Mỹ hiện là điểm đến hàng đầu cho thợ đào bitcoin sau khi lệnh trừng phạt của Bắc Kinh đẩy các thợ đào vào cuộc đua tranh giành địa điểm mới.
Tính đến tháng 7.2021, 35,4% tỷ lệ băm – đơn vị đo lường khả năng tính toán của hệ thống đào bitcoin – được đặt tại Mỹ, theo trung tâm Tài chính Cambridge. Đây là con số thống kê cao nhất được ghi nhận tại Mỹ, tăng từ khoảng 21,8% trong tháng năm và khoảng 4,2% vào năm 2020.
Tại Kazakhstan tăng 18,1%, Nga tăng 11,2% và Canada là 9,6% – là những điểm đến hàng đầu khác cho thợ đào bitcoin. Dữ liệu không ghi nhận tỷ lệ băm tại Trung Quốc, cho thấy sự chuyển dịch đột ngột từ thị trường từng đứng đầu trong thời gian dài, với tỷ lệ băm chiếm khoảng 1/3 (34,3%) trong tháng 5 và 2/3 (67%) vào tháng 12.2020.
Những thợ đào bitcoin đã nhanh chóng rời khỏi Trung Quốc sau khi các nhà chức trách của quốc gia tỉ dân bắt đầu áp lệnh cấm tiền mã hoá vào đầu năm nay.
Đào bitcoin là quá trình giải các thuật toán phức tạp và được thưởng bằng đồng bitcoin. Những hệ thống này tiêu thụ rất nhiều năng lượng, thường được tạo ra từ nguyên liệu thô như than đá – vốn rất rẻ và dồi dào tại Trung Quốc. Điều này đi ngược lại mục tiêu bảo vệ khí hậu của đất nước tỉ dân.
Những thợ đào bitcoin đã tìm kiếm địa điểm mới từ khi giới chức Trung Quốc ban lệnh cấm các hoạt động đào và giao dịch tiền mã hoá. Một vài khu vực tại Mỹ, đơn cử như Texas, đã trở thành điểm đến thu hút thợ đào bitcoin muốn tìm nguồn năng lượng giá rẻ (đôi khi đó còn là năng lượng tái tạo). Cuộc “đào thoát” quy mô lớn ở Trung Quốc đã đẩy nhanh và nhân rộng đợt “di cư” này.
Tuy vậy các điều khoản thuế dành cho tiền mã hoá trong dự luật Cơ sở hạ tầng có thể khiến cho các thợ đào bitcoin phải cân nhắc lại về việc xem nước Mỹ như một điểm đến hứa hẹn. Thuế dành cho hoạt động đào tiền mã hoá của Kazakhstan cũng sẽ có hiệu lực vào năm 2022.
Biên dịch: Minh Tuấn
1 năm trước
Tài sản của nữ tỉ phú Dương Huệ Nghiên giảm 82%