multi-media / Megastory

Năm thăng trầm của những tỉ phú giàu nhất Hồng Kông

Tổng tài sản của những người giàu nhất Hong Kong giảm một ít trong bối cảnh nhiều bất ổn.

Sau khi sụt giảm vào năm 2020, kinh tế Hong Kong hồi phục với mức tăng 6,4% trong năm 2021 nhờ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa tăng. Tuy nhiên, lệnh hạn chế nghiêm ngặt nhằm ứng phó với COVID-19 tác động đến chỉ số điểm chuẩn Hang Seng, vốn đã giảm 16% trong 12 tháng qua. Trong hoàn cảnh vừa thuận lợi vừa bất ổn như vậy, tổng tài sản của 50 người giàu nhất Hong Kong giảm nhẹ, từ 331 tỉ đô la Mỹ năm 2021 xuống 328 tỉ đô la Mỹ.

Hơn một nửa thành viên danh sách có tài sản tăng lên, dẫn đầu là ba người tốp đầu. Lý Gia Thành vẫn giữ vị trí đầu với 36 tỉ đô la Mỹ, một phần nhờ thông tin mới về tài sản của ông. Khả năng phục hồi trên thị trường bất động sản dân cư của Hong Kong đã nâng giá trị cổ phần của ông trong công ty phát triển bất động sản CK Asset Holdings lên 1/3 so với một năm trước, bù lại mức sụt giảm tỉ lệ nắm giữ trong doanh nghiệp dịch vụ hội nghị truyền hình Zoom.

Lý Triệu Cơ, chủ công ty Henderson Land đã mua lô đất thương mại đắc địa trong thành phố với giá kỷ lục 6,5 tỉ đô la Mỹ, có tài sản tăng 12% lên 34,2 tỉ đô la Mỹ, giữ vững vị trí thứ hai.

Henry Cheng, con trai của nhà đại tư bản bất động sản quá cố Trịnh Dụ Đồng và xếp thứ ba kể từ năm 2020, là thành viên có tài sản tăng nhiều nhất tính theo đồng đô la, tăng 4,3 tỉ đô la Mỹ. Giá cổ phiếu tập đoàn trang sức Chow Tai Fook của ông tăng 40% nhờ doanh số tăng vọt, giúp nâng khối tài sản mà ông đồng sở hữu với gia đình lên 26,4 tỉ đô la Mỹ.

Việc đầu tư vào các công ty khởi nghiệp đã mang lại kết quả tốt, giúp hai thành viên trong danh sách tăng lớn nhất theo tỉ lệ phần trăm năm nay. Bà chủ bất động sản Chan Tan Ching-fen tăng gấp đôi tài sản lên 3,9 tỉ đô la Mỹ, nhờ đầu tư vào nền tảng chia sẻ video Kuaishou Technology, công ty đã lên sàn vào năm ngoái, huy động được 5,3 tỉ đô la Mỹ.

Ông lớn ngành vận tải biển Harindarpal Banga chứng kiến giá trị tài sản ròng của mình tăng 97% lên 2,85 tỉ đô la Mỹ, sau đợt IPO vào tháng 11.2021 của nhà bán lẻ sản phẩm làm đẹp trực tuyến Nykaa của Ấn Độ, nơi ông là nhà đầu tư ban đầu.

Ba gương mặt mới có giáo sư đại học Tang Xiao’ou, đồng sáng lập công ty AI SenseTime, ở vị trí thứ 16 với tài sản sáu tỉ đô la Mỹ sau đợt IPO tháng 12.2021.

Nhu cầu tăng cao đối với các thiết bị điện đã thúc đẩy giá cổ phiếu của Techtronic Industries tăng, giúp nhà đồng sáng lập Roy Chi Ping Chung lần đầu tiên vào danh sách. Anh em nhà Lee thừa kế đế chế dầu hào của cha Lee Man Tat, người đã qua đời vào tháng 7.2021 và đứng ở vị trí thứ tư với 18,9 tỉ đô la Mỹ.

Doanh số bán điện thoại thông minh đi ngang khiến các nhà sản xuất dư thừa hàng tồn kho, Yeung Kin-man và Lam Waiying, cặp vợ chồng đứng sau nhà sản xuất vỏ kính điện thoại thông minh Biel Crystal, chịu tác động lớn nhất trong năm nay. Tổng tài sản của họ giảm hơn một nửa, còn 8,9 tỉ đô la Mỹ và tụt sáu bậc xuống thứ 10.

Tài sản của các ông lớn sòng bạc Lui Che Woo, Pansy Ho, Angela Leong và Lawrence Ho giảm dần vì giãn cách và trấn áp của chính quyền Bắc Kinh với việc đánh bạc xuyên biên giới.

Trong năm qua, hai nhà đại tư bản bất động sản nổi tiếng đã qua đời: “ông hoàng săn nhà” Tang Shing-bor của Hong Kong và Fong Yun Wah của tập đoàn Hip Shing Hong. Tài sản của họ được chia nhỏ cho một số người thừa kế.

Hạn mức vào danh sách giảm nhẹ so với mốc một tỉ đô la Mỹ của năm ngoái. Kenneth Lo, sáng lập hãng sản xuất quần áo Crystal International, là người trở lại duy nhất, ở vị trí thứ 50 với 955 triệu đô la Mỹ.

Drone view of Victoria Harbour, Hong Kong

Joseph Lau & Chan Hoi Wan gắng gượng

Tỉ phú bất động sản Joseph Lau (Lưu Loan Hùng) trải qua năm 2021 đầy biến cố, nhưng vẫn xoay xở để đạt được lợi nhuận. Công ty Chinese Estates niêm yết tại Hong Kong của ông ước tính mất khoảng một tỉ đô la Mỹ năm ngoái sau khi bán phần lớn cổ phần của mình trong công ty phát triển bất động sản đang nợ nần chồng chất China Evergrande. Động thái đó xóa sổ 1/3 giá trị của Chinese Estates.

