multi-media / Megastory

Danh sách 20 phụ nữ Việt Nam truyền cảm hứng năm 2021: Người pha vị ngọt ngào

Đây là cuộc gặp với truyền thông hiếm hoi của vị CEO 48 tuổi, do bà hay tránh xuất hiện trước đám đông, để được “thoải mái, tự do” khi điều hành cũng như trong đời thường. Phòng làm việc của bà nằm trong tòa nhà công ty tại quận 4 (TP.HCM) rộng khoảng 30m2, giản dị với hai chiếc bàn gỗ nâu cao, một để bà làm việc, một để họp hành. Trong phòng có tủ đựng hồ sơ, có một khoảng trống đặt bằng khen, kỷ niệm chương mà Nutifood và cá nhân bà được ghi nhận.

Trong hơn 20 năm qua, bà Lệ dẫn dắt Nutifood trở thành một trong ba công ty sữa trong nước thuộc loại lớn hàng đầu. Bắt đầu từ dòng sữa đặc trị cốt lõi, Nutifood mở rộng dải sản phẩm, tạo thành danh mục hoàn chỉnh cho mọi đối tượng. Hiện nay, Nutifood cung cấp sữa và thực phẩm dinh dưỡng cho từ trẻ sơ sinh đến các lứa tuổi khác nhau, phục vụ nhu cầu mọi gia đình. Nutifood vận hành năm nhà máy trong nước và một nhà máy tại Thụy Điển, có 5.600 nhân viên tại Việt Nam, Thụy Điển và Mỹ, sản phẩm của Nutifood được bán ở Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia, Philippines.

Với vai trò dẫn dắt một trong những doanh nghiệp phát triển nhanh của Việt Nam, bà Lệ xuất hiện trong danh sách 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017 và 2019 của Forbes Việt Nam, Tốp 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á của Forbes Asia năm 2019 và 20 phụ nữ Việt Nam truyền cảm hứng 2021 do Forbes Việt Nam bình chọn. Có được chỗ đứng vững ở thị trường Việt Nam, bà Lệ nhắm tới mục tiêu đưa Nutifood ra thị trường quốc tế.

“Năm 2020-2025 chúng tôi đặt mục tiêu trở thành tập đoàn dinh dưỡng hàng đầu thế giới, mang nông sản, sản phẩm thế mạnh của Việt Nam, kết hợp với ngành sữa, trà, cà phê để ra thế giới,” bà Lệ cho biết. Bà cho rằng, ở đất nước nhiệt đới, Việt Nam có thể phát triển thức uống dinh dưỡng kết hợp sữa với nhiều loại nông sản để làm phong phú hương vị hơn, và giúp xuất khẩu đi nước ngoài.

Không tránh khỏi ảnh hưởng do đại dịch COVID-19, đội ngũ nhân lực của Nutifood có một năm 2020 “hoạt động hết tốc lực” khi nhiều dự án vào giai đoạn hoàn thành để vươn ra thế giới. Công ty tiếp quản toàn bộ dự án nhà máy Nutifood Thụy Điển, vốn là dự án liên doanh với đối tác Thụy Điển từ năm 2018.

Nutifood cũng thành lập viện Nghiên cứu Dinh dưỡng Nutifood Thụy Điển (NNRIS), cơ sở nghiên cứu giúp công ty 21 năm tuổi này có thể bắt kịp “tiến bộ khoa học trong lĩnh vực dinh dưỡng” ở châu Âu và thế giới, kết hợp với nghiên cứu thể trạng của người Việt Nam để tạo ra các sản phẩm phù hợp với các thị trường trọng điểm. Kết quả đầu tiên là công thức FDI độc quyền giúp trẻ có đề kháng khỏe và tiêu hóa tốt.

Bên cạnh nghiên cứu về dinh dưỡng, NNRIS cũng góp phần chuyển giao quy trình nông nghiệp kỹ thuật cao theo tiêu chuẩn Thụy Điển áp dụng tại trang trại bò sữa NutiMilk ở Gia Lai. Nhờ đầu tư giống chất lượng cao, trang trại đang nuôi 7.000 con bò này cho ra sữa tươi có hàm lượng tương đương châu Âu (hàm lượng 3,5 gam đạm, 4 gam béo cho 100ml.)

