Xu hướng

Nhà giả kim Bitcoin

Hầu hết mọi người đánh giá khoản đầu tư vào Bitcoin của tỉ phú MICHAEL SAYLOR là một “canh bạc” lớn. Tuy nhiên, thực chất đây là kế hoạch đã được ông tính toán kỹ lưỡng, vận dụng cơ chế tài chính truyền thống để khai thác tiềm năng từ cơn sốt tiền mã hóa.

Tỉ phú Michael Saylor; Ảnh Jamel Toppin chụp cho Forbes

Share
this:

Đêm giao thừa tại biệt thự Villa Vecchia là buổi tiệc rực rỡ sắc cam và vàng, tựa như bước ra từ những cuộc vui hào nhoáng, xa hoa nhất trong tác phẩm của nhà văn lẫy lừng F. Scott Fitzgerald. Hơn 500 người chen chúc nhau trên những bãi cỏ xanh mướt được cắt tỉa cẩn thận trong khuôn viên biệt thự trăm năm tuổi tại Miami Beach, Florida, nơi có phòng khiêu vũ lấy cảm hứng từ cung điện hoàng gia Versailles ở Pháp. Dinh thự này từng đón tiếp các nhân vật nổi tiếng như Margaret Thatcher, Henry Kissinger và Mikhail Gorbachev.

Tuy vậy, đây không phải buổi tiệc chào đón năm mới 2025, mà để ăn mừng việc giá trị Bitcoin vượt ngưỡng 100 ngàn USD. Bitcoin hiện diện khắp sự kiện, từ món khai vị có logo hình chữ “B” đặc trưng được các nhân viên phục vụ cùng sâm panh trên chiếc khay màu bạc, cho đến dàn vũ công trong bộ đồ bó màu vàng đính những quả cầu màu cam rực rỡ để tôn vinh hai màu sắc biểu tượng của loại tiền mã hóa này. Ở giữa sân vườn đặt lá bài tây “K” (quân già) khổng lồ, với khuôn mặt của nhà vua được thay thế bằng chữ “B.”

Không chỉ thế, buổi tiệc còn diễn ra sôi động trên siêu du thuyền dài 46m mang tên Usher, sáng lấp lánh trên đường chân trời của thành phố Miami. Đây là chiếc du thuyền từng xuất hiện trong loạt phim truyền hình Entourage phát sóng từ năm 2015. Hàng dài xe đưa đón tấp nập ra vào, mang theo dòng người không ngớt gồm các nhân vật cấp cao về Bitcoin, người có sức ảnh hưởng và quan trọng nhất là các nhà đầu tư tổ chức. Toàn bộ quan khách đều diện bộ trang phục màu cam kèm theo món phụ kiện, trang sức có logo Bitcoin. Sự kiện trang bị hai màn hình khổng lồ, trình chiếu các đoạn video dự báo giá của Bitcoin sẽ tăng lên hàng triệu USD trong lúc DJ đội chiếc mũ phi hành gia khuấy động không khí bằng những giai điệu mạnh mẽ, trầm vang giữa những hàng cây cọ đung đưa qua lại.

“Tôi thấy hơi nhàm chán với những tin tốt như vậy rồi,” một khách mời dí dỏm nói, trên đầu đội mũ lưỡi trai mang dòng chữ “SATOSHI NAKAMOTO” – bí danh của người đã tạo ra Bitcoin. Danh tính của vị khách này là David Bailey, CEO 34 tuổi của BTC Inc., nhà xuất bản tạp chí Bitcoin Magazine. Hồi tháng 7.2024, Bailey đã tổ chức một hội nghị Bitcoin, nơi ông Donald Trump tuyên bố sẽ biến nước Mỹ thành “cường quốc tiền mã hóa” và lập quỹ dự trữ quốc gia cho đồng tiền này.

Người chủ trì buổi tiệc và sở hữu ngôi biệt thự Villa Vecchia là Michael Saylor. Ông bước len lỏi qua đám đông trong bộ trang phục quen thuộc gồm áo khoác đen, quần jean xanh và áo thun in logo Bitcoin. Doanh nhân 59 tuổi vui vẻ bắt tay và chụp ảnh selfie theo yêu cầu. Ở đây, Bitcoin được xem như “đức tin” và Saylor là “nhà tiên tri” của nó.

