Cước vận chuyển tàu biển neo ở mức cao, trong khi nhu cầu tiếp tục tăng giúp các công ty vận tải biển, khai thác cảng tiếp tục bội thu trong sáu tháng đầu năm 2022.
Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên của công ty cổ phần cổ phần Thực phẩm Sao Ta, một doanh nghiệp xuất khẩu tôm cho biết, chi phí vận chuyển trong sáu tháng qua hơn 97,2 tỉ đồng, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ. Sao Ta nhấn mạnh, “chi phí logistics tăng do giá dầu tăng và chuỗi cung ứng chưa tái lập hoàn thiện”.
Theo hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ở thời điểm tháng 6.2022, giá cước một container 40 feet tới bờ đông nước Mỹ khoảng 16.400 USD, cộng với cước vận tải đường bộ từ nhà máy ở các tỉnh tới TP.HCM thì chi phí vận chuyển trên 400 – 410 triệu đồng/container. Giá xăng dầu tăng đã đẩy chi phí logistics tăng từ 10-20%.
Nhưng thế khó của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu lại tiếp tục mang lại hiệu quả cho các công ty vận tải và khai thác cảng. Giải trình về doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế đạt 929 tỉ đồng và 239 tỉ đồng (tăng 107% và 191% so với cùng kỳ năm ngoái) trong quý 2, công ty cổ phần Vận tải và Xếp dỡ Hải An (HoSE: HAH) cho biết, nhờ vào giá cước vận tải nội địa tăng, giá cho thuê tàu tăng mạnh và số tàu cho thuê cũng nhiều hơn. Công ty này có thêm tàu HA East và HA West trong giai đoạn báo cáo. Bên cạnh đó, lợi nhuận từ các công ty liên kết cũng tăng mạnh so với cùng kỳ.
Lũy kế sáu tháng, tổng doanh thu của Hải An hơn 1.581 tỉ đồng, tăng gần gấp đôi mức cùng kỳ 2021 và lợi nhuận đạt 587 tỉ đồng – tăng 220%.
Năm 2021, lần đầu tiên Hải An đạt tổng sản lượng hơn 1 triệu TEU, trong đó khai thác cảng 417.000 TEU, vận tải container 474.000 TEU trên cả hai tuyến nội địa và nội Á, khai thác depot 121.600 TEU. Sản lượng tăng đưa tổng doanh thu lên 2.004 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 445 tỉ đồng, đưa công ty lần đầu vào danh sách tốp 50 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất của Forbes Việt Nam.
Kết quả kinh doanh khả quan của Hải An cũng giúp công ty cổ phần Transimex (HoSE: TMS), doanh nghiệp có mối quan hệ liên kết có hiệu quả cao. Doanh thu quý 2 của Transimex giảm mạnh so với cùng kỳ, kéo lũy kế sáu tháng đạt 2.337 tỉ đồng, thấp hơn năm ngoái nhưng lãi ròng đạt 433 tỉ đồng, tăng hơn 90%.
Riêng quý 2, lợi nhuận tăng hơn 43% so với cùng kỳ. “Nguyên nhân chủ yếu là do doanh thu tăng từ hoạt động tài chính và phần lãi trong công ty liên doanh, liên kết,” ông Lê Duy Hiệp, tổng giám đốc Transimex cho biết trong báo cáo giải trình.
Tại công ty cổ phần Gemadept (HoSE: GMD), doanh thu quý 2 đạt 978 tỉ đồng, đưa lũy kế sáu tháng đạt 1.857,7 tỉ đồng. Trong đó, doanh thu hoạt động khai thác cảng đạt 1.535,5 tỉ đồng, doanh thu hoạt động logistics và cho thuê văn phòng mang về hơn 322 tỉ đồng…
Lợi nhuận sau thuế bán niên của Gemadept đạt 561,6 tỉ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ. Nguyên nhân được phân tích là nhờ lợi nhuận gộp từ hoạt động khai thác cảng và logistics tăng hơn 209 tỉ đồng, lợi nhuận các công ty liên doanh liên kết tăng 132 tỉ đồng… Gemadept, doanh nghiệp đã sáu lần nằm trong tốp 50 công ty niêm yết tốt nhất của Forbes Việt Nam.
Xem thêm:
‘Thuyền trưởng” Vũ Ngọc Sơn đưa tàu Hải An vượt sóng
“Đất vàng” sân bay giúp SCS ngược dòng tăng trưởng trong đại dịch