Các nhà đầu tư mạo hiểm ở thung lũng Silicon tỏ ra hoài nghi, nhưng hai thanh niên ở độ tuổi đôi mươi người Uganda và Ghana lại tin rằng có cơ hội làm giàu khi mang các dịch vụ tài chính xuyên quốc gia đến cho 1,4 tỉ người ở châu Phi.
Với năm triệu người dùng và mức định giá 2,2 tỉ đô la Mỹ, Chipper Cash chỉ mới bắt đầu hành trình của mình.
Mùa hè năm 2018, Ham Serunjogi, 24 tuổi, dân nhập cư người Uganda, nghĩ phần thuyết trình của anh trước một công ty đầu tư mạo hiểm ở Palo Alto đang diễn ra tốt đẹp.
Anh giải thích cách công ty khởi nghiệp công nghệ tài chính (fintech) Chipper Cash của mình giúp người tiêu dùng châu Phi gửi tiền cho nhau, xuyên biên giới, rẻ hơn và dễ dàng hơn so với hệ thống ngân hàng truyền thống. Đây là một hình thức giống công ty Venmo dành cho lục địa đen.
Sau đó, một trong những đối tác hỏi: “Tại sao cậu không tìm tài trợ để có vốn thực hiện dự án này?” Serunjogi trả lời bởi vì đây sẽ là công việc kinh doanh thu lợi nhuận. Người này vẫn chưa hiểu và tiếp tục hỏi: “Vì sao cậu không nói chuyện với UNICEF hoặc một công ty đầu tư tạo tác động?”
Serunjogi kín đáo từ chối nêu tên công ty hoặc tiết lộ danh tính của nhà đầu tư mạo hiểm đã nói với anh rằng “bất kể số liệu là gì, tôi phải áp dụng khấu trừ giảm bớt cho doanh nghiệp này vì nó ở châu Phi.”
Những ký ức đó vẫn còn nhức nhối, dù Chipper Cash hiện đã huy động được 300 triệu đô la Mỹ từ một loạt các VC danh tiếng, gần đây nhất là vào tháng 11.2021 với mức định giá 2,2 tỉ đô la Mỹ.
“Đây là những điều tôi phải đối mặt trực tiếp. Nhưng việc đó thật kỳ quặc và giờ tôi vẫn cảm thấy như vậy,” Serunjogi trò chuyện từ văn phòng ở San Francisco, nơi anh, người đồng sáng lập Maijid Moujaled và gần 1/5 trong số 350 nhân viên của công ty đang làm việc. Theo ước tính, hai người sáng lập mỗi người có 10% cổ phần trong Chipper, tương đương với tài sản trên sổ sách hơn 200 triệu đô la Mỹ.
Sheel Mohnot, cựu đối tác tại 500 Startups – nhà đầu tư đầu tiên của Chipper Cash – cho rằng một số nhà đầu tư giai đoạn đầu phản đối vì họ thiếu hiểu biết về châu Phi. Ông nói: “Không ai đầu tư vào châu Phi vào thời điểm đó.” Tình hình đã thay đổi. Theo CB Insights, năm ngoái, các nhà đầu tư mạo hiểm đã đầu tư 1,5 tỉ đô la Mỹ vào các công ty fintech châu Phi, tăng gấp bảy lần so với năm 2020.
Ở khu vực châu Phi cận Sahara hiện nay có 605 triệu tài khoản thanh toán di động đã đăng ký – nhờ đó họ có thể gửi tiền mặt qua tin nhắn – tăng từ 469 triệu vào năm 2018, biến khu vực này thành mảnh đất màu mỡ cho các ứng dụng tài chính tiêu dùng tiên tiến hơn.
Bốn năm sau khi thành lập, Chipper Cash có năm triệu người dùng đã đăng ký ở bảy quốc gia, trong đó có Uganda, Ghana và Nigeria. Công ty không chỉ cung cấp dịch vụ chuyển tiền chi phí thấp mà còn thanh toán hóa đơn, giao dịch tiền mã hóa và mang đến khả năng mua cổ phiếu của Hoa Kỳ.
Không tính các giao dịch tiền mã hóa, Chipper Cash đạt doanh thu 75 triệu đô la Mỹ vào năm 2021, so với 18 triệu đô la Mỹ vào năm 2020. Công ty cũng là một trong hơn mười thành viên mới thuộc danh sách Fintech 50 năm nay của Forbes.
Ý tưởng về Chipper Cash được nảy sinh từ thời Serunjogi học trung học, khi anh thấy những vấn đề mà cha mình gặp phải khi cố gắng chuyển tiền qua hệ thống ngân hàng phức tạp của châu Phi.
Gia đình của Serunjogi sống ở thị trấn Gayaza tại Ugandan, cách thủ đô Kampala khoảng 16km. Cha mẹ anh sở hữu trang trại và cha anh cũng điều hành tổ chức CNTT giúp các doanh nghiệp địa phương thiết lập hệ thống công nghệ.
Mặc dù gia đình không giàu có, nhưng cha mẹ vẫn gửi Serunjogi và hai anh trai của anh đến trường trung học tư thục và ghi danh cho họ vào câu lạc bộ bơi lội đầy cạnh tranh. Năm 2010, Serunjogi, khi đó 16 tuổi, tham gia đội Olympic trẻ của Uganda.
Sau khi gặp khó khăn với việc chuyển khoản ngân hàng, cha anh buộc phải bay đến Nam Phi với phong bì chứa đầy tiền mặt để trả cho huấn luyện viên bơi lội của con trai mình trong khi họ đang tập luyện ở đó.