Tiền mã hóa đánh dấu “sự tái sinh” đối với Michael Saylor, người từng thành công rồi thất bại – mất hơn mười tỷ USD trong thời kỳ bong bóng dot-com (cuối thập niên 1990 đến đầu thập niên 2000). Khi ấy, MicroStrategy, công ty phát triển phần mềm do Saylor đồng sáng lập năm 1989 ngay sau khi tốt nghiệp MIT, đang tập trung khai thác dữ liệu và phần mềm kinh doanh thông minh nhằm chuẩn bị cho sự bùng nổ của thị trường rồi đột ngột vấp phải cáo buộc từ Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC) về sai phạm trong việc kiểm toán. Vào năm 2000, doanh nghiệp có trụ sở tại Tysons Corner, Virginia đã chấp nhận nộp phạt để dàn xếp với SEC và công bố lại kết quả tài chính cho những năm trước.

Trong hai thập niên sau đó, việc kinh doanh của MicroStrategy dậm chân tại chỗ, doanh thu ảm đạm và vốn hóa thị trường chỉ quanh mức một tỷ USD. Bước ngoặt đến vào năm 2020, khi Michael Saylor thay đổi chiến lược hoạt động của MicroStrategy, chuyển sang tập trung vào Bitcoin.

Năm ngoái, giá của Bitcoin đã tăng gấp đôi và vượt mốc 100 ngàn USD vào đầu tháng 12.2024, sau khi SEC cấp phép cho các tập đoàn tài chính như BlackRock và Fidelity triển khai hoạt động của các quỹ ETF (quỹ hoán đổi danh mục) về Bitcoin. Trước thềm Giáng sinh, MicroStrategy gia nhập chỉ số Nasdaq 100, tạo lực đẩy cho cổ phiếu công ty với mức tăng hơn 700%. Cũng trong năm 2024, MicroStrategy đã phát hành trái phiếu để huy động vốn đầu tư vào Bitcoin và hiện là tổ chức sở hữu Bitcoin lớn thứ hai thế giới với số lượng 417.017 Bitcoin, chỉ xếp sau Satoshi Nakamoto – người được cho là nắm giữ một triệu Bitcoin. Trong năm 2024, khối tài sản ròng của Michael Saylor đã tăng từ 1,9 lên 7,6 tỷ USD. Một tháng sau khi bước sang năm mới 2025, con số này chạm mốc 9,4 tỷ USD.

Cổ phiếu MicroStrategy tăng mạnh khiến giới phê bình và các nhà giao dịch bán khống tỏ ra hoài nghi. Làm thế nào một công ty chỉ nắm giữ 48 tỷ USD Bitcoin lại có vốn hóa thị trường lên đến 84 tỷ USD? Kết quả này đạt được nhờ MicroStrategy đang khéo léo cân bằng giữa hai môi trường hoạt động khác nhau. Một mặt, công ty tuân thủ theo quy tắc tài chính truyền thống, phát hành trái phiếu và vốn chủ sở hữu. Mặt khác, MicroStrategy nắm bắt cơ hội từ niềm tin tuyệt đối từ những người ủng hộ trung thành của Bitcoin.

Yếu tố thúc đẩy thành công của MicroStrategy đến từ việc công ty tận dụng tính biến động – đặc điểm cốt lõi của Bitcoin. Nhà đầu tư truyền thống thường né tránh biến động vì rủi ro cao, trong khi các nhà giao dịch quyền chọn, quỹ phòng hộ và nhà đầu cơ lại xem đó là cơ hội sinh lời, giúp cổ phiếu MicroStrategy trở thành một trong những mã sôi động nhất thị trường. Nhờ vậy, dù chỉ đạt doanh thu khiêm tốn 496 triệu USD, cổ phiếu công ty của Michael Saylor vẫn có khối lượng giao dịch ngang bằng nhóm bảy tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới: Meta, Apple, Alphabet, Microsoft, Amazon, Tesla và Nvidia.

“Nhiều người cảm thấy thật khó tin và đặt câu hỏi ‘Vì sao một công ty nhỏ như MicroStrategy lại có thanh khoản tốt như vậy?’ Câu trả lời là chúng tôi xây dựng chiến lược huy động và xoay vòng vốn lấy Bitcoin làm trọng tâm. Chúng tôi để cổ phiếu biến động theo giá Bitcoin, giúp các quyền chọn và trái phiếu chuyển đổi của công ty trở nên hấp dẫn và hoạt động tốt nhất trên thị trường,” Michael Saylor chia sẻ.

