Triển vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng khi Mỹ áp thuế đối ứng cao thứ ba (46%) với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam.
“Giả sử xuất khẩu sang Mỹ giảm 20 – 30% sản lượng thì mục tiêu GDP 8% của Chính phủ sẽ bị ảnh hưởng. Đây là mức tác động rất lớn nếu giả định các yếu tố khác giữ nguyên,” ông Lynch Phan, nhà sáng lập kiêm CEO, giám đốc chuyên môn của Công ty Cổ phần TechProfit, cho biết trong buổi chia sẻ Café Cùng Chứng diễn ra ngày 4.4.
Vì vậy, “mức áp thuế này có tác động mạnh đến nền kinh tế của Việt Nam trong trung hạn,” ông Lynch Phan nhận định. Tuy nhiên, ông vẫn kỳ vọng chính phủ có thể thương thảo được trong buổi đàm phán sắp tới.
Cùng kỳ vọng đó, tại chương trình Talkshow: Mỹ áp thuế 46% đối với hàng hóa Việt Nam – Giải pháp tích cực để tháo gỡ, chuyên gia Đỗ Thiên An Tuấn, giảng viên Trường Chính sách công và quản lý FullBright, cho biết giải pháp đàm phán là quan trọng, chìa khóa then chốt để tháo gỡ thách thức hiện nay.
Theo ông Tuấn, việc đàm phán cho thấy rằng Việt Nam có thiện chí, cải thiện tình hình. Khi đàm phán, Việt Nam nên phải bỏ tư duy rằng “nước nghèo nên được ưu ái hơn.” Ông Tuấn cho rằng, cách tiếp cận này sẽ không thể thuyết phục được ông Trump: “Việc áp thuế lên nhiều nước đã cho thấy đối với nước Mỹ không có nước giàu, nước nghèo. Ông Trump chỉ quan tâm đến làm sao tái cân bằng thương mại.”
Vì vậy, mức thuế được thiết kế để giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam, theo công thức tính thuế của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ. Điều này có nghĩa là Việt Nam phải tăng nhập khẩu hàng hóa Mỹ, nếu không cần giảm xuất khẩu sang Mỹ.
Do đó, bên cạnh đàm phán, theo ông Tuấn, Chính phủ Việt Nam cũng nên triển khai những giải pháp song song, chẳng hạn như miễn, giảm thuế cho một số mặt hàng nhập khẩu của Mỹ vào nước ta. Ngoài ra, các MoU giữa Việt Nam và Mỹ vừa mới ký cũng nên nhanh chóng hiện thực hóa bằng những đơn hàng cụ thể.
“Không chỉ mở cửa cho thương mại mà còn dòng vốn đầu tư của Hoa Kỳ. Ngoài ra, chúng ta phải chủ động tiến hành chính sách cải cách tiền tệ,” ông Tuấn đề xuất. “Phải tiếp cận ở góc độ quốc gia, không thể tiếp cận vi mô từng ngành hàng, doanh nghiệp.”
Theo Công CTCP Chứng khoán Thiên Việt (TVS), mức thuế đối ứng đề xuất của Mỹ có thể không phải là mức thuế dài hạn áp dụng cho Việt Nam và các quốc gia khác. Mức thuế suất có thể điều chỉnh trong tương lai khi các đối tác xuất khẩu của Mỹ, bao gồm Việt Nam thực hiện quá trình đàm phán, đồng thời rủi ro lạm phát tăng mạnh tại Mỹ cũng ảnh hưởng tới khả năng điều chỉnh thuế quan của chính quyền Trump.
Nếu sau đàm phán, ông Trump vẫn kiên quyết áp mức thuế 46%, một số mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Mỹ như nhóm hàng dệt may, thủy sản, máy móc, thiết bị điện tử, giày dép sẽ bị ảnh hưởng mạnh.
Theo ông Lynch Phan, nếu Tổng thống Trump áp thuế cao thì nền kinh tế Việt Nam sẽ chuyển hướng, dồn nguồn lực vào thị trường nội địa. Bởi vì Việt Nam vẫn là quốc gia có dân số trẻ, sức tiêu dùng, sức cầu lớn.
Vì vậy, các nhóm ngành liên quan đến thị trường nội địa vẫn có khả năng tăng trưởng tốt, không bị ảnh hưởng nhiều bởi mức áp thuế trên của ông Trump, ông Lynch Phan cho biết thêm.
Dòng vốn tín dụng tiếp tục được khơi thông trong thời gian tới. Thị trường chứng khoán sẽ hồi phục khi FTSE Rusell công bố thị trường Việt Nam từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi thứ cấp.
Mức thuế mới không chỉ ảnh hưởng đến Việt Nam mà Mỹ cũng bị tác động. Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam, bà Laura Shumow, giám đốc điều hành của Hiệp hội Gia vị Thương mại Hoa Kỳ, lo ngại về những hậu quả tiêu cực ngoài ý muốn mà các loại thuế quan mới có thể gây ra đối với ngành gia vị và người tiêu dùng Mỹ.
Bà Laura Shumow kiến nghị Chính phủ triển khai quy trình miễn trừ thuế quan và loại trừ những loại gia vị không được trồng tại Hoa Kỳ. Nhiều loại gia vị như hồ tiêu, quế cần điều kiện khí hậu nhiệt đới nên không thể trồng với quy mô thương mại trong nước.
“Do đó, việc áp thuế đối với những mặt hàng này không khuyến khích sản xuất trong nước hay tạo thêm việc làm cho người Mỹ,” bà Laura Shumow cho biết. Thay vào đó, chúng tạo gánh nặng tài chính đáng kể cho các nhà sản xuất thực phẩm, nhà hàng và cuối cùng là người tiêu dùng Mỹ.
3 tháng trước
Kinh tế Mỹ tăng trưởng tích cực trong quý 38 tháng trước
Giải thể thao Mỹ thu về tiền bản quyền truyền hình mới