Thành công với mô hình kinh doanh riêng ở mảng trái phiếu, công ty cổ phần Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) bước vào thị trường môi giới cổ phiếu theo cách riêng và vạch ra mục tiêu tham vọng: trở thành kỳ lân 5 tỉ USD trong 5 năm tiếp theo.
Bạn có muốn trở thành Warren Buffet? Chắc chắn bạn không thể, nhưng bạn hoàn toàn có thể sao chép giao dịch của nhà đầu tư xuất sắc này nếu ông cho phép. Đó là cách mà startup công nghệ eToro tại Israel chinh phục giới tài chính bằng cách cung cấp cho nhà đầu tư mới nền tảng giao dịch có thể sao chép danh mục của các nhà đầu tư xuất sắc theo hình thức trả phí.
Điều này tạo cảm hứng cho ông Nguyễn Xuân Minh, chủ tịch TCBS, người luôn nói với nhân viên: “Những gì máy làm được thì để máy làm, chúng ta hãy dành thời gian cho sáng tạo.” Vào tháng 4.2021, sau thời gian chuẩn bị, đội ngũ IT của công ty đã đưa iCopy – phiên bản phát triển tương tự nền tảng eToro, lên nền tảng giao dịch trực tuyến TCInvest.
“TCBS cung cấp một nền tảng công nghệ quản lý tất cả tài sản của nhà đầu tư, theo chiến lược wealthtech, kết hợp giữa quản lý tài sản – wealth và công nghệ – tech,” ông Xuân Minh giải thích với tạp chí Forbes Việt Nam về nền tảng giao dịch phục vụ khách hàng đầu tư trái phiếu, cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đầu tư.
So với nhiều đối thủ cạnh tranh, công ty chứng khoán trực thuộc ngân hàng “mẹ” Techcombank có tần suất thông tin xuất hiện thưa thớt trên các kênh truyền thông tài chính. Thế nhưng TCBS sở hữu nhiều dữ liệu thống kê ấn tượng dẫn đầu thị trường về hiệu quả hoạt động. Tại sao và bằng cách nào công ty chứng khoán này thiết lập vị thế trong một lĩnh vực rất cạnh tranh?
Năm 2020, lợi nhuận trước thuế của TCBS đạt 2.692 tỉ đồng, gần bằng tổng lợi nhuận của cả ba công ty chứng khoán lớn trên thị trường là SSI, công ty Chứng khoán TP.HCM và Bản Việt. Tỉ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 40%, dẫn đầu thị trường, gấp ba mức bình quân chung của nhóm mười công ty chứng khoán dẫn đầu thị phần môi giới.
Với hiệu quả cứ mười đồng vốn tạo ra bốn đồng lời, TCBS tạo ra hiệu quả kinh doanh đáng mơ ước với nhiều lĩnh vực. Năm 2020, TCBS nắm giữ gần 70% thị phần môi giới trái phiếu tại sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) và 40% trái phiếu phát hành, xác lập vị thế tuyệt đối ở mảng hoạt động này. Quý 1.2021, TCBS lọt vào tốp 10 thị phần môi giới cổ phiếu tại HOSE với 3,6% thị phần và quý kế tiếp nhích lên 4,03%.
Bất chấp hệ lụy to lớn về kinh tế và xã hội, đại dịch COVID-19 trở thành cú hích khiến chứng khoán toàn cầu khởi sắc. Chính sách tiền tệ nới lỏng, lãi suất thấp dẫn đến kênh tiết kiệm trở nên kém hấp dẫn. Giãn cách xã hội làm cho sản xuất đình trệ và các kênh đầu tư khác bị tắc nghẽn đưa chứng khoán lên thành kênh hút tiền thời đại dịch, thu hút hàng triệu nhà đầu tư phải làm việc tại nhà và dành một phần thời gian cho giao dịch mỗi ngày. Kết quả, cổ phiếu xác lập mặt bằng giá mới, các chỉ số chứng khoán hầu hết thiết lập các đỉnh cao mới.