Niềm tin của Michael Saylor vào sức hút của số trái phiếu chuyển đổi trị giá 7,3 tỷ USD mà MicroStrategy đã phát hành từ năm 2021 là có cơ sở. Giá cổ phiếu MicroStrategy thay đổi theo độ biến động của Bitcoin trong suốt phiên giao dịch, qua đó làm tăng biến động dự đoán (implied volatility – thuật ngữ chỉ thước đo kỳ vọng của thị trường đối với biến động trong tương lai) của quyền chọn trong trái phiếu chuyển đổi. Khác với trái phiếu thông thường, trái phiếu chuyển đổi giống như của MicroStrategy mang lại sự an toàn cho các nhà đầu tư khi cho phép họ chuyển đổi thành cổ phiếu ở mức giá cố định trước thời điểm đáo hạn. Các nhà giao dịch quen thuộc với công thức định giá quyền chọn Black-Scholes đều hiểu rằng biến động dự đoán cao hơn sẽ làm tăng giá trị quyền chọn. Do đó, Saylor có thể phát hành số trái phiếu này với lãi suất gần như bằng không.

Đến nay, MicroStrategy đã phát hành sáu trái phiếu chuyển đổi, kỳ hạn từ năm 2027–2032 với lãi suất 0-2,25%. Trên thị trường trái phiếu đại chúng hiện nay – nơi thanh khoản ngày càng thu hẹp do sự gia tăng của tín dụng tư nhân, các nhà đầu tư tổ chức đang săn tìm những khoản đầu tư mang lại lợi nhuận cao. Trái phiếu của MicroStrategy đáp ứng được nhu cầu đó. Không chỉ là một trong số ít phương thức để các nhà đầu tư lớn như doanh nghiệp bảo hiểm Đức Allianz và State Street tiếp cận tài sản số, đây còn là một trong những trái phiếu có hiệu suất tốt nhất thị trường với mức tăng trưởng lợi nhuận vượt 250% kể từ khi phát hành. Ngay cả lô trái phiếu kỳ hạn năm năm trị giá ba tỷ USD, lãi suất 0% và giá chuyển đổi là 672 USD (cao hơn 80% so với giá cổ phiếu hiện tại) mà MicroStrategy phát hành hồi tháng 11.2024 cũng đã tăng đến 89% chỉ trong vài tháng.

Michael Saylor hiểu rằng các nhà đầu tư tổ chức thường đánh giá dựa trên hiệu suất hằng quý, sẽ tiếp tục mua trái phiếu của MicroStrategy để tối ưu hóa lợi nhuận trong danh mục đầu tư. Thông thường, việc phát hành lượng lớn trái phiếu sẽ làm pha loãng cổ phiếu. Nhưng trong trường hợp của MicroStrategy, điều này lại tạo hiệu ứng tích cực vì trái phiếu phản ánh nhu cầu tương lai đối với cổ phiếu ở mức giá cao hơn. Kể từ năm 2020, số lượng cổ phiếu đang lưu hành của MicroStrategy đã tăng đáng kể từ 97 triệu lên 246 triệu, thông qua phát hành thứ cấp và trái phiếu chuyển đổi. Trong cùng kỳ, giá cổ phiếu của công ty tăng vọt 2.666%. Tháng 1.2024, các cổ đông đã bỏ phiếu đồng thuận nâng số lượng cổ phiếu được phép lưu hành của công ty lên 10,3 tỷ. MicroStrategy đã tạo ra một chu kỳ tự vận hành và lặp lại: phát hành hàng tỷ USD nợ và vốn chủ sở hữu có chi phí thấp hoặc bằng không, đẩy giá Bitcoin cũng như cổ phiếu vốn đã biến động mạnh của công ty lên cao hơn nữa.

“MicroStrategy đã tận dụng sự thiếu ổn định trên thị trường tài chính để thành công,” Richard Byworth, từng là nhà giao dịch trái phiếu chuyển đổi tại Nomura và giám đốc quản lý của Syz Capital, quỹ đầu tư thay thế có trụ sở tại Zurich, Thụy Sĩ, nhận định.

