Tại Hội nghị COP26 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết net-zero cho Việt Nam vào năm 2050. Đối với quốc gia đang phát triển như Việt Nam với nền kinh tế đang phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, mục tiêu có khả thi và làm cách nào?
Báo cáo mới nhất 2021 của ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cho biết thế giới cần giảm lượng phát thải khí nhà kính về 0 (zero) trước năm 2050, nhằm kiểm soát nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng không quá 1,5oC, tránh các thảm họa khí hậu tàn khốc và không thể đảo ngược.
Do vậy, mục tiêu “phát thải ròng bằng 0” (net-zero) là một trong những chủ đề thảo luận chính tại Hội nghị lần thứ 26 về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc (COP26) năm 2021. Hiểu ngắn gọn, net-zero là đạt được sự
cân bằng giữa lượng khí nhà kính phát thải vào khí quyển và lượng được hấp thụ tại một giai đoạn bất kỳ.
Đến nay, có 137 quốc gia, đại diện cho 88% tổng lượng phát thải thế giới, gồm các nước phát thải lớn như Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ đã cam kết hoặc hướng tới mục tiêu net-zero. Mỗi quốc gia tự đặt ra mốc thời gian để đạt mục tiêu này, phần lớn là vào năm 2050, một số ít ngoại lệ vào năm 2035 và muộn nhất vào năm 2070.
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đưa ra cam kết net-zero cho Việt Nam vào năm 2050. Đối với quốc gia đang phát triển như Việt Nam với nền kinh tế đang phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, mục tiêu có khả thi và làm cách nào?
Nguồn phát thải khí nhà kính chính ở Việt Nam
Tham gia Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, Việt Nam cam kết giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) năm 2015. NDC 2020 đưa ra cam kết mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính 9% vô điều kiện (bằng nguồn lực trong nước) và 27% có điều kiện (với hỗ trợ quốc tế) vào năm 2030 so với kịch bản phát triển thông thường (BAU).
NDC 2020 ước tính tổng lượng phát thải khí nhà kính đạt 528,4 triệu tấn CO2tđ (CO2tương đương) vào năm 2020 và 927,9 triệu tấn CO2tđ vào năm 2030. Trong năm lĩnh vực phát thải chính theo phân loại của IPCC – năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (LULUCF), xử lý chất thải và các quy trình công nghiệp, thì năng lượng là ngành có lượng phát thải lớn nhất, chiếm khoảng 65,8% tổng lượng phát thải khí nhà kính năm 2020 và ước tính tăng lên 73,1% năm 2030.
Trong lĩnh vực năng lượng, 60% lượng phát thải năm 2020 từ công nghiệp năng lượng – chủ yếu từ sản xuất điện năng. Do đó, việc giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất điện là vô cùng quan trọng để Việt Nam có thể đạt các cam kết trong NDC và mục tiêu net-zero mới.
Tính đến 2020, tổng công suất lắp đặt hệ thống điện quốc gia đạt khoảng 69,3GW với nguồn năng lượng tái tạo chiếm 55,3% (thủy điện 30% và các nguồn tái tạo phi thủy điện 25,3%); nhiên liệu hóa thạch chiếm 44% và 0,8% còn lại là điện nhập khẩu. Trong dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia VIII (PDP8), tổng công suất lắp đặt dự báo tăng hơn gấp đôi, lên 138GW năm 2030 và đạt 276GW năm 2045, nhưng cơ cấu nguồn điện không thay đổi đáng kể.
Theo dự thảo này, Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch (khoảng 42% tổng công suất) để đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng nhanh vào năm 2045.
Kịch bản cho mục tiêu net-zero
Mô hình phân tích của chúng tôi ước tính tổng phát thải khí nhà kính từ 2031 đến 2050 dựa trên dữ liệu NDC 2020 và các giả định phát triển khác cho thấy Việt Nam có thể đạt đỉnh vào năm 2040 với khoảng 1.254,6 triệu tấn CO2tđ, sau đó giảm dần xuống 1.214,4 triệu tấn CO2tđ vào năm 2050. Trong mô hình phân tích này, đây là kịch bản BAU theo cam kết NDC trước khi có cam kết net-zero. Vậy mục tiêu net-zero mới tác động thế nào đối với phát thải theo ngành?
Để đạt được mục tiêu net-zero, mô hình dự báo tính toán các nguồn điện năng của Việt Nam cần được khử CO2 rất sâu, nguồn điện từ nhiên liệu hóa thạch chỉ còn chiếm 10% tổng công suất. Tuy nhiên, vẫn chưa đủ, cần các biện pháp tham vọng để giảm đáng kể phát thải trong các lĩnh vực khác, đồng thời tăng cường hấp thụ CO2.
