Đến năm 2025 các tổ chức tài chính của Việt Nam có thể đạt doanh thu khoảng 1,7 tỷ USD từ phát hành trái phiếu tài trợ cho các dự án ESG
Trái phiếu xanh là thuật ngữ chỉ loại trái phiếu mà số vốn huy động được sẽ dùng cho các dự án phát triển bền vững, gắn với trách nhiệm về bảo vệ môi trường. Công cụ nợ này đã và đang là phân khúc tài chính tiềm năng trên thế giới, khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, theo nhận xét của McKinsey.
Theo báo cáo của công ty tư vấn toàn cầu này trong năm 2021, trên toàn thế giới đã có hơn 620 tỷ USD trái phiếu xanh được phát hành, gấp đôi con số phát hành trong năm 2020. Trong năm năm qua thị trường đã tăng trưởng kép mỗi năm với tốc độ khoảng 60%. Dự báo của Học viện Tài chính quốc tế cho biết đến năm 2025, mức phát hành hàng năm có thể đạt 1,2 nghìn tỷ USD.
Đông Nam Á là khu vực đóng góp lớn cho sự tăng trưởng đó. Theo McKinsey, các ngân hàng tại Indonesia, Malaysia và Thái Lan đã phát hành tổng cộng hơn 43 tỷ USD trái phiếu xanh trong năm năm trở lại đây. Tuy nhiên Việt Nam dường như nằm ngoài xu thế của khu vực: các ngân hàng trong nước mới chỉ phát hành 216 triệu USD trái phiếu xanh trong 5 năm qua, mặc dù có rất nhiều dự án môi trường, xã hội và quản trị (ESG) đang cần tìm nguồn vốn, có nhà đầu tư tìm kiếm các cơ hội đầu tư. Trong đó riêng về lĩnh vực năng lượng tái tạo Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia phát triển nhanh nhất thế giới cả loại hình năng lượng mặt trời và điện gió tính từ năm 2019 đến nay.
McKinsey cho biết có 04 điều kiện tiên quyết cho tăng trưởng thị trường trái phiếu xanh là: nhu cầu tài trợ các dự án có lợi cho môi trường, nhu cầu năng lượng tái tạo và hạ tầng xanh; bảo đảm các sản phẩm tài trợ ESG có lợi cho ngân hàng và nhà đầu tư; xây dựng một khung pháp lý. Mặc dù Việt Nam đã đáp ứng được 3 điều kiện đầu tiên, nhưng các ngân hàng nội địa vẫn chưa thể tạo ra được năng lực phù hợp để tham gia vào thị trường trái phiếu xanh.
Theo Mc Kinsey, các bên vay và nhà đầu tư đều đang hy vọng có thể sử dụng nguồn vốn xanh. Nhưng các ngân hàng thương mại Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu phát triển các sản phẩm và dự án trái phiếu xanh, 40% các ngân hàng Việt Nam không có dự án đầu tư xanh trong danh mục đầu tư của mình.
McKinsey kiến nghị ngân hàng và nhà đầu tư sẽ không thất bại nếu đầu tư vào các sản phẩm này. Thứ nhất là ngân hàng sẽ không mất thu nhập từ phí nếu phát hành trái phiếu xanh – trên thực tế, trái phiếu có một khoản phí nhỏ (phí xanh) so với các sản phẩm truyền thống bởi tính chất “xanh”. Thứ hai, nghiên cứu cũng cho thấy trái phiếu xanh đạt lợi nhuận tốt hơn so với các sản phẩm truyền thống, kể cả trái phiếu địa phương và doanh nghiệp.
Ngoài ra, các ngân hàng cần phải đối thoại với các cơ quan quản lý để xác định xem các quy định mới trong lĩnh vực phát triển bền vững. Nếu thực thi quyết liệt, McKinsey dự báo đến năm 2025 các tổ chức tài chính của Việt Nam có thể phát hành lượng trái phiếu xanh đạt doanh thu khoảng 1,7 tỷ USD cho các dự án ESG, khoảng 90% đến từ tài chính chuyển đổi và trái phiếu xanh. Dù vậy, con số này vẫn khiêm tốn so với số của các quốc gia láng giềng như Thái Lan, Indonesia, Malaysia đã thực hiện.