Michael Saylor là người ủng hộ nhiệt thành và không ngần ngại quảng bá cho Bitcoin. Tháng 8.2024, ông giới thiệu một thước đo tài chính mới mang tên Bitcoin Yield (BTC Yield). Khác với các thước đo thông thường theo dõi lợi nhuận, BTC Yield chỉ ghi nhận sự thay đổi trong tỷ lệ Bitcoin mà MicroStrategy sở hữu so với cổ phiếu đã pha loãng hoàn toàn của công ty qua thời gian. Ban đầu, Saylor đặt mục tiêu tăng trưởng hằng năm cho BTC Yield ở mức 4–8%. Tuy nhiên, đến tháng 1.2025, công ty báo cáo BTC Yield tăng 48% trong quý IV và 74,3% cho cả năm 2024. Đó là những con số ấn tượng, dù vô nghĩa theo tiêu chuẩn tài chính truyền thống nhưng lại đủ sức khuấy động tinh thần của những người ủng hộ Saylor.

Ben Werkman, cựu chuyên gia ngân hàng thương mại, cố vấn và là nhà đầu tư sớm vào chiến lược Bitcoin của MicroStrategy, cho rằng không nên định giá công ty theo cách truyền thống, bởi Michael Saylor không tập trung vào số liệu tài chính thông thường. Thay vào đó, doanh nhân này thiên về giá trị tài sản ròng, tận dụng “sức mạnh” trên bảng cân đối kế toán của MicroStrategy, đồng nghĩa với việc không ngừng mua thêm Bitcoin.

MicroStrategy đang làm đúng như vậy. Vào tháng 10.2024, Michael Saylor đã công bố kế hoạch táo bạo mang tên “21/21,” đặt mục tiêu huy động 42 tỷ USD trong ba năm tới – chia đều giữa vốn chủ sở hữu và nợ – để đầu tư thêm vào Bitcoin. Chỉ riêng hai tháng 11 và 12.2024, công ty đã mua gần 200 ngàn Bitcoin có giá trị khoảng 18tỷ USD.

Chiến lược này sẽ hoạt động hiệu quả, miễn là giá Bitcoin tiếp tục tăng. Tuy nhiên, điều gì sẽ xảy ra nếu Bitcoin đột ngột giảm mạnh như nhiều lần trước đó?

 “MicroStrategy là kênh giao dịch rủi ro liên quan đến Bitcoin có tính thanh khoản cao nhất—trên thị trường giao ngay lẫn thị trường quyền chọn.” 


—Jeff Park (Bitwise) nhận xét về MicroStrategy 

Saylor lập luận rằng trừ khi đây là cuộc khủng hoảng tài chính thực sự, nếu không thì MicroStrategy vẫn sẽ nằm trong “vùng an toàn.” Kịch bản xấu chỉ xảy ra khi giá Bitcoin giảm hơn 80% so với mức 100 ngàn USD, duy trì như vậy trong ít nhất hai năm tới và công ty không còn khả năng đáp ứng nghĩa vụ tài chính. Nhận định này một lần nữa cho thấy khả năng khéo léo của ông trong việc khai thác thị trường vốn và nắm bắt “khẩu vị” của các nhà đầu tư trái phiếu.

Toàn bộ khoản nợ bảy tỷ USD của MicroStrategy không được đảm bảo và không thể thế chấp bằng số lượng Bitcoin công ty nắm giữ. Hơn nữa, với cổ phiếu có giá 373 USD/cổ phiếu, hơn bốn tỷ USD trong khoản nợ này có thể chuyển đổi thành vốn chủ sở hữu.

“Thực tế, áp lực về nợ trên bảng cân đối kế toán của MicroStrategy tương đối nhỏ,” Jeff Park, giám đốc về chiến lược đầu tư Alpha tại Bitwise, công ty quản lý tiền mã hóa có trụ sở tại San Francisco, cho biết. Park nói thêm, kể cả khi rơi vào tình huống phá sản, khả năng MicroStrategy phải thanh lý toàn bộ Bitcoin là không cao.

Vậy liệu có trở ngại nào ngăn các công ty khác sao chép chiến lược của MicroStrategy không? Hiển nhiên là không. Nhiều công ty đã áp dụng cách làm tương tự. Theo Jeff Park, khoảng 40 công ty đại chúng, bao gồm những tên tuổi như Tesla và Block, đã thêm Bitcoin vào bảng cân đối kế toán của mình. Trong tháng 3.2025, Bitwise ra mắt quỹ Bitwise Bitcoin Standard Corporations ETF, chỉ số được xây dựng dựa trên tỷ trọng nắm giữ Bitcoin của 35 công ty đại chúng sở hữu ít nhất 1.000 Bitcoin (tương đương khoảng 100 triệu USD) trong ngân quỹ. MicroStrategy sẽ dẫn đầu chỉ số này với lượng lớn Bitcoin đang nắm trong tay.