Tùy thuộc vào bản chất cũng như tính khả dụng công nghệ của từng ngành, chúng tôi đưa ra kịch bản mục tiêu giảm phát thải của từng ngành. Như chuyển đổi tối thiểu 85% phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang xe điện, cắt giảm 50% phát thải từ các hoạt động nông nghiệp, mức hấp thụ CO2 tăng lên 50%, đồng thời phát thải từ LULUCF giảm 30% so với BAU theo cam kết NDC.
Giảm phát thải thế nào để đạt net-zero?
Đối với sản xuất điện, tăng 90% nguồn điện năng từ năng lượng tái tạo sẽ dựa chủ yếu vào các nguồn phi thủy điện, do tiềm năng các nhà máy thủy điện đã gần như được khai thác hết. Hiện nay, các nguồn năng lượng tái tạo phi thủy điện khả thi nhất vẫn giới hạn ở năng lượng gió và mặt trời. Cơ cấu sản lượng ngày càng tăng của điện tái tạo đòi hỏi nguồn điện dự phòng ổn định để đảm bảo điều kiện vận hành an toàn của toàn hệ thống, do bản chất dễ thay đổi và khó dự báo của điện gió và điện mặt trời.
Tại COP26, 46 quốc gia cam kết chấm dứt sử dụng than. Trong đó, Việt Nam là một trong năm quốc gia tham gia cam kết, đang sử dụng nhiên liệu hóa thạch nhiều nhất. Loại bỏ nguồn điện than ổn định nhưng phát thải CO2 cao trong khi nguồn điện khí vẫn phát thải khí nhà kính cũng không là giải pháp lâu dài cho mục tiêu net-zero. Trong tương lai, nếu chưa có đột phá công nghệ không carbon trong ngành điện, vậy có lựa chọn thay thế nào cho nguồn điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch để bảo đảm ổn định hệ thống?
Đối với LULUCF, mục tiêu tăng cường hấp thụ carbon và giảm nhẹ phát thải vào năm 2050 đòi hỏi giữ diện tích rừng tự nhiên như hiện nay và tăng diện tích rừng trồng mới lên 1,62 triệu ha giai đoạn 2030-2050. Mục tiêu này rất thách thức khi diện tích rừng có xu hướng giảm do các tác nhân nhân tạo và tự nhiên, cần chuyển đổi đất phi lâm nghiệp sang đất lâm nghiệp.
Phân tích hai nguồn phát thải lớn nhất cho thấy tính khả thi của kịch bản giảm phát thải tối đa là thách thức. Ngay
cả nếu đạt được kịch bản tham vọng này thì năm 2050 vẫn còn gần 240 triệu tấn CO2tđ dư cần trung hòa mới đạt mục tiêu net-zero. Hiện chúng ta chỉ có thể hi vọng sẽ sớm có cách mạng net-zero tạo đột phá sáng tạo về công nghệ không carbon để thay thế và chuyển đổi hầu hết các công nghệ hiện có, và cần sự khả thi của công nghệ hấp thụ lưu trữ carbon ở quy mô lớn.
Đạt được phát thải net-zero sẽ rất tốn kém, Vương quốc Anh ước tính cần 1,4–3,2 ngàn tỉ bảng Anh để giảm từ 460 triệu tấn CO2tđ năm 2020 xuống net-zero phát thải khi có thể đạt giảm phát thải với chi phí thấp hơn. Nghiên cứu của ngân hàng Thế giới cho thấy mức giảm phát thải carbon toàn cầu có thể tăng thêm 50% hằng năm khi có thị trường carbon.
Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ hơn để đồng hành cùng quốc tế hướng tới mục tiêu “dưới 1,5°C”. Tuy nhiên, hiện thực hóa mục tiêu net-zero vào năm 2050 sẽ tốn kém và cần xây dựng lộ trình chiến lược phản ánh các mức nỗ lực khác nhau của mỗi lĩnh vực, đặc biệt là năng lượng và LULUCF, nhằm giúp Việt Nam linh hoạt hơn trong việc đạt net-zero.
Với sản xuất điện năng, các nguồn tái tạo phải đạt tối thiểu 90% vào năm 2050. Trong khi chờ đợi sự đột phá công nghệ mới net-zero cho sản xuất điện, phát triển nguồn điện hạt nhân cần được tính đến, nếu không mục tiêu net-
zero của quốc gia rất khó đạt được.
Theo Forbes Việt Nam số 100, tháng 12.2021
(*) Đặng Hồng Hạnh là đồng sáng lập, giám đốc điều hành VNEEC
2 năm trước
BIM đón làn gió mới