Sản phẩm GrowPLUS + trở thành nhãn hiệu sữa trẻ em số 1 Việt Nam tính trong 12 tháng kể từ tháng 6.2019 với 22% thị phần, theo Nielsen Việt Nam. Sản phẩm của Nutifood được bán tại chuỗi siêu thị Walmart (Trung Quốc). Bên cạnh sản phẩm sữa các loại, Nutifood tham gia đầu tư chuỗi cà phê Ông Bầu, với tốc độ mở rộng nhanh, đầu tháng 4.2021 đã có 200 cửa hàng tại 40 tỉnh thành.

Nếu xem kết quả đầu tư phát triển tạo ra dải sản phẩm đa dạng, liên tục có sản phẩm như lớp vỏ ngoài mà mọi người dễ quan sát, ẩn sâu bên trong là sự thay đổi về quy trình, hệ thống quản trị lấy công nghệ thông tin làm cốt lõi. Bộ máy lãnh đạo cấp cao của Nutifood đón nhận các gương mặt mới, những người từng kinh qua vị trí lãnh đạo cấp cao trong các tập đoàn đa quốc gia ở Việt Nam và quốc tế.

Trong số đó, ông Trần Bảo Minh, người nhiều năm kinh nghiệm trong vai trò giám đốc marketing cho các tập đoàn đa quốc gia, các công ty hàng tiêu dùng, trở thành phó chủ tịch Nutifood sau hơn một năm tìm hiểu, trao đổi. “Chị Lệ là lãnh đạo có khát vọng thành công rất lớn, và do vậy, chị tự đặt ra cho bản thân, cho công ty và mọi người những mục tiêu to lớn và đầy tham vọng,” ông Trần Bảo Minh, phó Chủ tịch Nutifood cho biết trong email trao đổi với Forbes Việt Nam.

Theo SSI Research, trong đại dịch COVID-19, nhu cầu trong nước đối với các sản phẩm sữa ít bị ảnh hưởng hơn so với các ngành nghề khác. Tiêu thụ sữa chiếm 11,9% tiêu thụ ngành hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam, không thay đổi so với năm 2019. “Thị trường sữa Việt Nam và thực phẩm dinh dưỡng nói chung còn tiềm năng phát triển lớn,” bà Lệ, có dáng người nhỏ nhắn, duyên dáng trong những bộ trang phục thanh lịch và nụ cười tươi nói.

Thị trường Việt Nam có dân số trẻ, tiêu dùng bình quân đầu người ở mức thấp, đối tượng tiêu dùng sữa và sản phẩm từ sữa hiện tập trung chủ yếu cho nhóm trẻ dưới năm tuổi, bà bầu. Phân khúc lứa tuổi 6-12, tuổi thiếu niên, thanh niên, người già vẫn còn tương đối trống trải. Đây là nơi bà Lệ, với nền tảng là bác sĩ dinh dưỡng, có đất dụng võ trong chiến lược phát triển sản phẩm dựa trên đổi mới, sáng tạo.

Trong đó, bà Lệ một mình đóng hai vai: trực tiếp và gián tiếp. Có kinh nghiệm thực địa của bác sĩ dinh dưỡng cộng đồng, bà Lệ “tham gia định hướng về mặt công thức, có khi đi ra thị trường, xem cảm quan sản phẩm, thực hiện nghiên cứu nhóm.” Gián tiếp, bà giữ vai trò của người lãnh đạo truyền cảm hứng cho cộng sự có niềm tin vào con đường phát triển của doanh nghiệp.

Đại dịch COVID-19 là cuộc khủng hoảng lần thứ tư mà bà Lệ phải đối mặt trong hơn 20 năm kinh doanh trong lĩnh vực cạnh tranh khốc liệt là sữa và sản phẩm dinh dưỡng. Trong hội thảo trực tuyến Lãnh đạo trong tâm bão do hội Nữ Doanh nhân TP.HCM (Hawee) tổ chức vào năm 2020, bà Lệ nhắc tới bốn cuộc khủng hoảng bà gặp ở độ tuổi 31, 35, 39 và 47 (năm 2000, khi COVID-19 bùng phát). Nhưng khủng hoảng lớn nhất là giai đoạn 2008, khi bà 35 tuổi.