Khi xuất hiện nhiều công ty sở hữu Bitcoin hơn, các nhà phê bình có thêm lý do để nhận định rằng MicroStrategy không còn là mô hình độc nhất nữa. “Thời kỳ mà cổ phiếu MicroStrategy là cách hiếm hoi để tiếp cận Bitcoin đã khép lại,” Kerrisdale Capital, quỹ đầu tư có trụ sở tại Miami, nêu quan điểm trong một bài luận ngắn về cổ phiếu của MicroStrategy công bố hồi tháng 3.2024. Park đã phản bác điều này, cho rằng vị thế tiên phong và quy mô của MicroStrategy sẽ giúp công ty duy trì lợi thế cạnh tranh, tương tự như Netflix bên mảng phát trực tuyến.

“Quy mô rất quan trọng vì điều đó tác động đến tính thanh khoản. MicroStrategy là kênh giao dịch rủi ro liên quan đến Bitcoin có tính thanh khoản cao nhất trên thị trường giao ngay lẫn thị trường quyền chọn. Tính đến nay, thị trường quyền chọn của MicroStrategy có tính thanh khoản và khối lượng giao dịch cao nhất so với bất kỳ cái tên nào khác trên thế giới,” Park nhận định. Cơn sốt quyền chọn của MicroStrategy thậm chí đã dẫn đến việc hình thành một quỹ mới có tên YieldMax MSTR Option Income Strategy ETF, tạo nguồn thu bằng cách bán quyền chọn. Chỉ mới thành lập được một năm, nhưng quỹ EFT này đã ghi nhận mức tăng lợi nhuận hằng năm đến 106% và thu hút 1,9 tỷ USD vốn đầu tư.

Ngồi bên hồ bơi trong Villa Vecchia với các chú vẹt Hodl, Satoshi và Max, được đặt tên theo các thuật ngữ trong lĩnh vực tiền mã hóa, Michael Saylor bỏ ngoài tai những chỉ trích, hoài nghi. “Suốt bốn thập niên qua, nhiều người xem vốn là rủi ro và cho rằng biến động là điều cần tránh. Ngược lại, theo nguyên tắc của Bitcoin, vốn là tài sản và biến động là một tính năng chứ không phải nhược điểm,” ông quả quyết. “Những người chỉ trích tôi vẫn đang mắc kẹt trong một tư duy lỗi thời. Chúng tôi đang ở trên chuyến tàu lao đi với vận tốc gần 100km/h, được trang bị con quay hồi chuyển nặng 30 tấn, mà phần còn lại của thế giới lại chỉ đứng yên trên đường ray.”

Đây không phải lần đầu tiên Michael Saylor thực hiện những nước đi táo bạo như vậy.

Michael Saylor sinh năm 1965 trong một căn cứ Không quân ở Lincoln, Nebraska. Từ nhỏ, ông đã sống trong môi trường kỷ cương, nề nếp của quân đội và cha ông, một trung sĩ, liên tục mang theo gia đình khi chuyển công tác đến nhiều căn cứ không quân khác nhau trên thế giới. Sau cùng, gia đình ông ổn định cuộc sống gần căn cứ có tên Wright-Patterson ở Ohio. Tại đây, ông học ở ngôi trường về hàng không do công ty của hai anh em nhà Wright sáng lập, trở thành lớp trưởng và tốt nghiệp thủ khoa. Bạn bè đồng trang lứa từng bình chọn ông là “người có nhiều khả năng thành công nhất.”

Sau đó Michael Saylor theo học chuyên ngành hàng không và du hành vũ trụ tại MIT với học bổng toàn phần từ chương trình Không quân ROTC (quân đoàn huấn luyện sĩ quan dự bị), làm luận văn về ứng dụng công nghệ máy tính trong mô phỏng bản đồ một thành bang Ý thời Phục Hưng. Thời gian rảnh, Saylor chơi đàn guitar trong ban nhạc rock và bay dù lượn. Năm 1987, ông tốt nghiệp loại xuất sắc và được phong quân hàm Thiếu úy trong lực lượng Không quân. Thật không may, ông phải gác lại ước mơ trở thành phi công lái máy bay chiến đấu do bị chẩn đoán mắc bệnh liên quan đến tim. Tuy nhiên, về sau ông phát hiện ra đây là chẩn đoán sai.