Không nằm ngoài xu hướng chung, tại Việt Nam chỉ số VN-Index phá đỉnh lịch sử 20 năm vươn lên trên 1.400 điểm. Thống kê của VSD cho thấy, tính đến tháng 6.2021 thị trường chứng khoán Việt Nam có gần 3,34 triệu tài khoản cá nhân, tăng đến 43% trong vòng 18 tháng so với cuối năm 2019. Sự trỗi dậy của những nhà đầu tư mới (F0) chiếm tới 85% khối lượng giao dịch hằng ngày và dẫn dắt thị trường, thay thế các nhà đầu tư nước ngoài là điểm khác biệt so với trước đó, theo bà Trần Thị Khánh Hiền, giám đốc phân tích công ty Chứng khoán VNDirect.
Ông Nguyễn Võ Long, chủ tịch công ty FireAnt- một fintech về chứng khoán chia các công ty tài chính hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất, các nhà môi giới truyền thống, tức là các công ty chứng khoán cung cấp các dịch vụ chứng khoán thiết yếu có thể đặt lệnh mua bán, thu phí giao dịch, cho vay ký quỹ, tự doanh chứng khoán tiêu biểu như SSI, công ty Chứng khoán TP.HCM, Bản Việt, VNDirect, VPS…
Nhóm thứ hai là các fintech trong lĩnh vực tài chính non trẻ như FireAnt, FinBox, Finhay… sử dụng nền tảng công nghệ để cạnh tranh. Khác với nhóm truyền thống, các công ty fintech không cung cấp dịch vụ mà cung cấp các tiện ích gia tăng giúp nhà đầu tư ra quyết định mua bán nhanh hơn.
TCBS phát triển theo mô hình lai tạo giữa một công ty chứng khoán truyền thống với dáng dấp nhất định của một fintech. Hoạt động từ năm 2008, TCBS là công ty chứng khoán truyền thống hoạt động không mấy nổi trội, cho đến năm 2014 họ định vị lại chiến lược, đẩy mạnh đầu tư vào hoạt động phát hành, môi giới trái phiếu. “Thời điểm đó, thị trường trái phiếu mới bắt đầu rộ lên,” ông Xuân Minh kể.
Không thể bỏ qua vai trò quan trọng của ngân hàng mẹ Techcombank làm bệ đỡ giúp TCBS về nguồn lực, kinh nghiệm và hậu thuẫn tài chính giai đoạn đầu. “Đó là lợi thế mà một số công ty chứng khoán không có,” ông Xuân Minh thừa nhận, nhưng bổ sung “có công ty chứng khoán có lợi thế tương tự nhưng không tận dụng được.”
Với các khách hàng đầu tiên như Masan Group, Vingroup, Novaland, Sun Group… theo thời gian, TCBS thực hiện các giao dịch phát hành trái phiếu quy mô lớn, cấu trúc phức tạp, dẫn dắt thị trường ở một sân chơi chưa mấy đối thủ chú ý.
Đến cuối năm 2020, TCBS giữ vị trí quán quân về thị phần môi giới trái phiếu tại HOSE năm năm liên tiếp. Giữa năm 2020, họ phát hành thành công trái phiếu khối lượng lớn nhất trong năm lên tới 12 ngàn tỉ đồng cho Vinhomes. Tiếp đó, TCBS phát hành lô trái phiếu giá trị 600 tỉ đồng cho ngân hàng HSBC, thương vụ đầu tiên mở ra cơ hội để các doanh nghiệp nước ngoài huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu tại Việt Nam. Giá trị trái phiếu TCBS tư vấn phát hành năm ngoái gần 70 ngàn tỉ đồng, tăng 14% so với năm trước đó.
Lũy kế giai đoạn 2016-2020, tổng giá trị trái phiếu do TCBS tư vấn lên tới hơn 248 ngàn tỉ đồng. Bên cạnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp, TCBS còn phân phối sản phẩm trái phiếu doanh nghiệp cho các khách hàng cá nhân (iBond) có mệnh giá từ 1 triệu đồng và sản phẩm quỹ mở trái phiếu doanh nghiệp Techcom (TCBF). Năm 2019, TCBS vươn lên dẫn đầu về lợi nhuận trong số các công ty chứng khoán.