Thời điểm đó, bà trở lại điều hành ở Nutifood sau khi nghỉ một thời gian, vào lúc công ty đang gặp khó khăn lớn. Bà chia sẻ cách làm của bà là tổng kết những khó khăn mà công ty đang gặp phải, phân chia thành nhiều nhóm việc và sắp xếp thứ tự ưu tiên giải quyết.

Bà tìm kiếm những người cùng chung hướng đi để gánh vác công việc, thay đổi bốn nhân sự cao cấp của các mảng tài chính, nhân sự, tiếp thị, bán hàng. Bà cũng đi khắp mọi miền gặp các nhà phân phối đang muốn dừng hợp tác để thuyết phục họ tiếp tục bằng cách hứa giải quyết nợ đọng. Bà tìm cách thức để bán hàng mà không phải chi quá nhiều tiền cho tiếp thị.

Những kinh nghiệm đó đã giúp bà vững vàng hơn trong xử lý khủng hoảng COVID-19, đại dịch chưa từng xảy ra với xã hội loài người xét về quy mô và tác động.

Trước dịch, Nutifood có 13 công ty thành viên từ hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), trang trại, nông nghiệp, sản xuất… đang hoạt động tốt, tăng trưởng 15-20%. Dịch bệnh khiến bà một mặt phải có những biện pháp ứng phó đảm bảo an toàn sức khỏe cho nhân viên, một mặt thay đổi cách bán hàng, tiếp thị, phân phối để phù hợp với thực tế, trong khi dẫn dắt công ty thực thi những bước chuẩn bị để sẵn sàng cho những bước đà khi dịch bệnh bị đẩy lùi.

Không chia sẻ các con số về tài chính, bà Lệ cũng không đi sâu vào cách làm cụ thể, nhưng cho biết năm 2020 Nutifood có doanh thu “tương đối” với kết quả hoạt động kinh doanh “tương đối.” Sản phẩm sữa công thức, sữa trẻ em vẫn là dòng sản phẩm chủ lực đem lại doanh thu và lợi nhuận cao nhất của công ty.

Giải thích về lý do Nutifood giữ được tốc độ phát triển nhanh, bà Lệ cho rằng vì doanh nghiệp “luôn đổi mới sáng tạo, kiên trì giữ đúng định hướng,” “làm miệt mài” để đáp ứng nhu cầu chuyên biệt của người tiêu dùng tại từng thị trường khác nhau. “Chị Lệ là người cực kỳ nhạy bén, nhạy cảm và rất sắc sảo trong cách đánh giá, phát hiện và nắm bắt mọi cơ hội kinh doanh,” ông Trần Bảo Minh cho biết.

“Một khi nhìn thấy cơ hội lớn nào đó thì chị nhất định phải làm ngay lập tức và làm bằng được, trong rất nhiều trường hợp bất chấp năng lực của con người sẵn có, năng lực đội ngũ, năng lực của hệ thống quản trị và điều hành, năng lực của hệ thống kinh doanh đã sẵn sàng để thu nạp và thực thi ý tưởng kinh doanh lớn đó tới thành công hay chưa.”

Theo thông tin từ Nutifood, mỗi năm công ty đầu tư 200 tỉ đồng cho nghiên cứu phát triển. “Cách đây một năm, Nutifood dành 50 triệu đô la Mỹ cho đổi mới công nghệ. Chúng tôi luôn chọn những máy móc hiện đại nhất để đáp ứng quy trình cao nhất, vì định hướng muốn làm ra những gì tốt nhất,” bà Lệ cho biết. “Đó là cam kết về chất lượng, cũng là sự kiên định của người lãnh đạo.”


Bà Trần Thị Lệ (giữa) trao đổi với các chuyên gia dinh dưỡng của tập đoàn BASF tại khu vực Đông Nam Á (Singapore).

Bà Lệ là con cả trong gia đình kinh doanh ở Phù Cát, Bình Định. Cha bà từng mua hàng từ Sài Gòn về bán, có thời ông bán phụ tùng xe đạp cho cả tỉnh. Bà kể mình học được từ cha về chuyện giữ chữ tín và tầm nhìn xa. Nghiên cứu dinh dưỡng là công việc bà từng làm khi tốt nghiệp ĐH Y Tây Nguyên và trở thành bác sĩ tại trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM, sau đó sang làm ở cơ sở thực phẩm Đồng Tâm.

