Doanh nghiệp
BrandConnect | Brand Contributor

NESCAFÉ và hành trình hướng đến nền nông nghiệp tái sinh

2 ngày trước

Bước vào những rẫy cà phê tại xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin (Đắk Lắk) những ngày tháng 10, không khó để thấy một màu xanh mướt bao phủ cả vùng.

Share
this:

Từng hàng cà phê, hồ tiêu được trồng xen kẽ đều đặn, thẳng tắp và gọn gàng. Bất chấp thời tiết khắc nghiệt trong mùa khô kỷ lục vừa qua, những cây cà phê nơi đây vẫn tươi tốt, vươn mình đón nắng, đón gió, để lộ ra những cành sai trĩu quả.

Đây là thành quả hơn 13 năm NESCAFÉ Plan, chương trình do tập đoàn Nestlé triển khai tại các vùng cà phê trọng điểm trên toàn cầu. Tại Việt Nam, NESCAFÉ Plan nỗ lực cùng người nông dân chuyển đổi sang nông nghiệp tái sinh.

Trái với quan điểm khai thác triệt để nhằm tăng sản lượng, mô hình nông nghiệp tái sinh tập trung vào ba mục tiêu chính: Trả lại sự sống vốn có cho đất, kiểm soát nước tưới và đa dạng sinh học.

Trong mô hình này, người nông dân đóng vai trò trung tâm, trực tiếp quản lý các nguồn lực và đưa ra quyết định về hoạt động chăm sóc, thu hoạch. Nông nghiệp tái sinh cũng mang lại lợi ích đáng kể cho người nông dân, môi trường và xã hội, từ đó đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành cà phê Việt Nam.

Rẫy cà phê theo mô hình nông nghiệp tái sinh tại xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk trước vụ thu hoạch năm 2024.

Khi hiệu quả không chỉ đo bằng năng suất

Năm 2011, ông Dương Thanh Sâm, chủ vườn cà phê rộng 3,5 hécta, bất ngờ nhận được thư mời tham dự buổi tập huấn về kỹ thuật canh tác theo mô hình nông nghiệp tái sinh. Thời điểm này, NESCAFÉ Plan vừa chính thức triển khai thí điểm tại ba tỉnh Đắk Lắk, Lâm Đồng và Đắk Nông, những vùng trồng cà phê trọng điểm ở Tây Nguyên.

“Chương trình giới thiệu nhiều kỹ thuật hiện đại mà tôi chưa bao giờ nghe đến. Chẳng hạn, cách ủ phân hữu cơ từ cỏ dại trong vườn và vỏ cà phê để tăng độ mùn, giữ ẩm cho đất; dùng chai nước và lon sữa để theo dõi độ ẩm, xác định thời điểm cây cà phê cần tưới nước và lượng nước tưới. Trước giờ chúng tôi làm cà phê theo kinh nghiệm thôi chứ không có kỹ thuật,” ông Sâm kể.

Ông Dương Thanh Sâm là một trong những người đầu tiên tại xã Ea Tiêu tham gia chương trình NESCAFÉ Plan.

Áp dụng những kiến thức học được vào vườn cà phê của gia đình, ông Sâm nhận thấy sự thay đổi rõ rệt. Theo ông, trước đây để tưới 1 hécta cà phê có thể mất 50 giờ, nhưng khi áp dụng cách làm mới, ông chỉ cần 25 giờ là cây đủ nước và sinh trưởng tốt. Vào mùa khô, ông chỉ cần tưới 4-5 lần. Lượng phân bón hóa học cũng giảm khoảng 1/4 và không cần dùng thuốc diệt cỏ. Nhờ chi phí đầu vào giảm, lợi nhuận từ vườn cà phê cải thiện đáng kể.

Cứ như vậy, đợt tập huấn nào ông Sâm cũng có mặt. Năm 2012, ông là một trong những người sớm nhất tại xã Ea Tiêu tham gia NESCAFÉ Plan.