Sau khi chắc chân ở mảng trái phiếu và tạo ra con số lợi nhuận ấn tượng vượt qua các đối thủ cùng ngành, đầu năm 2020, TCBS quay lại đẩy mạnh hoạt động môi giới ở sân chơi cổ phiếu. Ông Xuân Minh nói: “Khi đủ mạnh ở mảng trái phiếu, chúng tôi muốn quay lại cạnh tranh sòng phẳng với các công ty chứng khoán khác ở mảng cổ phiếu”. Đi sau, nên TCBS chọn cách riêng: “Chúng tôi đã quyết định thay đổi toàn bộ định hướng và nhân sự để chuyển đổi.”
Thay vì thu hút khách hàng thông qua môi giới, TCBS tập trung vào khâu đưa ra quyết định đầu tư của khách hàng: dữ liệu và thông tin. Họ xây dựng nền tảng giao dịch TCInvest gồm nhiều sản phẩm đầu tư như cổ phiếu, trái phiếu, quỹ đầu tư trực tuyến. Nhìn bề ngoài, TCInvest có vẻ giống các nền tảng khác với các công cụ như đặt lệnh mua bán cổ phiếu, vay tiền ký quỹ, bảng giá chứng khoán. Tuy nhiên, khác biệt nằm ở bên trong các tính năng.
Đơn cử, bảng giá chứng khoán của TCBS có biểu đồ thể hiện theo phút giao dịch của những nhà đầu tư lớn. “Khi nhà đầu tư thấy ‘cá mập’ đang gom hàng thì nhà đầu tư nhỏ lẻ có thể đi theo,” anh Nguyễn Đăng Minh, giám đốc Công nghệ TCBS có chứng chỉ Kiến trúc sư giải pháp Amazon Cloud Web Services giải thích.
iCopy, tính năng trong mục cổ phiếu trên nền tảng TCInvest đã hỗ trợ rất nhiều nhà đầu tư F0. Với một số tiền nhất định, nhà đầu tư mới có thể học hỏi từ nhà đầu tư thành công (được TCInvest gọi là iTrader). Khi iTrader thực hiện lệnh mua/bán, hệ thống iCopy sẽ tự động phân bổ vốn của nhà đầu tư F0 theo iTrader – người sẽ được nhận hoa hồng từ TCBS từ việc cho phép sao chép giao dịch này.
Nền tảng xã hội iCopy được dự báo sẽ tác động mạnh đến hoạt động môi giới trong thời gian tới. Bằng cách chứng minh hiệu quả đầu tư của iTrader, iCopy – phiên bản Việt Nam của eToro tạo ra một nền tảng mở cho các nhà đầu tư xuất sắc có thể vừa đầu tư vừa kiếm thêm phí khi chia sẻ. “Tương tự mô hình như Uber và Airbnb trong chứng khoán,” ông Xuân Minh giải thích.
Trả lời Forbes Việt Nam qua Google Meet trong những ngày giãn cách xã hội do đợt bùng phát COVID-19 lần thứ tư, ông Xuân Minh đặt câu hỏi: “Cuối cùng thì điều gì làm mất thời gian của một nhà đầu tư nhất?” Nhận định đó là thời gian dành để nghiên cứu lựa chọn cổ phiếu, vì thế TCBS cung cấp miễn phí cho nhà đầu tư các công cụ phân tích, lựa chọn cổ phiếu. Trước đây công cụ này chỉ trang bị cho các nhà đầu tư tổ chức nhưng giờ đây nhà đầu tư cá nhân cũng có thể sử dụng.
Kết quả, số nhà đầu tư chủ động tìm đến TCBS tăng nhanh. Thống kê nội bộ, lượng truy cập vào nền tảng giao dịch TCInvest hằng ngày tăng hơn bảy lần trong một năm qua, khoảng nửa triệu lượt/ngày vào cuối quý 2.2021. Lượng người dùng và tài khoản được mở mới tại TCInvest nửa đầu năm 2021 đạt hơn 165 ngàn, chiếm 27% toàn thị trường. Tổng cộng, TCBS hiện có hơn 400 ngàn khách hàng, chiếm 15% tổng lượng tài khoản.
