Quốc tế

NatGeo Wayfinder tài trợ 100.000 USD để khám phá bí mật của cá mập

Các nhà nghiên cứu của đại học Haifa vừa nhận được khoản tài trợ trị giá 100.000 USD từ National Geographic Wayfinder để thực hiện nghiên cứu đột phá về sự di chuyển của cá mập ở phía đông biển Địa Trung Hải (EMS).

Share
this:

Vùng biển này có hệ sinh thái phong phú và đa dạng, với nhiều loại sinh vật bao gồm cá, động vật không xương sống, san hô, động vật có vú và chim biển. Mặc dù biến đổi khí hậu gây ra nhiều thách thức cho vùng biển trên nhưng quần thể cá mập vẫn phát triển mạnh ở lưu vực này.

Vì vậy, các nhà nghiên cứu muốn biết rõ yếu tố nào giúp chúng có khả năng chống chịu tốt hơn với biến đổi khí hậu. Do vùng biển này nằm trong khu vực tiếp giáp với Nam Âu, Tây Á và Bắc Phi nên các quốc gia cần hợp tác để thực hiện nghiên cứu cũng như bảo tồn các loài động vật ở đây.

Tiến sĩ Scheinin và tiến sĩ Livne chuẩn bị và thả dây câu xuống biển ở độ sâu 60 m tại vịnh Boncuk, Thổ Nhĩ Kỳ, với sự hỗ trợ của các thành viên người Thổ Nhĩ Kỳ trong nhóm bao gồm tiến sĩ Aytaç Özgül, giáo sư Altan Lök, Vahit Alan, M. Tunca Olguner, Bengi Atay và Serena Pennetti. Ảnh: Akdeniz Koruma/Mediterranean Conservation Society/ Forbes

Tiến sĩ Aviad Scheinin của trạm nghiên cứu biển Morris Kahn ở đại học Haifa và cũng là nhà thám hiểm của National Geographic dẫn dắt nhóm nghiên cứu thực hiện dự án. Nhóm của Scheinin cũng phối hợp với nhiều đối tác ở EMS để tiến hành nghiên cứu và chương trình giáo dục nâng cao nhận thức nhằm đạt được hiệu quả bảo tồn lâu dài.

Khoản trợ cấp của Wayfinder rất quan trọng để xác định chính xác sự di chuyển, sinh sản của cá mập và lý do mỗi năm chúng quay trở lại những khu vực nước nóng này.

“Thông qua nền tảng có ảnh hưởng của National Geographic, chúng tôi có thể mở rộng câu chuyện để chạm đến trái tim cũng như tâm trí của nhà khoa học, trẻ em và những nhà hoạch định chính sách,” Scheinin cho biết. “Đây là câu chuyện về các loài hiện đang trên bờ vực tuyệt chủng và khả năng khám phá những bí ẩn về nơi chúng có thể sống trong điều kiện khí hậu thay đổi. Chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh câu chuyện về khả năng của nhân loại trong việc bảo vệ và duy trì những quần thể này cho các thế hệ tương lai.”

Đến nay, Scheinin gắn thẻ định vị cho hơn 100 con cá mập. Ông cũng đang điều hành “trường gắn thẻ cá mập” đầu tiên ở Địa Trung Hải để gắn nhiều loại thẻ hiện đại khác nhau nhằm theo dõi sự phân bố của cá mập.

Hầu hết cá mập đã được gắn thẻ truyền âm thanh. Nhóm nghiên cứu của ông triển khai một mạng lưới gồm 10-15 máy thu âm thanh thụ động ở các khu vực tập trung dọc theo thềm lục địa của Israel.

Ông có ý tưởng xây dựng trường học này để giúp hiểu hơn về sự phân bố của cá mập được gắn thẻ ở Israel, đồng thời thúc đẩy sự hợp tác lâu dài giữa Scheinin với những nhà nghiên cứu ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ông cũng hướng dẫn các phương pháp bắt, gắn thẻ an toàn và tuân thủ những chuẩn mực đạo đức cho nhà nghiên cứu về cá mập để đẩy mạnh việc gắn thẻ cho loài cá mập ở phía tây.

