Nhà khoa học Gibbs Kuguru đang hợp tác với Ritz-Carlton Maldives, quần đảo Fari để bảo tồn đại dương và cá mập.
Nhà thám hiểm Gibbs Kuguru của National Geographic cảm thấy khó chịu khi nghe mọi người thường hay gọi những chú cá mập là sát thủ đại dương. Nhà khoa học cũng là chuyên gia thực hiện những hoạt động bảo tồn nghĩ rằng cá mập cùng với các sinh vật khác ở đại dương xứng đáng được chúng ta tôn trọng.
Forbes nói chuyện với Kuguru để hiểu chính xác những gì cần làm cho hoạt động quảng cáo hình ảnh của cá mập cũng như làm sao để du khách có cách nghĩ khác khi nhắc đến cá mập – cũng như đại dương nói chung.
Tại sao ông lại chọn bảo tồn cá mập? Điều gì làm ông đam mê chúng đến như vậy?
Tôi không thể cưỡng lại được những điều bí ẩn, và cá mập luôn mang đến cảm giác hồi hộp. Hành vi bí ẩn, lịch sử tiến hóa, và cấu tạo cơ thể gần như hoàn hảo của cá mập giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cách chúng cố gắng vượt qua 5 cuộc đại tuyệt chủng trong ngàn năm nay.
Là một chuyên gia di truyền học, tôi tin rằng có những bí mật hấp dẫn giúp chúng ta hiểu rõ hơn về thế giới tự nhiên. Một phần nào đó, tôi cảm thấy mình giống như nhà báo điều tra, nhưng tìm hiểu về những chú cá mập.
Ông có thể kể về một ngày bình thường của nhà thám hiểm làm việc ở National Geographic?
Đối với những nhà thám hiểm như tôi, hầu như không có những ngày “bình thường” vì dường như mọi khoảnh khắc rất mạo hiểm. Tất cả đều là những cuộc phiêu lưu cho dù nơi tôi nghiên cứu cá mập giữa biển khơi dưới trời nắng hay trong phòng thí nghiệm lâm sàng, sạch sẽ để tách chiết DNA từ mẫu mô.
Gần đây, tôi tận dụng sức mạnh của khoa học máy tính để thực hiện quá trình phân tích mã di truyền của cá mập. Mỗi bước trong cuộc hành trình này đều có những thách thức riêng, nhưng chính điều đó làm cho tôi ngày càng cảm thấy đam mê công việc này.
Phần thưởng xứng đáng nhất khi trở thành một nhà khoa học là gì? Làm thế nào bạn biết mình muốn theo đuổi những hoạt động nghiên cứu và bảo tồn?
Phần thưởng xứng đáng nhất khi trở thành một nhà khoa học là biết rõ hơn về sự thật. Trong thế giới của tôi, điều đó có nghĩa là làm sáng tỏ bản chất thực sự của cá mập thông qua những bí mật được mã hóa trong DNA của chúng. Chính nghiên cứu di truyền tôi thực hiện khơi dậy niềm khao khát theo đuổi những hoạt động bảo tồn.
Khi nghiên cứu chuyên sâu về cấu trúc di truyền của cá mập, tôi nhận thấy rằng chúng đang có nguy cơ tuyệt chủng do hành vi đánh bắt quá mức, buộc chúng phải quan hệ huyết thống để tồn tại. Chính vì điều đó, chúng không còn được đa dạng như trước nữa. Hiện, chúng tôi đã khám phá ra các mảnh ghép DNA phức tạp của những chú cá mập này.
Bạn có thể giảng giải rõ hơn về nghiên cứu đang thực hiện như đang nói cho một đứa trẻ 5 tuổi không?
Tôi đang sử dụng di truyền học để tìm hiểu về cách cá mập sống trong đại dương. DNA của chúng kể cho tôi nghe những câu chuyện về cộng đồng mà có thể giúp tôi tìm hiểu xem họ khỏe mạnh hay yếu đuối, cũng như cần giúp đỡ không. Hiện cá mập cần chúng ta giúp hơn bao giờ hết. Đó là lý do tôi muốn trở thành một nhà bảo tồn sau khi thực hiện những nghiên cứu trên.
Mọi người thường có những quan niệm sai nào về công việc và nghiên cứu của ông?
Tôi từng nghĩ rằng cá mập là loài động vật đơn độc, không giao thiệp với các thành viên khác trong loài của chúng. Tuy nhiên, bằng chứng chỉ ra rằng một số loài cá mập có quan hệ rộng để tăng cơ hội sống sót. Chúng thực sự là động vật giao tiếp tốt. Thú vị nhất, chúng tôi cũng phát hiện ra rằng cá mập có nhiều tính cách độc đáo, mà có thể đó là yếu tố chính ảnh hưởng đến cấu trúc xã hội của chúng.
Vậy chúng có nguy hiểm như mọi người thường nghĩ không?
Bạn luôn gặp nguy hiểm khi nghiên cứu bất kỳ động vật hoang dã nào. Bạn đều phải cẩn thận. Nhưng đây là sự thật: cá mập không phải là loài hung dữ, hay thay đổi do chúng ta có thể hiểu và biết cách tương tác an toàn. Khi lặn cùng với cá mập, quan trọng nhất bạn phải biết những điều kiện tốt nhất để đảm bảo an toàn. Đó là tất cả những gì cần truyền thông để nâng cao nhận thức cho thợ lặn cũng như bảo vệ cá mập, một yếu tố quan trọng cho sự tương tác hài hòa! Cho đến nay, tôi chưa gặp phải bất kỳ sự cố gây thương tích nào, nhưng cũng đã trải qua rất nhiều giây phút thử thách lòng can đảm.