Đến năm 2014, ông Sâm mạnh dạn tái canh 1 hécta diện tích vườn cà phê, sử dụng giống cây mới cho khả năng kháng sâu bệnh tốt hơn, năng suất cao hơn của viện Khoa học Kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI). Đồng thời, ông Sâm cũng áp dụng xen canh hồ tiêu theo tiêu chuẩn do kỹ sư của NESCAFÉ Plan hướng dẫn.

Hai năm sau, vườn cà phê tái canh cho thu hoạch với năng suất đạt 3,5 tấn/hécta, năng suất tiêu đạt 2,2 tấn/hécta. Năng suất tăng gấp rưỡi, thu nhập của gia đình ông Sâm hiện tăng gấp đôi nhờ giảm được chi phí điện nước, phân bón, nhân công và có thêm nguồn thu từ hồ tiêu.

Năm 2016, ông Dương Thanh Sâm ứng dụng mô hình này cho toàn bộ diện tích còn lại của vườn cà phê.

Sau 12 năm tham gia NESCAFÉ Plan, ông Sâm, hiện là trưởng nhóm quản lý 144 nông hộ, khẳng định sản xuất cà phê bền vững đã làm thay đổi tư duy và cuộc sống của nông dân.

“Trước kia chúng tôi cứ nghĩ năng suất cao là tốt, làm đủ cách để tăng năng suất nhưng thực tế lại không hiệu quả vì chi phí sản xuất cũng tăng theo, chưa kể vô tình gây ô nhiễm môi trường vì dùng phân bón quá nhiều. Nhưng khi làm nông nghiệp tái sinh, từ bón phân đến tưới nước đều được tính toán chính xác cả lượng lẫn thời điểm. Trồng cà phê theo cách này, nông dân không chỉ nhàn hơn, khỏe hơn, đảm bảo kinh tế gia đình mà còn ít hại cho đất đai, đỡ lãng phí nước tưới,” ông Sâm nói.

Canh tác bền vững giúp người nông dân làm giàu từ nông sản địa phương.

Hành trình đưa cà phê trở về với tự nhiên

Tham gia từ những ngày đầu, ông Phạm Phú Ngọc, quản lý chương trình NESCAFÉ Plan cho biết, mục tiêu thuở sơ khai của dự án là trả cho đất đai sự sống vốn có, bảo đảm sự phát triển bền vững của ngành cà phê cũng như cộng đồng trồng cà phê. Để đạt được mục tiêu này, điều cốt lõi là đặt nông dân làm trung tâm, bởi chính họ là người trực tiếp thực hiện việc canh tác.

Tuy nhiên, bối cảnh nông nghiệp Việt Nam hơn 10 năm trước còn khá hạn chế, nông dân canh tác theo tập quán lâu đời, ít quan tâm đến khoa học kỹ thuật, môi trường. Vì vậy, không thể dùng lý thuyết suông để thuyết phục mà phải xây dựng kế hoạch dựa trên vấn đề họ quan tâm: lợi nhuận.

“Thay đổi hành vi bắt đầu từ thay đổi nhận thức. Chỉ khi nhận thấy lợi ích của việc tuân thủ các quy trình, giải pháp mới trong canh tác thì người nông dân mới sẵn sàng ủng hộ, thực hiện,” ông Ngọc kết luận.

Các kỹ sư nông nghiệp của NESCAFÉ Plan hướng dẫn nông dân sử dụng lon sữa bò để xác định lượng nước cần tưới.

Theo đó, để nâng cao thu nhập cho người nông dân cũng như giới thiệu về lợi ích của nông nghiệp tái sinh, NESCAFÉ Plan tập trung vào ba yếu tố: tăng năng suất và chất lượng cây trồng, giảm chi phí đầu tư và tăng nguồn thu trên mỗi vườn.