Theo danh sách đỏ các loài bị đe dọa của liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), cá mập cát đang bị đe dọa tuyệt chủng. Ảnh: AFP Via Getty Images/ Forbes 

Sau khi cẩn thận xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với nhà nghiên cứu về cá mập ở phía đông Địa Trung Hải, ông hi vọng sẽ làm sáng tỏ những bí ẩn về cá mập ở EMS. Sử dụng một loạt thẻ vệ tinh xâm lấn tối thiểu, mạng lưới máy thu âm thanh cố định, bộ phân tích sinh học và bộ sưu tập siêu dữ liệu về môi trường, nhà nghiên cứu hi vọng tìm thấy nơi cá mập di trú lẫn nơi chúng cư trú quanh năm.

“Mạng lưới gồm các đối tác của nhà nghiên cứu đang tìm cách cung cấp bằng chứng dựa trên cơ sở khoa học cho nhà hoạch định chính sách để ban hành biện pháp bảo vệ quần thể cá mập đã tồn tại ở Israel,” National Geographic viết trong thông cáo báo chí.

Cho đến nay, Israel là quốc gia duy nhất thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ tất cả loài cá mập và cá đuối trong vùng lãnh hải của quốc gia. Đây là nơi nghiên cứu tập trung vào loài cá mập cát và cá mập xám. Cả hai đều sống xung quanh dòng nước ấm thải ra từ các nhà máy điện ven biển.

Theo danh sách đỏ các loài bị đe dọa của liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), cá mập cát đang bị đe dọa tuyệt chủng. Kể từ năm 2016, Scheinin nhẫn nại thu thập dữ liệu sinh học, hình thái học và âm thanh để đánh giá tình trạng sức khỏe và phân bố của cả hai loài cá mập này.

Trong khi tiến sĩ Scheinin khống chế con cá mập, tiến sĩ Livne sử dụng máy siêu âm cầm tay để kiểm tra xem cá mập có đang mang thai hay không. Ảnh: Hagai Nativ/ Trạm nghiên cứu biển Morris Kahn/ Forbes 

Khoản tài trợ này sẽ giúp nhà nghiên cứu tìm ra đáp án cho câu hỏi như “tại sao hai loài cá mập trên trú ẩn ở vùng nước ấm do nước làm mát nhà máy điện Hadera tạo nên vào mùa đông” và “chúng đi đâu trong những tháng mùa hè.”

Đây cũng là cơ hội để các nhóm nghiên cứu hợp tác tìm hiểu về môi trường sống khác nhau ở EMS và động lực phát triển của sinh vật biển để thích ứng với các điều kiện môi trường thay đổi khi nhiệt độ tại vùng biển này ngày càng tăng.

Ngoài ra, dự án cũng nghiên cứu sâu về khả năng sinh sản của cá mập dựa vào các chỉ số sinh hóa cũng như hình ảnh siêu âm. Là thành viên của nhóm gắn thẻ định vị cá mập ở Israel kể từ năm 2019, tiến sĩ Dr. Leigh Livne, nghiên cứu sinh làm việc tại phòng thí nghiệm của Scheinin, hỗ trợ ông thực hiện khóa đào tạo bắt, thả và lấy mẫu trên tàu, cũng như phân tích dữ liệu để đưa ra kết luận giúp ích cho việc bảo tồn cả hai loài.

“Cá mập không phải là loài nguy hiểm như trong phim thường hay nói. Chúng đóng vai trò rất quan trọng để duy trì sự cân bằng sinh thái cho sinh vật biển,” Livne nhấn mạnh.

Mục tiêu cuối cùng dự án nhắm đến là khám phá xem liệu những hiểu biết từ nghiên cứu này có thể áp dụng để mang lại lợi ích cho các loài khác trên toàn cầu hay không.

Biên dịch: Gia Nhi

———————-

Xem thêm:

Nhà khoa học chia sẻ nghiên cứu về cá mập và chương trình du lịch bảo tồn đại dương
Dự án tái tạo cá mập đầu tiên trên thế giới đạt thành công