Quá trình cải tiến sản xuất và chuẩn hóa quản trị những năm qua đã giúp Nhựa Bình Minh cải thiện hiệu quả kinh doanh sau khi tập đoàn Thái Lan kiểm soát cổ phần.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 19.4, VN-Index giảm hơn 6 điểm, mất mốc 1.050 điểm. Toàn sàn 271 mã giảm giá và có 115 mã tăng giá nhưng cổ phiếu BMP tăng kịch trần, kết phiên ở mức 66.500 đồng. Đó là ngày công ty cổ phần Nhựa Bình Minh công bố báo cáo tài chính quý 1.2023 với thông tin đáng chú ý: lợi nhuận sau thuế đạt 281 tỉ đồng, tăng gấp đôi mức cùng kỳ năm trước.
Trước đó, năm 2022, nhà sản xuất ống nhựa và phụ tùng ống nhựa cũng lần đầu tiên xác lập kỷ lục về lợi nhuận sau thuế với 694 tỉ đồng trên nền doanh thu vượt 5.820 tỉ đồng.
“Đầu tiên phải kể đến là quyết sách phù hợp của Chính phủ giúp duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế và doanh nghiệp. Thứ hai là bản thân doanh nghiệp có sự thích nghi với tính chủ động và tập trung. Sự kết nối giữa con người với con người, sự đồng lòng sau dịch đã cùng đưa doanh nghiệp tiến bước,” ông Chaowalit Treejak, tổng giám đốc công ty cổ phần Nhựa Bình Minh lý giải về kết quả kinh doanh quý 1.2023 và năm 2022 với Forbes Việt Nam tại văn phòng công ty ở quận 6, TP.HCM.
Ông Chaowalit Treejak là tổng giám đốc người Thái đầu tiên của BMP, đảm nhận từ ngày 1.8.2022 sau khi người tiền nhiệm, ông Nguyễn Hoàng Ngân nghỉ hưu và hiện nắm vai trò phó chủ tịch hội đồng quản trị. Trước đó, vị tổng giám đốc sinh năm 1966 có bằng cử nhân hóa, đã có một năm ở vị trí phó tổng giám đốc BMP.
Sau năm 2021 chịu ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, BMP lấy lại đà tăng trưởng. Ở báo cáo phát hành cuối tháng 4, công ty chứng khoán Tiên Phong (TPS) đánh giá, BMP là doanh nghiệp sản xuất nhựa tốp đầu Việt Nam với thị phần lớn nhất khu vực miền Nam và thứ hai cả nước.
Nguyên liệu sản xuất chính của BMP là hạt nhựa nguyên sinh, bao gồm ba loại chính: hạt nhựa PVC (chiếm 70%), hạt nhựa PP và hạt nhựa HDPE, những nguyên liệu có nguồn gốc từ dầu mỏ. Giá nguyên liệu đầu vào ảnh hưởng trực tiếp đến tỉ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp trong ngành này.
Tuy nhiên, BMP đã hưởng lợi lớn từ việc giá hạt nhựa PVC giảm mạnh từ cuối năm 2002, nhu cầu chậm lại trong khi nguồn cung dồi dào, lạm phát cao ở nhiều nền kinh tế ảnh hưởng đến tiêu dùng, gây sức ép đến lĩnh vực sản xuất.
Sự hậu thuẫn cho BMP giai đoạn sắp tới còn đến từ lợi thế lớn về nguồn cung nguyên liệu khi cổ đông lớn nhất của họ là tập đoàn SCG (Thái Lan) sở hữu tổ hợp hóa dầu Long Sơn, dự kiến đi vào hoạt động năm 2023, sẽ cung cấp nguyên liệu PVC cho BMP với giá ưu đãi và sản lượng ổn định.
Theo công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC): “BMP hưởng lợi từ sự hợp nhất đang diễn ra ở ngành nhựa khi những ‘ông lớn’ với lợi thế tài chính và vận hành đang chiếm ưu thế so với các doanh nghiệp nhỏ và giành thêm nhiều thị phần hơn.”
Báo cáo thường niên của Nhựa Bình Minh đánh giá: “2022 là năm thành công rực rỡ trong hành trình 45 năm qua. Lần đầu tiên, lợi nhuận sau thuế đạt 694 tỉ đồng, gấp 3,25 lần cùng kỳ năm trước, hoàn thành 155% kế hoạch năm. Sau hai năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, BMP đã củng cố vị thế trên thị trường vật liệu xây dựng.”
