Demi Guo và Chenlin Meng có kế hoạch tăng nhân sự tại Pika cũng như ra mắt phiên bản trả phí cho phần mềm tạo video.
Trong năm 2022, Demi Guo và một vài người bạn học trong chương trình tiến sĩ chuyên ngành khoa học máy tính tại đại học Stanford đã dành kỳ nghỉ đông để làm phim sử dụng AI tạo sinh. Trong khoảng thời gian đó, Runway, công ty khởi nghiệp phát triển phần mềm chỉnh sửa video hỗ trợ AI vừa chạm mốc vốn hóa thị trường 500 triệu USD, đã tổ chức một cuộc thi có tên gọi “AI Film Festival” với giá trị giải thưởng cho tác phẩm tốt nhất là 10 ngàn USD. Demi Guo và những người bạn của cô đã tham gia cuộc thi, tự tin về khả năng giành chiến thắng.
Nhưng nhóm của cô không giành được giải thưởng hoặc nhận về sự công nhận nào. Chia sẻ với Forbes, Demi Guo cho biết: “Chúng tôi đã gặp khó khăn để sản xuất ra một bộ phim mặc dù cả nhóm có chuyên môn cao về công nghệ.”
Tuy sự phát triển của AI trong khoảng thời gian gần đây rất hứa hẹn, nhưng để áp dụng công nghệ này vào sản xuất video lại là thử thách đối với Guo, người từng dành ra hàng giờ đồng hồ sử dụng các công cụ như Runway và Photoshop của Adobe. Và cô nhận về thất vọng nhiều hơn thành công. Cuộc thi khi đó khép lại với giải thưởng thuộc về một nhóm làm phim chuyên nghiệp. “Bộ phim của nhóm có chất lượng không tốt và tôi đã rất thất vọng,” Guo cho biết.
Vì lẽ đó, tháng 4.2023, Demi Guo và Chenlin Meng, một người bạn học chung khóa tiến sĩ, quyết định dừng việc học tại Stanford để thành lập Pika Labs (Pika), công ty phát triển phần mềm tạo video bằng AI dễ dàng sử dụng. Thời gian sau, khoảng 50 ngàn người đã dùng thử phần mềm của Pika và công ty đến nay ghi nhận hàng triệu video được tạo ra mỗi tuần.
Sự phát triển nhanh chóng của Pika thu hút các nhà đầu tư tại thung lũng Silicon và công ty nhanh chóng hoàn tất ba vòng huy động tài chính, với tổng số vốn đầu tư nhận được là 55 triệu USD. Hai vòng gọi vốn đầu tiên do cựu CEO Nat Friedman của Github dẫn dắt. Mới nhất là huy động thành công 35 triệu USD từ vòng Series A do Lightspeed Venture Partners dẫn dắt.
Theo một nguồn thân cận, vòng Series A đã định giá Pika ở mức từ 200-300 triệu USD.
“Chúng tôi muốn tạo ra giao diện người dùng mới và được cải tiến cho việc sản xuất video. Không dễ để làm ra những video có chất lượng cao,” Demi Guo, người hiện giữ vai trò CEO tại Pika, cho biết.
Phần mềm tạo video bằng AI của Pika hiện chỉ có thể sử dụng thông qua nền tảng nhắn tin Discord, với người dùng gõ câu lệnh như “robot dạo bước trên bãi biển dưới ánh hoàng hôn” vào phần hội thoại và nhận về thành phẩm là video.
Tuy vậy, vào ngày 28.11, Pika đã mở rộng trải nghiệm lên nền tảng Web để dễ dàng tiếp cận tới nhiều người xem hơn. Để làm được điều này, công ty đã ra mắt ứng dụng và các tính năng mới cho phép người dùng chỉnh sửa cũng như tùy chỉnh đối tượng trong video.
Nat Friedman, cái tên nổi lên như một trong những nhà đầu tư cá nhân hàng đầu lĩnh vực AI sau khi rời GitHub năm 2021, trở thành người đầu tiên rót vốn cho Pika vào tháng 4.2023. Trao đổi với Forbes, Friedman cho biết anh ấn tượng với phiên bản thử nghiệm sớm mà Demi Guo và Meng phát triển bằng một bộ xử lý đồ họa (GPU). Đây là GPU chuyên biệt dùng để xử lý những tính toán phức tạp đòi hỏi AI.