Năm 24 tuổi, Michael Saylor đồng sáng lập MicroStrategy cùng Sanju Bansal, bạn thân trong hội sinh viên MIT. Công ty tập trung vào khai thác dữ liệu, lĩnh vực chưa nhận được nhiều sự chú ý vào thời điểm đó. Đi theo cơn sốt từ bong bóng dot-com, MicroStrategy lên sàn chứng khoán vào năm 1998 và đến năm 2000, vốn hóa của công ty tăng vọt lên hơn 24 tỷ USD. Trong giai đoạn này, khối tài sản của Saylor đạt gần 14 tỷ USD và ông trở thành một “nhà truyền giáo” công nghệ với niềm tin về viễn cảnh dữ liệu luân chuyển tự do và liên tục như “dòng chảy của nước.” Chia sẻ với Forbes vào cuối năm 1998, doanh nhân này cho biết: “Chúng tôi có tham vọng dùng công nghệ để cách mạng hóa toàn bộ chuỗi cung ứng và trở thành cái tên dẫn dắt thị trường toàn cầu về lâu dài.”

Nhưng rồi khó khăn ập đến. Ngày 10.3.2000, MicroStrategy ghi nhận cổ phiếu đạt đỉnh 313 USD/cổ phiếu, cao hơn 60 lần so với khi IPO. Tuy vậy, trong hai tuần sau đó, cổ phiếu lao dốc còn 72 USD, sau khi MicroStrategy thông báo rằng công ty sẽ phải báo cáo lại kết quả tài chính. Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ khi ấy đã cáo buộc Michael Saylor cùng những người khác có hành vi gian lận trong kiểm toán và MicroStrategy đã đồng ý trả 11 triệu USD để dàn xếp kiện tụng. Trong vòng hai năm, giá cổ phiếu giảm chỉ còn chưa đến một đô la Mỹ và tài sản của Saylor “bốc hơi” 13 tỷ USD.

“Đó là thời khắc khó khăn nhất trong cuộc đời của tôi. Tôi thấy có lỗi khi làm những người đặt niềm tin vào mình chịu tổn thất về tài chính,” ông chia sẻ.

Năm 2020, sau khi Chính phủ Mỹ giải ngân hàng ngàn tỷ USD cho các gói kích thích kinh tế, Michael Saylor nghĩ rằng để sử dụng khoản tiền mặt 530 triệu USD còn lại cùng các khoản đầu tư ngắn hạn của MicroStrategy thì cách tốt nhất là mua thêm Bitcoin. Khác với đồng USD, loại tiền mà Chính phủ Mỹ có thể in theo nhu cầu, nguồn cung Bitcoin chỉ giới hạn trong tối đa 21 triệu Bitcoin.

Nếu giá Bitcoin giảm, cổ phiếu của MicroStrategy sẽ còn lao dốc mạnh hơn và nhanh hơn cả loại tiền mã hóa này. Nhưng đừng vì vậy mà đánh giá thấp tư duy của Michael Saylor. Ông đã biến MicroStrategy thành hình mẫu cho nhiều công ty khác với vị thế của “kho bạc Bitcoin đầu tiên và lớn nhất trên thế giới.”

Một vài công ty đại chúng xem Bitcoin như nhân tố sống còn và Metaplanet là trường hợp điển hình trong số đó. Chuỗi thương hiệu khách sạn có trụ sở tại Tokyo này từng rơi vào khủng hoảng tài chính khi Nhật Bản ngưng nhận khách du lịch để phòng dịch COVID-19. Vì thế Metaplanet đã bán hết chín trong số 10 bất động sản, chỉ giữ lại một, đồng thời phát hành cổ phiếu và trái phiếu để huy động 70 triệu USD mua Bitcoin. Nước đi này đã giúp cổ phiếu của công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Tokyo tăng mạnh 2.600% vào năm 2024. Vốn hóa thị trường của Metaplanet hiện ở mức một tỷ USD, mặc dù công ty chỉ nắm giữ 183 triệu đô la Mỹ Bitcoin. Trang web chính thức của Metaplanet đặt khẩu hiệu “Củng cố tương lai với Bitcoin” và gần như không đề cập gì đến mảng kinh doanh khách sạn. “Chúng tôi biết ơn Michael Saylor vì ông ấy đã tạo ra chiến lược kinh doanh để thế giới học theo và giúp Metaplanet vượt qua khó khăn,” Simon Gerovich, CEO Metaplanet, chia sẻ. Gerovich cũng là khách mời tại buổi tiệc của Michael Saylor ở Miami.