Lợi nhuận gia tăng nhờ tỉ lệ giá vốn hàng bán so với doanh thu thuần giảm mạnh, từ 84,5% năm trước xuống còn 72,3% năm 2022, khi giá nguyên liệu chính bình quân giảm mạnh và công tác quản lý tồn kho hợp lý.
Ông Chaowalit phân tích, “sự tập trung và chủ động” thể hiện ở việc quản trị chuỗi cung ứng và dự báo xu hướng giá hạt nhựa, qua đó quản lý tốt chi phí nguyên vật liệu, là yếu tố quan trọng quyết định giá vốn hàng hóa. Hệ thống quản trị chuỗi cung ứng (SCM) của BMP đã phát huy tác dụng với việc thực hiện quy trình dự báo kế hoạch sản xuất và kinh doanh, đánh giá xu hướng giá hạt nhựa dựa vào phân tích dữ liệu để đưa ra quyết định mua ở những thời điểm giá thích hợp.
Vị tổng giám đốc người Thái nhấn mạnh, “quản trị chuỗi cung ứng với việc quản lý giá nguyên vật liệu tốt đã giúp BMP tối ưu chi phí, gia tăng lợi thế, chứ không đến từ việc mua được nguyên liệu giá tốt của công ty mẹ.” Đây là nội lực của BMP nhờ có hệ thống tốt.
Cụ thể, BMP hiện mua hạt nhựa PVC không chỉ từ TPC Vina, nhà cung cấp mà tập đoàn mẽ SCG đang nắm giữ 70% cổ phần, nhưng phải luôn đối chuẩn giá với nhà bán hàng khác. “Nếu TPC Vina bán giá tốt cho chúng tôi thì kết quả kinh doanh của họ bị ảnh hưởng, chúng tôi đủ chuyên nghiệp để quản lý và tận dụng được giá tốt,” ông Chaowalit khẳng định.
Tổng giám đốc BMP cũng cho biết, có một hiểu lầm phổ biến là giá hạt nhựa PVC tăng giảm theo giá dầu. Tuy nhiên, thực tế, giá hạt nhựa PVC phần lớn phụ thuộc vào cung cầu thị trường. Đó là lý do có lúc giá dầu tăng nhưng giá hạt nhựa giảm và ngược lại.
Ông Nguyễn Hoàng Ngân nhiều năm điều hành BMP nhấn mạnh, nhiều năm qua công ty luôn mua hạt nhựa từ hai nhà sản xuất liên doanh trong nước là TPC Vina và AGC (Nhật Bản). Trong đó tỉ lệ từ TPC Vina cao hơn khoảng 10%. Dù TPC Vina và BMP đều có chung công ty mẹ là tập đoàn SCG nhưng hoạt động mua bán này vẫn diễn ra trên cơ sở cạnh tranh bình đẳng.
Nhựa Bình Minh chính thức trở thành công ty con của Nawaplastic Industries, nhà sản xuất và phân phối ống nhựa PVC từ năm 2018. Nawaplastic Industries nằm trong hệ sinh thái của tập đoàn chuyên về hóa dầu, bao bì và nhựa SCG. Người Thái đã làm gì ở BMP trong hơn năm năm qua?
Về cơ cấu nhân sự cấp cao, sau khi trở thành cổ đông chi phối, đại diện SCG tham gia hội đồng quản trị với số lượng quá bán (3/5), nắm giữ vị trí phó tổng giám đốc tài chính. Ông Nguyễn Hoàng Ngân, gia nhập BMP từ năm 1988, đảm nhận vị trí tổng giám đốc từ 2012, vẫn tiếp tục điều hành cho đến khi nghỉ hưu vào tháng 8.2022. Ông Ngân chia sẻ, với mỗi công ty tại Việt Nam, SCG tùy biến chính sách điều hành dựa trên hoạt động thực tiễn. Tại BMP, trong nhiều năm, các cổ đông lớn gần như không tham gia điều hành trực tiếp.
