Chủ tịch TTC Group Đặng Văn Thành cho biết năng lượng và nông nghiệp tiếp tục là trụ cột trong chiến lược kinh doanh nhằm giữ vững vị thế đầu ngành đã gầy dựng được.
Ông Đặng Văn Thành khẳng định tại hội nghị nhà đầu tư tập đoàn giai đoạn 2021-2025 chủ đề “Cơ hội mới trên đường đua mới” với nhiều đại diện đến từ các công ty quản lý quỹ, công ty chứng khoán, kiểm toán, ngân hàng và các quỹ đầu tư chiều 15.7 tại TP.HCM.
Theo đó, ở ngành mía đường, công ty con Thành Thành Công Biên Hòa (SBT) đang nắm giữ 46% thị phần nội địa. Dù ở vị thế công ty dẫn đầu, ông Thành cho biết đã có nhiều băn khoăn về năng lực cạnh tranh khi thực thi cam kết Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) đối với ngành mía đường có hiệu lực từ năm 2020. Tuy nhiên, sau hơn hai năm ngành mía đường Việt Nam cho thấy đủ sức cạnh tranh nếu kinh doanh kết hợp phát triển vùng nguyên liệu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, đa dạng hóa sản phẩm và đẩy mạnh kênh phân phối.
Hiện tại TTC sở hữu trên 66.000 ha vùng nguyên liệu ở Việt Nam, Lào và Campuchia, cung cấp hơn 1 triệu tấn đường thành phẩm mỗi năm với năng suất 2,1 tấn mía/hecta và dự kiến nâng lên 3,6 tấn từ năm 2025. Tới đây, TTC Sugar sẽ mở rộng vùng nguyên liệu sang Úc với tham vọng có được thành phẩm chất lượng cao và ổn định hơn, đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường quốc tế.
Ở mảng năng lượng, công ty thành viên Điện Gia Lai (GEC) hiện là một trong các nhà đầu tư tư nhân lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo thông qua việc sở hữu hơn 600MW điện bao gồm cả thủy điện, điện gió và điện mặt trời. GEC là đơn vị đóng điện thương mại hai nhà máy điện mặt trời đầu tiên ở Việt Nam gồm Phong Điền (Thừa Thiên Huế) và Krông Pa (Gia Lai).
Năm 2021, GEC đã hoàn thành ba dự án điện gió vận hành thương mại trước ngày 31.10.2021 kịp hưởng giá bán ưu đãi (FITs). Hiện nay, GEC sở hữu 21 nhà máy thủy điện, điện mặt trời và điện gió, riêng tổng vốn đầu tư điện mặt trời và điện gió trên 11.100 tỉ đồng.
“Mảng năng lượng tái tạo chúng tôi có gần 10 năm nghiên cứu về nhu cầu và xu thế của năng lượng sạch. Chính phủ Việt Nam đã cam kết đến năm 2050 sẽ kết thúc hoạt động các đơn vị năng lượng gây ô nhiễm môi trường, vì thế cơ hội ở mảng năng lượng tái tạo là rất lớn,” ông Thành nói. Dự kiến đến năm 2025, TTC nâng công suất năng lượng lên 2.000MW nhờ các dự án đầu tư mới.
Với mảng bất động sản, ông Thành cho biết dù quỹ đất nội đô ngày càng hạn chế nhưng TTC đang sở hữu một số dự án tại TP.HCM, Đà Nẵng, Phú Quốc, Đà Lạt phù hợp phát triển ba loại hình: bất động sản dân dụng, thương mại và du lịch. Mục tiêu đến 2025 đưa doanh thu lên 7.075 tỉ đồng và lợi nhuận trước thuế 2.223 tỉ đồng, gấp khoảng ba lần và 11 lần so với kế hoạch năm nay. Quỹ đất dự kiến cũng mở rộng lên 601 ha, gấp hơn hai lần hiện tại (250 ha) nhờ các kế hoạch M&A và mở rộng đầu tư.
Đáng chú ý, tháng 6.2022, TTC đã hoàn tất mua lại trường đại học và THPT Yersin Đà Lạt – bước khởi đầu để tái lập ngành giáo dục, một danh mục mà trước đây TTC đã đầu tư. Đồng thời lên chiến lược mở rộng hệ thống trường học tại các tỉnh thành khác trên cả nước. Trước đó, mảng giáo dục từng là một trong 5 trụ cột của tập đoàn này nhưng năm 2018 TTC đã bán lại mảng này cho quỹ đầu tư Navis Capital Partners. TTC cũng đang nghiên cứu mở rộng mảng kinh doanh y tế.
“Năm 2022 là thời điểm then chốt đối với sự thành công của toàn bộ chiến lược phát triển 5 năm 2021-2025 của tập đoàn, tạo nền tảng quan trọng cho các mục tiêu dài hạn,” ông Đặng Văn Thành nhấn mạnh.
3 tháng trước
Super Energy đặt cược vào ngành năng lượng Việt Nam