Sau khi tốt nghiệp trung học, Serunjogi theo anh trai đến Grinnell, trường đại học nghệ thuật tự do nhỏ ở Iowa nổi tiếng với hệ thống giáo dục mạnh mẽ, nơi cả hai đều là thành viên trong đội tuyển bơi của trường. Tại Grinnell, anh gặp Moujaled, sinh viên chuyên ngành khoa học máy tính người Ghana đã lập ra nhóm sinh viên lập trình nổi tiếng.
Gần như ngay lập tức, cả hai bắt đầu nói về việc phát triển một ứng dụng chuyển tiền của châu Phi. Nhưng trước tiên họ muốn trải nghiệm thực sự trong thế giới công nghệ và cần thị thực làm việc. Vì vậy, trong năm cuối đại học, Serunjogi đã gửi email cho Mark Zuckerberg và Sheryl Sandberg và xin thực tập tại Facebook, rồi chuyển sang làm việc toàn thời gian ở Dublin sau khi anh tốt nghiệp vào năm 2016.
Mùa xuân năm 2018, Serunjogi nhắn tin cho Moujaled, người đang làm kỹ sư phần mềm ở San Francisco, nói rằng đã đến lúc bắt đầu. Serunjogi bỏ việc và chuyển đến căn hộ studio của Moujaled, ngủ trên nệm hơi trong gian bếp nhỏ.
Cả hai sử dụng tiền tiết kiệm chưa đầy 30 ngàn đô la Mỹ và mức lương thời điểm đó của Moujaled làm vốn hạt giống. Họ ra mắt phiên bản thử nghiệm của ứng dụng vào tháng 7.2018, cho phép khách hàng gửi tiền từ Uganda đến Ghana miễn phí.
Họ giới thiệu ý tưởng tới hơn 50 công ty VC và đến tháng 11.2018, công ty 500 Startups đồng ý đầu tư 150 ngàn đô la Mỹ. Trước khi giấy tờ được ký kết, Mohnot đã chuyển 40 ngàn đô la Mỹ cho Chipper sau khi Serunjogi nói với ông rằng anh sắp thiếu tiền thuê nhà. “Tôi sẽ mãi mãi biết ơn ông ấy vì điều đó,” Serunjogi nói.
Ứng dụng dễ sử dụng, miễn phí của Chipper là một cải tiến lớn so với các ứng dụng khác đang có sẵn. Ví dụ, M-Pesa của Kenya, ra mắt vào năm 2007, tính phí từ 1-2% cho nhiều lần chuyển tiền trong nước.
Đến giữa năm 2019, Chipper Cash đã có mặt ở Uganda, Ghana, Kenya và Rwanda. Công ty sớm mở rộng sang Nigeria, thị trường lớn nhất châu Phi với hơn 200 triệu dân và đến cuối năm, họ có 600 ngàn khách hàng. Công ty cũng thu phí trao đổi ngoại tệ từ 2-5% để bắt đầu tạo ra doanh thu.
Khi bitcoin tăng từ 14 ngàn đô la Mỹ lên 20 ngàn đô la Mỹ vào mùa thu năm 2020, Chipper bắt đầu cho phép người dùng mua và bán bitcoin và ether, thiết lập mảng kinh doanh sinh lợi thứ hai: phí giao dịch.
Công ty đạt mức định giá 2,2 tỉ đô la Mỹ vào cuối năm 2021, với đầu tư từ các công ty bao gồm FTX của Sam Bankman-Fried, Ribbit Capital và Bezos Expeditions. Các giao dịch tăng từ 200 triệu đô la Mỹ trong quý đầu tiên của năm 2021 lên 1,6 tỉ đô la Mỹ trong 12 tháng sau đó.
Mọi tăng trưởng đó đều đi kèm với những thách thức lớn hơn. Một là tính thanh khoản: Chipper cần đảm bảo có đủ tiền ở mỗi quốc gia để hỗ trợ chuyển khoản tức thì. Nếu không đủ tiền, thời gian giao dịch có thể chậm lại cả ngày hoặc lâu hơn. Tiền có thể giải quyết vấn đề đó. Nỗi lo lớn hơn là sự cạnh tranh.
Công ty khởi nghiệp Wave có trụ sở tại Senegal cung cấp các dịch vụ tương tự (mặc dù tính đến nay, thị trường của họ ở các quốc gia khác với Chipper) và được định giá 1,7 tỉ đô la Mỹ vào năm ngoái. Các công ty chuyển tiền khác như Remitly và Wise chưa cho phép mọi người gửi tiền từ quốc gia châu Phi này sang quốc gia châu Phi khác, nhưng không có gì ngăn cản họ tham gia thị trường.
Hiện tại, Serunjogi đang tập trung vào duy trì tốc độ phát triển vượt bậc của Chipper, hướng đến lợi nhuận – và giúp đỡ người châu Phi trong quá trình này. Anh nói khách hàng được hưởng lợi khi họ có thể chuyển tiền dễ dàng và có những phương thức mới để đầu tư và làm giàu. “Tôi tin tưởng sâu sắc vào vai trò của tinh thần doanh chủ và chủ nghĩa tư bản trong việc cải thiện cuộc sống của những người ở các nước đang phát triển.”
Biên dịch: Quỳnh Anh Theo Forbes Việt Nam số 107, tháng 7.2022