Với BMP, trong nhiều năm, cổ đông lớn gần như chỉ tham gia họach định định hướng chiến lược. Nhưng nằm trong hệ sinh thái của tập đoàn có 300 công ty con và liên kết hoạt động trên toàn cầu, có hệ thống quản trị khá bài bản đã giúp BMP tiếp thu và áp dụng các công cụ quản trị tiên tiến, cụ thể là quản lý chuỗi cung ứng và tự động hóa sản xuất. Trong đó, quản lý tốt chuỗi cung ứng tạo thuận lợi cho việc ra quyết định quản lý và kiểm soát hiệu quả kinh doanh sát hơn.
Ông Chaowalit chia sẻ, trong hơn năm năm qua, BMP củng cố nền tảng sản xuất và quản trị trên cơ sở những hỗ trợ của công ty mẹ. Những cải thiện tốt nhất là nâng cấp hệ thống quản trị chuỗi cung ứng, nâng cấp kiến thức tự động hóa trong quy trình sản xuất và xây dựng đội ngũ nhân sự đáp ứng yêu cầu công việc.
Trong thời gian tới, BMP sẽ tập trung vào quy trình kinh doanh và quy trình thiết kế, phát triển sản phẩm mới bám sát nhu cầu thị trường. Đây là những hạng mục được tập trung nhằm phục vụ cho chiến lược dài hạn của BMP.
Ví dụ về hệ thống quản trị chuỗi cung ứng, ông Chaowalit cho biết, là thành viên của SCG, qua những đợt chia sẻ thông tin, kiến thức, nhân viên sẽ hiểu hơn vai trò việc điều phối, hài hòa đầu vào, đầu ra sản phẩm, liên kết chặt chẽ giữa các bộ phận.
Tương tự, việc tự động hóa đã giúp gia tăng năng suất lao động, sản lượng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường. Năng suất lao động bình quân liên tục tăng từ năm 2019 và đạt mức 4,29 tỉ đồng/người/năm. Tất nhiên, quá trình cải tiến cũng gặp những khó khăn, trở ngại, chẳng hạn khi áp dụng quy trình mới, nhân sự cần thời gian làm quen, học hỏi và thích nghi, theo ông Chaowalit.
Năm 2023, BMP đặt kế hoạch doanh thu 6.357 tỉ đồng, tăng 9% và lợi nhuận sau thuế 651 tỉ đồng, giảm 6% so với năm trước. Kết thúc quý 1, BMP đã hoàn thành 23% mục tiêu doanh thu và 43% mục tiêu lợi nhuận. SSI Research trong báo cáo phát hành ngày 11.5 ước tính, BMP đạt sản lượng tiêu thụ khoảng 24 ngàn tấn trong quý 1.2023, tăng 8% so với cùng kỳ nhờ áp dụng chính sách ưu đãi giảm 5% trực tiếp vào giá bán thực hiện vào cuối tháng 3.2023.
Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ và giá bán trung bình cả năm có thể giảm 2% so với cùng kỳ do hoạt động xây dựng kém tích cực, nhu cầu yếu và cạnh tranh gay gắt về giá. Đối thủ lớn nhất của BMP là Nhựa Tiền Phong có giá bán trong tháng 4.2023 đang thấp hơn 15-20%. SSI Research dự báo doanh thu thuần BMP ở mức 5.600 tỉ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận ròng đạt 767 tỉ đồng, tăng 10%, khi giá đầu vào PVC dự kiến giảm.
Ông Chaowalit nhận định, những khó khăn ở thị trường bất động sản hiện tại không chỉ riêng BMP phải đối mặt. Những lúc nhu cầu thị trường không tốt thì doanh nghiệp càng phải quản lý chi phí nội bộ tốt hơn. “Văn hóa BMP là cố gắng hết sức, cải tiến nội bộ để nắm bắt cơ hội khi thị trường tốt lên. Đó sẽ là lợi thế của chúng tôi so với các đối thủ trên thị trường,” vị tổng giám đốc nói.
Những việc BMP tập trung trong giai đoạn này là hiện đại hóa thiết bị công nghệ phục vụ sản xuất và nâng tầm đội ngũ nhân viên, bên cạnh giữ vững chất lượng sản phẩm. “Khi hệ thống và con người tốt thì hiệu quả kinh doanh sẽ đến,” ông Chaowalit kết luận.
Bản in đăng trên Forbes Việt Nam số 118 chủ đề “50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất”