nhà sách thông minh.
Sau khi ứng dụng công nghệ, Fahasa giải tiếp bài toán khó hơn: làm sao tiếp tục đưa công nghệ cao vào nhà sách? “Thông minh ở đây không chỉ là tra cứu hay thanh toán, mà là tăng trải nghiệm mua sắm và giúp Fahasa thấu hiểu rõ hơn hành vi của khách hàng tại nhà sách,” vị CEO 8X nhận xét. Từng bước một, công ty áp dụng số hóa cho tất cả 120 nhà sách của Fahasa để khách hàng có thể dễ dàng tìm kiếm qua ứng dụng.
Không chỉ dừng lại ở vị trí, ý nghĩa “định vị hàng hoá” giờ đây còn là thông tin số lượng hàng bán được và tồn kho của một sản phẩm tại một thời điểm ở một nhà sách. Nhờ dựa trên thông tin vị trí, sức bán và tồn kho, hệ thống tự động đánh giá nhu cầu của khách hàng đối với một sản phẩm tại một nhà sách và phân tích xem tình trạng tồn kho có đáp ứng được nhu cầu đó hay không. Đồng thời, hệ thống sẽ đưa ra cảnh báo sớm để điều chuyển hàng hoá từ nơi này sang nơi khác.
Nhằm thấu hiểuhành vi mua sắm của khách hàng tại nhà sách, Fahasa đầu tư trang bị hệ thống camera thông minh và cảm biến. Mục đích để tìm ra thói quen mua sắm của khách hàng, hàng hoá trọng tâm có trưng bày đủ hấp dẫn khách chưa và khách có dừng chân ở khu vực đó hay không.
Theo anh Thắng, nâng cao trải nghiệm khách hàng và xác định lại những điểm nổi trội, khác biệt của Fahasa để lên chiến lược phát triển hàng hoá là trăn trở của ban lãnh đạo. Do đó, công ty dồn lực đầu tư đào tạo, tập huấn nhân viên để nâng cao mức độ hài lòng của khách hàng tại hệ thống bán lẻ hơn trăm cửa hàng của mình.
Nhờ vậy, năm 2022, khi dịch bệnh lắng xuống, khách hàng bắt đầu quay trở lại mua sắm tại nhà sách. Quá trình tập huấn cho nhân viên của Fahasa để tối ưu trải nghiệm mua sắm tại cửa hàng phát huy tác dụng. Các chức năng công nghệ giúp chuỗi nhà sách đáp ứng nhu cầu hàng hoá tốt hơn, giảm chi phí và giảm rủi ro. Kết quả: cả hai năm 2022 và 2023, Fahasa có doanh thu đều đặn hơn 3.900 tỉ đồng. Năm 2023, Fahasa đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế tăng 53% so với cùng kỳ, gần 70 tỉ đồng.
Thừa thắng xông lên, năm 2024, công ty tiếp tục cải tạo nhà sách hiện hữu và mở nhà sách mới. Tính đến cuối tháng 11.2024, Fahasa đã mở chín nhà sách mới. Công ty đặt mục tiêu doanh thu đạt 4.000 tỉ đồng trong năm nay, tăng 5% so với năm trước đó.
Một thống kê trích từ báo Vnexpress phỏng vấn đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, Việt Nam chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng mới đọc sách. Tuy nhiên, lại có đến 70% người dân sử dụng Internet, nằm trong nhóm đầu thế giới. Hành vi tiêu dùng chuyển dịch lên không gian mạng càng trở nên mạnh mẽ sau đại dịch, tác động đến các chuỗi nhà sách vật lý. Vài năm qua, một số tên tuổi quen thuộc của Việt Nam dần “biến mất,” một phần vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt với các ngành hàng khác đang tăng trưởng, một phần do sự thay đổi mạnh mẽ của văn hóa đọc.