Phần khó khăn nhất trong công việc hoặc nghiên cứu của bạn là gì?
Thách thức lớn nhất của tôi ư? Là “bậc thầy” truyền thông về cá mập! Dù bạn có tin hay không, tôi cũng từng sợ chúng, vì vậy tôi hiểu cách mọi người cảm nhận về chúng. Rào cản chính nằm ở việc thay đổi thái độ của xã hội đối với cá mập do chúng ta thấy nhiều tiêu đề giật gân vẽ nên một bức tranh không chính xác về HÀM CÁ MẬP!. Cách giải quyết duy nhất cho những thông tin sai lệch này là tiếp xúc trực tiếp cá mập.
Làm việc ở Maldives giúp bạn có hoặc thay đổi cách tiếp cận nghiên cứu như thế nào?
Maldives có 99% diện tích là biển, điều đó có nghĩa rằng cảnh biển chính là đặc điểm nổi bật nhất của quốc đảo này. Đó là một thế giới hoàn toàn mới đối với tôi, đòi hỏi phải nghiên cứu tỉ mỉ về độ sâu của quần đảo vì điều này ảnh hưởng mạnh đến các loài động vật hoang dã dưới nước.
Tuy nhiên, còn có nhiều yếu tố khác cũng góp phần quan trọng, nhưng chưa được biết đến. Thật lạ kỳ, thông qua những nỗ lực nghiên cứu gần đây, tôi đã phát hiện ra rằng cá mập vây đen (Blacktip Reef) của Maldives thật sự hoạt động mạnh hơn vào dịp trăng tròn. Nên những đêm trăng tròn là dịp tốt nhất để ngắm chúng.
Cách nào để du khách có thể góp phần tham gia vào những hoạt động bảo tồn chúng?
Ở Maldives, du khách có thể tham gia hoạt động thông qua những chương trình lặn cùng với cá mập. Đó không chỉ là cuộc phiêu lưu ly kỳ mà là khoản đầu tư cho tương lai. Nghiên cứu cho thấy rằng mỗi chú cá mập sẽ đóng góp 3.000 USD mỗi năm vào GDP quốc gia thông qua chương trình bơi cùng cá mập. Giá trị đóng góp này lớn hơn so với mức 32 USD rất thấp nếu bán chúng ở chợ hải sản. Mỗi vị khách tham gia chuyến lặn biển đều trở thành những người đóng góp trực tiếp cho hoạt động bảo tồn các loài.
Để hỗ trợ sáng kiến này, The Ritz-Carlton Maldives, quần đảo Fari đã thực hiện một số chương trình thú vị để giáo dục du khách về những hoạt động bảo tồn cũng như bảo vệ môi trường. Thông qua chương trình Đại sứ môi trường của Jean-Michel Cousteau, du khách có thể khám phá và hòa mình vào thiên nhiên, ngắm các rạn san hô, lái tàu ngầm dưới nước hay tham gia những lớp mô phỏng máy bay không người lái để xác định sinh vật cũng như phát hiện nhựa lẫn chất thải trong biển. Từ đó, du khách có thể tìm hiểu về những điều kỳ diệu của đại dương và tầm quan trọng của việc bảo tồn.
Ông còn muốn chia sẻ thêm những thông tin khác về nghiên cứu/ sự hợp tác với Ritz-Carlton hoặc về chương trình du lịch, bơi cùng cá mập không?
Hợp tác chính là hoạt động chủ yếu trong hoạt động bảo tồn. Vì vậy, tôi cảm thấy việc tìm kiếm những đối tác có chung tình yêu sâu sắc đối với môi trường là điều vô cùng quan trọng. Đó là lí do tại sao tôi luôn cảm thấy thú vị trong thời gian tôi ở The Ritz-Carlton Maldives, quần đảo Fari. Họ đã nỗ lực hết sức để thể hiện cam kết vững chắc đối với việc bảo tồn và phát triển bền vững thông qua các sáng kiến mang tính đột phá.
Thông qua chương trình Community Footprints, họ kêu gọi cộng đồng xung quanh và du khách tham gia lực lượng bảo vệ môi trường. Mỗi tháng, họ giới thiệu với du khách các hoạt động hấp dẫn xoay quanh việc giám sát ô nhiễm, bảo vệ thiên nhiên và hỗ trợ nghiên cứu quan trọng. Ritz-Carlton Maldives, quần đảo Fari là hình mẫu trong đầu tư vào đại dương, với những giấc mơ bảo tồn trở thành hiện thực!
Biên dịch: Gia Nhi
———————-
Nỗ lực gìn giữ và bảo tồn rạn san hô từ hòn đảo Tahiti
Dự án tái tạo cá mập đầu tiên trên thế giới đạt thành công
6 tháng trước
Forbes Việt Nam số 127: Công nghiệp bán dẫn3 tháng trước
2 tuần trước
11 tháng trước
Bán trải nghiệm hài lòng