Không nhiều công ty quyết cược “tất tay” như Metaplanet, nhưng chắc chắn họ sẽ chuyển trọng tâm vào Bitcoin. Trong tháng 1.2025, Financial Accounting Standards Board (FASB – Hội đồng tiêu chuẩn kế toán tài chính) đã cập nhật quy định mới cho phép các công ty ghi nhận số lượng tiền mã hóa sở hữu theo giá thị trường, cả lãi và lỗ. Theo quy định trước đó, các công ty chỉ có thể ghi nhận khoản lỗ trong báo cáo hằng quý. Là doanh nghiệp đã nỗ lực thúc đẩy sự điều chỉnh này, MicroStrategy tin rằng quy định mới sẽ tạo tác động tích cực đến lợi nhuận và có thể đưa công ty vào chỉ số S&P 500.

Theo dữ liệu từ YCharts, hiện nay, hàng trăm công ty đại chúng lớn trên thế giới nắm giữ lượng dự trữ tiền mặt nhiều gấp đôi con số cần thiết để duy trì hoạt động và đáp ứng các nghĩa vụ tài chính khác. Nổi bật nhất trong số đó là Berkshire Hathaway, tập đoàn đang sở hữu khoản tiền mặt 320 tỷ USD.

Xét đến việc nợ công của Mỹ chạm mốc 35 ngàn tỷ USD và tiếp tục gia tăng, Michael Saylor cho rằng giữ tiền mặt không phải là ý tưởng hay, vì giá trị đồng tiền sẽ giảm dần theo thời gian. Về phần mình, Jeff Park nhận định áp chế tài chính là xu thế tất yếu, trong đó bao gồm việc Chính phủ Mỹ ban hành các chính sách duy trì lãi suất ở mức thấp. “Chúng ta đang bước vào thời kỳ siêu tài chính hóa – giai đoạn mà nền kinh tế thực (sản xuất hàng hóa, dịch vụ) dần tách biệt khỏi kinh tế tài chính,” ông nói. “Nợ công của Mỹ quá lớn đến mức Chính phủ buộc phải in thêm tiền, dẫn đến đồng tiền mất giá và kìm hãm đường cong lãi suất.”

“Satoshi đã tạo ra Bitcoin cho thế giới rồi biến mất. Chúng tôi chỉ tiếp nối di sản đó. Trớ trêu thay, điều này lại giúp tôi thành công hơn so với khi cố thương mại hóa từng ý tưởng của chính mình. Đó là một bài học dành cho tôi.”


—Michael Saylor chia sẻ về chiến lược đầu tư Bitcoin của ông.

Michael Saylor lấy Villa Vecchia làm minh chứng cho luận điểm của mình. Ngôi biệt thự này có diện tích 1.672m2, xây dựng trong khu dân cư Millionaire’s Row từ năm 1928 để làm nơi ở cho Tổng thống Mỹ khi ấy là F.W. Woolworth. Saylor mua lại nơi này với số tiền 13 triệu USD vào năm 2012. Trong một buổi phỏng vấn qua kênh podcast hồi năm 2023, doanh nhân này tiết lộ Villa Vecchia từng có giá 100 ngàn đô la Mỹ vào năm 1930 và được định giá 46 triệu USD trước đó vài năm (tính từ thời điểm phỏng vấn). Hãy làm phép tính: nếu căn biệt thự này được định giá 100 triệu USD, đồng nghĩa sức mua của đồng USD sẽ giảm 99% trong 100 năm tới. Ông kết luận: gửi tiền trong ngân hàng không phải cách hay.

Có vẻ như trong những năm tới, Microstrategy và Bitcoin sẽ đón nhận tin tốt từ ông Donald Trump, người từng tuyên bố cải thiện chi tiêu của Chính phủ Mỹ nhưng lại làm tăng nợ công quốc gia, lên 8.400 tỷ USD trong nhiệm kỳ đầu tiên (2017–2021), theo Ủy ban Ngân sách Liên bang có trách nhiệm (CRFB). Từ quan điểm chỉ trích Bitcoin như “một trò lừa đảo” vào năm 2021, ông Trump đã thay đổi lập trường và tích cực ủng hộ tiền mã hóa. Gần đây, con trai ông, Eric đã đăng tải bức ảnh chụp chung với Michael Saylor, kèm tiêu đề: “Hai người bạn, một đam mê: Bitcoin.”