Cụ thể, Nestlé Việt Nam đã hợp tác cùng WASI trong một chương trình nghiên cứu để cung cấp các giống cà phê tốt nhất, đạt được những tiêu chuẩn về năng suất, chất lượng đáp ứng nhu cầu xuất khẩu cho bà con.

Cùng với đó, những mô hình sử dụng phân bón hiệu quả, phương pháp ủ phân từ vỏ cà phê và phụ phẩm sau thu hoạch, các khuyến cáo về kỹ thuật tưới tiết kiệm… cũng được đưa vào các buổi tập huấn để nông dân ứng dụng. Các biện pháp này vừa giúp giảm chi phí đầu tư, vừa góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên đất và nước.

Để kết nối chặt chẽ hơn với người nông dân, NESCAFÉ Plan cũng đưa vào áp dụng phần mềm FARMS (Farmer Relationship Management Solution) và FFB (Digital Farmer Field Book – Nhật ký Nông hộ số) để quản lý dữ liệu theo thời gian thực và hỗ trợ kịp thời cho từng trang trại. Đồng thời, cán bộ nông nghiệp của chương trình cũng đến tận nơi để hỗ trợ bà con.

Nông dân Ea Tiêu nhập dữ liệu trên công cụ quản lý nhật ký nông hộ (Digital Farmer Field Book – FFB).

Về đa dạng sinh học, NESCAFÉ Plan thiết kế những mô hình xen canh khoa học như trồng hồ tiêu xen cà phê hoặc xen bơ, sầu riêng, các loại cây ăn quả. Những vườn sản xuất tốt nhất sẽ được lấy làm mô hình thí điểm để các hộ nông dân khác học tập.

Sau 13 năm nỗ lực, chương trình NESCAFÉ Plan đã đạt những kết quả tích cực: hơn 21.000 nông hộ chuyển đổi sang phương pháp canh tác bền vững theo bộ quy tắc chứng nhận quốc tế 4C, hơn 74 triệu cây giống có khả năng kháng bệnh và cho năng suất cao đã được tái canh, hơn 355 ngàn lượt nông dân được tập huấn về canh tác cà phê bền vững, giảm 40 – 60% lượng nước tưới, giảm 20% phân hóa học/thuốc trừ sâu…

Ngoài ra, mô hình xen canh hợp lý còn giúp bà con tăng 30 – 100% thu nhập trên cùng diện tích so với chỉ trồng thuần cà phê.

Chia sẻ về chương trình NESCAFÉ Plan, ông Nguyễn Hắc Hiển – chi cục trưởng chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk đánh giá cao sự chủ động của doanh nghiệp trong việc hướng dẫn nông dân thực hành nông nghiệp tái sinh, giảm phát thải. “Chương trình đã tạo ra một quy trình đào tạo bài bản và trực tiếp ngay trong quá trình sản xuất của người nông dân, từ việc chọn cây giống có nguồn gốc, được công nhận đến việc chăm sóc, thu hoạch, chế biến.”

Nhìn lại hành trình hơn một thập niên, ông Phạm Phú Ngọc cảm thấy tự hào và xúc động. Đích đến của nông nghiệp tái sinh vẫn còn xa song những thành quả mà NESCAFÉ Plan đã đạt được sẽ là động lực để ông cùng các cộng sự tiếp tục phát triển, mở rộng chương trình NESCAFÉ Plan trong thời gian tới.

Trong kế hoạch NESCAFÉ Plan 2030, tập đoàn Nestlé cam kết đầu tư 1 tỉ Franc Thụy Sĩ để hỗ trợ nông dân chuyển đổi sang mô hình nông nghiệp tái sinh và góp phần vào mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Chương trình NESCAFÉ Plan 2030 cũng đặt ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ thu mua 100% cà phê từ nguồn canh tác bền vững (bao gồm tiêu chí không phá rừng), trong đó 20% cà phê sẽ được thu mua từ các trang trại canh tác theo mô hình nông nghiệp tái sinh (và tỉ lệ này sẽ tăng lên 50% đến năm 2030).