Nat Friedman và Daniel Gross, người mà anh thường cùng tham gia đầu tư, đã xây dựng một cụm GPU với số lượng hơn 2.500 thiết bị có tên gọi Andromeda để hỗ trợ các startup mà cả hai đầu tư. Việc được tiếp cận Andromeda giúp đẩy nhanh kế hoạch xây dựng mô hình AI độc quyền dành cho video của Pika, tương tự như GPT-4 dựa trên văn bản (OpenAI) hay mô hình dựa trên hình ảnh của Midjourney.
Trong khoảng thời gian đầu, Pika chỉ tập trung vào tạo nội dung anime – phong cách giống tác phẩm hoạt hình từ Nhật Bản. Cả hai nhà sáng lập nói với Friedman rằng rất khó để làm AI tạo sinh cho những video thực, do các công ty với tiềm lực tài chính tốt như Runway và Stability AI đã đã xuất hiện từ trước.
Bên cạnh đó, Adobe, doanh nghiệp khổng lồ có vốn hóa thị trường 280 tỉ USD đã nhanh chóng bổ sung tính năng AI với Creative Suite. Tuy gặp phải những thách thức, nhưng chính Guo và Meng cũng như các nhà đầu tư đều cảm thấy ngạc nhiên về sự phát triển thần tốc của Pika.
Vào một buổi trưa hè, Friedman gợi ý hai nhà sáng lập nên phát triển thêm tính năng chèn chữ vào video. Ba giờ sáng hôm sau, anh nhận tin nhắn rằng đội ngũ Pika đã tích hợp tính năng này vào phần mềm. Ban đầu cảm thấy bất ngờ, nhưng Friedman sau đó nhận ra Pika làm việc rất chủ động và nhanh chóng. “Đây là một trong những điều thúc đẩy quyết định thực hiện khoản đầu tư tiếp theo của tôi,” anh chia sẻ với Forbes.
Michael Mignano, giám đốc Lightspeed Venture Partners, người đã đầu tư vào công ty hồi tháng 9.2023, nhận định đây là lợi thế quan trọng của Pika. “Tốc độ là lợi thế lớn nhất của một startup. Pika là đội ngũ nhanh nhạy nhất mà tôi làm việc,” Mignano nói với Forbes.
The Information là đơn vị truyền thông đầu tiên đưa tin Lightspeed Venture Partners thảo luận về việc đầu tư vào Pika.
Nhận định về sự thích ứng nhanh chóng của Pika là chính xác. Chỉ trong vài tuần kể từ thời điểm nói với Friedman rằng làm AI tạo sinh cho video thực rất khó, hai nhà sáng lập của Pika đã giải quyết được vấn đề này. Sau khi tiếp nhận ý tưởng từ Mignano về ứng dụng web hồi đầu tháng 11, Pika đã ra mắt sản phẩm ngay trong tháng này.
Pika hiện đang thuê hàng trăm GPU, một vài trong số đó từ Andromeda và số khác từ những nhà cung cấp dịch vụ đám mây, để phát triển phiên bản mới cho mô hình AI. Công ty đã ra mắt phiên bản mới vào ngày 28.11. Phiên bản này sẽ nâng cao khả năng của AI, cho phép chỉnh sửa và điều chỉnh hiệu quả hơn chi tiết trong video.
Trong lúc này, Pika đang nỗ lực làm việc với thuật toán để cải thiện hơn nữa mô hình AI, đồng thời phát triển mô hình xác định hoặc lọc bớt những yếu tố vi phạm bản quyền để tránh kiện tụng về sở hữu trí tuệ. “Chúng tôi vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm,” Guo cho biết.
Với vốn đầu tư mới, Demi Guo có kế hoạch tăng quy mô nhân sự của Pika từ khoảng 20 người trong năm 2022, phần lớn là các kỹ sư phần mềm và nhà nghiên cứu. Hiện tại, phần mềm của Pika vẫn miễn phí sử dụng, nhưng Guo cho biết công ty sẽ ra mắt phiên bản trả phí với người dùng trả tiền để sử dụng nhiều tính năng hơn.
Đó cũng là cách để Guo tạo nên sự khác biệt của Pika so với những đối thủ trên thị trường. “Chúng tôi không cố gắng tạo ra sản phẩm dành cho việc sản xuất phim. Thay vào đó, Pika tập trung phát triển sản phẩm dành cho người dùng thông thường, như tôi và Meng,” nhà đồng sáng lập này cho biết.
Cô chia sẻ nhóm của mình có thể đã có cơ hội giành chiến thắng tại AI Film Festival nếu những công cụ như Pika xuất hiện từ trước. “Tôi nghĩ rằng điều đó chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều,” Guo nói.
2 năm trước
6 startup Việt Nam tham gia ScaleUp 20222 năm trước
Bùng nổ đầu tư mạo hiểm ở Đông Nam Á