Nền tảng thương mại xã hội ON hôm nay (12.1) công bố huy động thành công 1,1 triệu USD đầu tư vòng hạt giống, được dẫn dắt bởi quỹ Touchstone Partners và sự tham gia của ThinkZone Ventures.
ON (https://ongroup.vn) ra mắt thị trường đầu năm 2021 bởi ba đồng sáng lập Nguyễn Hoàng Giang, Lưu Tiến Dũng và Nguyễn Tiến Minh, hoạt động như một đơn vị cung cấp nền tảng và các tiện ích hỗ trợ các cá nhân tự kinh doanh, kết nối đến các thương hiệu và tài xế giao hàng.
Theo số liệu tự bạch, ON đang có cộng đồng hơn 1 triệu người theo dõi, tính đến nay nền tảng thu hút hơn 10.000 đối tác bán hàng, trong đó đến 90% người kinh doanh là phụ nữ, phần lớn sinh sống ở khu vực nông thôn và các đô thị nhỏ.
ON cho biết hiện có gần 20.000 sản phẩm từ các nhà cung cấp được tích hợp trên nền tảng. Đối tác kinh doanh là những người tham gia giới thiệu và tư vấn bán hàng, ON đảm nhận từ tổ chức nguồn hàng, đóng gói sản phẩm và dịch vụ vận chuyển. “Với mỗi đơn hàng thành công, đối tác bán hàng có thể nhận được hoa hồng lên đến 50% giá trị đơn hàng,” nhà cung cấp này công bố.
Theo Nguyễn Hoàng Giang – đồng sáng lập và giám đốc điều hành ON, đại dịch Covid-19 trong hai năm qua đã thúc đẩy hành vi tiêu dùng thay đổi, dự báo 5 năm tới, thương mại điện tử, đặc biệt là thương mại xã hội sẽ trở thành xu hướng mua sắm chính của người tiêu dùng Việt Nam. “Với số vốn huy động, chúng tôi tiếp tục phát triển năng lực công nghệ, nâng cao trải nghiệm người dùng và mở rộng thị trường đến nhiều tỉnh thành tại Việt Nam,” CEO ON chia sẻ.
Startup thương mại xã hội này nhắm đến tổ chức quản lý và vận hành, thu hút đối tượng phụ nữ các khu vực nông thôn dễ dàng bán sản phẩm ra cộng đồng chung quanh với chất lượng và giá cả được ON đảm bảo, họ không phải bỏ vốn ban đầu, hay qua các công đoạn từ phí nhập hàng, lưu kho hay quản lý đơn hàng, giao hàng…
Báo cáo kinh tế số Đông Nam Á do Google, Temasek, Bain & Company nhận định tổng giá trị hàng hoá (GMV) của nền kinh tế số Việt Nam dự kiến đạt 220 tỉ USD vào năm 2030, vươn lên vị trí thứ hai trong khu vực Đông Nam Á. Trong đó thương mại điện tử, tạp hóa trực tuyến trở thành động lực tăng trưởng quan trọng cho GMV.
Báo cáo nhận định thương mại điện tử Việt Nam đạt GMV 13 tỉ USD năm 2021, tăng trưởng khoảng 53% so với cùng kỳ và có thể tăng lên gấp ba lần để đạt 39 tỉ USD vào năm 2025.
Xu hướng bán hàng đa kênh (omnichannel) đang thúc đẩy hoạt động kinh doanh trên các nền tảng thương mại xã hội bùng nổ, dự báo thị trường này sẽ vượt mức 600 tỉ USD vào năm 2027, tốc độ tăng trưởng cao nhất đến từ khu vực châu Á.
2 năm trước
Hai thập niên săn tìm kỳ lân