Tuy nhiên, nhờ mức định giá ổn định các tài sản tư nhân của ông ở Hong Kong, gồm cả tòa nhà văn phòng 18 tầng Windsor House và khu phức hợp bán lẻ ở Causeway Bay, giá trị tài sản ròng của ông Lưu lên tới 13,7 tỉ đô la Mỹ.

Ông Lưu, 70 tuổi và chủ tịch Evergrande Hứa Gia Ấn là đối tác kinh doanh lâu năm và là bạn chơi bài. Công ty Chinese Estates – nhà đầu tư nền tảng duy nhất khi Evergrande có trụ sở tại Thâm Quyến lên sàn vào năm 2009 – vẫn giữ số cổ phiếu Evergrande trị giá ba tỉ đô la Hong Kong tính đến cuối năm 2021 và công ty cho biết điều này có thể dẫn đến thua lỗ thêm trong năm nay.

Năm 2017, với lý do sức khỏe không tốt, Lưu Loan Hùng cho biết ông đã chuyển phần lớn tài sản của mình cho vợ, Chan Hoi Wan ( Trần Khải Vận) và con trai. Trần Khải Vận là CEO của Chinese Estates. Năm ngoái, để chặn giá cổ phiếu Chinese Estates sụt giảm, Trần Khải Vận đề xuất chuyển công ty thành tư nhân nhưng các cổ đông thiểu số từ chối mức đề nghị bốn đô la Hong Kong/cổ phiếu – thời điểm đó tương đương 38% thặng dư vốn cổ phần – vì giá quá thấp.

Giá cổ phiếu của Evergrande – một trong những công ty mắc nợ nhiều nhất Trung Quốc với khoản nợ hơn 300 tỉ đô la Mỹ – đã giảm hơn 90% vào năm ngoái do khủng hoảng nợ khổng lồ. Công ty này vỡ nợ, mất khả năng thanh toán cho các trái chủ và các nhà đầu tư bán lẻ Trung Quốc, những người đã mua các sản phẩm bất động sản của họ.


Tang Xiao’ou: Điều hợp lý

Nhu cầu tăng đối với cổ phiếu AI thúc đẩy thương vụ IPO của công ty tiên phong về công nghệ thông minh SenseTime tại Thượng Hải và đưa nhà đồng sáng lập Tang Xiao’ou lần đầu vào danh sách với khối tài sản sáu tỉ đô la Mỹ. SenseTime – công ty AI đầu tiên của Trung Quốc được niêm yết – đã thực hiện đợt IPO trị giá 740 triệu đô la Mỹ tại Hong Kong vào tháng 12.2021.

Ke Yan, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tại công ty DZT Research có trụ sở ở Singapore, cho biết các nhà đầu tư thích triển vọng của chứng khoán SenseTime do sự khan hiếm nguồn cung cổ phiếu AI ở châu Á. Tuy nhiên, thành quả hoạt động mạnh mẽ này lại bị lu mờ vì các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với công ty, do Washington cáo buộc rằng phần mềm nhận dạng khuôn mặt của SenseTime giúp Bắc Kinh giám sát người dân tộc Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc. Trong tuyên bố trên trang web của mình, công ty bác bỏ các cáo buộc.

Ke nói động thái này sẽ ít tác động đến tăng trưởng doanh số. Trong nửa đầu năm 2021, SenseTime tạo ra doanh thu 260 triệu đô la Mỹ, tăng 92% so với một năm trước đó. Nhưng công ty vẫn chưa có lãi, với khoản lỗ lên tới 581 triệu đô la Mỹ vì phải chi tiêu nhiều cho nghiên cứu và phát triển. Khoảng một nửa doanh thu đến từ chính phủ Trung Quốc. Chính quyền nước này triển khai công nghệ của SenseTime trong nhiều lĩnh vực, từ chăm sóc sức khỏe đến quản lý giao thông.

Tang, cổ đông lớn nhất và giám đốc điều hành của SenseTime, tiếp tục giảng dạy tại đại học Hong Kong Trung Quốc. Giáo sư kỹ thuật thông tin 54 tuổi (lấy bằng tiến sĩ từ MIT) đồng sáng lập công ty vào năm 2014 với hai sinh viên, huy động được 5,2 tỉ đô la Mỹ từ các nhà đầu tư qua 12 vòng gọi vốn.

Công ty cho biết họ sẽ dùng phần lớn số tiền từ IPO để cải thiện sức mạnh tính toán, thiết kế chip AI và các sản phẩm mới. Gần đây, họ đã khai trương một trung tâm dữ liệu AI ở Thượng Hải, dự kiến sẽ trở thành một trong những trung tâm lớn nhất ở châu Á. Cơ sở hạ tầng siêu máy tính sẽ giúp công ty mở rộng quy mô.

Biên dịch: Quỳnh Anh
Theo Forbes Việt Nam số 104, tháng 4.2022

——————————-

Xem thêm
Genting Hong Kong dừng hoạt động đơn vị đóng tàu
Gia tộc Tang ươm mầm thế hệ doanh nhân kế tiếp cho Hong Kong
Adrian Cheng mở rộng đầu tư vào blockchain và tiền mã hóa
Tỉ phú Hong Kong Pansy Ho chi 408 triệu USD mua khu dân cư đắc địa ở Singapore
Gordon Tang thâu tóm 21% cổ phần trong tòa nhà văn phòng tại Singapore