Làm thế nào tạo ra dữ liệu tốt cho giới đầu tư? “Phải đầu tư vào công nghệ,” ông Xuân Minh khẳng định. “TCBS không bao giờ tiếc tiền đầu tư cho công nghệ.” Thống kê, 18 tháng qua, họ đã đầu tư tới 529 tỉ đồng cho đổi mới công nghệ, bằng lợi nhuận cả năm 2020 của công ty chứng khoán có thị phần môi giới thứ 3, 4 tại HOSE.
TCBS cũng nằm trong nhóm các công ty chứng khoán đầu tiên áp dụng định danh khách hàng điện tử (eKYC), giúp họ thu hút 30% tổng số khách hàng mở mới trong đợt bùng phát COVID-19 lần đầu. Ông Xuân Minh giải thích, đầu tư công nghệ và tự động hóa đã giúp công ty tiết giảm chi phí hoạt động. Công ty chứng khoán này đang áp dụng phí giao dịch 0,1%, thuộc nhóm cạnh tranh nhất trên thị trường khi các con số tương ứng tại các công ty chứng khoán khác có thể lên tới 0,3%.
“Công nghệ và dữ liệu thật ra chỉ là bề nổi khách hàng có thể nhìn thấy. Còn nội bộ TCBS phải vận hành khác biệt thì mới có lợi thế cạnh tranh,” lãnh đạo TCBS nói. Công ty hiện có khoảng 450 nhân viên, trong đó gần 60% là nhân sự công nghệ thông tin và dự định tuyển mới tăng lên mức 75%, đưa độ tuổi trung bình giảm từ 32 xuống 30,5 tuổi.
Nội bộ TCBS cũng vận hành theo mô hình Agile (phương pháp phát triển phần mềm linh hoạt) như các công ty fintech giúp họ xoay chuyển nhanh. Theo anh Đăng Minh, công ty chia thành những nhóm nhỏ, mỗi nhóm gồm các nhân viên IT làm việc chung với các bộ phận khác, tự quản lý và phát triển các dự án riêng. Theo cách này, họ có thể triển khai rất nhanh các tính năng mới, đồng thời nhân viên IT của TCBS được đào tạo biến họ thành những người am hiểu tài chính.
Chủ tịch TCBS đánh giá công ty có một đội những người giỏi công nghệ và tài chính, luôn suy nghĩ triển khai các ý tưởng mới hỗ trợ khách hàng của TCBS. Trung bình, mỗi ngày công ty chứng khoán này có khoảng ba dự án vận hành kể cả vào cuối tuần. Nửa đầu năm 2021, TCBS đã có 552 dự án công nghệ được đưa vào vận hành. Anh Đăng Minh nói: “Những gì khách hàng muốn, lãnh đạo thấy hợp lý, 2-3 hôm sau đã có thể thấy trên bảng giá vì công ty tự chủ công nghệ.”
Techcombank vẫn đang sở hữu 100% cổ phần tại TCBS, công ty có kế hoạch IPO và giới phân tích dự đoán giá trị công ty được định giá không dưới một tỉ đô la Mỹ tại thời điểm hiện nay. “Dữ liệu xuất sắc và vận hành xuất sắc là chiến lược để công ty đi nhanh hơn và nới rộng khoảng cách với các đối thủ khác,” ông Xuân Minh nói và tiết lộ kế hoạch IPO công ty vào đầu năm 2023, sau khi hệ sinh thái TCInvest bao gồm thêm sản phẩm phái sinh được hoàn chỉnh.
Ông Xuân Minh nói: “Mục tiêu năm năm trước của TCBS là đến năm 2020 thành công ty vốn hóa một tỉ đô. Chúng tôi đã đạt được. Mục tiêu năm năm tiếp theo: Trở thành kỳ lân về wealthtech trong khu vực, với định giá 5 tỉ đô la Mỹ.”
——————————————————–
Theo Forbes Việt Nam số tháng 8&9.2021
2 tuần trước
Vấn đề lớn của nhà đầu tư vào Nhật Bản năm 20253 năm trước
Các công ty chứng khoán báo lãi kỷ lục3 năm trước
Tiền đổ kỷ lục vào chứng khoán: hơn 2 tỉ USD3 năm trước
Công nghệ: Đòn bẩy cho chứng khoán3 năm trước
HSC rớt tốp ba thị phần môi giới cổ phiếu