Bà trở thành trợ lý giám đốc rồi thành giám đốc khi cơ sở thực phẩm Đồng Tâm phát triển thành công ty cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng Đồng Tâm (Nutifood) năm 2000.

Những năm sau đó, Nutifood phát triển nhanh, trở thành một “ngôi sao” nội địa trên thị trường sữa Việt Nam, bên cạnh tên tuổi lâu đời hơn là Vinamilk (1976) do bà Mai Kiều Liên dẫn dắt, và một tên tuổi mới phát triển sau đó là THMilk (2008) của bà Thái Hương. Thời gian đầu, bà Lệ cho biết mỗi ngày chỉ ngủ chưa tới năm tiếng vì ban ngày vừa sản xuất vừa bán sữa, đến tối đi học thêm quản trị doanh nghiệp, tiếp thị. “Giờ tôi thấy mình nhàn hơn nhiều rồi,” bà hóm hỉnh cho biết.

Từ năm 2013, bà Lệ cùng chồng, ông Trần Thanh Hải, trở thành cổ đông chi phối Nutifood sau khi quỹ đầu tư Dream Incubator thoái vốn. Dưới sự điều hành của họ, Nutifood liên tục đầu tư mở rộng thông qua mua bán, sáp nhập hay liên doanh với đối tác trong và ngoài nước.

Hợp tác với Hoàng Anh Gia Lai năm 2014, sau sáu năm, Nutifood tiếp quản trang trại bò sữa. Đầu tư giống nhập khẩu từ Mỹ và châu Âu, áp dụng quy trình nuôi dưỡng của Thụy Điển, năm 2020 trang trại này cho ra các sản phẩm sữa tươi tương đương sản phẩm của châu Âu.

Công ty sản xuất sữa trở thành đối tác chiến lược của công ty Cà phê Phước An năm 2017. Sau đó, họ ra mắt dòng sản phẩm cà phê hòa tan. Chú trọng phát triển sản phẩm, tuân thủ các tiêu chuẩn hàng đầu và được kiểm định ở các thị trường khó tính như Mỹ, Nutifood cũng mạnh tay đầu tư xây dựng thương hiệu, quảng bá hình ảnh.

Ông Hải là chủ tịch HĐQT công ty, xuất thân từ ĐH Nông lâm TP.HCM, làm việc trong cơ quan nhà nước trước khi chuyển qua kinh doanh bất động sản và cùng vợ điều hành Nutifood. Bà Lệ cho biết họ có sự tôn trọng lẫn nhau trong công việc. “Ai có phần việc của mình. Chúng tôi thỏa thuận là trong công ty chỉ có một tiếng nói, nhân viên không phải canh me hai người. Nếu tôi đã quyết định thì anh Hải không can thiệp và ngược lại.”

Trên tờ giấy in các nguyên tắc lãnh đạo của Nutifood được dán ở các phòng ban, nguyên tắc “chính trực” được đặt lên hàng đầu. Sau hơn 20 năm, từ một nhà nghiên cứu khoa học trở thành nữ lãnh đạo của doanh nghiệp sữa Việt Nam thuộc tốp đầu, bà Lệ nói có những thứ mình không thay đổi. Đó là tính chính trực, sự kiên định và nhiệt huyết. “Tôi vạch ra mục tiêu gì tôi sẽ đi đến cùng.”

Bà nói mình học mỗi ngày, từ làm sản phẩm tốt, tới hợp tác khoa học, tới quản lý lãnh đạo, để đội ngũ có thể đi nhanh, vững và đường dài. “Khó nhất là đi nhanh mà phải vững chắc. Tôi hay nói với đội ngũ của mình mỗi khi họ có kế hoạch hay sáng kiến mới là: ‘OK, làm cái đó tốt nhưng phải tốc độ.’”

Bài viết đăng trên Forbes Việt Nam số 92, tháng 4.2021, chuyên đề Danh sách 20 phụ nữ Việt Nam truyền cảm hứng năm 2021 do Forbes Việt Nam bình chọn.