Theo anh Thắng, hệ thống nhà sách truyền thống hiện đem về 90% doanh thu, nhưng Fahasa luôn bước song song vững chắc hai kênh cửa hàng vật lý và thương mại điện tử (với nhà sách trực tuyến fahasa.com và nhiều sàn thương mại điện tử). Lý do, dữ liệu từ kênh thương mại điện tử giúp công ty nhanh chóng nhìn thấy xu hướng mua sắm, đặc biệt ở giới trẻ, để kịp thời nắm bắt. Từ đó Fahasa luôn chủ trương nhắm đến vị trí hàng đầu về doanh thu bán sách trên các sàn thương mại điện tử mà mình có mặt.
Nhìn lại chặng đường chuyển đổi số mạnh mẽ của Fahasa trong những năm qua, vị thạc sĩ công nghệ thông tin cho rằng, công nghệ mới giúp ích nhiều nhất cho công ty ở hai lĩnh vực: phát triển kinh doanh và quản lý, giảm thiểu rủi ro. Với một công ty sở hữu 400 ngàn SKU (mã sản phẩm lưu kho) và chi phí tồn kho hàng ngàn tỉ đồng như Fahasa, bài toán khó thường trực luôn là: nên đặt hàng hóa nào cho nhà sách nào, tại thời điểm nào và giữ hàng hóa trong bao lâu?
Công nghệ mới đang giúp Fahasa sở hữu hệ thống tự đặt hàngcó khả năng trả lời tất cả những câu hỏi này. Thay vì cần rất nhiều nhân sự dùng công cụ excel như trước thì giờ đây công ty chỉ cần một người kiểm tra và xác nhận xem quyết định của hệ thống có đúng hay không. Theo tự bạch, chiến lược số hoá của Fahasa đã giúp công ty giảm đến 90% chi phí cho giấy tờ và tăng năng suất lao động 60–70%.
Vậy sau khi số hóa, Fahasa tối ưu nguồn nhân lực ra sao? Câu trả lời được công ty tính sẵn: Fahasa thành lập đội ngũ lên đến gần 50 người để tập trung phân tích kinh doanh. Nhiệm vụ của đội ngũ này là dùng hệ thống báo cáo phân tích số liệu BI (Business Intelligence) để phân tích tất cả xu hướng mua sắm tại Fahasa, bao gồm những dấu hiệu đột biến, những điểm nhấn cũng như rủi ro trong kinh doanh của Fahasa, sau đó thông báo cho hệ thống để điều chỉnh. Chẳng hạn, khi một loại hàng hoá tại một khu vực nào đó có chuyển động nhỏ đáng chú ý về mặt xu hướng mua sắm, sau khi phân tích, hệ thống sẽ thông báo cho mọi nhà sách của Fahasa để kịp thời chuẩn bị.
Ngoài ra,áp dụng trí tuệ nhân tạo là ưu tiên lớn hiện nay của Fahasa trên con đường thúc đẩy hệ thống 120 nhà sách trở nên “thông minh hơn.” Bởi xu thế mới làm nảy sinh nhiều bài toán mới và ngày càng khó giải. Ví dụ: tại sao cùng một sản phẩm, cùng một nhóm nhà sách trong cùng một thị trường mà nhà sách A lại bán tốt hơn nhà sách B? Những nhà sách bán chưa tốt có thể thay đổi cách trưng bày hàng hoá ra sao để nâng cao hiệu quả? “Thị trường sẽ luôn có những ẩn số. Việc của tôi là giúp cho đội ngũ Fahasa ngày càng mạnh hơn để có thể chuẩn bị sẵn sàng cho những thử thách mới,” CEO Phạm Nam Thắng nhìn nhận.
Bất chấp những thay đổi của thị trường và chiến lược đi kèm, CEO Fahasa nhìn nhận sách luôn là một phần linh hồn quan trọng của thương hiệu Fahasa. Do đó, công ty tìm cách giữ gìn và phát triển sách hay để thu hút độc giả ngay trong từng mảng nhỏ như sách văn học, sách kinh tế, sách nuôi dạy con… Còn các mảng ngoài sách như văn phòng phẩm, đồ chơi, dụng cụ học tập, công ty thúc đẩy kinh doanh bằng cách nhạy bén nắm bắt xu hướng. “Sách thì phải đi sâu, còn hàng hóa ngoài sách thì phải đi nhanh,” anh Thắng đúc kết.