Michael Saylor tin rằng sức mua của đồng USD sẽ tiếp tục suy yếu trong bốn năm tới và liên tục quảng bá cho Bitcoin như giải pháp thay thế, với thông điệp phản ánh góc nhìn tiêu cực về kinh tế theo tư tưởng của phong trào Make America Great Again (MAGA – Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại). “Nền kinh tế hiện nay đang chịu tác động từ những hoạt động tài chính ‘độc hại,’ tương tự như cách thực phẩm bẩn và ô nhiễm không khí ảnh hưởng đến sức khỏe của con người. Vì vậy, sứ mệnh của tôi là thúc đẩy mô hình tài chính an toàn, bền vững cho toàn thế giới,” Saylor nhấn mạnh.

Đôi lúc Michael Saylor cũng dành thời gian suy ngẫm về cuộc hành trình mình đã trải qua. “Ban đầu, MicroStrategy tìm đến Bitcoin trong tuyệt vọng khi gặp khó khăn về tài chính. Dần dà, Bitcoin đã trở thành cơ hội, chiến lược, bản sắc và cuối cùng là sứ mệnh của công ty. Trong sự nghiệp của mình, tôi từng thử 20 ý tưởng khác nhau nhưng đều thất bại và không thể tạo tác động đến thế giới như tôi mong muốn. Satoshi đã tạo ra Bitcoin cho thế giới rồi biến mất. Chúng tôi chỉ tiếp nối di sản đó. Trớ trêu thay, điều này lại giúp tôi thành công hơn so với khi cố thương mại hóa từng ý tưởng của chính mình. Đó là một bài học dành cho tôi,” ông nói.

Thành công của Michael Saylor cũng là minh chứng cho thấy cơ hội thành công luôn có thể lặp lại, đặc biệt là khi có một người “thuyền trưởng” tinh anh biết lèo lái con tàu đi đúng hướng. 


Nội dung đã được đăng trên Tạp chí Forbes Việt Nam số 140+141 tháng 4&5.2025

BÌNH MỚI RƯỢU CŨ

Forbes từng có buổi phỏng vấn dài với Michael Saylor vào năm 1998, trò chuyện về những nhân vật như Martin Luther King, Mẹ Teresa, Winston Churchill, Julius Caesar và Abraham Lincoln. Khi đó, Saylor là doanh nhân trẻ và MicroStrategy của ông đang là cổ phiếu được các nhà đầu tư yêu thích tại Mỹ, nhờ vào phần mềm công ty phát triển trong thời kỳ bong bóng dot-com. “Văn hóa doanh nghiệp của MicroStrategy là sự giao thoa giữa các yếu tố khác nhau như trí tuệ, quân sự, tinh thần đoàn kết và tôn giáo,” Saylor tự hào nói. Thời điểm đó, ông đang sở hữu số cổ phiếu trị giá 880 triệu USD và không biết rằng có một “cơn bão” đang chờ đợi mình phía trước. 

“Chúng tôi đã tìm thấy cơ hội lớn tiếp theo với mục tiêu cung cấp thông tin cho tất cả mọi người, mọi lúc, mọi nơi, vào bất kỳ thời điểm nào cũng như tự động hóa quy trình bán hàng và tiếp thị dịch vụ. Việc này sẽ tạo đòn bẩy cho MicroStrategy tăng trưởng hơn nữa trong nhiều thập niên tới. Chúng tôi đã vạch ra mục tiêu là tuyển dụng 20, 30 hoặc thậm chí 40 ngàn nhân sự mới, trở thành doanh nghiệp quy mô 10 tỷ USD và phát triển công nghệ mà mọi người có thể sử dụng mỗi ngày.”

Đó là nhận định đầy táo bạo và tham vọng từ vị CEO 33 tuổi của công ty được các nhà phân tích nhận định sẽ có thu nhập năm triệu USD trên doanh số bán hàng 100 triệu USD trong năm 1998. Ảo tưởng hay có tầm nhìn? Robert Moran của Aberdeen Group nhận xét Michael Saylor sở hữu tư duy “nhìn xa trông rộng” cùng khả năng tiếp thị mọi thứ mình sở hữu. —Forbes, 7.9.1998


Biên dịch: Quỳnh Anh